Cuộc đấu đá nội bộ của ĐCS Trung Quốc ở Hong Kong sẽ còn tiếp tục trong năm 2021

Giúp NTDVN sửa lỗi

Năm 2021, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tiếp tục đàn áp các nhà dân chủ Hong Kong, tước đoạt tự do của người dân Hong Kong, phớt lờ sự lên án của cộng đồng quốc tế và các lệnh trừng phạt do Hoa Kỳ áp đặt, tuy nhiên trên thực tế thì áp lực của các quan chức cấp cao ĐCSTQ thực sự không hề nhỏ. Áp lực này phần lớn là đến từ nội bộ.

Dù đang ở thế tứ bề khốn đốn, ĐCSTQ vẫn đang đẩy nhanh việc đại lục hóa Hong Kong, cố gắng biến Hong Kong thành một thành phố trực thuộc trung ương. Tất nhiên, họ sợ rằng cuộc đấu tranh dân chủ ở Hong Kong sẽ lan sang đại lục.

Ngoài ra, ĐCSTQ còn có một vấn đề lớn khác ở Hong Kong, đó là một số người trong nội bộ chính đảng này luôn sử dụng Hong Kong làm căn cứ để đấu đá nội bộ, hoặc có thể nói đây là thành trì then chốt của các phe nhóm chống lại ông Tập Cận Bình. Ông Tập vẫn rất khó để có thể kiểm soát hoàn toàn Hong Kong.

Trong phong trào chống dẫn độ về đại lục ở Hong Kong năm 2019, các phe phái chống Tập đã châm dầu vào lửa, khiến ông ta rơi vào thế cưỡi trên lưng cọp, cuối cùng phải bí mật nhờ Vương Kỳ Sơn chữa cháy và chính thức rút lại "Dự luật dẫn độ Hong Kong 2019". Vào năm 2020, ông Tập Cận Bình chấp nhận rủi ro, không ngần ngại làm Hong Kong rối tung lên nhằm đạt được ý đồ thu Hong Kong về tay.

Cảnh sát Hong Kong đã bắn đạn hơi cay
Vào năm 2020, ông Tập Cận Bình chấp nhận rủi ro, không ngần ngại làm Hong Kong rối tung lên nhằm đạt được ý đồ thu Hong Kong về tay. Hình ảnh cảnh sát Hong Kong bắn đạn hơi cay ở Causeway Bay và Wan Chai để giải tán hiện trường. (Ảnh: Li Tianzheng / kanzhongguo)

Tập Cận Bình không thực sự kiểm soát các cơ quan chính phủ của Hong Kong

Ngày 6/1/2020, ông Lạc Huệ Ninh (Luo Huining) tiếp quản Văn phòng Liên lạc của ĐCSTQ tại Đặc khu Hành chính Hong Kong (sau đây gọi tắt là Văn phòng Liên lạc). Thực ra ông ta không có quan hệ gì với ông Tập Cận Bình, có lẽ chỉ có thể coi ông Lạc là ứng cử viên chuyển tiếp chứ không phải là thân tín của ông Tập. Còn cựu Chủ nhiệm Văn phòng Liên lạc đã bị cách chức Vương Chí Dân (Wang Zhimin) từng làm việc ở Hong Kong và Ma Cao trong một thời gian dài, bề ngoài thì trung thành với ông Tập, nhưng thực tế thì ông ta vẫn thuộc phe của Giang - Tăng (Giang Trạch Dân và Tăng Khánh Hồng).

Ông Tập Cận Bình lên nắm quyền năm 2012. Tám năm sau, người đứng đầu Văn phòng Liên lạc mới được thay thế bởi một tay chân của ông ta. Vì trước nhiệm kỳ của ông Vương Chí Dân, Chủ nhiệm Văn phòng Liên lạc này là ông Trương Hiểu Minh (Zhang Xiaoming), ông này lại càng là người của Giang - Tăng. Năm 2017 khi Vương Chí Dân tiếp quản Văn phòng Liên lạc, ông Trương được ‘thăng chức’ làm Chủ nhiệm Văn phòng Các vấn đề Hong Kong và Ma Cao và hôm 13/2/2020 bị giáng chức xuống làm Phó chủ nhiệm.

