Cuộc bức hại người Duy Ngô Nhĩ là một tội ác chống lại loài người

Giúp NTDVN sửa lỗi

Đây cũng là ví dụ nghiêm trọng nhất về vi phạm nhân quyền trên thế giới

Thoạt đầu, thật khó mà tin nổi những câu chuyện từ Tân Cương, Trung Quốc. Phải chăng chính phủ Trung Quốc đang gây khó khăn cho người Hồi giáo? Phải chăng người Duy Ngô Nhĩ đang bị dán mác là “những kẻ cực đoan” và bị giam cầm chỉ vì họ cầu nguyện ở nơi công cộng hoặc để râu? Tuy nhiên, như chúng tôi đã báo cáo trong bài viết trong chuyên mục Trung Quốc của tuần này, theo những bằng chứng thu được từ vệ tinh, từ những tài liệu chính thức bị rò rỉ hay lời kể thương tâm của những người còn sống sót, chiến dịch chống lại người Duy Ngô Nhĩ ở trong và ngoài nước đang ngày càng trở nên tồi tệ.

Năm 2018, chính phủ Trung Quốc đã xóa bỏ hệ thống trại cải tạo lao động và chuyển đổi sang cái gọi là “trung tâm giáo dục và đào tạo nghề” như một nỗ lực “từ thiện” để giúp những người lạc hậu hội nhập thị trường việc làm. Thay vào đó, người Duy Ngô Nhĩ đang trở thành những nạn nhân chịu sự giáo huấn ép buộc của chính quyền Trung Quốc (ĐCSTQ) và thế giới cần chú ý đến vấn đề này. Tháng ngày ròng rã, các tù nhân nói rằng họ bị giáo huấn để từ bỏ chủ nghĩa cực đoan và thay thế Kinh Koran bằng "Tư tưởng Tập Cận Bình". Một nhân chứng kể lại với chúng tôi rằng khi lính canh hỏi các tù nhân có Chúa hay không, họ đã đánh những người trả lời rằng có Chúa. Những trại cải tạo lao động này chỉ là một phần của một hệ thống kiểm soát xã hội khổng lồ ở Trung Quốc.

Nhóm thiểu số Duy Ngô Nhĩ ở Trung Quốc bao gồm 12 triệu người đang bị đối xử bất công. Ngôn ngữ Thổ Nhĩ Kỳ của họ khác xa tiếng Trung Quốc. Hầu hết họ là người Hồi giáo. Có một số người Duy Ngô Nhĩ đã thực hiện các vụ tấn công khủng bố, bao gồm một vụ đánh bom vào một khu chợ năm 2014 khiến 43 người chết. Từ năm 2017 đến nay, không xảy ra khủng bố nữa. Theo cách nói của chính phủ, đây là bằng chứng cho thấy sự thắt chặt an ninh và các lớp truyền bá tư tưởng chống chủ nghĩa cực đoan đã giúp ổn định lại tình hình ở Tân Cương. Đó là một cách nói. Cũng có thể nói theo cách khác là, thay vì bắt một số ít kẻ gây ra bạo lực, chính phủ Trung Quốc đã tống giam tất cả người Duy Ngô Nhĩ vào một nhà tù ngoài trời. Mục đích dường như là để nghiền nát tinh thần của cả nhóm dân tộc thiểu số này.

Ngay cả những người bên ngoài trại cải tạo cũng phải tham gia các buổi giáo huấn bắt buộc. Ai mà thể hiện không yêu kính chủ tịch Tập Cận Bình thì sẽ đối mặt với nguy cơ bị bắt. Các gia đình phải theo dõi lẫn nhau và báo cáo về các hành vi đáng ngờ. Có những bằng chứng mới cho thấy hàng trăm nghìn trẻ em Duy Ngô Nhĩ đã bị tách khỏi một hoặc cả hai cha mẹ đang bị giam giữ. Nhiều trẻ mồ côi tạm thời này đang ở trong các trường nội trú, nơi chúng bị trừng phạt nếu nói tiếng mẹ đẻ. Các Đảng viên ĐCSTQ, thường là người Hán, đóng quân ngay tại nhà của người Duy Ngô Nhĩ. Đây là một chính sách được gọi là “trở thành thân nhân”.

