Clubhouse: Mạng xã hội bị chính quyền Trung Quốc chặn vì người dùng chia sẻ quá nhiều vấn đề nhạy cảm như Tân Cương, Đài Loan

Giúp NTDVN sửa lỗi

Clubhouse là một ứng dụng mạng xã hội dùng ngữ âm để chia sẻ của Mỹ. Vào lúc 7 giờ tối ngày 8/2, sau một ngày bất ngờ trở nên phổ biến ở đại lục, chính quyền Trung Quốc đã chặn ứng dụng này và người dùng Trung Quốc cần phải "vượt tường lửa" thì mới sử dụng được.

Clubhouse được ra mắt vào đầu năm ngoái. Mới đây, do CEO Elon Musk của hãng sản xuất ô tô điện Tesla và CEO Vlad Tenev của công ty môi giới chứng khoán trực tuyến Robinhood bất ngờ có cuộc đối thoại trên nền tảng này, nên đã khiến số lượng người dùng Clubhouse bùng nổ.

Trước khi bị chặn, vì phần mềm này chưa bị Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) kiểm duyệt ngôn luận nên nó đã thu hút một lượng lớn người dùng Trung Quốc tham gia. Rất nhiều cuộc thảo luận về Tân Cương, Hong Kong, Đài Loan, nhân quyền, chính trị và các vấn đề nhạy cảm khác cũng đã xuất hiện trên nền tảng này. Sự việc này đã được rất nhiều kênh truyền thông lớn của nước ngoài như Reuters, Bloomberg, Financial Times, Nikkei Asia, v.v. quan tâm và đưa tin.

Theo tờ Stand News của Hong Kong, một cư dân mạng có tài khoản “Bách Linh Quả” (“百灵果”) đã lập một phòng chat với chủ đề "Những người bạn từ Tây Tạng và Tân Cương, chúng tôi muốn mời các bạn vào trò chuyện" trong Clubhouse. Hơn 5.000 người đã tràn vào phòng và có rất nhiều người Tân Cương, Tây Tạng đã trực tiếp chia sẻ câu chuyện bị bức hại của họ.

Ngoài ra, còn có một phòng chat khác thu hút khá nhiều người dùng tên là "Cuộc trò chuyện của thanh niên hai bờ", đây có thể coi như một cuộc giao lưu giữa cư dân mạng ở cả hai bờ eo biển Đài Loan, mặc dù đôi khi hai bên cũng có những ý kiến bất đồng.

Hai phòng chủ đề trên bỗng dưng thu hút quá nhiều sự chú ý cũng khiến người dùng Trung Quốc không khỏi bàn luận về việc liệu Clubhouse có bị "tường vây" (bị chặn) hay không, và liệu việc nói tự do như vậy có nguy hiểm hay không.

Các phóng viên của Reuters đã quan sát thấy rằng, tại các phòng chat có chữ tiếng Trung “俱乐部” ("câu lạc bộ") ở tên phòng, có hàng nghìn người dùng đã tham dự và nghe các cuộc thảo luận, với các nội dung từ trại giam giữ ở Tân Cương, nền độc lập của Đài Loan cho đến Luật An ninh quốc gia ở Hong Kong. Vào tối ngày 7/2, Clubhouse xuất hiện phòng giao lưu với chủ đề “Liệu ngày mai Clubhouse có bị ‘tường vây’ không?”, người dùng Trung Quốc không ngừng suy đoán về việc liệu ứng dụng này có bị ĐCSTQ phong tỏa hay không.

Theo Hãng thông tấn Trung ương (CNA) của Đài Loan, cũng có một số người dùng cho biết, người dùng ở Trung Quốc đại lục sử dụng VPN để vào các phòng chat này vẫn có thể tiếp tục nghe các cuộc trò chuyện trong phòng nếu tắt VPN đi. Có người dùng nói đùa rằng Clubhouse "vẫn chưa bị ‘tường vây’ triệt để".

Bức ảnh được chụp vào ngày 2/6/2019 cho thấy lá cờ Trung Quốc (trái) và các tòa nhà tại Trung tâm Dịch vụ Đào tạo Kỹ năng Nghề nghiệp Thành phố Artux. Nơi đây được cho là một trại cải tạo giam giữ hầu hết các dân tộc thiểu số Hồi giáo ở phía bắc Kashgar, Tân Cương. Trung Quốc mô tả các cơ sở này là "trung tâm giáo dục nghề nghiệp" nhằm mục đích hướng mọi người khỏi chủ nghĩa cực đoan. Hai chữ cái màu đỏ trên cùng của tòa nhà nghĩa là "học tập". (GREG BAKER / AFP / Getty Images)
Bức ảnh được chụp vào ngày 2/6/2019 cho thấy lá cờ Trung Quốc (trái) và các tòa nhà tại Trung tâm Dịch vụ Đào tạo Kỹ năng Nghề nghiệp Thành phố Artux. Nơi đây được cho là một trại cải tạo giam giữ hầu hết các dân tộc thiểu số Hồi giáo ở phía bắc Kashgar, Tân Cương. Trung Quốc mô tả các cơ sở này là "trung tâm giáo dục nghề nghiệp" nhằm mục đích hướng mọi người khỏi chủ nghĩa cực đoan. Hai chữ cái màu đỏ trên cùng của tòa nhà nghĩa là "học tập". (GREG BAKER / AFP / Getty Images)