Liệu Đặc khu trưởng Hong Kong Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) có thực sự tuân theo mệnh lệnh của ông Tập hay không cũng là vấn đề cần đặt dấu chấm hỏi. Bà Lâm nhậm chức vào năm 2017 khi ông Trương Đức Giang (Zhang Dejiang) vẫn còn là lãnh đạo của Nhóm lãnh đạo Trung ương về các vấn đề Hong Kong và Ma Cao (sau đây gọi tắt là Nhóm lãnh đạo). Chắc hẳn ông Trương Đức Giang, một nhân vật lớn trong phe Giang - Tăng, đã gật đầu đồng ý cho bà Lâm lên.

Liệu Đặc khu trưởng Hong Kong Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) có thực sự tuân theo mệnh lệnh của ông Tập hay không cũng là vấn đề cần đặt dấu chấm hỏi. (ANTHONY WALLACE/AFP / Getty Images)
Liệu Đặc khu trưởng Hong Kong Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) có thực sự tuân theo mệnh lệnh của ông Tập hay không cũng là vấn đề cần đặt dấu chấm hỏi. (ANTHONY WALLACE/AFP / Getty Images)

Hiện nay, trưởng Nhóm lãnh đạo này là ông Hàn Chính (Han Zheng), là một trong bảy Thường vụ và Phó thủ tướng ĐCSTQ. Ông là một thành viên điển hình của băng đảng Thượng Hải và vẫn có ý định tiếp tục các chính sách của Giang - Tăng để bảo vệ lợi ích của phe mình ở Hong Kong. Sau khi ông Hàn bị thuyên chuyển khỏi Thượng Hải, ông Tập không ngừng điều chuyển những tay chân của mình đến Thượng Hải, và cố gắng phá bỏ băng đảng Thượng Hải mà Hàn Chính đã dày công tổ chức, vậy nên ông Hàn Chính không thể là người một lòng một dạ với ông Tập.

Cùng lắm thì vị trí của bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga là người giữ cân bằng giữa hai phe. Ông Tập Cận Bình có thể thay đổi vị trí Chủ nhiệm của Văn phòng Liên lạc, nhưng việc làm sạch từ cấp Phó chủ nhiệm trở xuống sẽ cần phải có thời gian, và việc làm sạch Văn phòng Các vấn đề Hong Kong và Ma Cao cũng đang trong tình trạng tương tự. Có khả năng ông Tập cũng muốn thay bà Đặc khu trưởng Lâm Trịnh Nguyệt Nga, nhưng đó không phải là việc dễ dàng. Đó không chỉ là vấn đề nhiệm kỳ mà còn phải tìm một ứng cử viên kế nhiệm đáng tin cậy. Hiện Hong Kong vẫn chưa phải là thành phố trực thuộc trung ương nên Bắc Kinh không thể trực tiếp thay đổi Đặc khu trưởng, lại càng không thể thiết lập vị trí Bí thư Thành ủy.

Ứng cử viên kế nhiệm bà Lâm chỉ có thể được chọn ở Hong Kong, tuy nhiên, trong số các đảng phái hoạt động ngầm ở Hong Kong, ông Tập Cận Bình không thể thực sự tin tưởng phe nào, hoặc nếu có thì họ đều có thể sẽ là đối tượng bị thanh trừng.

Tập Cận Bình khó kiểm soát các tổ chức đảng phái hoạt động ngầm ở Hong Kong

Hiện tại, ông Tập Cận Bình vẫn chưa thể kiểm soát hết các cơ quan chính phủ của Hong Kong, kiểm soát các tổ chức đảng phái hoạt động ngầm lại càng khó hơn. Trong 23 năm qua, hơn 1 triệu người đã di cư từ đại lục đến Hong Kong, không khó để tưởng tượng rằng hầu hết những người này đều có xuất thân không bình thường, và cũng không thể biết được có bao nhiêu người trong số họ là có nhiệm vụ đặc biệt.

Trước khi Hong Kong được trao trả cho Trung Quốc, các thành viên bí mật của ĐCSTQ đã vào Hong Kong bằng nhiều con đường, cũng như là dần dần thâm nhập và phát triển thành các tổ chức bí mật ở đây. Số người trong các đảng phái bí mật ở Hong Kong có lẽ phải gần 2 triệu người.