Bức ảnh được chụp vào ngày 31 tháng 5 năm 2019 này cho thấy những lá cờ Trung Quốc trên con đường dẫn đến một cơ sở được cho là trại cải tạo, nơi hầu hết là người dân tộc thiểu số Hồi giáo bị giam giữ, ở ngoại ô Hotan, vùng Tân Cương, tây bắc Trung Quốc. - Có tới một triệu người dân tộc Duy Ngô Nhĩ và đa số là người thiểu số Hồi giáo khác được cho là bị giam giữ trong một mạng lưới các trại giam giữ ở Tân Cương, nhưng Trung Quốc không đưa ra bất kỳ số liệu nào và mô tả các cơ sở này là "trung tâm giáo dục nghề nghiệp" nhằm mục đích xua đuổi mọi người chủ nghĩa cực đoan. (Ảnh của GREG BAKER AFP qua Getty Images)
Bức ảnh được chụp vào ngày 31 tháng 5 năm 2019 này cho thấy những lá cờ Trung Quốc trên con đường dẫn đến một cơ sở được cho là trại cải tạo, nơi hầu hết là người dân tộc thiểu số Hồi giáo bị giam giữ, ở ngoại ô Hotan, vùng Tân Cương, tây bắc Trung Quốc. Có tới một triệu người dân tộc Duy Ngô Nhĩ và đa số là người thiểu số Hồi giáo khác được cho là bị giam giữ trong một mạng lưới các trại giam giữ ở Tân Cương, nhưng Trung Quốc không đưa ra bất kỳ số liệu nào và mô tả các cơ sở này là "trung tâm giáo dục nghề nghiệp" nhằm mục đích xua đuổi mọi người chủ nghĩa cực đoan. (Ảnh của GREG BAKER AFP qua Getty Images)

Các quy định hạn chế sinh đẻ đang được áp đặt nghiêm ngặt đối với phụ nữ Duy Ngô Nhĩ; một số người buộc phải triệt sản. Dữ liệu chính thức cho thấy, từ năm 2015 đến năm 2018, tỷ lệ sinh con của người Duy Ngô Nhĩ tại hai huyện đã giảm hơn 60%. Phụ nữ Duy Ngô Nhĩ bị ép buộc kết hôn với người Hán và được thưởng một căn hộ, việc làm hoặc thậm chí là người thân của họ sẽ được ra khỏi trại cải tạo lao động. Sự đe dọa của chính quyền Trung Quốc còn vượt ra khỏi biên giới, bởi vì mọi liên lạc với thế giới bên ngoài đều bị cho là đáng ngờ. Một báo cáo trong tạp chí 1843 của The Economist cho biết, vì sợ người thân bị liên lụy hoặc bị bắt, người Duy Ngô Nhĩ ở nước ngoài không dám gọi điện về nhà.

Cuộc bức hại người Duy Ngô Nhĩ là một tội ác chống lại loài người: nó bao gồm cả sự chuyển hóa cưỡng bức người dân, bắt giam tập thể người vô tội và thủ tiêu các cá nhân. Cuộc bức hại này được chính phủ áp đặt một cách có hệ thống. Đây là sự vi phạm lớn nhất trên thế giới hiện nay về nguyên tắc đảm bảo quyền tự do và nhân phẩm của con người.

Đảng cầm quyền của Trung Quốc không có khái niệm về quyền cá nhân. Họ tuyên bố về tính hợp pháp của mình dựa trên những bằng chứng về sự ổn định và tăng trưởng kinh tế. Sự hấp dẫn của ổn định và tăng trưởng này có thể khiến ĐCSTQ chiếm được sự ủng hộ của số đông.

Rõ ràng, bỏ phiếu công khai và báo cáo kết quả kiểm phiếu trung thực là cần thiết nhưng lại là điều không thể có được đối với một chế độ độc tài. Các cơ quan kiểm duyệt đang phong bế người dân Trung Quốc trước những sự thật về ĐCSTQ.

