Chính quyền Trung Quốc nghiên cứu công nghệ 'khống chế não bộ' hơn 2 thập kỷ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Theo một nguồn tin bán công khai, chính quyền Trung Quốc đã và đang tiến hành nghiên cứu về công nghệ “khống chế não bộ” trong hơn 20 năm qua, với sự tham gia của quân đội, viện nghiên cứu khoa học và các trường đại học. Trong những năm gần đây, ngày càng có nhiều người Trung Quốc dùng tên thật của mình tiết lộ rằng họ là nạn nhân của các thí nghiệm "điều khiển não", họ bị quấy rối bằng các thủ đoạn như "truyền âm thanh nhồi sọ" 24 giờ mỗi ngày, và bị tổn hại lớn về thể chất và tâm lý.

Dự án "Kiểm soát trí não" của chính quyền Trung Quốc

Kể từ thế kỷ 21, nhiều quốc gia trên thế giới đã coi nghiên cứu khoa học não bộ là một lĩnh vực phát triển quan trọng và liên tiếp xây dựng các kế hoạch khoa học não bộ, tích hợp chúng vào các lĩnh vực công nghệ như nano, sinh học, thông tin và nhận thức, v.v. Theo đó, họ sản xuất các kỹ thuật tương tác hiệu quả cao như tương tác não-máy tính, tương tác não-não; các kỹ thuật khống chế và truyền tín hiệu từ não sang máy tính và từ não sang não, từ đó làm thay đổi cách thức cũng như hiệu quả của chiến tranh và kỹ thuật chiến đấu truyền thống.

Về việc ứng dụng hình thức khoa học kĩ thuật này trong quân sự, cổng thông tin chính thức của Quân đội Giải phóng Nhân dân “Mạng Quân sự Trung Quốc” (China Military Online) đã đăng một bài báo với tiêu đề "Khống chế não: ‘Vương miện’ khống chế quyền lực trong chiến tranh” vào tháng 2/2017. Bài báo nói rằng: "Con người là nhân tố mang tính quyết định, quyết định kết quả thành – bại của chiến tranh. Nếu như kiểm soát được ‘bộ não’ của con người và nắm quyền điều khiển bộ não, thì có thể không cần chiến đấu mà vẫn thu phục được binh lính của đối phương… Chúng ta nhất định phải thiết lập một chiến lược quân sự và hệ thống an ninh quốc gia dựa trên yếu tố cốt lõi của bộ não, phòng bệnh hơn chữa bệnh”.

Vào ngày 15/1/2019, Tân Hoa Xã - cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã đăng lại bài báo “Con đường giành chiến thắng bằng vũ khí điều khiển não” của tờ Báo Quốc phòng Trung Quốc, và khẳng định rằng “khoa học và công nghệ não tiềm tàng giá trị quân sự to lớn… Mục đích của vũ khí điều khiển não không phải là tiêu diệt xác thịt của kẻ thù, mà là chinh phục ý chí của kẻ thù, điều này có nghĩa là con đường giành chiến thắng trong một cuộc chiến là chuyển từ ‘sát thương’ sang ‘thao túng’”. Hơn nữa, công nghệ điều khiển não mới không yêu cầu cấy chip vào não người, mà sóng điện từ, ánh sáng, sóng âm thanh, mùi vị, v.v. đều có thể trở thành phương tiện truyền tải.

Vậy thì, ĐCSTQ bắt đầu ra sức phát triển công nghệ “điều khiển não bộ” từ khi nào?

Theo thông tin và báo cáo công khai chính thức, các nhà khoa học Trung Quốc đã đến Thụy Điển để tham gia cuộc họp làm việc lần thứ 4 của Dự án não người vào tháng 10/2001 và trở thành thành viên thứ 20 của dự án. Tại thời điểm đó, các đơn vị bao gồm Bệnh viện Giải phóng quân 301, Đại học Công nghệ Đại Liên, Đại học Chiết Giang, Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc… đã tham gia Dự án Não người Trung Quốc và nghiên cứu ngành thông tin học thần kinh (Neuroinformatics). Họ đã đạt được không ít kết quả nghiên cứu khoa học trên phương diện nghiên cứu cơ bản và lâm sàng, đạt được trình độ tiên tiến quốc tế trong một số lĩnh vực.

