Cộng đồng y tế đang 'làm ngơ' trước nạn mổ cướp nội tạng ở Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Các cơ quan cấy ghép quốc tế cần thay đổi quan điểm của họ về vấn nạn mổ cướp nội tạng, và lên tiếng chống lại việc lạm dụng cấy ghép của chính quyền Trung Quốc.

Trong số những bệnh nhân đầu tiên của Tiến sĩ Alexander Toledo - bác sĩ phẫu thuật cấy ghép bụng tại Trung tâm Y tế UNC, có một bà mẹ 3 con 41 tuổi được chẩn đoán mắc bệnh ung thư gan.

Hy vọng sống sót duy nhất của người phụ nữ này là cấy ghép gan. Nhưng đó không phải là một lựa chọn của cô vì cô không đáp ứng được các tiêu chí cấy ghép. Một số trung tâm y tế khác cũng đưa ra kết luận tương tự. Trong khi đó, các phương pháp điều trị không dùng thuốc có thể kéo dài tuổi thọ của cô từ 6 đến 9 tháng.

Nhưng chỉ 2 tháng sau, người phụ nữ đã trở lại phòng khám với lá gan mới; cô đã bay từ Bắc Carolina đến Trung Quốc để thực hiện thủ thuật cấy ghép.

Nhắc đến trường hợp bệnh nhân năm 2008 này trong một hội thảo trực tuyến do Trung tâm Đạo đức Sinh học UNC (Đại học Bắc Carolina) tổ chức vào ngày 26/10, tiến sĩ Toledo nói: “Cô ấy đã được cấy ghép gan theo yêu cầu; tất nhiên việc này… đã đặt ra câu hỏi về nguồn gốc của các cơ quan nội tạng đó".

Trong các quy trình y tế thông thường, nguồn chính để ghép gan là từ một người hiến tặng đã qua đời, hoặc trong một số trường hợp là một người hiến tặng còn sống. Trong trường hợp ca phẫu thuật của người phụ nữ kể trên ở Trung Quốc, thì "không có thông tin cụ thể nào về người hiến tạng được cung cấp cho gia đình, ngoài việc người hiến tặng còn trẻ và khỏe mạnh", vị bác sĩ nói.

Thông tin bí ẩn này đã thúc đẩy bác sĩ Toledo bắt đầu truy tìm sự thật. Ông đã tìm thấy bằng chứng đáng lo ngại rằng, chế độ Trung Quốc đang mổ cướp nội tạng của các tù nhân lương tâm để bán trên thị trường cấy ghép tạng.

Vào thời điểm đó, Trung Quốc chưa có chương trình hiến tặng nội tạng chính thức, và chính quyền nước này đã nói rằng nội tạng để cấy ghép là từ các tù nhân bị tử hình. Nhưng thay vào đó, các cuộc điều tra đã tiết lộ rằng các tù nhân lương tâm, hầu hết là các học viên tu luyện Pháp Luân Công bị bức hại, đang bị hành quyết để lấy nội tạng.

Các điểm luyện Pháp Luân Công nhóm là những địa điểm phổ biến ở Trung Quốc vào những năm 1990, với hàng nghìn học viên Pháp Luân Công (Pháp Luân Đại Pháp) thực hành các bài công pháp ở nơi công cộng. 
Các điểm luyện Pháp Luân Công nhóm là những địa điểm phổ biến ở Trung Quốc vào những năm 1990, với hàng nghìn học viên Pháp Luân Công (Pháp Luân Đại Pháp) thực hành các bài công pháp ở nơi công cộng. (Epoch Times)

Pháp Luân Công là một pháp môn tu luyện thiền định với các bài giảng đạo đức tập trung vào các chân lý Chân - Thiện - Nhẫn. Pháp Luân Công đã trở nên phổ biến vào những năm 1990, với khoảng từ 70 đến 100 triệu người Trung Quốc luyện tập vào cuối thập kỷ đó, theo ước tính của chính phủ Trung Quốc vào thời điểm đó. Năm 1999, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã phát động một chiến dịch đàn áp Pháp Luân Công trên diện rộng, vì cho rằng sự phổ biến của pháp môn này là một mối đe dọa tiềm tàng tới quyền lực thống trị của chế độ này. Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp ước tính rằng, trong 2 thập kỷ qua, hàng triệu học viên Pháp Luân Công đã bị tống giam vào các trại lao động, nhà tù, trung tâm giam giữ và trung tâm tẩy não, nơi họ thường xuyên bị tra tấn.

