Cuộc bức hại ở Trung Quốc đã thêm nỗi đau cho hàng triệu người trong dịp Tết Nguyên Đán

Giúp NTDVN sửa lỗi

Thời gian này hàng năm, điều mà Gao Hongmei mong chờ nhất là được nói chuyện điện thoại với mẹ ở Trung Quốc để chúc Tết bà và trò chuyện về bao điều trong cuộc sống. Hai mẹ con cô đôi khi nói chuyện hàng giờ đồng hồ. Đã 12 năm rồi, kể từ khi rời Trung Quốc, Gao không được gặp mẹ.

Nhưng năm nay, khoảng cách không còn là yếu tố duy nhất khiến họ phải xa cách.

Gao, người gốc ở tỉnh Cát Lâm thuộc miền Đông Bắc của Trung Quốc, và mẹ cô là Hu Yulan là các học viên Pháp Luân Công, một môn tu luyện của Phật gia đang bị chính quyền Trung Quốc (ĐCSTQ) đàn áp dã man. Tháng 5/2020, bà Hu bị bắt khi đang phân phát tài liệu nói rõ sự thật về Pháp Luân Công đến hàng xóm trong khu của bà. Tháng 7/2020, giới chức chính thức buộc tội bà Hu và sau đó phạt bà với mức án 5 năm tù. Vào thời điểm đó, bà Hu đang phải chịu ba năm tù án treo vì một "tội" tương tự năm 2018.

Với lý do đang có đại dịch, nên cai ngục đã cấm gia đình đến thăm và từ chối tiếp nhận quần áo mùa đông từ gia đình để bà Hu mặc ấm. “Cai ngục chỉ đòi tiền”, Gao nói trong một cuộc phỏng vấn từ New York, nơi cô hiện đang cư trú.

Pháp Luân Công có ba nguyên lý cốt lõi là Chân - Thiện - Nhẫn, cùng với năm bài công pháp chậm rãi, nhẹ nhàng và tĩnh tại. Sau khi Pháp Luân Công được giới thiệu và phổ truyền rộng rãi vào năm 1992, số người theo tập ở Trung Quốc đã lên tới 70 - 100 triệu người vào năm 1999. Khi đó, ĐCSTQ nhìn nhận sự phổ biến của môn này là một mối đe dọa và tháng 7/1999, ĐCSTQ phát động chiến dịch tiêu diệt Pháp Luân Công trên toàn quốc.

Những câu chuyện tương tự như hoàn cảnh gia đình của Gao xảy ra khắp nơi trên toàn Trung Quốc. Đại dịch viêm phổi Vũ Hán hơn một năm qua không hề làm giảm sự đàn áp đức tin của ĐCSTQ vô thần. Năm 2020 chứng kiến ​​hơn 15.000 học viên Pháp Luân Công bị bắt giữ hoặc bị cảnh sát sách nhiễu, với 622 người bị kết án vì đức tin của mình, theo thông tin trên Minghui.org, một trang web có trụ sở tại Hoa Kỳ chuyên ghi chép lại thông tin về cuộc bức hại Pháp Luân công.

Trong số những người bị bức hại, có gần 1.200 người già trên 65 tuổi, và 17 người trong số họ đã ngoài 90 tuổi.

Một người bán hàng dán chữ “Phúc” để cầu may bên ngoài cửa hàng của mình vào dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu và Lễ hội mùa xuân tại một khu thương mại ở Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 11/2/2021. (Ảnh bởi Kevin Frayer / Getty Images)

'Con ơi, cha nhớ con'

Khi các cộng đồng người Hoa trên toàn thế giới bước sang năm Tân Sửu, rất nhiều những người sống sót phải chạy trốn ra nước ngoài như Gao đang lo lắng về nhà, mong mỏi tin tức gia đình họ được an toàn.

“Tết Nguyên đán là thời gian để toàn gia đình được sum vầy. Nhưng ở Trung Quốc đại lục, có bao nhiêu gia đình đã bị chia cắt”? Wang Jing, một học viên Pháp Luân Công đã phải bỏ chạy sang Hoa Kỳ từ thành phố Đại Liên ở tỉnh Liêu Ninh nói.

Tháng 6/2020, cảnh sát ập vào ngôi nhà của gia đình Wang ở Đại Liên mà không có lệnh khám xét, và bắt giữ Ren Haifei, chồng của Wang, cũng là một học viên, và tịch thu tài sản. Trong số những vật có giá trị mà họ tịch thu có 550.000 nhân dân tệ (khoảng 2 tỷ VND) tiền mặt và 200.000 nhân dân tệ (khoảng 800 triệu VND) trị giá thẻ nhớ và ổ đĩa flash. Wang nói rằng do cuộc đàn áp Pháp Luân Công và sự giám sát của chính quyền, chồng cô phải giữ một số tiền lớn ở nhà. Thiết bị công nghệ lưu trữ các tài liệu Pháp Luân Công.

Ren Haifei đã bị tra tấn dã man gây thương tổn đến thận và tim. Anh được đưa đến bệnh viện để cấp cứu, phải nằm viện 19 ngày, trước khi bị đưa đến trại tạm giam.

Người đàn ông 45 tuổi này chỉ có thể tiết lộ sự việc vào tháng 9/2020 trong một cuộc điện thoại với luật sư của mình, cuộc gọi đầu tiên trong số hai cuộc gọi được cai ngục cho phép cho đến nay.

Việc Ren bị bắt là một đòn giáng xuống gia đình anh. Mẹ chồng của Wang, ngoài 70 tuổi và đang sống ở một tỉnh khác, đã bị đột quỵ khi nghe tin này và bà hiện bị liệt nửa người.

