Cuộc chiến vaccine Trung - Mỹ và địa chính trị trong thời kỳ hậu dịch bệnh

Giúp NTDVN sửa lỗi

Năm 2021, COVID-19 tiếp tục tàn phá thế giới và cuộc chiến giành quyền bá chủ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc lại có một chiến trường mới - Cuộc chiến vaccine. Những ngày gần đây, Mỹ - Trung đang bám sát nhau trong cuộc chiến này, vậy bên nào đang chiếm thế thượng phong?

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden cho biết trong một video tại Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương vào ngày 6/8 rằng, từ tháng này Mỹ sẽ tài trợ 500 triệu liều vaccine Pfizer cho Cơ chế Chia sẻ Vaccine Toàn cầu (COVAX) do WHO lãnh đạo. Các quốc đảo Thái Bình Dương sẽ được hưởng lợi trong tình huống “không có điều kiện chính trị".

"Hoa Kỳ tặng vaccine mà không có bất kỳ yêu cầu và điều kiện nào, bởi vì việc này là để cứu mạng người", ông Biden nói.

Một ngày trước đó, ông Tập Cận Bình đã có bài phát biểu bằng văn bản tại cuộc họp đầu tiên của "Diễn đàn Quốc tế Hợp tác Vaccine Coronavirus mới". Trong đó tuyên bố rằng "Trung Quốc sẽ nỗ lực cung cấp 2 tỷ liều vaccine cho thế giới trong năm nay" và quyết định tài trợ 100 triệu USD cho COVAX để giúp các nước đang phát triển đối phó với dịch bệnh.

Cuối bài phát biểu, ông Tập nhấn mạnh rằng hy vọng sẽ "thúc đẩy xây dựng một cộng đồng chung vận mệnh cho nhân loại".

Ngày 16/7, ông Tập đã tham dự hội nghị truyền hình không chính thức của các nhà lãnh đạo APEC (Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương). Ông nói rằng Trung Quốc đã vượt qua những thách thức trong việc tiêm chủng đại trà trong nước và đã cung cấp cho các nước đang phát triển hơn 500 triệu liều vaccine COVID-19; trong ba năm tới sẽ tiếp tục viện trợ cho quốc tế 3 tỷ USD để hỗ trợ các nước đang phát triển chống lại dịch bệnh và khôi phục phát triển kinh tế.

Tuy nhiên, báo chí nước ngoài dẫn lời Liên minh toàn cầu về vaccine và tiêm chủng dự phòng (GAVI) cho biết, mặc dù Trung Quốc đã tham gia COVAX nhưng lại chưa hề tài trợ vaccine và tiền; GAVI đã ký hợp đồng mua bán với hai công ty vaccine Trung Quốc, cho thấy vaccine của Trung Quốc không phải là miễn phí.

Còn ông Biden thì trích dẫn dữ liệu của Liên Hợp Quốc để chỉ ra rằng, số lượng quyên tặng của Hoa Kỳ cao hơn tổng số 24 quốc gia khác cũng tài trợ vaccine cho nước ngoài, bao gồm cả Trung Quốc và Nga. Ông nhấn mạnh rằng vaccine do Hoa Kỳ gửi đi là miễn phí, không có điều kiện ràng buộc hay ép buộc.

Các nước Đông Nam Á đang xích lại gần Mỹ

Trong nửa cuối năm, các nước Đông Nam Á đang dần xích lại Hoa Kỳ trong bối cảnh chiến tranh ngoại giao vaccine Mỹ - Trung.

Tờ The Wall Street Journal cho biết, nguyên nhân chính là do thời kỳ tiêm chủng cao điểm trong nước Mỹ đã qua, do đó họ có nhiều vaccine hơn để cung cấp cho thế giới bên ngoài. Việc này đã đảo ngược tình thế các nước Đông Nam Á phụ thuộc vào vaccine Trung Quốc hồi đầu năm nay. Cùng với sự tấn công dữ dội của biến thể Delta, các quốc gia này đang cần vaccine khẩn cấp.

