Cựu phóng viên Trung Quốc bị ép 'nhận tội trên truyền hình’ vì chất vấn số người thương vong trong xung đột Trung - Ấn

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hôm 1/3, chủ tài khoản Weibo có hơn 2,5 triệu người theo dõi @辣笔小球 (Lạp Bút Tiểu Cầu) đã bị buộc phải “nhận tội” trên Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc CCTV. Người này từng là phóng viên điều tra cho hai tờ báo của Trung Quốc, và đã bị bắt hôm 20/2 vì đăng bài đặt nghi vấn về số binh lính Trung Quốc tử trận trong xung đột Trung - Ấn.

Vào ngày 1/3, tài khoản WeChat chính thức của "Viện kiểm sát Nam Kinh", Trung Quốc thông báo rằng cơ quan kiểm sát Nam Kinh đã phê chuẩn việc bắt giữ ông Cừu X Minh (X là tên đệm được ẩn đi), chủ tài khoản Weibo "Lạp Bút Tiểu Cầu". Thông cáo cho biết, ông Cừu đã "hạ thấp và chế nhạo các anh hùng liệt sĩ bảo vệ biên giới", và thông tin mà ông Cừu đăng lên đã bị lan truyền nhanh chóng trên Weibo và các nền tảng trực tuyến khác, gây "tác động xấu đến xã hội". Vào ngày 20/2, Cừu X Minh đã bị cơ quan cảnh sát tạm giữ hình sự. Ngày 25/2, ông Cừu bị cơ quan kiểm sát phê duyệt bắt giữ với tội danh "nghi ngờ kích động gây gổ".

Sau đó, tờ Nhật báo Kiểm sát của Viện Kiểm sát Tối cao Trung Quốc đã đưa tin kèm đoạn phim "thú tội" sau khi bị bắt của "Lạp Bút Tiểu Cầu". Kênh “Tiếp sóng Tin tức” của CCTV cũng đã phát sóng "lời thú tội" dài gần một phút của ông Cừu vào đêm hôm đó.

Trong đoạn video, khuôn mặt của chủ tài khoản Weibo "Lạp Bút Tiểu Cầu" bị làm mờ và đang mặc đồng phục của một tù nhân. Ông Cừu nói hành vi của mình là "hủy hoại lương tâm" và cảm thấy "rất hối hận".

Cuộc xung đột tồi tệ nhất trong 45 năm xảy ra ở biên giới Trung - Ấn hồi tháng 6 năm ngoái, khiến ít nhất 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng. Sau vụ việc, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) không công bố con số thương vong, mãi đến tháng 2 năm nay mới thông báo rằng phía Trung Quốc có "4 binh sĩ đã thiệt mạng và 1 trung đoàn trưởng bị thương nặng”.

Sau đó, "Lạp Bút Tiểu Cầu" đã đăng 2 bài trên Weibo với nội dung như sau:

"Cấp bậc cao nhất, Trung đoàn trưởng sống sót, tính cách của Trung đoàn trưởng này khẳng định là ‘cơ trí + nhanh như thỏ + ngồi siêu xe + lao trên còn đường huyết lộ + tăng tốc. Trên cơ sở này, ‘quân lính nước ngoài tan tác và ôm đầu bỏ chạy’. Dù sao thì, chúng ta đã thắng".

“Mọi người ngẫm xem, 4 người đã hy sinh đều là ‘đến cứu viện’. Ngay cả những người đi cứu viện cũng hy sinh, vậy thì chắc chắn phải có người không cứu được. Điều này cho thấy số người tử trận không phải chỉ có 4 người. Đây là lý do tại sao Ấn Độ dám công bố số lượng và danh sách những người thiệt mạng ngay từ đầu. Theo quan điểm của Ấn Độ, họ đã thắng vì cái giả phải trả thấp hơn nhiều".

Chủ tài khoản Weibo "Lạp Bút Tiểu Cầu", tên thật là Cừu Tử Ming (Qiu Ziming), sinh năm 1982 ở thành phố Nam Kinh, tỉnh Giang Tô. Ông Cừu theo học chuyên ngành báo chí và có bằng thạc sĩ luật tại Khoa Chính trị của Đại học Nam Kinh, từng làm phóng viên điều tra cho hai tờ báo là "Jinling Evening News" "The Economic Observer".

