Chất vấn về số người chết trong vụ xung đột Trung - Ấn, cựu phóng viên và nhiều cư dân mạng Trung Quốc bị bắt giữ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) lần đầu tiên chính thức thông báo vào ngày 19/2 rằng phía Trung Quốc có 4 binh sĩ thiệt mạng và 1 người bị thương trong cuộc xung đột Trung - Ấn. Sau đó, nhiều cư dân mạng Trung Quốc đã đặt ra nghi vấn về vấn đề này và bị bắt giam với lý do "xúc phạm, vu khống các anh hùng bảo vệ biên cương”.

Vào tháng 6 năm ngoái, Trung Quốc và Ấn Độ đã nổ ra cuộc xung đột đẫm máu nhất trong 45 năm tại thung lũng Galwan ở biên giới giữa hai nước. Phía Ấn Độ đã ngay lập tức thông báo rằng, ít nhất 20 binh sĩ của quân đội Ấn Độ đã thiệt mạng. Hãng truyền thông Mỹ News & World Report đưa tin ngày 16/6 rằng, theo báo cáo của tình báo Mỹ, 35 binh sĩ Trung Quốc đã thiệt mạng và bị thương nặng. Tuy nhiên, tờ The Times of India của Ấn Độ dẫn nguồn thông tin giấu tên cho biết đã có 43 binh sĩ Trung Quốc thương vong.

Tuy nhiên, ĐCSTQ đã không công bố số người chết và bị thương mãi cho đến ngày 19/2 vừa rồi. Trong "Lệnh tuyên dương các liệt sĩ", ĐCSTQ tiết lộ rằng Trung đoàn trưởng Kỳ Phát Bảo (Qi Fabao) bị thương nặng; Tiểu đoàn trưởng Trần Hồng Quân (Chen Hongjun) và 3 binh sĩ Trần Tường Dung (Chen Xiangrong), Tiêu Tư Viễn (Xiao Siyuan), Vương Trác Nhiễm (Wang Zhuoran) đã hy sinh. Truyền thông Trung Quốc khi đưa tin về xung đột này cũng đẩy mọi nguyên nhân sang phía Ấn Độ.

Lần này, các kênh truyền thông chính thức của ĐCSTQ cáo buộc Ấn Độ vi phạm thỏa thuận giữa hai nước, thường xuyên lấn qua biên giới, xây cầu tạm và sửa đường, khiến tình hình biên giới nóng lên. Điều này trái ngược với những gì báo chí nước ngoài đưa tin trước đó.

Khi đó, báo chí nước ngoài đưa tin, vào ngày xảy ra vụ việc, các sĩ quan và binh lính Ấn Độ đi tuần tra để xác nhận xem phía Trung Quốc có rút quân theo thỏa thuận hay không, trong quá trình tuần tra, họ thấy quân đội ĐCSTQ dựng lều bạt tại đó nên hai bên đã xảy ra xung đột. Binh lính ĐCSTQ đã sử dụng gậy thép gỉ hàn đinh sắt để tấn công, trong khi Ấn Độ đáp trả bằng đá.

Các nguồn tin tình báo Hoa Kỳ cũng chỉ ra rằng, xung đột bắt nguồn từ ông Triệu Tông Kỳ (Zhao Zongqi), Tư lệnh Chiến khu Tây Bộ của quân đội ĐCSTQ, người đã ra lệnh tấn công Ấn Độ, hơn nữa Trung Quốc cũng có ý định thể hiện sức mạnh với Ấn Độ.

Đầu tháng này, Trung Quốc và Ấn Độ cuối cùng đã đạt được "đồng thuận hòa hoãn xung đột" sau các cuộc đàm phán quân sự bí mật dài hơi. Hai bên bắt đầu tổ chức rút quân khỏi tuyến đầu ở khu vực hồ Pangong (Pangong Tso) từ ngày 10/02/2021.