Nhưng rõ ràng là có nhiều người Trung Quốc đang chống lưng cho chính phủ, đặc biệt, họ coi việc phản đối là không yêu nước. Không có khái niệm về nhân quyền, ĐCSTQ chủ ý bức hại các dân tộc thiểu số như Tây Tạng và Duy Ngô Nhĩ, buộc họ phải phục tùng và đồng hóa với văn hóa Hán đang thống trị.

Trung Quốc đang ở cực điểm của một xu hướng gây lo ngại. Trên toàn cầu, nền dân chủ và nhân quyền đang bị ảnh hưởng. Mặc dù điều này đã bắt đầu trước đại dịch COVID-19, viện chiến lược Freedom House cho biết, có 80 quốc gia đã đang bị suy thoái kể từ khi đại dịch bắt đầu và chỉ có quốc gia Malawi là tăng trưởng. Nhiều người, khi sợ hãi, đã khao khát có được một chính quyền cứng rắn cai trị để họ được an toàn. Virus corona Vũ Hán đã đem lại cho các chính phủ một cái cớ để khẩn cấp chiếm giữ quyền lực và ngăn cấm các cuộc biểu tình .

Những chính quyền bạo lực thường tập hợp đa số để chống lại thiểu số. Thủ tướng Ấn Độ, ông Narendra Modi, là người ủng hộ chủ nghĩa dân tộc hung hãn Hindu và đối xử với những người Hồi giáo của Ấn Độ như thể họ không phải là công dân Ấn Độ. Ông ấy được coi là hết mình với chính sách phân biệt này. Tương tự, ông Rodrigo Duterte ở Philippines đã thúc đẩy việc sát hại các nghi phạm. Thủ tướng Hungary đã đập tan các thể chế dân chủ và nói rằng các đối thủ của ông là một phần trong âm mưu của người Do Thái. Tổng thống Brazil tán dương hành động tra tấn và tuyên bố rằng những nhà phê bình nước ngoài muốn chiếm giữ vùng lưu vực sông Amazon. Ở Thái Lan, nhà vua đang biến chế độ quân chủ lập hiến thành một chế độ quân chủ tuyệt đối.

Làm thế nào những người coi trọng tự do có thể phản kháng? Quyền con người là một khái niệm phổ quát, nhưng nhiều người lại gắn chúng với phương Tây. Vì vậy, khi danh tiếng của phương Tây bị ảnh hưởng sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2007- 2008 và cuộc chiến tranh khốc liệt ở Iraq, thì sự tôn trọng đối với nhân quyền cũng bị ảnh hưởng. Mặc dù Hoa Kỳ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt có mục tiêu đối với vấn đề người Duy Ngô Nhĩ, nhưng những nghi ngờ rằng thuyết giáo [về dân chủ] của phương Tây là đạo đức giả đang gia tăng dưới thời tổng thống Donald Trump. Là một tổng thống vốn có sự nghiệp kinh doanh lẫy lừng, ông Donald Trump lập luận rằng cần đặt chủ quyền quốc gia lên hàng đầu — và không chỉ là Hoa Kỳ. Điều này phù hợp với quan điểm của Trung Quốc. Tại các diễn đàn quốc tế, Trung Quốc đang đưa ra định nghĩa lại về quyền con người chính là quyền tồn tại và phát triển, chứ không phải là tự do và nhân phẩm của cá nhân. Cùng với Nga, Trung Quốc vừa được bầu vào Hội đồng Nhân quyền của Liên Hợp Quốc.