Những người này lẽ ra là nguồn vốn lớn nhất để ĐCSTQ ăn mòn Hong Kong, nhưng giờ đây họ lại trở thành mối lo của lãnh đạo cao nhất ĐCSTQ. Những người này rốt cuộc đang nghe theo lệnh của ai thì đến nay vẫn là một bí ẩn. Nếu những người này không tuân theo mệnh lệnh của lãnh đạo cấp cao ĐCSTQ, và thậm chí là lãnh đạo hiện tại của ĐCSTQ cũng không có danh sách nhân sự hoặc kênh liên lạc để chỉ huy họ, thì họ không những không phải là lực lượng nằm trong tầm kiểm soát, mà ngược lại còn có thể là vũ khí trong tay các đối thủ chính trị trong nội bộ ĐCSTQ.

Vào tối ngày 21/7/2019, một lượng lớn người mặc áo trắng được trang bị gậy tre, ô và các loại vũ khí khác, đã tấn công người dân ở khu vực ga tàu điện ngầm Nguyên Lãng, Hong Kong một cách tàn bạo. (Ảnh chụp màn hình video)
Vào tối ngày 21/7/2019, một lượng lớn người mặc áo trắng được trang bị gậy tre, ô và các loại vũ khí khác, đã tấn công người dân ở khu vực ga tàu điện ngầm Nguyên Lãng, Hong Kong một cách tàn bạo. (Ảnh chụp màn hình video)

Trong phong trào chống dẫn độ ở Hong Kong năm 2019, từng xảy ra vụ nhóm xã hội đen mặc áo trắng đánh đập người dân dã man tại nhà ga Nguyên Lãng. Cảnh sát đã cố tình rời đi sớm và không ai trả lời các cuộc gọi báo án. Vụ việc này có vẻ như là do đối thủ chính trị của ông Tập Cận Bình làm hơn là do chính ông ta hay thuộc hạ ra lệnh. Bề ngoài, mục đích là để uy hiếp những người biểu tình Hong Kong, nhưng về bản chất là kích động mâu thuẫn hơn nữa, khiến ông Tập Cận Bình lúng túng và khó thu dọn cục diện.

Vào ngày cuối cùng của năm 2020, Hiệp hội Quan tâm và Bảo vệ Thanh niên Hong Kong (sau đây gọi tắt là Thanh Quan Hội), vốn từ lâu đã phá hoại và quấy rối các điểm chân tướng của học viên Pháp Luân Công ở Hong Kong, bất ngờ bị giải tán. Điểm chân tướng là nơi các học viên trưng bày các bảng thông tin và chia sẻ với mọi người sự thật về môn tu luyện Pháp Luân Công, về cuộc bức hại do cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân phát động từ năm 1999, về sự tà ác và tội ác mổ cướp nội tạng của ĐCSTQ.

Điểm chân tướng của học viên Pháp Luân Công ở Hong Kong. (Yu Gang / The Epoch Times)
Điểm chân tướng của học viên Pháp Luân Công ở Hong Kong. (Yu Gang / The Epoch Times)

Có thông tin là do ông Tập Cận Bình đích thân ra lệnh, thật khó mà biết thực hư, nhưng rõ ràng là giới lãnh đạo cao nhất của ĐCSTQ không hề tin tưởng Thanh Quan Hội. Hội này không chỉ nhắm vào những người tu luyện Pháp Luân Công, mà vào ngày 19/7/2019, khi Hội đồng quận Thâm Thủy Bộ đang thảo luận về việc sửa đổi Dự luật dẫn độ Hong Kong 2019, tại khu vực ghế ngồi của công dân trong phòng hội nghị, hàng chục người của Thanh Quan Hội đã giơ khẩu hiệu và liên tục chửi bới, lăng mạ các nghị viên. Tuy nhiên, một nhóm côn đồ dễ lợi dụng như vậy đã bị ĐCSTQ bỏ rơi.

Năm 2012, khi ông Lương Chấn Anh nhậm chức Đặc khu trưởng Hong Kong, Thanh Quan Hội bất ngờ xuất hiện tại nhiều điểm chân tướng của các học viên Pháp Luân Công ở Hong Kong. Họ dùng loa để lăng mạ các học viên, ngăn cản người dân đọc các bảng chân tướng, biểu ngữ, và còn khạc nhổ, đánh người, phá hủy các bảng chân tướng. Cứ như vậy trong 8 năm qua. Nhưng chỉ qua một đêm, Thanh Quan Hội đã biến mất, Hội này thực sự nghe lệnh từ ai thì mọi người đều thấy rõ.