Cựu phóng viên Trung Quốc bị bắt vì đăng bài chất vấn số người tử vong

Cũng trong hôm 19/2, tài khoản Weibo có hơn 2,5 triệu người theo dõi @辣笔小球 (Lạp Bút Tiểu Cầu), đã đăng bài đặt nghi vấn về số người chết bên phía Trung Quốc, và bị một lượng lớn "cư dân mạng yêu nước" và các kênh truyền thông chính thức của ĐCSTQ “vây quét”.

Sau đó, Weibo đã đóng tài khoản "Lạp Bút Tiểu Cầu" vì tội "phỉ báng anh hùng liệt sĩ" và cấm hoạt động trong một năm, một tài khoản khác do "Lạp Bút Tiểu Cầu" nắm giữ tên là @球夜行 (Cầu Dạ Hành) cũng bị khóa cùng thời điểm.

Ngày 20/2, Công an thành phố Nam Kinh thông báo, vào tối ngày 19/2, một người họ Cừu (nam, 38 tuổi, quê ở Nam Kinh, tên trên mạng là "Lạp Bút Tiểu Cầu") đã bị cảnh sát tạm giữ hình sự vì “bị nghi ngờ gây kích động và gây rối loạn”.

Hiện tại, trang chủ Weibo của "La Bút Tiểu Cầu" đã bị xóa sạch, không thể tìm thấy người dùng này trong cột "Tìm kiếm" của Weibo.

Theo ảnh chụp màn hình của cư dân mạng, bài đăng do "Lạp Bút Tiểu Cầu" đăng tải có nội dung: "Cấp bậc cao nhất, Trung đoàn trưởng sống sót, tính cách của Trung đoàn trưởng này khẳng định là ‘cơ trí + nhanh như thỏ + ngồi siêu xe + lao trên còn đường huyết lộ + tăng tốc. Trên cơ sở này, ‘quân lính nước ngoài tan tác và ôm đầu bỏ chạy’. Dù sao thì, chúng ta đã thắng". (Hình 1)

Lời bình luận về con số thương vong trong xung đột Trung - Ấn của tài khoản Weibo "Lạp Bút Tiểu Cầu". (Hình ảnh trên Internet)
(Hình 1) Lời bình luận về con số thương vong trong xung đột Trung - Ấn của tài khoản Weibo "Lạp Bút Tiểu Cầu". (Hình ảnh trên Internet)

"Viết thế này cũng không tồi. Mọi người ngẫm xem, 4 người đã hy sinh đều là ‘đến cứu viện’. Ngay cả những người đi cứu viện cũng hy sinh, vậy thì chắc chắn phải có người không cứu được. Điều này cho thấy số người tử trận không phải chỉ có 4 người. Đây là lý do tại sao Ấn Độ dám công bố số lượng và danh sách những người thiệt mạng ngay từ đầu. Theo quan điểm của Ấn Độ, họ đã thắng vì cái giả phải trả thấp hơn nhiều". (Hình 2)

Lời bình luận về con số thương vong trong xung đột Trung - Ấn của tài khoản Weibo "Lạp Bút Tiểu Cầu". (Hình ảnh trên Internet)
(Hình 2) Lời bình luận về con số thương vong trong xung đột Trung - Ấn của tài khoản Weibo "Lạp Bút Tiểu Cầu". (Hình ảnh trên Internet)

Có cư dân mạng chỉ ra rằng "Lạp Bút Tiểu Cầu" từng là phóng viên của tờ The Economic Observer. Sau đó, tờ báo này đưa ra tuyên bố rằng ông Cừu (Lạp Bút Tiểu Cầu) đã từ chức vào năm 2015 và hành vi hiện tại của ông này không liên quan gì đến công ty.

Nhiều cư dân mạng khác cũng bị bắt

Vào ngày 22/2, tờ Nhân dân Nhật báo đã chuyển tiếp nội dung của tài khoản Weibo chính thức của Văn phòng Công an quận Tân Hải, thành phố Mậu Danh, tỉnh Quảng Đông, viết rằng "Lại thêm một người nữa! Một cư dân mạng Quảng Đông đã bị giam giữ vì xúc phạm và vu khống anh hùng bảo vệ biên cương".

