Chùa Thiếu Lâm Tự đăng ký 666 thương hiệu hàng hóa trong 23 năm, bị cư dân mạng chỉ trích

Giúp NTDVN sửa lỗi

Sau buổi trình diễn thời trang, “Thiếu Lâm Tự” - tên một ngôi chùa ở Tung Sơn - đã trở thành cái tên được tìm kiếm nhiều trên mạng. Trong 23 năm qua, ngôi chùa này đã nộp đơn đăng ký 666 thương hiệu hàng hóa, trong số đó có 80 đến 90% thương hiệu mang tên "Thiếu Lâm", bao gồm những nhãn hiệu như "Đông Thiếu Lâm", "Tây Thiếu Lâm", "Nam Thiếu Lâm". Điều này gây chấn động cộng đồng mạng.

Theo tin tức của tờ 21 Century Business Herald, chùa Thiếu Lâm ở Tung Sơn, tỉnh Hà Nam ban hành một văn bản cho biết công ty Semir đã vi phạm quyền sở hữu nhãn hiệu khi bán quần áo với tên chung “Semir × Shaolin Kungfu” mà không được phép. Hiện tại, công ty Semir đã gỡ bỏ mặt hàng này tại nhiều nơi.

Vào ngày 1/9, trang web chính thức của Thiếu Lâm Tự ở Tung Sơn đã đưa ra thông báo cho biết nhà chùa là chủ sở hữu của nhãn hiệu thời trang đã đăng ký "Shaolin Kungfu". Loạt quần áo "Semir National Tide Cross-Border-National Tide Shaolin Kungfu Semir" được công ty Semir bán trên nhiều trang web thương mại đã vi phạm quyền sở hữu trí tuệ của Thiếu Lâm Tự khi sử dụng "Shaolin Kungfu" trên nhãn quần áo và tên sản phẩm mà không được phép.

Sau đó, công ty Semir trả lời rằng họ đã được ủy quyền thông qua đối tác trực thuộc Thiếu Lâm Tự và đang liên lạc thêm với công ty đối tác này.

Nhưng trong khi chùa Thiếu Lâm đang bảo vệ quyền lợi của mình, một số kênh truyền thông phát hiện ra rằng trong 23 năm qua, chùa Thiếu Lâm ở Tung Sơn đã nộp đơn đăng ký 666 nhãn hiệu, với 80-90% trong số đó mang chữ "Shaolin” (Thiếu Lâm), có cả ám chỉ các ngôi chùa Thiếu Lâm khác bao gồm "Đông Thiếu Lâm", "Tây Thiếu Lâm", "Nam Thiếu Lâm".

Trên trang web tìm kiếm thương hiệu của ‘Thiếu Lâm Tự Tung Sơn Trung Quốc‘, có thể thấy chùa này đã nộp đơn đăng ký 666 thương hiệu. Những thương hiệu Thiếu Lâm Tự đăng ký từ năm 1997 đến năm 2020 bao gồm "Ấn tượng Thiếu Lâm", "Cuộc sống Thiếu Lâm"... và một số thậm chí còn được đăng ký ở tất cả các hạng mục (có 45 hạng mục để lựa chọn tại thời điểm đăng ký nhãn hiệu).

Vì vậy, việc vi phạm nhãn hiệu không phải là chuyện hiếm. Năm 2018, chùa Thiếu Lâm ở Tung Sơn đã đưa công ty Tianma ra tòa, cho rằng việc sử dụng và đăng ký nhãn hiệu "Thiếu Lâm" có thể khiến công chúng cho rằng công ty này có mối liên hệ nhất định với tôn giáo. Điều này có hại cho cảm tình tôn giáo. Cuối cùng, tòa án đã phán quyết rằng nhãn hiệu "Thiếu Lâm" mà công ty Tianma đã sử dụng trong gần 20 năm là không hợp lệ.

