Chiêu bài ‘quyền lực mềm’ của Trung Quốc đã ảnh hưởng thế giới như thế nào?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Sự kiện thảm sát trên quảng trường Thiên An Môn đã dẫn đến “sự cô lập” mà thế giới dành cho Trung Quốc . Bắc Kinh có vẻ “rút kinh nghiệm” trong việc sử dụng “quyền lực cứng” của mình. Để thoát khỏi “chấn thương Thiên An Môn”, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bắt đầu vận dụng chiêu bài “quyền lực mềm Trung Quốc”.

Kể từ Đại hội lần thứ XVII của ĐCSTQ năm 2007, chiến lược “quyền lực mềm” đã dần được thực hiện, trở nên thiết yếu và là một công cụ “chinh phục thế giới’ của chính quyền Trung Quốc

‘Quyền lực mềm’ thực chất là gì?

Nhà khoa học, chính trị gia người Mỹ Joseph Nye cho rằng “quyền lực cứng” - sức mạnh truyền thống, gồm lực lượng quân sự, dân số, địa lý, tài nguyên chiến lược, là “khả năng thay đổi những gì người khác làm”. Trong khi “quyền lực mềm” là “khả năng thay đổi những gì người khác muốn vì lực hấp dẫn của nó”, do đó đối lập với “quyền lực cứng”.

Giáo sư Nye đã chia các nguồn “quyền lực mềm” thành ba loại chính: văn hóa, giá trị chính trị nội bộ và chính sách đối ngoại .

Thông thường, các yếu tố được xem là “quyền lực mềm” phải chính đáng, đáng tin cậy và hấp dẫn (do đó dẫn đến mong muốn bắt chước). Các chính quyền thực hiện chiến lược quyền lực mềm tìm cách làm cho mình hấp dẫn hơn, cố gắng cải thiện hình ảnh của họ, đến mức tăng cường sức mạnh ảnh hưởng của họ.

Bắc Kinh vận dụng chiêu bài ‘quyền lực mềm’ ra sao?

Ngay từ đầu những năm 1990, khái niệm quyền lực mềm đã thu hút sự quan tâm tại Trung Quốc, dù các nhà lãnh đạo Trung Quốc thường tỏ ra “khinh miệt” với những gì họ coi là “khái niệm của phương Tây”.

Tuy nhiên, vào năm 1998, một học giả là Vương Hỗ Ninh đã lần đầu tiên đặt ra câu hỏi về quyền lực mềm ở Trung Quốc, và mở ra gợi ý cho Bắc Kinh rằng “nếu một quốc gia có văn hóa và một hệ tư tưởng đáng ngưỡng mộ, các quốc gia khác sẽ có xu hướng đi theo nó... Nó không cần sử dụng quyền lực cứng đắt tiền và kém hiệu quả”.

Sự kiện thảm sát trên quảng trường Thiên An Môn đã dẫn đến “sự cô lập” mà thế giới dành cho Trung Quốc . Bắc Kinh có vẻ “rút kinh nghiệm” trong việc sử dụng “quyền lực cứng” của mình. Để thoát khỏi “chấn thương Thiên An Môn”, ĐCSTQ bắt đầu vận dụng chiêu bài “quyền lực mềm Trung Quốc”.

Tại Đại Hội Toàn Quốc thứ XVII của ĐCSTQ, quyền lực mềm chính thức được thông qua như một nguyên tắc chính trị. Hồ Cẩm Đào đã kêu gọi đổi mới các sáng kiến ​​văn hóa xã hội chủ nghĩa, kích thích sự sáng tạo văn hóa của cả quốc gia và làm cho văn hóa trở thành một yếu tố quan trọng của quyền lực mềm Trung Quốc.

Trên thực tế, quyền lực mềm đã nhanh chóng phục vụ cho chiến lược ảnh hưởng của Trung Quốc, đây chính là một mục tiêu kép. Một mặt, cần phải sử dụng quyền lực mềm để có được các thuộc tính của một cường quốc hoàn chỉnh: “Sự trỗi dậy của Trung Quốc không chỉ phụ thuộc vào quyền lực cứng mà còn cả vào quyền lực mềm”.

