Chuyên gia WHO đề xuất điều tra địa điểm nhạy cảm: Hang dơi

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một thành viên trong nhóm chuyên gia của Tổ Chức Y tế Thế giới (WHO) đã đề xuất rằng, nếu muốn truy xuất nguồn gốc virus thì cần phải điều tra các thành phần di truyền của virus trong hang dơi. Đây là một yêu cầu mới của các chuyên gia WHO đối với chính quyền Trung Quốc.

Hôm 4/2, nhóm chuyên gia WHO đã đến thăm Viện nghiên cứu Virus Vũ Hán - tâm điểm tranh cãi về nguồn gốc của virus. Ngoại giới nghi ngờ rằng dịch bệnh Coronavirus mới (COVID-19) đã bị rò rỉ từ Viện nghiên cứu này, cho dù là cố ý hay vô ý.

Ngay sau khi dịch bệnh bùng phát, chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã cho quân đội tiếp quản Viện nghiên cứu và tiến hành quản lý, kiểm soát chặt chẽ nhân viên và cơ sở vật chất liên quan đến việc nghiên cứu virus. Có thông tin cho rằng, hang dơi - nơi mà bà Thạch Chính Lệ (Shi Zhengli), Phó giám đốc Viện nghiên cứu Virus Vũ Hán, người phụ trách nghiên cứu về loại Coronavirus mới, từng tiến hành điều tra - cũng đã bị phong tỏa và cấm người ngoài vào nếu không có sự chấp thuận của chính quyền Trung Quốc (ĐCSTQ).

Trước khi được phép vào Vũ Hán, nhóm chuyên gia của WHO đã có nhiều tranh chấp với chính quyền Trung Quốc về vấn đề liên quan đến lộ trình điều tra và việc bố trí địa điểm tới thăm, phỏng vấn. Bắc Kinh không muốn hành động lần này của WHO mang màu sắc của một cuộc điều tra truy xuất nguồn gốc virus chống lại Trung Quốc, đồng thời khẳng định gọi cuộc điều tra này là "sự hợp tác" do các chuyên gia của cả hai bên thực hiện, không phải là "cuộc điều tra". Trung Quốc cũng không hy vọng nhóm điều tra tiến vào các địa điểm nhạy cảm như Viện nghiên cứu Virus Vũ Hán, chợ hải sản ở Vũ Hán và hang dơi, v.v.

WHO đã nhiều lần phàn nàn rằng, Bắc Kinh đã viện nhiều lý do khác nhau để trì hoãn lịch trình của nhóm chuyên gia. Sau nhiều lần tranh chấp, Bắc Kinh đồng ý rằng nhóm chuyên gia của WHO có thể đến Trung Quốc thực hiện các hoạt động liên quan dưới sự chỉ đạo và sắp xếp của các chuyên gia Trung Quốc. Các nhà quan sát chỉ ra rằng, chính quyền Trung Quốc đã dàn xếp và để những người gặp các chuyên gia trả lời theo kịch bản có sẵn, khiến các nhà điều tra không thể tiếp cận tình hình thực tế.

Hoa Kỳ và nhiều quốc gia khác đã chỉ trích Trung Quốc vì không có các biện pháp ứng phó rõ ràng trong thời kỳ đầu khi dịch bệnh mới bắt đầu bùng phát, còn phía Bắc Kinh thì luôn tuyên truyền rằng virus không bắt nguồn từ Vũ Hán mà từ nơi khác.

Ông Peter Daszak, một nhà động vật học và chuyên gia về bệnh động vật của WHO, hiện đang điều tra thực địa ở Vũ Hán, Trung Quốc, đã từng tham gia nghiên cứu nguồn gốc của virus SARS từ năm 2002 đến năm 2003 và phát hiện ra rằng virus này có nguồn gốc từ một hang dơi ở tỉnh Vân Nam.

Ông Daszak cho biết: "Nếu chúng ta muốn tìm ra nguồn gốc hoang dã thực sự của Coronavirus mới, chúng ta nên thực hiện các nghiên cứu tương tự".

Trả lời phỏng vấn của Reuters, ông Daszak cho biết: "Công việc tìm kiếm nguồn gốc [virus] có thể đến từ các loài như dơi là rất quan trọng, bởi vì chúng tôi phải tìm ra nguồn gốc của loại virus chết người này để giảm sự tiếp xúc của con người với những con vật này".

Ông Daszak nói rằng nhóm chuyên gia của WHO tại Vũ Hán đã tìm hiểu các tài liệu mới về virus gây ra trận đại dịch. Nhưng ông không nói rõ về điều này.

Một tình huống mà nhóm của WHO đang quan sát kỹ lưỡng hơn, đó là virus có thể đã lây lan từ rất lâu trước khi nó được phát hiện ở Vũ Hán. Ông Daszak cho biết: “Đây là đối tượng mà nhóm chúng tôi đang quan sát rất kỹ lưỡng, mục đích là để tìm hiểu mức độ lây lan của virus trong cộng đồng trước đó”.

Ông Daszak nói: "Công việc thực sự mà chúng tôi đang làm ở đây là truy tìm lại từ trường hợp đầu tiên được phát hiện và lần đến ổ chứa virus của các loài động vật hoang dã. Đây là một con đường rất quanh co, có thể phải mất vài tháng, thậm chí là nhiều năm".

Nhóm chuyên gia đã đến thăm một số bệnh viện, cơ sở nghiên cứu và chợ hải sản - nơi dịch bệnh xuất hiện sớm nhất ở Vũ Hán.

Đông Phương

Theo Epoch Times tiếng Trung



BÀI CHỌN LỌC

Chuyên gia WHO đề xuất điều tra địa điểm nhạy cảm: Hang dơi