Chuyên gia về Trung Quốc: ĐCSTQ 'Bề ngoài uy mãnh, bên trong yếu nhược’

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong buổi thảo luận về khả năng thay đổi chế độ và nền dân chủ ở Trung Quốc do Viện Hoover của Đại học Stanford tổ chức hôm 24/5, chuyên gia nổi tiếng về Trung Quốc Roger Garside đã tuyên bố rằng; chế độ Đảng Cộng Sản Trung Quốc “bề ngoài uy mãnh, nhưng bên trong yếu nhược”.

Ông Garside là cựu quan chức ngoại giao Anh tại Trung Quốc, đồng thời là tác giả cuốn “China Coup: The Great Leap to Freedom” (Tạm dịch: "Cuộc đảo chính Trung Quốc: Đại nhảy vọt đến tự do") và “Coming Alive: China After Mao" (Tạm dịch: Sống sót: Trung Quốc sau thời kỳ của Mao"), đã gọi Đảng Cộng sản Trung Quốc là "đáng sợ", và tuyên bố rằng; "Trung Quốc hiện đang nằm dưới sự cai trị của một chế độ cực quyền, không phải độc tài".

Ông nói rằng; trong khi xoay sở để tạo dựng một vẻ ngoài hùng mạnh, ĐCSTQ có một số điểm yếu cơ bản đặc trưng của một chế độ chuyên chế.

“Quan điểm phổ biến thường thấy là một chế độ hùng mạnh, ổn định sẽ thống trị Trung Quốc trong tương lai gần. Nhưng tôi dám chắc rằng chế độ này bên ngoài thì dũng mãnh nhưng bên trong lại yếu nhược. Chế độ toàn quyền này thực sự bất lực trong việc giải quyết hàng loạt các vấn đề sâu xa đã cản trở Trung Quốc trong nhiều năm, thực ra là trong nhiều thập kỷ. Tại sao ư? Bởi vì những vấn đề này thực sự là hệ quả của một hệ thống toàn trị”.

Một trong số các vấn đề được ông Garside trích dẫn chính là nền kinh tế của Trung Quốc và núi nợ ngày càng lớn. Tăng trưởng kinh tế từ lâu đã được coi là điều cần thiết để duy trì ổn định của nền tảng xã hội Trung Quốc do ĐCSTQ cai trị, nơi mà công dân không được hưởng các quyền cơ bản của con người, bao gồm tự do ngôn luận, tự do báo chí và tự do tôn giáo.

“Trước hết, nền kinh tế vốn dĩ đã ghi nhận sự tăng trưởng ngoạn mục, hiện đang bị bủa vây bởi những vấn đề nghiêm trọng. Việc chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường, giải phóng tiềm lực của người dân Trung Quốc, đã bị ĐCSTQ ngăn chặn vào năm 2008. Các lĩnh vực chỉ huy nền kinh tế bao gồm ngân hàng, dịch vụ tiện ích và vận tải đều trực thuộc khu vực nhà nước. Tại sao? Lý do không phải là lý do kinh tế, mà là lý do chính trị. Đảng cầm quyền lo ngại rằng việc cho phép các công ty tư nhân chiếm lĩnh các lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế sẽ phá hủy sự độc tôn chính trị của họ”, ông Garside tuyên bố.

“Để bù đắp cho sự kém hiệu quả dẫn đến việc dừng chuyển đổi, nhà nước đã bơm một lượng lớn tín dụng vào nền kinh tế để duy trì tốc độ tăng trưởng cao một cách giả tạo, do lo ngại rằng tình trạng thất nghiệp và phá sản doanh nghiệp sẽ phát sinh từ sự tăng trưởng thấp hơn. Hậu quả là một núi nợ. Chưa từng có quốc gia nào nợ nần chồng chất như Trung Quốc đã có thể giảm nợ mà không bị suy thoái kinh tế hoặc lạm phát kéo dài”.

Giám đốc Trung tâm Quan hệ Hoa Kỳ-Trung Quốc tại Hội Á châu (Asia Society) Orville Schell nói rằng; nền kinh tế có thể sẽ là yếu tố quyết định then chốt cho sự thay đổi chế độ ở Trung Quốc trong tương lai.

“Theo tôi nghĩ, nếu có sự thay đổi ở Trung Quốc, thì điều đó phải xuất phát từ nội bộ nước này. Và nếu như phải nói về cái cách mà sự thay đổi này sẽ diễn ra, thì có thể nó sẽ liên quan đến nền kinh tế”, ông Schell cho biết. “Tất cả các nền kinh tế đều hoạt động theo chu kỳ và khi Trung Quốc tiến vào một chu kỳ xấu, thì đây chính là thời điểm nó sẽ được khảo nghiệm, như cách chúng ta đã trải qua gần đây và hồi năm 2008. Hãy xem nó sẽ diễn ra như thế nào".