Thứ hai, quyền lực mềm có thể hỗ trợ cho việc thiết lập một “tập hợp môi trường thuận lợi” cho sự trỗi dậy của sức mạnh Trung Quốc: một môi trường quốc tế, ổn định, hòa bình và hợp tác; tạo điều kiện cho sự phát triển và bành trướng ảnh hưởng của ĐCSTQ.

Liền theo sau đó là nhiều cải cách, sáng kiến ​​đã được đưa ra, như việc mở ra các viện Khổng Tử, sự trao đổi các trung tâm văn hóa và đại học quốc tế, việc tổ chức “những sự kiện của Trung Quốc” ở các quốc gia khác nhau và tất nhiên, tổ chức các sự kiện quốc tế lớn, như Thế vận hội Olympic ở Bắc Kinh hoặc cuộc Triển Lãm Thế Giới ở Thượng Hải.

Mục tiêu của các nhà lãnh đạo Trung Quốc dường như đã “tiến lên” rõ ràng hơn sau đó. Trong những năm gần đây, quyền lực mềm được coi là một công cụ cho phép Trung Quốc vươn lên vị thế của một cường quốc. Do đó, Bắc Kinh đã triển khai một chiến dịch “quyến rũ to lớn”, đầu tư số tiền khổng lồ, đặc biệt là ở các nước đang phát triển.

Trong thực tế, các viện Khổng Tử đã được phân bố trên tất cả các châu lục, điều này chứng minh quyền lực mềm của Trung Quốc đã bao trùm lên toàn cầu.

Quan hệ kinh tế và thương mại với thế giới được Bắc Kinh ‘thắt chặt’ thông qua ‘quyền lực mềm’

Đông Nam Á, Châu Phi, Trung Đông và Châu Mỹ Latinh là những khu vực bị ảnh hưởng trực tiếp từ quyền lực mềm của Trung Quốc. Ngoài các mối quan hệ kinh tế và thương mại ngày càng bền chặt, đảm bảo cho Trung Quốc có được các đối tác “thân thiết”. Các hiệp định thương mại tự do với sáu quốc gia thành viên ASEAN có hiệu lực vào tháng 1/2011 đã xác nhận xu hướng này.

Sự hợp tác giữa Trung Quốc và Châu Phi đã được thực hiện vào tháng 10/2000, quy tụ gần 80 Bộ trưởng Ngoại giao từ 45 quốc gia Châu Phi. Diễn đàn thứ hai diễn ra vào tháng 11/2003 tại Ethiopia và kết thúc bằng việc thông qua Kế Hoạch Hành Động Addis Ababa vạch ra những đường lối chính của sự hợp tác này trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, thương mại và xã hội.

Sau hai diễn đàn này, khu vực Trung Quốc-Châu Phi (Chinafrique) đã ra đời. Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Trung Quốc cần các nguồn năng lượng dồi dào trên lục địa Châu Phi, trong khi Châu Phi lại cần viện trợ của Trung Quốc để phát triển.

Trao đổi thương mại là nguồn gốc của mối quan hệ giữa Trung Quốc và Trung Đông, điều này không ngừng tăng trưởng trong những năm gần đây. “Con đường tơ lụa mới” - Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) được đánh dấu bằng việc nối lại thương mại và đầu tư giữa Vịnh Ba Tư Ả Rập và Châu Á, giờ đây được thể hiện qua các trao đổi về nguồn vốn và hàng hóa.

Nhu cầu năng lượng của Trung Quốc là trung tâm của các cuộc trao đổi này, bất kể bản chất của các chính quyền khác (độc tài, khủng bố hay tham nhũng). Một dấu hiệu khác xác định sự xuất hiện của quyền lực mềm Trung Quốc ở Trung Đông là việc Bắc Kinh đã mở ra thêm nhiều học viện Khổng Tử, thậm chí đã ra mắt ấn bản tiếng Ả Rập của tạp chí China Today tại Cairo.

Cuối cùng, Châu Mỹ Latinh đã thu hút Bắc Kinh trong những năm gần đây, phần lớn là do dự trữ năng lượng và khoáng sản. Tiểu lục địa Châu Mỹ cũng được Trung Quốc quan tâm vì tài nguyên nông nghiệp. Cùng với Hoa Kỳ, Brazil và Argentina hiện là các nước xuất khẩu chính các sản phẩm nông nghiệp - đặc biệt là thịt và đậu nành - sang Trung Quốc.