Ngoài "Lạp Bút Tiểu Cầu", nhiều cư dân mạng Trung Quốc cũng đã bị bắt vì chất vấn con số thương vong của ĐCSTQ. Tính đến thời điểm hiện tại, ít nhất 6 cư dân mạng ở Bắc Kinh, Hà Bắc, Quý Châu, Quảng Đông, Tứ Xuyên, Giang Tô đã bị bắt giữ. Một nam thanh niên ở Trùng Khánh tên là Vương Tịnh Duy (Wang Jingyu) vì đang ở nước ngoài nên đã bị chính quyền gán cho tội “bỏ trốn trên mạng”, nhưng người nhà của anh này ở Trung Quốc đã bị bắt và bị quấy rối.

"Nhận tội trên truyền hình" tước đoạt nhân quyền

"Nhận tội trên truyền hình" là một ‘đặc sản’ của xã hội mà ĐCSTQ tuyên bố là pháp quyền. Cách làm “bêu đầu thị chúng” này được kế thừa từ thời Đại Cách mạng Văn hóa, nó khiến đương sự vì thân lâm vào cảnh tù ngục, cô độc bất lực, bị chịu sự tra tấn khủng khiếp về thể xác và tinh thần nên đành phải khuất phục trước sức ép của nhà cầm quyền, “ăn năn” dối lòng mình, và bị tước đoạt nhân quyền.

Vào tháng 2 năm nay, Vương quốc Anh đã tuyên bố thu hồi giấy phép phát sóng của Mạng lưới Truyền hình Toàn cầu (CGTN) - phân nhánh của CCTV tại Anh. Nguyên nhân cũng là do CGTN CCTV liên tục phát sóng các video “bị ép nhận tội” của những người bị ĐCSTQ giam giữ.

Tổ chức nhân quyền phi chính phủ "Safeguard Defenders" tuyên bố rằng việc CGTN phát sóng các đoạn phim này tương đương với hành vi "cố tình bóp méo sự thật, làm giả trắng trợn", vi phạm các quy định của Cơ quan Quản lý Truyền thông Anh (Ofcom) về tính công bằng và chính xác.

Năm 2013, ông Peter William Humphrey, một thám tử tư người Anh, bị bắt khi đang làm việc cho GlaxoSmithKline - một công ty dược phẩm đa quốc gia ở Trung Quốc. Ông bị giam ở Thượng Hải trong 23 tháng và bị buộc phải "nhận tội" trước ống kính của CCTV.

Humphrey nói rằng ông bị khóa vào ghế sắt để "xét xử", lúc đó 6 "thẩm phán" mặc đồng phục đang ngồi trên bục, người thẩm vấn đọc câu hỏi từ bảng kẹp giấy và "hướng dẫn" ông cách trả lời.

Simon Cheng (Trịnh Văn Kiệt), một cựu nhân viên của Tổng lãnh sự quán Anh tại Hong Kong, đã đến Thâm Quyến trong một chuyến công tác ngắn ngày vào tháng 8/2019. Trong thời gian này, ông Cheng đã bị ĐCSTQ bắt cóc, sau đó bị buộc phải “nhận tội” trên CCTV, thừa nhận rằng ông đã "phản bội tổ quốc" và "mua dâm". Sau đó, ông Cheng kể về việc bị chính quyền ĐCSTQ giam giữ trong 15 ngày và bị tra tấn. Ông nói rằng trong một số cảnh, "họ đã chuẩn bị toàn bộ kịch bản để tôi đọc".

Ông Peter William Humphrey và ông Simon Cheng đã lần lượt đệ đơn khiếu nại lên Ofcom dẫn đến việc CGTN bị đình chỉ giấy phép phát sóng tại Anh.

Đông Phương

Theo Epoch Times tiếng Trung



BÀI CHỌN LỌC

Cựu phóng viên Trung Quốc bị ép 'nhận tội trên truyền hình’ vì chất vấn số người thương vong trong xung đột Trung - Ấn