Chuyên gia chỉ ra chứng cứ ‘kết luận’ bộ gen của Virus Vũ Hán được cấy ghép trong phòng thí nghiệm

Giúp NTDVN sửa lỗi

Vào hôm 6/6, một bài báo trên Tạp chí Phố Wall (Wall Street) do hai chuyên gia chấp bút cho rằng; đã tồn tại chứng cứ khoa học "đanh thép" để củng cố giả thuyết cho rằng virus Vũ Hán đã không lây nhiễm từ động vật sang người một cách tự nhiên, nhưng được cấy ghép sinh học trong môi trường phòng thí nghiệm của Trung Quốc.

Tiến sĩ Steven Quay - người có bằng thạc sĩ và tiến sĩ tại Đại học Michigan, và Richard Muller - một giáo sư vật lý danh dự tại Đại học California - Berkeley nói rằng; có hai mảnh ghép chứng cứ quan trọng - một là liên quan đến việc cấy ghép gen và hai là do thiếu tính đa dạng của virus, khiến người ta mạnh dạng suy đoán rằng [chủng virus có] nguồn gốc từ phòng thí nghiệm có liên quan đến vụ bùng phát đã lây nhiễm cho hơn 173 triệu người trên toàn cầu.

“Sự hiện diện của chuỗi CGG kép là chứng cứ thuyết phục cho việc cấy ghép gen, và việc [virus] thiếu sự đa dạng trong đợt bùng phát công khai cho thấy có sự thúc đẩy tăng cường chức năng. Các bằng chứng khoa học đưa ra kết luận rằng virus đã được phát triển trong phòng thí nghiệm”, hai tác giả cho biết.

Nghiên cứu tăng chức năng liên quan đến việc điều khiển bộ gen của virus để gia tăng độc lực hoặc khả năng lây truyền của nó, để [từ đó] có thể hiểu rõ hơn và có thể dự đoán sự xuất hiện của các tác nhân gây bệnh, đồng thời giúp cho việc đưa ra giải pháp trở nên dễ dàng hơn trước khi sự lây nhiễm bùng phát thành đại dịch.

Hai khoa học gia Quay và Muller đã viết rằng, việc kết hợp cặp gen CGG-CGG, hay chuỗi CGG kép là 2 dạng cấy ghép phổ biến nhất được sử dụng trong các thí nghiệm tăng chức năng trên coronavirus, chúng được cấy ghép vào một "đoạn chính" trong bộ gen, thúc đẩy việc sản xuất hai axit amin Arginine liên tục và tăng cường khả năng gây chết người của virus.

Điều này “làm thay đổi protein đột biến của virus, khiến virus dễ dàng đưa vật liệu di truyền vào tế bào của vật chủ hơn. Kể từ năm 1992, đã có ít nhất 11 thí nghiệm độc lập để thêm một trình tự đặc biệt vào cùng một đoạn [của bộ gen]. Kết quả cuối cùng luôn là chủng virus có khả năng gây chết người mạnh nhất", hai khoa học gia cho hay.

Hai tác giả cũng cho biết thêm, việc chèn một bộ gen có thể diễn ra tự nhiên thông qua một quá trình gọi là tái tổ hợp. Tuy nhiên, trong trường hợp được ghép nối một cách tự nhiên, thì 35 trình tự gen khả thi khác sẽ có nhiều khả năng xuất hiện hơn so với chuỗi CGG kép.

“Sự kết hợp của CGG-CGG chưa bao giờ được tìm thấy trong tự nhiên ở tất cả các chủng virus corona, kể cả CoV-2”, họ cho biết. “Điều đó có nghĩa là phương thức phổ biến của virus khi sắp xếp các đặc tính mới, được gọi là tái tổ hợp, là không thể xảy ra. Đơn giản là một virus không thể lấy trình tự [bộ gen] từ virus khác nếu trình tự đó không tồn tại trong bất kỳ chủng virus nào”.

Nhưng trong các thí nghiệm tăng chức năng trong môi trường phòng thí nghiệm, trình tự CGG là cặp [mã gen] được lựa chọn, họ nói.

Hai khoa học gia viết: “Bởi vì nó sẵn có và thuận tiện, đồng thời các nhà khoa học có rất nhiều kinh nghiệm trong việc chèn [thêm các mã gen]. “Một ưu thế bổ sung của chuỗi CGG kép so với 35 cặp gen khả thi khác là: Nó tạo ra một tín hiệu hữu ích cho phép các nhà khoa học theo dõi việc chèn [thêm các mã gen] trong phòng thí nghiệm.”

Mặc dù cả 2 khoa học gia thừa nhận rằng chuỗi CGG kép có thể đã xuất hiện một cách tự nhiên ở chủng SARS-CoV-2 - thuật ngữ khoa học của virus Vũ Hán. Nhưng trên thực tế, việc chuỗi này tồn tại trong virus đã đặt ra gánh nặng minh chứng cho những người phản đối giả thuyết phòng thí nghiệm.

