Cơ quan lập pháp Hong Kong thông qua Dự luật quốc ca gây tranh cãi

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tại Hong Kong, một dự luật quốc ca gây tranh cãi từ chính quyền thân Bắc Kinh đã được thông qua sau lần đọc thứ 3 tại Hội đồng Lập pháp (LegCo) vào ngày 4/6, bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của các nhà lập pháp phe đối lập.

Dự luật này đã được thông qua sau cuộc bỏ phiếu với 41 phiếu ủng hộ và 1 phiếu chống. Hầu hết các nhà lập pháp ủng hộ dân chủ đều phản đối và tẩy chay việc bỏ phiếu.

Một số nhà lập pháp ủng hộ dân chủ đã chỉ trích các “vấn đề về thủ tục” trong khi Chủ tịch LegCo Andrew Leung cố gắng thúc đẩy việc bỏ phiếu.

Dự luật quốc ca này quy định rằng một công dân Hong Kong bất kỳ đều có thể bị kết tội (pdf) nếu có các hành vi như bóp méo lời ca câu từ trong quốc ca [Trung Quốc] hoặc hát theo cách thiếu tôn trọng. Người vi phạm có thể phải đối mặt với mức phạt lên tới 50.000 đô-la Hong Kong (khoảng 150 triệu VNĐ) và 3 năm tù.

Ngoài ra, dự luật yêu cầu học sinh ở các trường tiểu học và trung học Hong Kong phải được dạy về lịch sử của quốc ca Trung Quốc, cũng như “nghi thức quy củ của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) khi chơi và hát quốc ca”.

Dự luật sẽ trở thành luật chính thức (pdf) sau khi được ký bởi Trưởng đặc khu hành chính này là bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam), và sau đó sẽ được công bố trên Công báo của chính phủ.

Phát biểu trước báo giới sau cuộc bỏ phiếu, Thư ký cho các vấn đề Hiến pháp và Đại lục, ông Erick Tsang cho biết dự luật sẽ được công bố trên công báo vào ngày 12/6.

Tuy nhiên, một khi dự luật này trở thành luật chính thức thì dự kiến nó ​​sẽ phải đối mặt với những thách thức về mặt hiến pháp tại tòa án, chẳng hạn như xem xét ngôn ngữ của dự luật.

Trước lượt bỏ phiếu cuối cùng, các nhà lập pháp phe thân Bắc Kinh đã bỏ phiếu đối với 21 phần sửa đổi trong dự luật quốc ca do các nhà lập pháp dân chủ đưa ra. Trong số các sửa đổi có đề xuất giảm hình phạt nếu bị kết tội và rút ngắn khoảng thời gian mà chính quyền địa phương sẽ phải đưa ra một vụ kiện chống lại một người phạm tội.

 

Trước khi bỏ phiếu, Chủ tịch Đảng Dân chủ Hong Kong, ông Wu Chi-wai cho biết dự luật này đã gây phản tác dụng trong việc yêu cầu mọi người tôn trọng quốc ca của ĐCSTQ.

Trong những năm gần đây, người Hong Kong đã la ó và chế giễu quốc ca của Đại lục tại các trận bóng đá để bày tỏ sự phản đối của họ đối với ĐCSTQ về việc gia tăng can thiệp vào các vấn đề địa phương.

Tổ chức phi chính phủ Hong Kong Watch có trụ sở tại Anh trước đó đã chỉ trích dự luật này của chính quyền Bắc Kinh trong bản báo cáo năm 2019 của mình (pdf). Báo cáo đưa ra kết luận rằng dự luật này “tước đi quyền tự do bày tỏ và phản đối của người dân Hong Kong, [điều này] vi phạm trực tiếp Luật cơ bản, Công ước Quốc tế về Dân sự và các Quyền Chính trị, cũng như cam kết về [nguyên tắc] ‘một quốc gia, hai chế độ’”.

Tổ chức này tuyên bố: “Ở cấp độ sâu hơn, dự luật này [đã thể hiện] mong muốn của [chính quyền] Bắc Kinh [để có được] sự kiểm soát ngày càng lớn hơn đối với thành phố Hong Kong, tạo ra một vòng luẩn quẩn trong đó sự cai trị ngày càng nặng nề được hợp lý hóa, để chống lại các cuộc biểu tình đối với sự cai trị chuyên chế của Bắc Kinh”.

Cuộc bỏ phiếu của LegCo diễn ra trong khi người dân ở Hong Kong chuẩn bị tổ chức lễ tưởng niệm các nạn nhân của vụ thảm sát đẫm máu tại Quảng trường Thiên An Môn năm 1989 vào tối thứ Năm (4/6) tại Công viên Victoria, bất chấp lệnh cấm của cảnh sát với lý do lo ngại về virus Corona Vũ Hán.

Các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ năm 1989 đã bị ĐCSTQ đàn áp dã man vào tháng 6 năm đó và là một chủ đề cấm kỵ ở Trung Quốc đại lục. Buổi cầu nguyện hàng năm ở Hong Kong đến nay vẫn là sự kiện kỷ niệm công khai duy nhất trên lãnh thổ do Trung Quốc cai trị.

Trước đó tại LegCo, Andrew Wan, một nhà lập pháp thuộc Đảng Dân chủ, đã chỉ trích chính quyền địa phương vì đã thiết lập các chướng ngại vật xung quanh Công viên Victoria để ngăn chặn người dân đi vào khu vực này. Ông Wan nói thêm rằng lệnh cấm của cảnh sát và các chướng ngại vật là chiến thuật đàn áp, với mục đích ngăn chặn người dân nói lên ý kiến ​​của họ.

Du Miên

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Cơ quan lập pháp Hong Kong thông qua Dự luật quốc ca gây tranh cãi