Lúc 3h chiều ngày 31/12/2020, Thanh Quan Hội dỡ bỏ biểu ngữ vu khống môn tu luyện Pháp Luân Công ở Causeway Bay, Hong Kong. (Ảnh chụp màn hình video)
Lúc 3h chiều ngày 31/12/2020, Thanh Quan Hội dỡ bỏ biểu ngữ vu khống môn tu luyện Pháp Luân Công ở Causeway Bay, Hong Kong. (Ảnh chụp màn hình video)
Chiều ngày 31/12/2020, Thanh Quan Hội gỡ bỏ biểu ngữ vu khống môn tu luyện Pháp Luân Công ở Vượng Giác (Mong Kok), Hong Kong. (Zhang Cheng / The Epoch Times)
Chiều ngày 31/12/2020, Thanh Quan Hội gỡ bỏ biểu ngữ vu khống môn tu luyện Pháp Luân Công ở Vượng Giác (Mong Kok), Hong Kong. (Zhang Cheng / The Epoch Times)

Giới lãnh đạo ĐCSTQ đương nhiệm đã không chấm dứt cuộc bức hại Pháp Luân Công, có lẽ họ cũng không muốn làm con dê thế tội cho Giang Trạch Dân, tuy nhiên, Thanh Quan Hội vẫn chưa bị giải thể cho đến ngày cuối cùng của năm 2020. Điều này cho thấy lãnh đạo ĐCSTQ hiện tại không có nhiều quyền kiểm soát đối với các tổ chức đảng phái hoạt động ngầm ở Hong Kong. Rốt cuộc có tất cả bao nhiêu tổ chức như thế này, và họ phục vụ cho ai, e rằng các quan chức hàng đầu của ĐCSTQ cũng chưa thể nắm rõ.

Hong Kong là nơi quan chức các phe phái trong nội bộ ĐCSTQ quản lý tài sản của họ

Tài sản ở nước ngoài của các quan chức ĐCSTQ rõ ràng là không thuận tiện khi trực tiếp lưu chuyển từ Trung Quốc đại lục, và Hong Kong nghiễm nhiên trở thành một điểm trung chuyển lý tưởng. Trong cuộc họp ở Bắc Đới Hà hồi tháng 8/2020, các thành viên gia đình của ông Tập Cận Bình, Lập Chiến Thư và Uông Dương - các Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị ĐCSTQ đã bất ngờ bị lộ là đang ở trong những ngôi nhà sang trọng ở Hong Kong. Rõ ràng là các đối thủ chính trị của họ đã tung ra thông tin này vào thời điểm quan trọng. Điều này cũng một lần nữa cho thấy, phe chống ông Tập vẫn có cơ sở khá vững ở Hong Kong nên mới có thể nắm được thông tin chi tiết như vậy.

Vào tháng 11/2019, vào lúc đang diễn ra phong trào chống dẫn độ về Trung Quốc ở Hong Kong, Giả Khánh Lâm, cựu Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị ĐCSTQ được cho là đã thuê một máy bay riêng để chuyển tài sản ở Hong Kong của mình sang Campuchia. Vào đêm giao thừa ngày 27/1/2017, ông chủ Tiêu Kiến Hoa của Tập đoàn Tài chính Minh Thiên đã bị bắt cóc từ Hong Kong và đưa về đại lục, trở thành vật hy sinh trong cuộc tranh giành quyền lực của ĐCSTQ.

Giờ đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã hủy bỏ địa vị đặc biệt của Hong Kong, rất nhiều quỹ đã chạy khỏi Hong Kong. Bao nhiêu trong số đó thuộc về các doanh nhân Hong Kong bản địa và bao nhiêu thuộc về các quan chức tham nhũng của ĐCSTQ? Trong số tiền đầu tư vào thị trường chứng khoán Hong Kong, có bao nhiêu là của công dân Hong Kong, bao nhiêu là của các quan chức tham nhũng ĐCSTQ? Trên danh nghĩa là vốn nước ngoài đầu tư từ Hong Kong, trong các doanh nghiệp được thành lập ở Trung Quốc đại lục, có bao nhiêu công ty là vốn nước ngoài thật, bao nhiêu là tiền của quan chức tham nhũng chảy ngược về? Thật không dễ gì mà trả lời được những câu hỏi này.

