Chính quyền Bắc Kinh đàn áp những người nói lên sự thật về virus Corona Vũ Hán ở Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Kể từ tháng 12/2019, chính quyền Trung Quốc đã tìm mọi cách “bịt miệng” những công dân cố gắng tiết lộ tình hình thực sự về sự bùng phát của virus Corona mới, khởi phát từ thành phố Vũ Hán thuộc miền Trung Trung Quốc.

Những người bị đàn áp bao gồm: các bác sĩ “tiên phong” lên tiếng cảnh báo về dịch bệnh, các nhà báo dân chủ, học giả, doanh nhân và sinh viên.

Dưới đây là một số câu chuyện của họ.

The Epoch Times gọi virus Corona Vũ Hán, căn nguyên của căn bệnh COVID-19, là “virus Đảng Cộng sản Trung Quốc” hay “virus ĐCSTQ” vì ĐCSTQ đã che đậy và quản lý sai lầm, khiến đại dịch bùng phát, lây lan khắp Trung Quốc và gây ra đại dịch toàn cầu.

Các bác sĩ bị đàn áp vì “tiên phong” lên tiếng cảnh báo dịch bệnh

Bác sỹ Lý Văn Lượng

Các sinh viên Trung Quốc và những người ủng hộ đã tổ chức một buổi tưởng niệm cho bác sỹ Lý Văn Lượng (Li Wenliang), người đầu tiên lên tiếng về dịch virus Corona ở Vũ Hán, Trung Quốc
Các sinh viên Trung Quốc và những người ủng hộ đã tổ chức một buổi tưởng niệm cho bác sỹ Lý Văn Lượng (Li Wenliang), người đầu tiên lên tiếng về dịch virus Corona ở Vũ Hán, Trung Quốc. (Ảnh: Getty)

Bác sỹ Lý Văn Lượng, 34 tuổi, làm việc tại Khoa Mắt, Bệnh viện Trung ương Vũ Hán, là một trong những người đầu tiên công khai thông tin về dịch bệnh ở Vũ Hán.

“Có bảy bệnh nhân từ chợ hải sản Hoa Nam được xác nhận nhiễm trùng phổi giống SARS”, anh chia sẻ với nhóm trò chuyện của hàng trăm cựu sinh viên Đại học Y khoa trên WeChat, một mạng xã hội của Trung Quốc. Anh đính kèm một ảnh chụp màn hình của một báo cáo chẩn đoán.

Đó là ngày 30/12/2019. Ngay ngày hôm sau, các nhà chức trách y tế Vũ Hán thừa nhận rằng có một đợt bùng phát viêm phổi siêu vi bí ẩn.

Mặc dù bác sỹ Lý đã nhắc nhở các đồng nghiệp không “lan truyền tin ra bên ngoài”, nhưng ảnh chụp màn hình của cuộc trò chuyện (có hiển thị tên đầy đủ của anh) đã nhanh chóng được phổ biến trên Internet. Ngày 3/1/2020, cảnh sát đã khiển trách anh cùng với bảy chuyên gia y tế khác vì đã lan truyền “tin đồn” trên mạng.

Cảnh sát tuyên bố anh đã vi phạm luật pháp: “Phòng Trật tự An ninh Xã hội hy vọng anh có thể chủ động hợp tác với công việc của chúng tôi, làm theo nhắc nhở của cảnh sát và dừng các hoạt động bất hợp pháp từ bây giờ. Anh có thể làm vậy được không?”

Bác sỹ Lý trả lời: “Vâng”.

Zhao Chen, đồng nghiệp của bác sỹ Lý Văn Lượng hồi tưởng: sau khi bác sỹ Lý bị cảnh sát triệu tập, bác sỹ trưởng khoa dặn dò họ: “Không được chống lại chính quyền, không nên đeo khẩu trang, không nên có lời nhận xét bất cẩn”. Bác sỹ Zhao nói với truyền thông nhà nước trong một cuộc phỏng vấn (đã bị xóa ngay sau đó), rằng bệnh viện có ý định sa thải bác sỹ Lý.