Năm 2012, Sở nghiên cứu phóng xạ và bức xạ y học thuộc Học viện Khoa học Quân y Trung Quốc (AMMS) đã công bố luận án “Vũ khí kiểm soát ý thức và thiết lập cơ sở dữ liệu hình ảnh hành vi học”.

Báo cáo luận án này giới thiệu rằng đối tượng thử nghiệm vũ khí điều khiển ý thức (còn gọi là vũ khí điều khiển tư tưởng) là con người, có thể khống chế con người từ các góc độ như thị giác, thính giác, xúc giác, vị giác, khứu giác, cảm xúc, tiềm thức, giấc mơ, v.v., khiến con người sinh ra các cảm xúc như tức giận, sợ hãi và xấu hổ, hối hận… cuối cùng khiến nạn nhân suốt ngày rơi vào trạng thái tinh thần tồi tệ, thậm chí có thể dẫn đến hành vi tự sát. Vũ khí kiểm soát ý thức có thể được triển khai thông qua các phương pháp vật lý, hóa học và không gian - thời gian, trong đó phương pháp không gian - thời gian có thể tác động trực tiếp đến ý thức con người.

Bài viết cũng nói rằng, trước tiên phải chọn một nhóm người cụ thể để tiến hành thí nghiệm kiểm soát ý thức, sau đó thông qua phân tích hành vi, thiết lập cơ sở dữ liệu hành vi của thị giác, thính giác, xúc giác, vị giác, khứu giác… Tiếp đó là chiểu theo kho cơ sở dữ liệu của vũ khí khống chế ý thức để phân chia các thông tin đã thu thập được nói trên thành kho số liệu mang tính tấn công hay tính phòng thủ. Từ đó triển khai nghiên cứu nghiên cứu về tính sát thương của vũ khí và cách thức bảo vệ y tế.

Năm 2015, "Dự án bộ não Trung Quốc" đã được Quốc vụ viện ĐCSTQ phê duyệt và được xếp vào danh sách "các dự án khoa học và công nghệ lớn liên quan đến sự phát triển của Trung Quốc trong tương lai". Năm 2016, "khoa học não bộ và nghiên cứu não bộ" được xác định trong cương yếu "Kế hoạch 5 năm lần thứ 13" là một trong những đề tài, dự án trọng đại, sáng tạo của khoa học và công nghệ. Đầu năm 2017, "khoa học não bộ và nghiên cứu não bộ" được coi là một trong những dự án thí điểm được khởi động trong “Đề án trọng đại về đổi mới khoa học và công nghệ 2030”, từ đó bước vào giai đoạn chuẩn bị kế hoạch và triển khai dự án.

Tháng 6/2018, "Mạng quân sự Trung Quốc" đăng lại bài viết "Bạn có biết về loại vũ khí sẽ khai hỏa bằng ‘vỏ não’ trong chiến tranh tương lai - vũ khí điều khiển não?". Bài báo cho biết rằng, giống như dấu vân tay, sóng não của mỗi người cũng là duy nhất không trùng lặp. Vì vậy, khi lợi dụng tính chất độc nhất đó, trước tiên là thu thập và lưu trữ vào máy tính các mã đặc trưng của sóng não, sau đó thông qua phần mềm “phiên dịch” chuyên biệt để đọc hiểu các tín hiệu hoạt động thần kinh như thị giác, thính giác, ngôn ngữ và cảm xúc của con người. Trên thực tế đây chính là "đọc suy nghĩ" của người khác.

Bài báo cho biết, việc nghiên cứu và chế tạo vũ khí điều khiển não cũng đòi hỏi phải phân tích dữ liệu lớn của hàng nghìn hàng vạn mẫu sóng não trong cơ sở dữ liệu, thì mới có được sự tương ứng giữa đặc điểm tâm lý và hình dạng sóng não. Sau đó, các nhân viên kỹ thuật chuyên nghiệp sử dụng các phương thức truyền tải gián tiếp như sóng điện từ… để truyền tín hiệu cụ thể đến cơ thể con người. Vũ khí điều khiển não có thể âm thầm lặng lẽ thay đổi trạng thái cảm xúc của con người, cuối cùng đạt được các mục tiêu quân sự cụ thể.

Dữ liệu thông tin não bộ con người đến từ đâu?