Tất nhiên, cần rất nhiều kinh phí để điều động được giới xã hội đen Hong Kong hay kiểm soát một tổ chức đảng phái ngầm như Thanh Quan Hội. Vậy nên đương nhiên là người nào chi tiền thì sẽ nghe theo lệnh của người đấy. Các khoản chi tiêu tài chính hàng năm của ĐCSTQ, chẳng hạn như của Bộ An ninh Quốc gia, Bộ Công an, Ban Công tác Mặt trận Thống nhất, Bộ Tuyên truyền Trung ương, Văn phòng Các vấn đề Hong Kong và Ma Cao, Văn phòng Liên lạc của ĐCSTQ tại Hong Kong, v.v. có lẽ cũng được trích một phần để duy trì hoạt động của các đảng phái ngầm ở xứ cảng thơm, nhưng e rằng phần lớn các tổ chức này đều hoạt động dựa vào nguồn tiền trong đường dây móc nối với nhau. Tác giả bài biết này tin rằng nhiều nguồn tài trợ là đến từ các khối tài sản hợp pháp ở Hong Kong. Vậy hiện giờ các nhà lãnh đạo cấp cao ĐCSTQ nắm được bao nhiêu tổ chức ở Hong Kong?

Nguyên nhân lãnh đạo cấp cao ĐCSTQ gấp rút muốn kiểm soát hoàn toàn Hong Kong, ngoài việc đàn áp dân chủ và tự do của Hong Kong thì việc kiểm soát khối tài sản ngầm này cũng là một trong những mục tiêu chính. Những khoản tiền khổng lồ này không chỉ hỗ trợ cho hoạt động của các tổ chức ngầm ở Hong Kong, mà còn hỗ trợ cho các cuộc đấu tranh bè phái trong ĐCSTQ.

(Từ trái sang phải) Người đứng đầu ĐCSTQ Tập Cận Bình và những người tiền nhiệm của ông là Hồ Cẩm Đào và Giang Trạch Dân được nhìn thấy ở Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 30/9/2014. (Feng Li / Getty Images)
(Từ trái sang phải) Người đứng đầu ĐCSTQ Tập Cận Bình và những người tiền nhiệm của ông là Hồ Cẩm Đào và Giang Trạch Dân được nhìn thấy ở Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 30/9/2014. (Feng Li / Getty Images)

Ông Tôn Lực Quân, cựu Bộ trưởng Bộ Công an ĐCSTQ, là người chỉ đạo các hoạt động của Hong Kong cho đến khi ngã ngựa. Ông ta đã dùng bao nhiêu tiền để hỗ trợ cho các hoạt động ở Hong Kong, và rồi bao nhiêu tiền ở Hong Kong đã hỗ trợ cho các hoạt động của Tôn và cấp dưới của ông ta ở đại lục. Bí mật này cũng có thể là nguyên nhân khiến ông ta nhanh chóng bị gạt bỏ. Người đứng sau ông ta có thể mới là ông chủ thực sự, phần lớn những người này ở phía đối lập với ông Tập Cận Bình.

Rốt cuộc, việc Jack Ma và những doanh nhân khác ở Trung Quốc đại lục bị dính đòn vào cuối năm 2020 cũng là biểu hiện của cuộc đấu tranh phe phái đang ngày càng khốc liệt, thế nhưng lãnh đạo đương nhiệm của ĐCSTQ dường như vẫn chưa thể với tới mảnh đất Hong Kong nhỏ bé.

Trước sự trừng phạt của Hoa Kỳ và sự lên án của các nước phương Tây, ĐCSTQ vẫn tiếp tục làm càn một cách mất lý trí ở Hong Kong, bề ngoài là đối đầu với phương Tây, nhưng thực chất là ẩn chứa các màn đấu đá nội bộ. Quyền lực trong tay lãnh đạo cấp cao ĐCSTQ mỏng manh hơn rất nhiều so với những gì ngoại giới nhìn thấy.

Hong Kong tiếp tục là vùng đất diễn ra cuộc đấu đá nội bộ của ĐCSTQ và có thể lên đến đỉnh điểm vào năm 2021.

Quan điểm thể hiện trong bài viết là ý kiến của tác giả Trung Nguyên và không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTD Việt Nam.

Đông Phương

Theo Epoch Times tiếng Trung

Trung Quốc Góc nhìn


BÀI CHỌN LỌC

Cuộc đấu đá nội bộ của ĐCS Trung Quốc ở Hong Kong sẽ còn tiếp tục trong năm 2021