Vài ngày sau, bác sỹ Lý Văn Lượng nhiễm virus Corona Vũ Hán trong khi phẫu thuật cho một bệnh nhân tăng nhãn áp bị nhiễm virus không biểu hiện triệu chứng. Anh qua đời vào ngày 7/2, để lại người vợ đang mang thai và cậu con trai nhỏ. Phẫn nộ vì cái chết của anh, cư dân mạng ở Trung Quốc đã cầu nguyện cho lễ tang của anh và bắt đầu lên tiếng vì tự do ngôn luận.

Có hơn 200 nhân viên y tế tại bệnh viện của bác sỹ Lý bị nhiễm virus. Cùng chung số phận với anh, ba đồng nghiệp nữa cũng chết vì nhiễm virus Corona Vũ Hán.

Ngày 19/3, cảnh sát Vũ Hán đã rút lại tuyên bố về bác sỹ Lý Văn Lượng, kèm theo lời xin lỗi và nói rằng họ sẽ “rút kinh nghiệm” từ sự việc này.

Bác sỹ Ai Fen

Ảnh chụp bác sĩ Ai Fen trên weibo.
Ảnh chụp bác sĩ Ai Fen trên weibo.

Một thời gian sau, Ai Fen, bác sĩ phẫu thuật và là trưởng khoa cấp cứu tại bệnh viện Vũ Hán tiết lộ rằng chính cô là người cho bác sỹ Lý Văn Lượng xem các báo cáo chẩn đoán của bảy bệnh nhân viêm phổi “giống SARS”. Khi biết rằng đây là bệnh truyền nhiễm, cô yêu cầu mọi người trong khoa cấp cứu phải đeo khẩu trang.

Tuy không bị cảnh sát làm phiền, bác sỹ Ai Fen đã bị cấp trên khiển trách vô cùng gay gắt.

Cô nói với tạp chí Portrait của Trung Quốc: “Bao nhiêu lần tôi đã ước thời gian quay trở lại”. Cô cho biết cô đã rất ân hận vì không nói cho tất cả các bác sĩ biết về sự nguy hiểm này.

“Nếu tôi biết chuyện gì sẽ đến ngày hôm nay thì cho dù có bị chỉ trích thế nào, tôi vẫn sẽ báo tin đi khắp nơi. Phải có người đứng lên và nói ra sự thật. Nhất định phải có người nói ra sự thật, có phải không?”, cô nói.

Nhà báo dân chủ bị đàn áp

Fang Bin

Fang Bin trong một video được đăng vào ngày 4/2/2020. (Ảnh chụp màn hình / YouTube)
Fang Bin trong một video được đăng vào ngày 4/2/2020. (Ảnh chụp màn hình / YouTube)

Cuối tháng 1/2020, khi có lệnh phong tỏa Vũ Hán, một nhân viên bán quần áo là Fang Bin bắt đầu đến các bệnh viện trong thành phố để quay phim, chụp ảnh rồi đăng lên mạng. Anh đã quay được cảnh người dân xếp hàng dài chờ khám bệnh ngoài bệnh viện, những người bệnh vật lộn với cuộc sống, và các thành viên gia đình bệnh nhân vô cùng khổ sở lo lắng.

Một trong những video được lan truyền rất nhanh trên mạng của Fang Bin là cảnh quay 8 bao đựng xác trong một chiếc xe tải đậu bên ngoài bệnh viện. Anh thở dài nói: “Rất nhiều người chết”, “Quá nhiều”. Sau đó anh đi vào một căn phòng trong bệnh viện, nơi có các bác sĩ đang làm việc cạnh một bệnh nhân vừa qua đời.

"Người chết là ai vậy?" Fang hỏi một người đàn ông.

“Cha tôi”, người ấy khóc, “Cha tôi chết rồi”.