Gần đây, Indonesia và Malaysia cho biết họ dự kiến ​​sẽ nhận được hàng chục triệu liều vaccine Pfizer-BNT trong nửa cuối năm nay. Pfizer cũng xác nhận rằng họ sẽ cung cấp 50 triệu liều vaccine cho Indonesia trong năm nay, và Malaysia đã đặt hàng 46 triệu liều vaccine Pfizer. Philippines đã bắt đầu nhận được vaccine Moderna và Pfizer, đồng thời có kế hoạch nhập khẩu thêm 40 triệu liều Pfizer trong vài tháng tới, và lô Moderna thứ hai sẽ gửi đến 250.000 liều.

Trước đó trong nửa đầu năm nay, Indonesia và Philippines chủ yếu tiêm chủng vaccine CoronaVac của công ty Sinovac Trung Quốc, còn Malaysia sử dụng CoronaVac cùng Pfizer. Tờ The Wall Street Journal cho biết, các quốc gia này gần đây đã đặt nghi vấn về hiệu quả của vaccine Trung Quốc và chuyển sang sử dụng vaccine phương Tây.

Hiện tại, vaccine do các nước phương Tây cung cấp cho Đông Nam Á chủ yếu là do Hoa Kỳ viện trợ. Ngoài ra, Mỹ cũng đã tặng cho Đài Loan 2,5 triệu liều vaccine Moderna; tặng 3 triệu liều Moderna cho Indonesia vào tháng 7; Malaysia, Pakistan và Nepal cũng đã nhận được các khoản quyên tặng tương tự. Vào tháng 6, Hoa Kỳ từng thông báo rằng họ sẽ mua 500 triệu liều vaccine Pfizer trước giữa năm tới để tặng cho các nước nghèo hơn, trong đó 200 triệu liều sẽ được gửi tặng trong năm nay.

Cuộc chiến vaccine và địa chính trị trong thời kỳ hậu dịch bệnh

Nhà bình luận thời sự Lương Kinh (Liang Jing) nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) rằng, cuộc chiến vaccine đang trở thành một phần quan trọng của cuộc chiến hỗn hợp mới giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, và Hoa Kỳ đang có ưu thế trong cuộc chiến vaccine này. Đây là nhân tố rất tích cực đối với diễn biến của hình thế địa chính trị thời hậu dịch.

Ông cho rằng trận đại dịch này có xu hướng dai dẳng, điều đó cũng có nghĩa là việc Hoa Kỳ kiểm soát công nghệ vaccine sẽ trở thành con át chủ bài trong cuộc đối đầu giữa hai cường quốc. Mặc dù không thể đoán trước được con át chủ bài này sẽ khởi tác dụng đến mức độ nào trong địa chính trị toàn cầu, nhưng nếu nguy cơ đại dịch càng lớn, thời gian càng kéo dài thì sẽ càng bất lợi cho Trung Quốc. Đây là điều mà ông Tập Cận Bình không ngờ tới khi quyết tâm "lây lan dịch bệnh để làm bá chủ toàn cầu" vào mùa hè năm ngoái.

Nhà bình luận này tin chắc rằng, chính quyền Bắc Kinh đã không có sự chuẩn bị đầy đủ cho tình huống dịch bệnh kéo dài. "Việc điều chỉnh của Trung Quốc sẽ khó khăn hơn Hoa Kỳ. Do nguy cơ dịch bệnh kéo dài, nên sẽ tác động rất lớn đến mô hình việc làm phụ thuộc quá mức vào lao động nhập cư và dân số lưu động của Trung Quốc".

Đồng thời, Trung Quốc sẽ không thừa nhận thất bại trên thị trường vaccine toàn cầu, mà sẽ đầu tư vào đó nhiều nguồn lực hơn. “Bởi vì nếu cuộc chiến vaccine thất bại hoàn toàn vào tay Hoa Kỳ, Trung Quốc sẽ rơi vào tình thế địa chính trị rất bất lợi trong thời kỳ hậu dịch bệnh”, ông Lương nói.

Đông Phương

Theo Vision Times



BÀI CHỌN LỌC

Cuộc chiến vaccine Trung - Mỹ và địa chính trị trong thời kỳ hậu dịch bệnh