Chùa Tung Sơn Thiếu Lâm thường được coi là Bắc Thiếu Lâm Tự. Ngoài nhãn hiệu đã đăng ký "Thiếu Lâm", chùa này đã nộp đơn đăng ký các nhãn hiệu như "Đông Thiếu Lâm", "Tây Thiếu Lâm", "Nam Thiếu Lâm" và "Bắc Thiếu Lâm".

Thông tin này đã gây ra tranh cãi trên mạng Internet, và có rất nhiều bình luận:

"Ma mặc áo cà sa, giả làm phật tử, hoại loạn chính pháp, dâm ô, tích của cải, không tu dưỡng đạo đức, làm cho Đạo suy yếu, đều là thói đời"。

"Điều tôi không hiểu là một nhà sư kiếm được nhiều tiền như vậy nhưng không giúp đỡ người nghèo thì để làm gì?"

"Nhìn tên mập này, ba bữa toàn ăn rượu thịt!"

“Hầu hết các chùa đều bị khoán doanh thu hoặc trở nên thương mại hóa, ngày càng rời xa ý nghĩa của Phật giáo nguyên thủy, khiến giới trẻ ngày nay không còn tin nữa”.

"Nghe nói khi ra nước ngoài, đại sư được gán chức vụ CEO".

Phật giáo dưới Mặt trận Thống nhất của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ)

Vào ngày 21/6, Tập đoàn thời trang của Trung Quốc Đại lục là Xtep đã tổ chức một buổi biểu diễn thời trang trước cửa chùa Thiếu Lâm ở Tung Sơn, Hà Nam. Các kênh truyền thông chính thức của ĐCSTQ đã quảng cáo Xtep là "công ty đầu tiên trong lịch sử 1500 năm của Thiếu Lâm". Xtep Group là "thương hiệu chung của công ty Xtep và Thiếu Lâm Tự".

Ngày hôm sau, chùa Thiếu Lâm mở cửa trở lại, như thường lệ vào buổi sáng, ba nhà sư hô khẩu lệnh, đi về phía trước, và một người trong số họ bước ra khỏi cửa chùa mang theo lá cờ đỏ của ĐCSTQ và làm lễ hạ cờ. Đây cũng là bức tranh hiếm có trong lịch sử 1500 năm của Thiếu Lâm Tự.

Thích Vĩnh Tín bị cáo buộc ngoại tình. Đồng thời, báo Đại lục cũng chỉ ra nhân vật chủ chốt đằng sau "Con đường đến với Phật giáo" của Thích Vĩnh Tín. (Epoch Times)
Thích Vĩnh Tín bị cáo buộc ngoại tình. Đồng thời, báo Đại lục cũng chỉ ra nhân vật chủ chốt đằng sau "Con đường đến với Phật giáo" của Thích Vĩnh Tín. (Epoch Times)

Trên thực tế, Thiếu Lâm Tự từ lâu đã trở thành một tổ chức thương mại dưới quyền kiểm soát của ĐCSTQ, và nó thậm chí còn được gọi là "ngành công nghiệp trụ cột" ở tỉnh Hà Nam. Trụ trì Thích Vĩnh Tín (Shi Yongxin) được gọi là "Giám đốc điều hành của Thiếu Lâm" và ông này đã tiến hành lăng xê thương mại từ năm 1986.

Bản thân Thích Vĩnh Tín cũng là đại diện của ĐCSTQ. Năm 2015, ông ta bị cáo buộc ăn thịt, uống rượu, bao dưỡng tình nhân, tham nhũng, hối lộ, biển thủ công quỹ, lạm dụng quyền lực, giam giữ trái phép và chiếm giữ trái phép tài sản của Thiếu Lâm Tự.

Minh Thanh

Theo Epoch Times tiếng Trung



BÀI CHỌN LỌC

Chùa Thiếu Lâm Tự đăng ký 666 thương hiệu hàng hóa trong 23 năm, bị cư dân mạng chỉ trích