Ngay tối hôm đó, năm hay sáu người đàn ông đeo mặt nạ, mặc trang phục bảo hộ hazmat (để chống virus xâm nhập) đã đến gõ cửa, và yêu cầu đo thân nhiệt của anh. Fang nhanh chóng đặt máy ghi âm lại sự việc. Anh nói nhiệt độ của anh bình thường và yêu cầu họ trình lệnh kiểm tra. Nhóm người đi thẳng vào trong nhà, tịch thu các thiết bị điện tử của anh và đưa anh đến đồn cảnh sát. Ở đó, cảnh sát đã hỏi về các video của anh, Fang hồi tưởng lại sau đó.

Chưa đầy hai tuần sau, Fang mất tích. Theo tin tức từ bạn bè, anh đã bị bắt giam.

Chen Qiushi

Nhà báo công dân Trung Quốc, Chen Qiushi phát biểu trước một bệnh viện tạm thời - vốn trước đây là một trung tâm hội nghị - giữa lúc dịch bệnh bùng phát ở Vũ Hán, thủ phủ của tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, vào ngày 4 tháng 2 năm 2020.
Nhà báo công dân Trung Quốc, Chen Qiushi phát biểu trong một bệnh viện dã chiến - vốn trước đây là một trung tâm hội nghị - giữa lúc dịch bệnh bùng phát ở Vũ Hán, thủ phủ của tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, vào ngày 4/2/2020. (Ảnh chụp màn hình video)

Chen Qiushi là nhà báo dân chủ và luật sư, năm nay 34 tuổi, đến từ miền Đông Trung Quốc. Anh đến Vũ Hán vào ngày 24/1, một ngày sau khi có lệnh phong tỏa thành phố này. Anh mang theo mình một chiếc điện thoại thông minh, và cho biết rằng anh muốn ghi lại những câu chuyện về cư dân thành phố.

“Làm nhà báo mà không dám ra tuyến đầu thì có còn là nhà báo không?”, anh nói trong video đầu tiên của mình ở Vũ Hán, được quay bằng gậy selfie từ ga xe lửa, nơi anh vừa mới xuống tàu.

Chỉ trong hơn hai tuần, anh đã đăng hơn 100 bài viết trên YouTube và Twitter, đều là các kênh bị cấm ở Trung Quốc. Video và bài viết của anh thu hút hàng triệu lượt xem. Anh quay các cuộc phỏng vấn với người dân địa phương bị mất người thân, những bệnh nhân nằm trên giường bệnh tạm thời dọc hành lang bệnh viện, và quay cảnh một người chết đắp chăn kín bên ngoài phòng cấp cứu.

Trong một bệnh viện, một người phụ nữ đeo khẩu trang đẩy người thân trên xe lăn và giữ đầu để ông khỏi gục xuống.

“Ông bị sao thế?” Chen hỏi người phụ nữ.

“Ông chết rồi”, người phụ nữ trả lời.

Mặc dù mang đến cho công chúng những hình ảnh chân thực về tình hình dịch bệnh tại Vũ Hán, công việc này khiến Chen gặp phải nhiều phiền toái.

"Tôi sợ. Trước mặt tôi là virus. Đằng sau tôi là chính quyền Trung Quốc”, anh nói đầy tâm trạng trong một video quay tại phòng khách sạn vào ngày 30/1.

Chen cho biết chính quyền đã tới sách nhiễu cha mẹ anh ở miền Đông Trung Quốc, và cố gắng dò la tin tức của anh. Sau đó, nước mắt anh trào ra, tay chỉ vào camera và anh nói: “Ta không sợ chết. Tại sao ta phải sợ người, Đảng Cộng sản Trung Quốc?”

Ngày 7/2, mẹ anh đã đăng một video trên tài khoản Twitter của anh, cho biết Chen đã mất tích từ ngày hôm trước.

Một trong những người bạn của Chen là Xu Xiaodong, một võ sĩ nổi tiếng, đã đăng một video trên YouTube cho biết rằng Chen đã bị cách ly cưỡng bức, mặc dù không có biểu hiện triệu chứng.