Vào năm 2019, sau một cuộc điều tra kéo dài một năm, một tòa án độc lập đã kết luận rằng, chế độ Trung Quốc trong nhiều năm đã giết các tù nhân lương tâm - chủ yếu là các học viên Pháp Luân Công - để lấy nội tạng của họ. Điều này đã và đang xảy ra "trên một quy mô đáng kể", và vẫn đang tiếp tục cho đến ngày nay, tòa án cho biết.

Vào năm 2015, chính quyền Trung Quốc đã thiết lập một chương trình hiến tặng nội tạng, và tuyên bố rằng họ đã ngừng sử dụng nội tạng của các tù nhân bị hành quyết.

Bất chấp những phát hiện đã xuất hiện trong nhiều năm về việc cưỡng bức thu hoạch nội tạng ở Trung Quốc, cộng đồng y tế và quốc tế “tiếp tục gặp khó khăn trong việc phản hồi đối với điều này”, tiến sĩ Toledo nói.

Luật sư nhân quyền quốc tế người Canada David Matas đã dành hơn một thập kỷ nghiên cứu về nạn mổ cướp nội tạng ở Trung Quốc. Trong cuộc hội thảo này, ông cho biết, cộng đồng ghép tạng quốc tế đã không có hành động cụ thể về vấn đề này.

Trong cuộc bức hại Pháp Luân Công, những thủ đoạn kích động người dân tham gia đấu tranh cùng với đảng vẫn được sử dụng một cách thuần thục.
Trong cuộc bức hại Pháp Luân Công, những thủ đoạn kích động người dân tham gia đấu tranh cùng với ĐCSTQ vẫn được sử dụng một cách thuần thục.

Kết quả là, ông nói, cộng đồng y tế đang phải đối mặt với “2 thực tế”: thứ nhất là sự tồn tại của vấn nạn giết hàng loạt tù nhân lương tâm ở Trung Quốc để lấy nội tạng của họ, và “thực tế thứ 2 là, có quá nhiều người trong ngành cấy ghép toàn cầu đang quyết tâm làm ngơ trước thực tế đầu tiên này”.

Luật sư Matas nói thêm rằng, chỉ có một phần "thiểu số rất nhỏ các chuyên gia cấy ghép trên toàn cầu sẵn sàng làm bất cứ điều gì [để thay đổi] vấn nạn lạm dụng cấy ghép ở Trung Quốc".

Ông cho biết, một số người trong cộng đồng cấy ghép toàn cầu đã chấp nhận hoàn toàn tin vào tuyên truyền của chế độ Trung Quốc, bằng cách lặp lại một cách mù quáng các luận điểm của ĐCSTQ có mục đích để hạ thấp uy tín của các bằng chứng về nạn mổ cướp nội tạng hàng loạt.

Vị luật sư nhân quyền Canada nói: “Họ lặp lại luận điệu của [ĐCSTQ] rằng nghiên cứu này không thể kiểm chứng, mặc dù nó vừa có thể kiểm chứng và xác minh được vượt trên bất kỳ nghi ngờ hợp lý nào".

Ví dụ, một hội nghị năm 2017 về buôn bán nội tạng quốc tế và du lịch cấy ghép do Học viện Khoa học Giáo hoàng của Vatican tổ chức đã gây ra tranh cãi khi mời Tiến sĩ Huang Jiefu tham dự. Khi đó, ông Huang là người đứng đầu cơ quan cấy ghép của chế độ Trung Quốc. Ông Huang luôn phủ nhận nạn cưỡng bức mổ cướp nội tạng ở Trung Quốc. Đối diện với những phản đối về lời mời dành cho ông Huang vào thời điểm đó, hiệu trưởng của Học viện Khoa học Giáo hoàng của Vatican đã nói rằng, hội nghị là một “buổi tọa đàm học thuật, chứ không phải là nơi tái hiện những khẳng định chính trị gây tranh cãi”.