Vậy thì, làm thế nào mà các cơ quan nghiên cứu khoa học của ĐCSTQ có được số lượng mẫu sóng não khổng lồ để xây dựng cơ sở dữ liệu lớn?

Theo thông tin trên trang web chính thức của Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc, vào tháng 9/2002, hơn 40 chuyên gia có liên quan ở Trung Quốc đã họp mặt ở ở Hương Sơn (Bắc Kinh). Họ thảo luận về tình hình nghiên cứu não bộ trong và ngoài nước và cách đối phó với hình thế quốc tế, sau đó đề xuất phải tham gia Dự án não người quốc tế mang “đặc sắc Trung Quốc” để “phát huy thế mạnh của bản thân”. Mà “thế mạnh” được họ liệt kê ra là “chúng ta có nguồn não bộ phong phú”.

Vào tháng 3/2017, Nhật báo Khoa học và Công nghệ (Science and Technology Daily) - tờ báo chính thức của Bộ Khoa học và Công nghệ ĐCSTQ đã đăng một bài báo với tiêu đề "Chờ bạn lên mạng - ‘Dự án não bộ’ của Trung Quốc". Bài báo đã phỏng vấn bà Mã Lan (Ma Lan), đại biểu của Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc Trung Quốc và là Viện trưởng Viện nghiên cứu Khoa học Não của Đại học Phúc Đán. Bà Mã Lan giới thiệu rằng, Trung Quốc có rất nhiều ưu thế trong việc triển khai nghiên cứu khoa học não bộ, trong đó có đề cập rằng “Trung Quốc có dân số đông và số lượng bệnh nhân mắc bệnh về não rất lớn, là nơi cung cấp nguồn lực dồi dào cho nghiên cứu não bộ”.

Tuy nhiên, liệu những bệnh nhân mắc bệnh về não đang phải tìm cách để điều trị có thể thỏa mãn những cảm xúc tiêu cực cần được thu thập trong nghiên cứu như tức giận, sợ hãi, xấu hổ và hối hận… và đủ để xây dựng một cơ sở dữ liệu lớn hay không? Hiện ngoại giới vẫn chưa tìm được câu trả lời.

Ngoài ra, một bài viết do Sở nghiên cứu phóng xạ và bức xạ y học thuộc Học viện Khoa học Quân y Trung Quốc (AMMS) công bố, có đề cập đến việc kiểm soát ý thức trước hết phải lựa chọn những nhóm người đặc định để kiểm soát. Chúng ta không biết rằng cá nhân nào sẽ trở thành đối tượng thí nghiệm, họ có biết rõ về nghiên cứu này và có đồng ý tham gia hay không.

Những nạn nhân của ‘kiểm soát não bộ’ phản kháng bức hại

Trong những năm gần đây, một lượng lớn những người tự xưng là nạn nhân của thí nghiệm điều khiển não đã xuất hiện trên khắp Trung Quốc. Nhiều người trong số họ cho biết là họ đã bị điều khiển não thông qua "truyền âm thanh nhồi sọ".

Theo thống kê của nạn nhân Diêu Đa Kiệt (Yao Duojie), “những người bạn chung hoạn nạn” của anh ít nhất đến từ 19 tỉnh và 3 thành phố trực thuộc Trung ương trên toàn Trung Quốc. Khoảng thời gian bị bức hại bắt đầu từ năm 2000 cho đến những năm gần đây không giống nhau, độ tuổi cũng khác nhau, từ trẻ em đến người già đều có và họ làm việc trong các ngành nghề khác nhau. Tình huống bị bức hại mà các nạn nhân mô tả đều có những điểm chung sau đây, và cũng phù hợp với trạng thái xuất hiện sau khi bị điều khiển:

Đầu tiên, họ sẽ tiếp nhận được tiếng nói trong não của mình, sẽ bị sỉ nhục, chửi rủa hoặc nhận được các chỉ lệnh như tự làm hại bản thân trong vòng 24 giờ;

Thứ hai, bị cưỡng chế rơi vào cảm giác đau khổ, bi thương, sợ hãi, tuyệt vọng, v.v.;

Thứ ba, sẽ nhớ lại nhiều lần những điều sai trái, việc làm xấu, những việc liên quan đến sắc tình mà bản thân đã từng phạm phải theo cách không thể giải thích được;

Thứ tư, bị buộc rơi vào một “giấc mơ nhân tạo” tiêu cực và hơn nữa là có thể phân biệt rõ ràng nó với những giấc mơ bình thường;

Thứ năm, các cơ thịt co giật không rõ nguyên nhân, không tập trung được, không định hướng được, thường xuyên cảm thấy ngột ngạt và đau tức ngực, luôn nghe thấy tiếng ồn như tiếng ve kêu, tiếng chập điện… và da có cảm giác nóng như kim châm, có chỗ thì tê bì.