Li Zehua

Ảnh chụp màn hình video Youtube của Li Zehua ghi lại hành trình anh khám phá thành phố Vũ Hán trong tâm dịch viêm phổi Vũ Hán (COVID-19), ngày 13/2/2020.
Ảnh chụp màn hình video Youtube của Li Zehua ghi lại hành trình anh khám phá thành phố Vũ Hán trong tâm dịch viêm phổi Vũ Hán (COVID-19), ngày 13/2/2020.

Li Zehua, 25 tuổi, từng là người dẫn chương trình của Đài truyền hình Trung ương CCTV của Trung Quốc, và cũng là nhà báo dân chủ thứ ba bị bắt tại tâm dịch Vũ Hán.

“Tôi không muốn phải giả câm giả điếc. Tôi làm điều này để kêu gọi nhiều người trẻ hơn nữa đứng lên nói rõ sự thật như tôi,” Li nói trong một video đầy nhiệt huyết trên YouTube, trước khi cảnh sát ập vào khách sạn bắt anh.

Ngày 12/2, theo tiếng gọi của Chen Qiushi và Fang Bin, những nhà báo công dân đã bị cảnh sát địa phương bắt giữ, Li một mình đáp tàu hỏa đến Vũ Hán. Anh đã nghỉ tại khách sạn kế bên khách sạn mà Chen Qiushi ở trước đó vài ngày. “Đó không hề ngẫu nhiên”, Li nói trong video đầu tiên trên YouTube.

Trong hai tuần, trước khi bị cảnh sát bắt, Li đã tới khu dân cư Baibuting, nơi nhiều người đã bị nhiễm bệnh sau khi tham dự một bữa tiệc có quy mô lớn. Ngoài ra, Li đã phỏng vấn một nhân viên nhà tang lễ, và đến ga xe lửa, nơi anh nghe nói rằng người lao động nhập cư đang mắc kẹt.

Tuy nhiên, trên đường trở về từ một phòng thí nghiệm virus học ở Vũ Hán, anh thấy mình bị theo dõi.

“Tôi đang chạy xe tốc độ cao. Xin hãy giúp tôi”, anh thở hắt và nói, miệng đeo khẩu trang.

Vài giờ sau, anh bị cảnh sát mặc thường phục gõ cửa phòng khách sạn.

Lúc đầu, Li từ chối cho họ vào. Anh bật camera lên quay và bắt đầu nói về cuộc biểu tình của sinh viên đòi quyền dân chủ ở quảng trường Thiên An Môn năm 1989, anh nói về kết cục đẫm máu của họ sau khi Bắc Kinh dùng quân đội và xe tăng đàn áp. Anh than thở về sự thiếu hiểu biết về lịch sử của giới trẻ Trung Quốc gần đây, cũng như các cuộc biểu tình là một chủ đề bị kiểm duyệt nặng nề ở Trung Quốc.

“Tôi đã cảm thấy rất khó để thoát khỏi việc bị bắt và cách ly. Nhưng tôi muốn nói rõ điều này: Tôi không xấu hổ khi phải đối mặt với chính mình, với cha mẹ tôi, trường Đại học Truyền thông Trung Hoa nơi tôi tốt nghiệp, và cả đất nước Trung Hoa... không ai phải hổ thẹn về tôi”, anh nói trước khi mở cửa cho cảnh sát vào. Cảnh sát đã tịch thu điện thoại, máy tính xách tay của Li, và tắt tín hiệu.

Doanh nhân bị đàn áp

Tỷ phú Nhậm Chí Cường

Nhậm Chí Cường (Ren Zhiqiang), chủ tịch của Hua Yuan Group, có bài phát biểu trong Diễn đàn kinh tế cao cấp năm 2006 tại Câu lạc bộ quốc tế Luxehills ở Thành Đô, Trung Quốc vào ngày 7/1/2006... (Ảnh Trung Quốc / Ảnh Getty)

Được truyền thông Trung Quốc mệnh danh là “Khẩu đại bác” vì có những lời chỉ trích dữ dội đối với chính quyền Trung Quốc, ông Nhậm Chí Cường, 69 tuổi, là trùm bất động sản có tiếng ở Bắc Kinh, đã mất tích.