Trong một vài năm, Trung Quốc đã trở thành một thị trường tiêu thụ chính đối với các nguyên liệu của Châu Mỹ Latinh. Sự hiện diện ngày càng mạnh mẽ này trong “sân sau của Hoa Kỳ” là một minh chứng cho khả năng lan tỏa “quyền lực mềm” của Trung Quốc.

Bản chất của ĐCSTQ tự nó là một giới hạn đối với chiến lược ‘quyền lực mềm’

Cần lưu ý rằng sự cạnh tranh với Washington là trung tâm của hầu hết các chiến thuật về quyền lực mềm Bắc Kinh. Về vấn đề này, ông Joseph Nye tin rằng, quyền lực mềm Trung Quốc không hiệu quả lâu dài, vì các chiến lược của ĐCSTQ không thể đảm bảo thành công. Giáo sư Nye giải thích rằng “các cường quốc cố gắng sử dụng văn hóa để định hình quyền lực mềm cho mình, nhưng điều chính yếu là kết quả của xã hội dân chủ hơn là của các chính phủ”.

Vì lý do này mà chiến lược quyền lực mềm của ĐCSTQ dường như nhắm mục tiêu chính vào người Trung Quốc, bằng cách kiểm soát hệ tư tưởng của người dân, thúc đẩy cảm giác tự hào dân tộc (gây nhầm lẫn giữa khái niệm ĐCSTQ và dân tộc Trung Hoa), cũng như dựng nên “Vạn lý tường lửa” nhằm ngăn cách người dân với nguồn thông tin từ thế giới bên ngoài.

Thật ra, bản chất của ĐCSTQ tự nó là một giới hạn đối với quyền lực mềm mà Bắc Kinh tìm cách triển khai. Mặc dù chiến lược đầu tư lớn vào các nước đang phát triển chắc chắn mang lại lợi ích cho Bắc Kinh, các “lỗ hổng” của nền kinh tế nội địa và sự vi phạm nhân quyền sâu sắc trong nước là điều mà chính quyền này không thể che dấu được.

Các nước láng giềng của Trung Quốc ngày càng lo sợ “mồi nhử” về sự tăng trưởng và cố gắng chống lại sự bành trướng của chính quyền này. Trong khi chiến lược quyền lực mềm của bất kỳ quốc gia nào sẽ được xem như là một phương pháp lành mạnh, thì ở đây, quyền lực mềm của ĐCSTQ gây ra sự lo lắng, bất an và thất vọng.

Một khi cảm thấy ở vào “thế thượng phong” đối với các đối tác, Bắc Kinh bắt đầu đi từ chiến thuật “quyền lực mềm” sang áp dụng phong cách “thực dân” mới ở Đông Nam Á, Châu Phi hoặc các khu vực khác.

Các phản ứng của Bắc Kinh về phương diện đối ngoại được gọi là ngoại giao “chiến binh sói”. Quyền lực mềm của chế độ này đến nay đã phản tác dụng, bởi bản chất không đáng tin cậy, hung hăng, ngang ngược của chính quyền Trung Quốc. Quyền lực mềm chẳng qua là một mỹ từ để che dấu mục đích chính là giành lấy “quyền bá chủ” thế giới của Bắc Kinh mà thôi.

Tâm An

Nguồn tham khảo

Nye Joseph S. (2005), “The Rise of China’s Soft Power”, Wall Street Journal

Nye Joseph S. (2010a), “American and Chinese Power after the Financial Crisis”, The Washington Quarterly.

Ding Sheng (2010), “Analysing Rising Power from the Perspective of Soft Power: A New Look at China’s Rise to the Status Quo Power”, Journal of Contemporary Asia

Gregory Chin et Ramesh Thakur (2010), “Will China Change the Rules of Global Order?”, The Washington Quarterly

Jeffrey Gill (2008), “The Promotion of Chinese Language Learning and China’s Soft Power”, A



BÀI CHỌN LỌC

Chiêu bài ‘quyền lực mềm’ của Trung Quốc đã ảnh hưởng thế giới như thế nào?