Nội dung của Weibo cho thấy, cảnh sát địa phương nhận được báo cáo vào ngày 21/2 rằng “một cư dân mạng đã đăng lời lăng mạ và vu khống các binh sĩ anh hùng bảo vệ tổ quốc và biên cương trong một nhóm WeChat”. Đêm đó, cư dân mạng này đã bị “truy bắt” và hiện đang bị tạm giữ hình sự.

Cùng ngày, nhiều kênh truyền thông của đại lục cũng đăng tải một tin tức với tiêu đề "Người thứ năm! Một cư dân mạng ở Quý Dương đã xúc phạm anh hùng bảo vệ biên cương và đã bị giam giữ!".

Bài báo trích dẫn một thông báo đăng ngày 22/2 của Công an quận Nam Minh, thành phố Quý Dương. Trong đó nói rằng vào sáng ngày 21/2, trong một cuộc “tuần tra trên mạng Internet”, Đội An ninh mạng của Công an quận Nam Minh đã phát hiện “có cư dân mạng đăng lời vu khống, xúc phạm các cán bộ, chiến sĩ anh hùng bảo vệ biên giới trong nhóm WeChat”. Cảnh sát mạng sau đó đến tận nhà “truy bắt” cư dân mạng và tạm giữ hành chính 13 ngày đối với người này.

Tuy nhiên, cả hai tin tức trên đều không nói rõ rốt cuộc những "kẻ phạm tội" này đã có những lời bình luận gì.

Vào ngày 21/2, cũng có tin rằng hai cư dân mạng đã bị giam giữ vì đưa ra những nhận xét liên quan. Trong số đó, Công an quận Hải Điến, Bắc Kinh đã tạm giữ hình sự một nam thanh niên 28 tuổi vì “bị nghi ngờ gây kích động và gây rối loạn”; Công an thành phố Miên Dương, Tứ Xuyên cũng xử phạt giam giữ hành chính 7 ngày đối với một nam thanh niên 25 tuổi.

Bức ảnh được đăng tải trên Twitter cho thấy, tên của binh sĩ thiệt mạng là Trần Tường Dung (Chen Xiangrong), thuộc đơn vị 69316, quê ở Phúc Kiến, sinh tháng 12/2001 và mất tháng 6/2020.
Bức ảnh được đăng tải trên Twitter cho thấy, tên của binh sĩ thiệt mạng là Trần Tường Dung (Chen Xiangrong), thuộc đơn vị 69316, quê ở Phúc Kiến, sinh tháng 12/2001 và mất tháng 6/2020. (Ảnh chụp màn hình)

Tuy nhiên, liệu những thông tin chính thống có thực sự đáng tin cậy?

Sau cuộc xung đột Trung - Ấn năm ngoái, những bức ảnh về bia mộ của liệt sĩ Trần Tường Dung đã xuất hiện trên mạng. Tài khoản Weibo chính thức @中国长安网 (Trung Quốc Trường An Net) của Ủy ban Chính trị và Pháp luật Trung ương ĐCSTQ từng đăng lại bức ảnh, nhưng sau đó ngay lập tức xóa bài và ảnh.

Ngày 20/9/2020, tài khoản Weibo @军武季 (Quân Võ Quý) nổi tiếng với hơn 4,8 triệu người theo dõi chuyên đưa tin về vấn đề quân sự đã xuất hiện để "bác bỏ tin đồn", nói rằng bia mộ của Trần Tường Dung là giả mạo và "quần chúng không nên bị người khác lợi dụng để đưa tin đồn thất thiệt".

Nhưng giờ đây, "tin đồn" đã được chính quyền ĐCSTQ công bố là "sự thật".

Đông Phương

Theo The Epoch Times tiếng Trung



BÀI CHỌN LỌC

Chất vấn về số người chết trong vụ xung đột Trung - Ấn, cựu phóng viên và nhiều cư dân mạng Trung Quốc bị bắt giữ