Trong khi đó, các nhà nghiên cứu về nạn lạm dụng cấy ghép ở Trung Quốc không được mời tham dự hội nghị.

Các học viên Pháp Luân Đại Pháp (Pháp Luân Công) tái hiện một cảnh các học viên Trung Quốc bị tra tấn, ngược đãi trong một cuộc thỉnh nguyện ôn hòa ở Đài Bắc vào ngày 20/7/2014 chống lại cuộc đàn áp của Trung Quốc đối với Pháp Luân Công. (Ảnh của Mandy Cheng / AFP qua Getty Images)
Các học viên Pháp Luân Đại Pháp (Pháp Luân Công) tái hiện một cảnh các học viên Trung Quốc bị tra tấn, ngược đãi trong một cuộc thỉnh nguyện ôn hòa ở Đài Bắc vào ngày 20/7/2014 chống lại cuộc đàn áp của Trung Quốc đối với Pháp Luân Công. (Ảnh của Mandy Cheng / AFP qua Getty Images)

Vào năm 2016, chủ tịch khi đó của Hiệp hội Cấy ghép (TTS) là Tiến sĩ Francis L. Delmonico. Tại một phiên điều trần của Quốc hội Hoa Kỳ về lạm dụng cấy ghép nội tạng ở Trung Quốc, ông Delmonico nói rằng “Tôi không ở đây để xác minh. Đó không phải là công việc của tôi… Tôi chỉ ở đây để nói rằng, cộng đồng quốc tế đã nhận ra vấn nạn khủng khiếp này ở Trung Quốc và họ mong muốn thay đổi nó”.

Tiến sĩ Delmonico tiếp tục bày tỏ sự lạc quan rằng, những cải cách sẽ diễn ra trong hệ thống cấy ghép của Trung Quốc dưới sự quản lý của ông Huang và người bảo trợ của ông ấy là ông Wang Haibo.

Luật sư Matas cho biết, lãnh đạo tại TTS cùng các cơ quan cấy ghép quốc gia cần thay đổi quan điểm của họ về vấn đề này, và lên tiếng chống lại việc lạm dụng cấy ghép của chính quyền Trung Quốc. Đồng thời, ông nói, các cơ quan này cần đưa ra các tiêu chuẩn đạo đức để đảm bảo các chuyên gia y tế ở nước ngoài không đồng lõa với các vụ lạm dụng.

Ông đề xuất 12 tiêu chuẩn, bao gồm cả việc các bác sĩ không được giới thiệu bệnh nhân cấy ghép đến các quốc gia khác để phẫu thuật, trừ khi họ có thể chắc chắn vượt trên một nghi ngờ hợp lý rằng người hiến tạng hoàn toàn tự nguyện đồng ý. Đồng thời, các nghiên cứu có liên quan đến người nhận nội tạng từ tù nhân lương tâm sẽ không được phê duyệt để trình bày hoặc xuất bản.

Một nghiên cứu năm 2019 cho thấy, hơn 400 bài báo nghiên cứu về ngành công nghiệp cấy ghép nội tạng ở Trung Quốc được xuất bản trên các tạp chí được bình duyệt bằng tiếng Anh từ năm 2000 đến năm 2017, có thể liên quan đến việc cưỡng bức thu hoạch nội tạng từ những tù nhân lương tâm không tự nguyện. Các nghiên cứu này không cho biết được liệu những người hiến tạng có đồng ý hay không, và liệu các cuộc phẫu thuật này có vi phạm các tiêu chuẩn đạo đức hay không.

Tổ chức TTS đã không trả lời ngay yêu cầu bình luận của The Epoch Times.

Du Miên

Theo Epoch Times tiếng Anh



BÀI CHỌN LỌC

Cộng đồng y tế đang 'làm ngơ' trước nạn mổ cướp nội tạng ở Trung Quốc