Chính quyền Trump: Truyền thông nhà nước Trung Quốc cần cắt giảm nhân viên ở Mỹ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ngày 2/3, chính quyền Tổng thống Trump cho biết, họ sẽ giảm số lượng nhân viên Trung Quốc được phép làm việc tại một số cơ quan truyền thông lớn của nhà nước Trung Quốc tại Hoa Kỳ.

Các quan chức chính quyền Trump mô tả động thái này là một hành động nhằm đáp trả lại việc Bắc Kinh tiếp tục sử dụng “sự dọa nạt để bịt miệng các phóng viên của một nền báo chí tự do và độc lập”.

Hai quan chức Hoa Kỳ nói với các phóng viên trong một cuộc gọi vào ngày 2/3 rằng, chính quyền Trung Quốc đã chỉ đạo một “cuộc đàn áp ngày càng quyết liệt” đối với báo chí độc lập trong nước. Ví dụ gần đây là sự mất tích của các nhà báo công dân viết về dịch bệnh Coronavirus ở Vũ Hán và bắt giữ Jimmy Lai - người sáng lập tờ báo độc lập Apple Daily có trụ sở tại Hồng Kông - với cáo buộc liên quan đến việc ông này tham gia vào các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ của thành phố vào năm ngoái.

Tháng trước, chính quyền Trung Quốc đã thu hồi thị thực của 3 phóng viên Wall Street Journal ở Bắc Kinh sau khi tờ báo này từ chối xin lỗi vì một tiêu đề trong mục tiêu điểm thời sự của họ. Tiêu đề này được cho là “kỳ thị chủng tộc” khi gọi Trung Quốc là “kẻ bệnh hoạn thực sự của châu Á”. Một phóng viên khác của tờ báo này đã phải rời đi vào năm ngoái sau khi Bắc Kinh từ chối gia hạn thị thực.

Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Mike Pompeo cho biết trong một tuyên bố: “Trong nhiều năm, chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã áp đặt những sự giám sát, quấy rối và đe dọa ngày càng gay gắt đối với các nhà báo Mỹ và nước ngoài khác đang hoạt động tại Trung Quốc”.

Bắt đầu từ ngày 13/3, Washington sẽ giới hạn số lượng nhân viên tại trụ sở Hoa Kỳ của 4 hãng truyền thông Trung Quốc - Tân Hoa Xã, Mạng lưới Truyền hình Toàn cầu Trung Quốc, Đài phát thanh Quốc tế Trung Quốc và Nhật báo Trung Quốc - xuống mức 100 người so với 160 người hiện tại.

Bốn hãng trên cũng nằm trong số 5 cơ quan của nhà nước Trung Quốc được Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ xếp vào “những phái bộ ngoại giao” trong tháng 2/2020. Hiện tại, Hoa Kỳ chưa áp dụng hành động nào đối với công ty thứ 5, Hai Tian Development USA, đại diện của Cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tại Mỹ. Sự xếp loại này có nghĩa là Mỹ coi phong viên của các hãng này là nhân viên chính phủ nước ngoài, chứ không phải là nhà báo. Việc giới hạn nhân sự chính là kết quả trực tiếp của việc xếp loại này.

Một quan chức chính quyền Mỹ cho biết, 5 cơ sở này rõ ràng là những “cơ quan tuyên truyền của ĐCSTQ”. Người này cũng lưu ý rằng, ngay cả sau khi lệnh giới hạn này có hiệu lực, số nhân viên của 1 trong các cơ quan này vẫn nhiều hơn tổng số phóng viên người Mỹ tại tất các công ty truyền thông Hoa Kỳ ở Trung Quốc.

Một quan chức Hoa Kỳ lưu ý rằng, chỉ tính riêng trong năm 2019, Hoa Kỳ đã cấp 425 I-visa, loại thị thực dành cho đại diện truyền thông nước ngoài, cho các công dân Trung Quốc làm việc trong các hãng truyền thông. Ngược lại, số lượng tổng cộng của các nhà báo Hoa Kỳ tại Trung Quốc - những nhân viên của các hãng truyền thông có trụ sở ở Hoa Kỳ và nước ngoài khác - chỉ có khoảng 100 người.

Ông Pompeo nói rằng hành động này là một phần trong nỗ lực của chính quyền Trump nhằm thiết lập một “sân chơi cần thiết ở cấp độ lâu dài” trong mối quan hệ của họ với chính quyền Trung Quốc.

Ông nói thêm: “Hy vọng rằng hành động này sẽ thúc đẩy Bắc Kinh áp dụng cách tiếp cận công bằng và có đi có lại hơn với Mỹ và các hãng truyền thông nước ngoài khác ở Trung Quốc”.

Vào ngày 2/3, Câu lạc bộ Phóng viên Nước ngoài về Trung Quốc (FCCC) cho biết trong một báo cáo rằng chính quyền Trung Quốc đã “vũ khí hóa” thị thực như một phần của chiến dịch tăng cường đàn áp các báo cáo độc lập về các vấn đề nhạy cảm của Bắc Kinh.

Báo cáo cho biết: “Khi Trung Quốc đạt được tầm cao mới về ảnh hưởng kinh tế, nước này cho thấy họ ngày càng sẵn sàng sử dụng sức mạnh nhà nước để đàn áp các báo cáo thực tế - những báo cáo không phù hợp với hình ảnh toàn cầu mà Trung Quốc đang tìm cách xây dựng”.

Kể từ năm 2013, “Trung Quốc đã buộc 9 nhà báo nước ngoài, thông qua việc trục xuất hoàn toàn hoặc không gia hạn thị thực. FCCC lo ngại rằng Trung Quốc đang chuẩn bị trục xuất nhiều nhà báo hơn”, nhóm này nói, trích dẫn câu trả lời của 114 phóng viên trong một cuộc khảo sát.

Các quan chức Hoa Kỳ cho biết, các giới hạn nhân sự sẽ không được áp dụng với người cụ thể mà áp dụng cho cả hãng tin. Do đó, các hãng truyền thông Trung Quốc tự quyết định giữ lại những nhân sự cần thiết.

Trong khi Mỹ không muốn trục xuất bất kỳ ai, các quan chức nước này thừa nhận rằng các cá nhân Trung Quốc mà có thị thực được phép làm việc tại Mỹ vẫn có thể bị trục xuất.

Trong tương lai gần, Hoa Kỳ cũng sẽ công bố các giới hạn về thời gian lưu trú trên I-visa được cấp cho công dân Trung Quốc, các quan chức chính quyền Mỹ cho biết.

Văn Thiện

Theo Epoch Times

Trung Quốc


BÀI CHỌN LỌC

Chính quyền Trump: Truyền thông nhà nước Trung Quốc cần cắt giảm nhân viên ở Mỹ