Trước đó, Ren đã phải ngồi tù bảy năm rưỡi. Trong thời gian đó, anh bị cai ngục dùng một đường ống để bức thực và hành hạ. Wang cho biết, Ren hiện đang bị giam giữ mà không qua xét xử. Anh đang có các triệu chứng của bệnh tiểu đường.

Wang nói: “Chồng tôi chỉ đang cố gắng giữ vững đức tin của mình, trở thành một người tốt hơn. Tôi thực sự buồn khi nghĩ rằng các học viên Pháp Luân Công bị ĐCSTQ bức hại chỉ vì mục đích tốt của họ và ĐCSTQ không bị trừng phạt vì tội ác này”.

Wang Jing và chồng Ren Haifei ở Đại Liên, Trung Quốc, vào tháng 4/2012. (Ảnh được Wang Jing cho phép sử dụng)

Giống như Gao, gia đình của Ren ở Trung Quốc không thể đến trại giam thăm anh, cũng không thể gửi quần áo cho anh. Khi Wang gọi điện từ New York về hỏi thăm Ren, trại giam từ chối nói cho cô bất cứ thông tin gì về chồng của cô. Họ nói, họ không thể xác minh danh tính của cô.

Họ đã sử dụng virus viêm phổi Vũ Hán “như một cái cớ để chặn liên lạc với bên ngoài… để trì hoãn liên lạc vô thời hạn”, cô nói.

Mẹ của Gao đã kỷ niệm sinh nhật lần thứ 75 của mình vào ngày 24/1 tại Trung tâm giam giữ Cát Lâm. Gao đã gọi điện thoại đến tất cả các số của nhà tù mà cô có thể tìm được để liên lạc với bà và gửi thư tay chúc mừng sinh nhật bà; cô và bạn bè cũng gửi một loạt thiệp chúc mừng năm mới qua đường bưu điện mà không biết liệu bà Hu đã nhận được tấm thiệp nào chưa, hay là bà sẽ không bao giờ nhận được.

Gao mất cha vào tháng 11/2020. Trong cuộc điện thoại cuối cùng của họ vào tháng 4 năm đó, cha cô đã nói với cô nhiều lần, “con ơi, cha rất nhớ con”. Đó là khoảnh khắc tình cảm hiếm hoi của người cha đôi khi hay cáu gắt của cô. Sau đó, Gao được biết rằng, sau khi đặt điện thoại xuống, cha cô đã gục đầu xuống và khóc thổn thức đến nỗi người hàng xóm phải chạy sang xem ông có sao không. Cô cho biết nỗi đau không thể gặp cha lần cuối và không được đưa tang ông đã đeo đuổi ám ảnh cô cho đến bây giờ.

Một năm mới khó khăn

Chen Fayuan, 16 tuổi, đang theo học ở New York, cảm thấy có gì đó không ổn sau ba ngày không nhận được cuộc điện thoại nào từ cha mẹ. Khi kiểm tra trang web Minghui.org, em đã bị sốc khi thấy tên cha mẹ mình được nhắc đến trong một cuộc đột kích vào nhà của cảnh sát quê nhà ở Trường Sa, thủ phủ của tỉnh Hồ Nam, miền Trung Trung Quốc. Tại thời điểm đó, cha mẹ em đang học bài giảng Pháp Luân Công cùng hàng chục người khác.

“Em suýt bật khóc,” Chen nói với The Epoch Times. Em không có người thân ở New York, và sống trong sự đùm bọc của các thày cô và bạn bè. Em không liên lạc được với các thành viên khác trong gia đình và không biết được tình hình của ông bà em hiện thế nào, Chen nói.

“Năm mới này là một năm khó khăn”, Chen nói.

Chen Fayuan lúc 5 tuổi với mẹ Huang Zhimin ở thành phố Trường Sa, tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc, vào khoảng năm 2010. (Ảnh được Minghui.org cho phép sử dụng)

 

Chen, nghệ sĩ chơi đàn Nhị Hồ, một nhạc cụ hai dây của Trung Quốc, giải thích rằng tên của em có nghĩa là có định mệnh với “Pháp” hay luật vũ trụ, có nghĩa là các bài giảng của Pháp Luân Công.

Chen hồi tưởng, trước khi đến Hoa Kỳ hai năm trước, em luôn sợ hãi mỗi khi nói với mọi người họ tên đầy đủ của mình vì áp lực quá lớn. Trường tiểu học của em treo các bảng hiệu nói xấu Pháp Luân Công, và hiệu trưởng trường trung học cơ sở của em đã lặp lại những lời tuyên truyền của ĐCSTQ trong mỗi bài phát biểu trước toàn trường.

Chen kêu gọi mọi người trên toàn thế giới không được bỏ qua cuộc bức hại Pháp Luân Công, mà theo em, đã giẫm đạp lên các giá trị cơ bản của con người.

Dù thế nào đi nữa, cô bé tuổi teen vẫn kiên định nuôi hy vọng. “Sau cơn mưa trời sẽ sáng”, em nói.

Wang có cùng niềm tin tương tự. Nếu lại được nói chuyện với chồng, cô sẽ nói với anh, "Hết cơn hoạn nạn sẽ đến ngày hiển vinh".

Nguyên Hương

Theo The Epoch Times

 



BÀI CHỌN LỌC

Cuộc bức hại ở Trung Quốc đã thêm nỗi đau cho hàng triệu người trong dịp Tết Nguyên Đán