Ngoài ra, do mọi cảm giác chỉ xảy ra trên thân thể nạn nhân, nên những người xung quanh không thể hiểu được, thậm chí còn lầm tưởng họ có vấn đề về tâm thần nên hầu hết nạn nhân đều bị cô lập, bơ vơ.

Trong những năm gần đây, các nạn nhân của thí nghiệm kiểm soát não bộ đã liên tục xuất hiện theo từng nhóm, liên tục xuất hiện các vụ báo án tập thể lên các cơ quan công an. Ngoài ra, họ cũng phản ánh vấn đề này lên các cơ quan khiếu nại các cấp, yêu cầu lập án phá án, yêu cầu các thí nghiệm kiểm soát não phải được giám sát bởi pháp luật, giúp họ sớm được “giải thoát”. Tuy nhiên, xét từ những phản hồi hiện tại, việc bảo vệ quyền lợi cho họ vẫn là vấn đề nan giải.

Ảnh chụp hôm 26/11/2019 ở Bộ Công an Bắc Kinh, biểu ngữ: "Chúng tôi là nạn nhân của thí nghiệm khống chế não, kêu gọi quốc gia lập án phá án". (Ảnh do người trong cuộc cung cấp)
Ảnh chụp hôm 26/11/2019 ở Bộ Công an Bắc Kinh, biểu ngữ: "Chúng tôi là nạn nhân của thí nghiệm khống chế não, kêu gọi quốc gia lập án phá án". (Ảnh do người trong cuộc cung cấp)
Các nạn nhân của thí nghiệm khống chế não ở Quảng Tây, Quảng Đông, Phúc Kiến Giang Tây. (Ảnh do người trong cuộc cung cấp)
Các nạn nhân của thí nghiệm khống chế não ở Quảng Tây, Quảng Đông, Phúc Kiến, Giang Tây. (Ảnh do người trong cuộc cung cấp)
Các nạn nhân của thí nghiệm khống chế não ở Liêu Ninh, Vân Nam, Triết Giang, Hắc Long Giang. (Ảnh do người trong cuộc cung cấp)
Các nạn nhân của thí nghiệm khống chế não ở Liêu Ninh, Vân Nam, Triết Giang, Hắc Long Giang. (Ảnh do người trong cuộc cung cấp)
Ảnh chụp hồi tháng 5/2020, một nhóm "các nạn nhân của thí nghiệm khống chế não" ở thành phố Đông Quản, tỉnh Quảng Đông kháng nghị lên chính phủ. (Ảnh do người trong cuộc cung cấp)
Ảnh chụp hồi tháng 5/2020, một nhóm "các nạn nhân của thí nghiệm khống chế não" ở thành phố Đông Quản, tỉnh Quảng Đông kháng nghị lên chính phủ. (Ảnh do người trong cuộc cung cấp)
Nạn nhân của thí nghiệm khống chế não Dương Dương (Yang Yang) kháng nghị lên chính phủ. (Ảnh do người trong cuộc cung cấp)
Mẹ của nạn nhân bị thí nghiệm khống chế não Dương Dương (Yang Yang) kháng nghị lên chính phủ. (Ảnh do người trong cuộc cung cấp)
Nạn nhân của thí nghiệm khống chế não Đái Bội Bội (Dai Peipei) - người tỉnh Hồ Nam kháng nghị lên chính phủ. (Ảnh do người trong cuộc cung cấp)
Nạn nhân của thí nghiệm khống chế não Đái Bội Bội (Dai Peipei) - người tỉnh Hồ Nam kháng nghị lên chính phủ. (Ảnh do người trong cuộc cung cấp)

Đông Phương

Theo Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Chính quyền Trung Quốc nghiên cứu công nghệ 'khống chế não bộ' hơn 2 thập kỷ