Một trong số những câu chuyện bị bức hại của người Tân Cương được chia sẻ trên Clubhouse

Trong phòng chat với chủ đề "Những người bạn từ Tây Tạng và Tân Cương, chúng tôi muốn mời các bạn vào trò chuyện", một số người đã chia sẻ về tình hình ở địa phương, nói rằng người nhà của họ "[từng] đi vào rồi" (ý chỉ bị bắt đi rồi), và tinh thần của họ trở nên bất thường sau khi họ được thả ra ngoài. Cũng có một số người đang rất bình thường, thậm chí làm việc cho ĐCSTQ, nhưng sau đó bị bắt vì bị người khác tố cáo mà không rõ nguyên nhân gì, tiêu chuẩn thực thi pháp luật rất không rõ ràng, khiến người dân hoang mang và lo sợ. Ngoài ra còn có các phóng viên truyền thông nước ngoài vào phòng để chia sẻ quá trình và những điều họ mắt thấy tai nghe khi đưa tin về vấn đề Tân Cương.

Từ trước tới nay, chính quyền ĐCSTQ ở Tân Cương luôn mạnh tay đàn áp các cuộc điều tra phỏng vấn của báo chí nước ngoài, vì vậy hầu hết các báo cáo về trại cải tạo Tân Cương đều dựa vào những người được phỏng vấn ẩn danh hoặc những người Tân Cương sống lưu vong ở nước ngoài, hoặc thậm chí phân tích hình ảnh vệ tinh và tài liệu chính phủ, v.v., qua đó ngoại giới mới có thể gián tiếp hiểu được tình hình bên trong Tân Cương. Nhưng trong những ngày vừa qua, có một lượng lớn người dân Tân Cương đã trực tiếp và công khai nói về trải nghiệm của họ thông qua nền tảng trực tuyến Clubhouse, và những chia sẻ này khiến nhiều cư dân mạng khá sốc.

Một phụ nữ đến từ Tân Cương cho biết: "Tôi sinh ra và lớn lên ở Tân Cương. Mẹ tôi là giáo sư hóa học và bố tôi đã làm việc cho ĐCSTQ hơn 30 năm. Mọi người đều nói rằng ông ấy là một kênh giao tiếp giữa hai dân tộc. Khi tôi còn nhỏ, chúng tôi sống rất hòa thuận với những gia đình người Hán. Trước đây ở nam Tân Cương tình trạng kỳ thị chủng tộc rất nghiêm trọng. Mọi người đều không nói về nhân quyền. Ai cũng khổ vì chuyện này. Thanh niên được đưa đến làm việc ở những vùng đất xa lạ trong nội địa, có rất nhiều loại ngôn ngữ địa phương, họ đều phải cố gắng thích nghi;

Gia đình tôi từng là cầu nối giữa các dân tộc. Năm 2014, Bắc Kinh cũng mời tôi đến thuyết trình cho các công ty Trung Quốc về tình hình xã hội của người Duy Ngô Nhĩ ở Thổ Nhĩ Kỳ và làm cầu nối, khi đó tôi là người trao đổi trung gian giữa Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ;

Em trai ruột của tôi đã bị đưa vào trại tập trung. Đã 5 năm rồi chúng tôi không còn nghe tin gì về cậu ấy nữa. Không có ai trong gia đình tôi xuất hiện trong lễ tốt nghiệp Harvard của tôi. Tôi trở lại Bắc Kinh với tư cách là học giả và luật sư. Nhìn từ trường hợp của em trai tôi có thể thấy rằng, nếu đây không phải là vấn đề nhân quyền thì còn là vấn đề gì được nữa? Gia đình tôi đã là một gia đình kiểu mẫu [trong mắt ĐCSTQ], nhưng kết quả là em trai tôi vẫn bặt vô âm tín 5 năm nay rồi;

Tân Cương vốn là nơi có thể thực hiện dân chủ và các bên cùng chung sống. Tôi là một người Duy Ngô Nhĩ và là một luật sư. Tôi đang bắt đầu cho Trung Quốc thấy rằng các trại tập trung đã vi phạm các quy tắc đối với người Duy Ngô Nhĩ, như vậy người Duy Ngô Nhĩ mới có thể được giải cứu. Tôi hy vọng mọi người ở phương Tây sẽ lên tiếng vì chúng tôi;