Ngoài việc trích dẫn các chính sách duy trì tăng trưởng kinh tế đã khiến tài nguyên và môi trường của Trung Quốc suy thoái nghiêm trọng, cũng như “khủng hoảng đạo đức” bắt nguồn từ tệ nạn tham nhũng của ĐCSTQ, ông Garside còn nói rằng ĐCSTQ lo ngại về một số yếu tố, trong đó bao gồm sự thật, sự khát khao dân chủ và tôn giáo tại Trung Quốc. Đây là bằng chứng cho sự yếu kém về cơ cấu, và khẳng định rằng người dân Trung Quốc đang sống “trong tình cảnh nô lệ chính trị”.

“Chế độ được cho là hùng mạnh này thật đáng sợ. Họ e ngại sự thật. Đảng [Cộng sản Trung Quốc] luôn che giấu sự thật về những sự kiện lịch sử có tầm quan trọng to lớn trong suốt 70 năm cầm quyền. Họ sợ hãi nền dân chủ. Họ đàn áp tự do ở Hồng Kông do lo ngại rằng; sự gắn bó với dân chủ và pháp quyền của 7,5 triệu người Hồng Kông sẽ ảnh hưởng sang 1,4 tỷ dân tại Trung Quốc đại lục - những người bị buộc chặt trong tình trạng nô lệ chính trị”, ông Garside tuyên bố.

“Họ sợ hãi tôn giáo. Họ giật mình bởi sự phát triển bùng nổ của tất cả các tôn giáo lớn tại Trung Quốc kể từ năm 1979. Họ được cảnh báo rằng có rất nhiều người đang xem Thượng Đế, chứ không phải Đảng [Cộng sản Trung Quốc], là Đấng quyền năng tối cao trong vũ trụ. Do đó, hiện họ đang đàn áp tôn giáo với mức độ chưa từng có kể từ khi Mao qua đời. Chiến lược diệt chủng văn hóa ở Tân Cương và Tây Tạng là những biểu hiện cực đoan nhất của điều này”.

Ông Đằng Bưu, một luật sư giảng dạy và là nhà hoạt động nhân quyền, trước đây từng là giảng viên tại Đại học Khoa học Chính trị và Luật Trung Quốc nói rằng; ĐCSTQ sợ cái mà ông gọi là “nợ máu”, do những bất công mà người dân Trung Quốc đã phải gánh chịu kể từ khi ĐCSTQ lên nắm quyền tại Trung Quốc vào năm 1949.

Ông Đằng cho biết: “Có một điều mà nhiều người đã bỏ qua, đó chính là “món nợ máu” của Đảng Cộng Sản. Kể từ năm 1949, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã phạm những tội ác vô cùng bất nhân và tàn bạo đến tận cùng: từ việc giết hại địa chủ, Cách mạng Văn hóa, Thảm sát Thiên An Môn đến cuộc diệt chủng người Duy Ngô Nhĩ đang diễn ra. Các nhà lãnh đạo cấp cao nhất thực sự lo sợ người dân sẽ trả thù và họ không tin rằng người dân Trung Quốc sẽ tha cho họ ‘món nợ máu’ này”.

Ông Garside nói tiếp, hậu quả sự sợ hãi của ĐCSTQ và việc họ từ chối nhân quyền, tự do cho người dân đã thể hiện sự thiếu tin tưởng giữa ĐCSTQ và người dân nước này.

“Tất cả những yếu tố này đã được kết hợp lại, tạo nên sự thiếu tin tưởng giữa người dân và chế độ cai trị. Kể từ năm 2011, ngân sách dành cho an ninh nội bộ đã vượt quá ngân sách dành cho quân đội. Ông Garside nói: “Chế độ lo sợ bất đồng chính kiến ​​nội bộ hơn là lo sợ kẻ thù ngoại bang”.

“Việc đánh mất niềm tin không chỉ là vấn đề nội bộ. Nó cũng đầu độc các mối quan hệ quốc tế của Trung Quốc. Cả ở trong và ngoài nước, sự ngờ vực đã gia tăng đáng kể từ việc che đậy nguồn gốc của COVID-19. Nó tạo ra khoảng cách lớn hơn với Hoa Kỳ và các đồng minh. Các quốc gia từng có mối quan hệ đối tác với Trung Quốc, nay đã trở nên thù địch. Niềm tin sẽ không được phục hồi cho đến khi có sự thay đổi về thể chế chính trị tại Trung Quốc ”.

Khải Anh
Theo The Epoch Times

Trung Quốc Góc nhìn


BÀI CHỌN LỌC

Chuyên gia về Trung Quốc: ĐCSTQ 'Bề ngoài uy mãnh, bên trong yếu nhược’