Hàng trăm người Hồi giáo Indonesia đã tổ chức cuộc biểu tình bằng cách hô vang khẩu hiệu và trưng bày các áp phích có nội dung ủng hộ dân tộc thiểu số Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ, cũng như những lời chỉ trích chính phủ Trung Quốc, bên ngoài đại sứ quán Trung Quốc ở Jakarta, vào thứ Sáu, ngày 20 tháng 12 năm 2019. (Ảnh của Aditya Irawan / NurPhoto qua Getty Images)
Hàng trăm người Hồi giáo Indonesia đã tổ chức cuộc biểu tình bằng cách hô vang khẩu hiệu và trưng bày các áp phích có nội dung ủng hộ dân tộc thiểu số Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ, cũng như những lời chỉ trích chính phủ Trung Quốc, bên ngoài đại sứ quán Trung Quốc ở Jakarta, vào thứ Sáu, ngày 20 tháng 12 năm 2019. (Ảnh của Aditya Irawan / NurPhoto qua Getty Images)

Xem thêm: Vì sao ĐCS Trung Quốc muốn che giấu cuộc đàn áp Pháp Luân Công (P1)

Bắt đầu ở Tân Cương

Việc chống lại sự xói mòn về nhân quyền cần được bắt đầu với người Duy Ngô Nhĩ. Nếu những người theo chủ nghĩa tự do không lên tiếng về hành vi vi phạm tồi tệ nhất hiện nay, thì ai có thể tin được những lời chỉ trích của họ về những tội ác khác ít nghiêm trọng hơn? Các nhà hoạt động cần vạch trần và lập hồ sơ về hành vi vi phạm này. Các nhà văn và nghệ sĩ hãy nói tại sao phẩm giá con người lại quý giá. Các công ty có thể từ chối hợp tác. Có những ý kiến cho rằng cần tẩy chay — bao gồm, thậm chí cả Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh 2022.

Trên hết, các chính phủ cần phải hành động. Họ nên cấp quyền tị nạn cho người Duy Ngô Nhĩ và, giống như chính phủ Hoa Kỳ, áp dụng các biện pháp trừng phạt có mục tiêu đối với các quan chức vi phạm và cấm nhập khẩu hàng hóa được làm bằng lao động cưỡng bức của người Duy Ngô Nhĩ. Các chính phủ cũng cần phải lên tiếng. Chính Quyền Trung Quốc không phải là không biết xấu hổ. Nếu họ tự hào về những hành động hà khắc của họ ở Tân Cương, thì họ không cần phải cố gắng che đậy. Họ cũng không cần phải dựa vào các nước nhỏ hơn để ký các tuyên bố ủng hộ các chính sách của họ ở đó. Khi điều khủng khiếp này gia tăng, thì tuyên truyền của ĐCSTQ ngày càng kém hiệu quả: 15 quốc gia có đông dân số theo đạo Hồi từng ký vào tuyên bố như vậy giờ đây đã thay đổi quyết định của mình. Các cuộc thăm dò cho thấy, trong những năm gần đây, hình ảnh của Trung Quốc ngày càng trở nên đen tối ở nhiều quốc gia: 86% người Nhật và 85% người Thụy Điển hiện có cái nhìn không thiện cảm về ĐCSTQ. Đối với một một quốc gia muốn sử dụng quyền lực mềm để bành trướng thì đây là một điều đáng lo ngại.

Một số người nói rằng phương Tây đã mất mát quá nhiều khi thuyết giảng về nhân quyền — Trung Quốc sẽ không thay đổi, và sự gay gắt sẽ cản trở tiến trình đàm phán về thương mại, đại dịch và biến đổi khí hậu.

Đúng vậy, không thể đặt vấn đề nhân quyền ngoài lề những đàm phán trên. Làm vậy là tạo cơ hội để Trung Quốc thuyết phục các quốc gia khác rằng hành vi [trừng phạt đối với Trung Quốc] là thiếu đạo đức và khiến họ bị tổn hại về kinh tế. Tuy nhiên, các nền dân chủ tự do phải có nghĩa vụ gọi trại cải tạo lao động là trại cải tạo cưỡng bức lao động [chứ không phải là “trung tâm giáo dục và đào tạo nghề nghiệp” bình phong]. Trong thời đại cạnh tranh toàn cầu phát triển, điều này tạo nên sự khác biệt. Nếu họ không đứng lên bảo vệ các giá trị dân chủ, thì họ cũng không nên ngạc nhiên nếu bị coi thường.

Thu Quế



BÀI CHỌN LỌC

Cuộc bức hại người Duy Ngô Nhĩ là một tội ác chống lại loài người