Các quan chức chính phủ rất vui vẻ với những vết sẹo mà họ gây ra cho chúng tôi, gia đình tôi đã tan nát thành như thế này, tôi chỉ có thể tiếp tục nói sự thật, tôi và em trai tôi đều có hồ sơ trên Internet, chúng tôi không thể bị bắt chỉ vì là người dân tộc. Bố mẹ tôi đều là đảng viên ĐCSTQ, tôi chưa từng theo tôn giáo nào, gia đình tôi đã là một gia đình kiểu mẫu nhưng đến giờ vẫn không có tin tức gì về em trai tôi. Tôi hy vọng sẽ thấy một xã hội đa sắc tộc và bao dung ở Trung Quốc.

Năm 2014, khi em trai tôi xảy ra chuyện, khi tôi trở về nhà vừa quẹt thẻ mở cửa thì điện thoại đổ chuông. Họ hỏi tôi rằng đồng bào Tân Cương, cô về nhà làm gì vậy? Rồi nói là muốn đến kiểm tra nhà, giữa đêm 1h30 rồi còn đến kiểm tra nhà của một cô gái, đây là sự việc gì vậy? Tôi thực sự hoảng sợ".

Trại tập trung ở thành phố Artux, Tân Cương trên bản đồ vệ tinh Google.
Trại tập trung ở thành phố Artux, Tân Cương trên bản đồ vệ tinh Google.

Một chàng trai Tân Cương cho biết: "Tôi là một nam thanh niên người Duy Ngô Nhĩ. Mỗi lần trở về Trung Quốc, trên thẻ căn cước của tôi có ghi dân tộc Duy Ngô Nhĩ, mỗi lần về tôi đều phải vào phòng đặc biệt và họ hỏi tôi đến Trung Quốc làm gì".

Có người dùng Clubhouse cảm thán: "Quả là một sự bùng phát PTSD (rối loạn sau chấn thương tâm lý) của nhiều người Duy Ngô Nhĩ ở nước ngoài trên Clubhouse".

Những người Trung Quốc gốc Hán được mời tham gia vào phòng chat này đã bị sốc sau khi nghe chia sẻ của những người Duy Ngô Nhĩ. Hầu hết họ đều biết rằng có điều gì đó đã xảy ra ở Tân Cương, nhưng không nghĩ rằng nó nghiêm trọng đến vậy. Một người tham dự có tên tài khoản là “KEN” nói rằng: "Tôi nghe mà há hốc mồm".

Cư dân mạng “zjp” cho biết: "Tôi không vào phòng chat của thanh niên hai bờ, nhưng tôi đã nghe ở phòng Tân Cương đến 4 giờ sáng. Thực sự quá xót xa. Tôi cũng rất cảm kích vì có thể nghe thấy nhiều câu chuyện chân thực như vậy. Họ thực sự rất nhẫn chịu, nhưng cũng thật bất lực”.

Người dùng có tài khoản “c'c” nói: "Những câu chuyện sâu sắc nhất được kể từ khoảng 4 đến 8 giờ sáng. Lúc đầu là tôi ngủ không được, về sau lại không dám ngủ. Một lúc lại có người Tân Cương ở hải ngoại khóc vì không biết người nhà [ở Trung Quốc] đang ở đâu, rồi lại đến lượt những người Hán khóc vì nghe nhân chứng kể lại".

Nhà bình luận Trung Quốc Viên Bân (Yuan Bin) nói rằng, vụ bê bối thành lập các trại cải tạo và bỏ tù hàng triệu người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương của ĐCSTQ đã trở thành biểu tượng cho hành vi chà đạp nhân quyền trong những năm gần đây và bị cộng đồng quốc tế chỉ trích, lên án.

Tuần trước, đài BBC của Anh đã công bố một báo cáo rằng phụ nữ trong các trại cải tạo ở Tân Cương bị hãm hiếp, lạm dụng tình dục và tra tấn một cách có hệ thống. Tuy nhiên, ĐCSTQ luôn bác bỏ các cáo buộc từ ngoại giới. Việc những người dân Tân Cương kể về trải nghiệm cá nhân trên ứng dụng Clubhouse đã một lần nữa vạch trần sự dối trá của ĐCSTQ. Những người quan tâm đến vấn đề Tân Cương đều có thể vào Clubhouse và nghe câu chuyện của họ.

Đông Phương

Theo Epoch Times tiếng Trung

Nguồn:

https://www.epochtimes.com/gb/21/2/8/n12740939.htm
https://www.epochtimes.com/gb/21/2/9/n12742407.htm



BÀI CHỌN LỌC

Clubhouse: Mạng xã hội bị chính quyền Trung Quốc chặn vì người dùng chia sẻ quá nhiều vấn đề nhạy cảm như Tân Cương, Đài Loan