“Những người ủng hộ thuyết nguồn gốc từ động vật [lây sang người] phải lý giải tại sao coronavirus chủng mới lại tình cờ chọn phương thức tổ hợp không phổ biến nhất, đó là chuỗi CGG kép trong quá trình đột biến và tái tổ hợp. Tại sao nó lại lựa chọn phương thức tăng chức năng mà chỉ có các nhà khoa học trong phòng thí nghiệm mới có thể thực hiện được? ” tác giả cho biết.

“Một sự thật tối thiểu là - coronavirus, với khả năng ngẫu nhiên của nó, đã mô phỏng phương thức kết hợp hiếm có và phi tự nhiên mà chỉ có các khoa học gia mới sử dụng. Điều này ngụ ý rằng, giả thuyết khả thi nhất về nguồn gốc coronavirus là nó nhất định đã bị rò rỉ từ phòng thí nghiệm.”

Mặc dù vào lúc đầu, luận điểm cho rằng virus bị rò rỉ từ phòng thí nghiệm tại Viện virus học Vũ Hán đã bị bác bỏ bởi một số khoa học gia danh tiếng, kể cả cố vấn Nhà Trắng - Tiến sĩ Anthony Fauci. Nhưng gần đây, tình thế đã xoay chuyển, ông Fauci đã thừa nhận rằng ông không còn dám chắc virus không bị rò rỉ từ phòng thí nghiệm, đồng thời Tổng thống Joe Biden đã ra lệnh cho tình báo Hoa Kỳ tăng cường "gấp đôi" nỗ lực để điều tra cả hai giả thuyết mà ông cho là hợp lý như nhau.

Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Anthony Fauci làm chứng trước một hội đồng của Hạ viện ở Washington vào ngày 15 tháng 4 năm 2021. (Amr Alfiky / Pool / AFP qua Getty Images)
Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Anthony Fauci làm chứng trước một hội đồng của Hạ viện ở Washington vào ngày 15 tháng 4 năm 2021. (Amr Alfiky / Pool / AFP qua Getty Images)

Hai ông Quay và Muller cho biết, chứng cứ thuyết phục nhất có liên quan đến ‘sự đa dạng di truyền’ của virus Vũ Hán so với các chủng coronavirus gây ra SARS và MERS, nó củng cố cho thuyết rò rỉ từ phòng thí nghiệm.

Hai chủng SARS và MERS được xác nhận là có nguồn gốc tự nhiên, “chúng phát triển nhanh chóng khi xâm nhập quần thể người, cho đến khi các dạng dễ lây nhiễm nhất chiếm ưu thế”.

Tuy nhiên, virus Vũ Hán “xuất hiện ở người đã thích nghi thành một phiên bản cực kỳ dễ lây lan,” hai khoa học gia nhấn mạnh, đã không xảy ra đột biến đáng kể nào ở virus cho đến vài tháng sau khi bùng phát.

Họ viết: “Việc tối ưu hóa nhanh chóng như vậy là chưa từng xảy ra, và điều này cho thấy virus đã có một thời gian dài thích ứng trước khi nó phát tán ra cộng đồng”. Chỉ có một cách duy nhất để có thể đạt được điều này, đó là thông qua việc “mô phỏng sự tiến hóa tự nhiên” bằng cách phát triển virus trên tế bào của người trong môi trường phòng thí nghiệm.

Chính quyền Trung Quốc đã nhiều lần bác bỏ thuyết rò rỉ phòng thí nghiệm, đồng thời một báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố hồi tháng 3 kết luận rằng, virus Vũ Hán có khả năng lây nhiễm sang người có nguồn gốc từ một loài động vật không thể xác định. Tuy nhiên vào thời điểm đó, Tổng Giám đốc WHO - Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết, sứ mệnh nghiên cứu nguồn gốc của virus đã không phân tích đầy đủ các giả thuyết khác. Và vào ngày 25/5, Hoa Kỳ đã thúc giục WHO triển khai một cuộc điều tra mới về nguồn gốc của virus, đề cao sự cần thiết về tính minh bạch.

Hơn mười quốc gia, kể cả Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu, đã đưa ra lo ngại trước cuộc điều tra giai đoạn một của WHO về nguồn gốc của virus, chỉ ra sự chậm trễ đáng trách của báo cáo và việc Trung Quốc từ chối chia sẻ dữ liệu thô quan trọng.

Hồi tháng ba, tiến sĩ Quay đã đồng thực hiện một nghiên cứu dựa trên phân tích Bayes để kết luận rằng “hơn cả sự ngờ vực thỏa đáng rằng SARS-CoV-2 không phải dịch bệnh từ động vật tự nhiên, thay vào đó nó có nguồn gốc từ phòng thí nghiệm”.

Khải Anh
Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Chuyên gia chỉ ra chứng cứ ‘kết luận’ bộ gen của Virus Vũ Hán được cấy ghép trong phòng thí nghiệm