Chính quyền Trung Quốc suy giảm năng lực ổn định tài chính: Trường hợp vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp Tewoo

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tewoo Group - một doanh nghiệp nhà nước (DNNN) của Thành phố Thiên Tân - đã chính thức vỡ nợ trái phiếu phát hành bằng USD trong khi chính quyền không có bất kỳ động thái giải cứu nào. Sự đổ vỡ chưa có tiền lệ này cho thấy năng lực ổn định tài chính của chính quyền Trung Quốc đang suy giảm, và tính cam kết cũng như an toàn của trái phiếu doanh nghiệp nhà nước của quốc gia này cũng đang giảm tốc mạnh mẽ…

Lần đầu tiên Trung Quốc mất khả năng trả nợ trên thị trường trái phiếu phát hành tại nước ngoài…

Thứ Năm vừa qua (12/12), Tewoo thông báo rằng các nhà đầu tư trái phiếu bằng đô la đại diện cho 57% trong tổng số nợ trái phiếu 1,25 tỷ đô la Mỹ, đã chấp nhận tập đoàn này trả nợ với mức chiết khấu 63%. Các trái chủ đại diện cho 22,6% số trái phiếu này đã bỏ phiếu để đổi nợ của họ thành trái phiếu mới với mức lợi suất thấp hơn được phát hành bởi công ty quản lý nợ nước ngoài của Tewoo (theo Bloomberg Singapore).

Việc tái cấu trúc của Tewoo thể hiện sự thay đổi căn bản trong cách chính phủ Trung Quốc đối phó với những thất bại của các doanh nghiệp nhà nước đang nợ nần bằng cách buộc các nhà đầu tư phải chịu lỗ.

Lời đề nghị tái cấu trúc (đã được các nhà đầu tư chấp nhận) đưa ra hai lựa chọn cho các trái chủ của Tewoo. Đầu tiên là giảm giá sâu cho bốn trái phiếu đang lưu hành - một trong số đó là trái phiếu trị giá 300 triệu USD sẽ đáo hạn vào thứ Hai tuần tới (16/12). Lựa chọn khác là đổi trái phiếu Tewoo lấy một trái phiếu của một doanh nghiệp nhà nước khác ở Thiên Tân và chấp nhận các trái phiếu giảm giá thấp hơn.

Tewoo Group Co hoạt động trong một số ngành công nghiệp bao gồm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, hậu cần, khai khoáng, ô tô và cảng. Tập đoàn này cũng có mạng lưới tại Mỹ, Đức, Nhật Bản và Singapore. Tewoo xếp hạng 132 trong top 500 doanh nghiệp lớn nhất thế giới của Tạp chí Fortune năm 2018, cao hơn nhiều tập đoàn khác bao gồm nhà cung cấp dịch vụ China Securities Corp và công ty tài chính titan Citic Group Corp. Tewoo có doanh thu hàng năm là 66,6 tỷ USD, lợi nhuận khoảng 122 triệu USD, tài sản trị giá 38,3 tỷ USD và hơn 17.000 nhân viên vào năm 2017 (theo Fortune).

Theo dữ liệu của Bloomberg, 11 tháng vừa qua, có ít nhất 15 vụ vỡ nợ trái phiếu của doanh nghiệp Trung Quốc, nâng tổng giá trị vỡ nợ lên tới 120,4 tỷ nhân dân tệ (17,1 tỷ USD). Kỷ lục vỡ nợ hiện tại của doanh nghiệp Trung Quốc được thiết lập vào năm 2018, khi có 121,9 tỷ nhân dân tệ giá trị trái phiếu bị vỡ nợ.

Lượng trái phiếu bị vỡ nợ nói trên là một lượng rất nhỏ so với thị trường trái phiếu doanh nghiệp 4,4 nghìn tỷ USD ở Trung Quốc, nhưng vẫn làm gia tăng mối lo về ảnh hưởng tiêu cực lan rộng bởi nhà đầu tư không biết những công ty nào có thể được Bắc Kinh ra tay giải cứu.

Chính quyền Trung Quốc suy giảm năng lực ổn định tài chính trong bối cảnh kinh tế rơi vào vòng xoáy suy trầm?

Đáng lưu ý là thị trường trái phiếu doanh nghiệp nhà nước luôn được giới đầu tư trong và ngoài nước đánh giá là rủi ro thấp với kỳ vọng chính quyền sẽ giải cứu và chống lưng cho khối doanh nghiệp này. Tuy nhiên, sự im lặng của Thiên Tân trong trường hợp này đã không vượt qua được phép thử của hệ thống tài chính toàn cầu: chính quyền Trung Quốc dường như đã suy giảm năng lực ổn định tài chính của họ trong bối cảnh nền kinh tế nước này rơi vào vòng xoáy suy trầm.

Các vụ vỡ nợ trái phiếu của doanh nghiệp Trung Quốc diễn ra ở nhiều ngành, từ doanh nghiệp kinh doanh bất động sản cho tới doanh nghiệp sản xuất thép, khoáng sản, phần mềm, từ doanh nghiệp tư nhân cho tới doanh nghiệp nhà nước. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên Trung Quốc vỡ nợ trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát hành tại nước ngoài.

Việc Trung Quốc, lần đầu tiên trong suốt 20 năm qua, cho phép một doanh nghiệp nhà nước - vốn luôn được ngầm định có chính quyền/nhà nước chống lưng - mất khả năng chi trả nợ trái phiếu doanh nghiệp sẽ là một cảnh báo u ám với các nhà đầu tư tài chính nước ngoài. Chưa nói đến khả năng thu hút vốn của doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc trên thị trường quốc tế suy giảm, mà năng lực ổn định tài chính của chính quyền Trung Quốc vì thế cũng bị hạ bậc.

Cho đến năm nay, không có doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc nào được phép vỡ nợ trên thị trường nợ quốc tế kể từ sau sự sụp đổ của Công ty Đầu tư và Ủy thác Quốc tế Quảng Đông vào năm 1998.

Fraser Howie, một nhà phân tích độc lập và đồng tác giả của cuốn sách “Chủ nghĩa tư bản đỏ: Quỹ tài chính mong manh của Trung Quốc”, cho biết: các doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước “không thể coi là được nhà nước chống lưng khi nói đến việc trả nợ trái phiếu” (theo Financial Times).

Các nhà đầu tư tài chính toàn cầu cảnh báo, do suy thoái kinh tế ở Trung Quốc, chính phủ nước này có thể thiếu các nguồn lực để bảo lãnh cho tất cả các công ty vỡ nợ, và có thể các nhà đầu tư sẽ buộc phải chấp nhận tái cấu trúc nợ theo các kế hoạch tương tự như Tewoo.

Theo Financial Times, các vấn đề của Tewoo và sự thiếu hỗ trợ từ chính quyền thành phố Thiên Tân chỉ là khởi đầu cho một loạt những vụ vỡ nợ của các nhóm được chính phủ hỗ trợ.

Trà Nguyễn (tổng hợp)



BÀI CHỌN LỌC

Chính quyền Trung Quốc suy giảm năng lực ổn định tài chính: Trường hợp vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp Tewoo