Trong một bài báo gây sốt được công bố trên mạng vào đầu tháng 3/2020, ông Nhậm đã chỉ trích các cơ quan chức năng về việc vô trách nhiệm, không xử lý ổ dịch và không có tự do ngôn luận.

“Sự bùng phát của bệnh viêm phổi Vũ Hán đã minh chứng cho thực tế: khi tất cả các phương tiện truyền thông là ‘con đẻ của Đảng’, thì người dân bị bỏ rơi. Khi truyền thông không đại diện cho quyền lợi của nhân dân và không đưa tin trung thực, thì những gì dân chúng sẽ phải đối mặt không chỉ là virus, mà còn là sự hủy hoại của hệ thống chính trị bệnh hoạn và tham nhũng nghiêm trọng”, ông viết.

Ông Nhậm chỉ trích rằng ĐCSTQ đã tự huyễn hoặc, khuếch trương bản thân trong cuộc họp qua video của lãnh đạo cấp cao vào tháng 2/2020.

Ông nói: “Một thực tế rút ra trong khủng hoảng dịch bệnh này là ĐCSTQ đang bảo vệ lợi ích của chính họ. Không ai tiến hành điều tra về nguyên nhân bùng phát dịch bệnh, cũng không ai đứng lên kiểm điểm và nhận trách nhiệm. Những gì họ làm là hô hào về thành tựu và cố gắng che đậy sự thật”.

Ngày 12/3, ông Nhậm mất tích.

Ông không phải là người “xấu số” duy nhất gần đây bị trừng phạt vì đã chỉ trích việc chính quyền không ngăn chặn dịch bệnh bùng phát. Đầu tháng 2/2020, Xu Zhangrun, một tiến sỹ ngành luật tại Đại học Tsinghua danh tiếng, cũng bị quản thúc tại gia sau khi xuất bản một bài báo có tựa đề: “Những người tức giận giờ đây không còn sợ hãi” để tố cáo thái độ đạo đức giả của ĐCSTQ.

Ông viết: “Một sự thật là mức độ tức giận của dân chúng đang bùng lên như núi lửa, vì chính phủ để cho dịch bệnh bùng phát hiện nay. Mọi người tức giận đến mức nỗi tức giận ấy đã bao trùm sự sợ hãi”.

Sinh viên bị đàn áp

Zhang Wenbin

ntdvn_200402-post01-a
Trái: Tài khoản của Zhang Wenbin bị chặn trên WeChat. Phải: Zhang nói trong một video trên phương tiện truyền thông xã hội vào ngày 30/3/2020, kêu gọi Đảng Cộng sản Trung Quốc cầm quyền từ chức. (Ảnh chụp màn hình qua Twitter)

Zhang Wenbin là sinh viên đại học và là lập trình viên từ tỉnh Sơn Đông ở vùng Đông Bắc Trung Quốc. Ngày 30/3, Zhang đã đăng trên Twitter, mạng xã hội bị cấm ở Trung Quốc, một video với khẩu hiệu “Đả đảo Đảng Cộng sản Trung Quốc”.

Anh viết: “Có thể tôi sẽ không sống sót để chứng kiến ngày tàn của ĐCSTQ, tôi cũng không biết có ai xem được video này không, nhưng bất chấp bối cảnh nguy hiểm này, tôi đã làm được điều gì đó”.

Trước đó vài ngày, Zhang đăng một bài viết với thông điệp tương tự trên WeChat Moments, một mạng xã hội khác của Trung Quốc.

Trong một tweet khác đăng cùng ngày 30/3, Zhang cho biết cảnh sát đã gọi anh lên để cảnh cáo về bài viết của anh trên Wechat, và nói sẽ giam giữ anh trong 5 ngày. Từ thời điểm đó, không thấy anh đăng bài viết trên mạng nữa. Từ ngày 31/3, Zhang đã mất tích.

Thu Hà

-Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Chính quyền Bắc Kinh đàn áp những người nói lên sự thật về virus Corona Vũ Hán ở Trung Quốc