CCTV và ông Tập không đồng điệu về vấn đề 'thoát nghèo'

Giúp NTDVN sửa lỗi

Gần đây, Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) đã vạch trần vụ bê bối xóa đói giảm nghèo ở tỉnh Thiểm Tây, quê hương của ông Tập Cận Bình, sau đó chính quyền Thiểm Tây ngay lập tức "bác bỏ tin đồn" này. CCTV vốn là cái loa của chính quyền Trung Quốc nhưng lần này lại dám động vào “vùng cấm”. Có phân tích chỉ ra rằng nội tình ở đây không hề đơn giản.

Trong cuộc vận động "toàn diện xây dựng xã hội thịnh vượng vừa phải" (tiểu khang xã hội) do Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) khởi xướng, huyện Lạc Nam ở tỉnh Thiểm Tây đã tuyên bố thoát nghèo vào tháng 2/2020. Tuy nhiên, vào ngày 24/4 vừa rồi, CCTV đã phơi bày hiện trạng thoát nghèo giả của huyện này.

Theo CCTV, người dân ở thị trấn Linh Khẩu, huyện Lạc Nam, tỉnh Thiểm Tây nói rằng, để đối phó với các chuyến kiểm tra và nghiệm thu "thoát nghèo" của cấp trên, các quan chức phụ trách ở địa phương đã tập trung tất cả hộ dân được hưởng chế độ “năm đảm bảo” ở các thôn ra điểm tái định cư, nhưng ở đó ngay cả nước cũng không có, sau khi cấp trên nghiệm thu xong thì cũng không có ai quan tâm đến đời sống của họ nữa.

Người dân trong thôn cũng cho biết, do hầu hết lao động trong thôn đều đã đi làm xa nên các hộ nghèo đành phải bỏ tiền ra thuê người kéo nước cho, rồi trữ nước trong hầm khô, tính ra một tấn nước có giá từ 50 nhân dân tệ (khoảng 178.000 VND) trở lên.

“Năm đảm bảo” là một hệ thống an sinh xã hội mà ĐCSTQ thực hiện ở các vùng nông thôn, nhằm hỗ trợ cuộc sống cho những người trong diện được hưởng chính sách, bao gồm thực phẩm, quần áo, nơi ở, chăm sóc y tế và mai táng (gồm cả chăm sóc và giáo dục trẻ mồ côi).

CCTV cũng nói rằng, Chi cục thủy lợi huyện Lạc Nam đã từ chối trả lời về tin tức trên và còn giật điện thoại di động của phóng viên. Các quan chức địa phương thậm chí còn chất vấn phóng viên: "Ai đã cử anh đến đây?".

Đến ngày 26/4, Văn phòng Thông tin của chính quyền tỉnh Thiểm Tây công bố kết quả điều tra sơ bộ về vấn đề “thoát nghèo giả” ở huyện Lạc Nam mà CCTV đưa tin. Thông báo cho biết, sau nhiều ngày điều tra thực địa, tỉnh Thiểm Tây xác thực rằng các hộ nghèo ở hai ngôi làng mà CCTV đưa tin đã được hỗ trợ giải quyết các vấn đề về nhà ở, nước sinh hoạt, v.v. trước khi được công bố thoát nghèo. Tất cả đều đạt các tiêu chuẩn thoát nghèo của quốc gia và tỉnh Thiểm Tây.

Thoát nghèo là một nhiệm vụ chính trị

Vụ việc thoát nghèo giả ở tỉnh Thiểm Tây đã thu hút sự chú ý của người dân Trung Quốc, và các chủ đề liên quan cũng lọt vào danh sách tìm kiếm nóng.

Bà Hình Thiên Hành (Xing Tianxing), một nhà bình luận thời sự người Hoa ở Mỹ, đã chỉ ra rằng đây thực chất chỉ là phần nổi của tảng băng chìm trong công cuộc thoát nghèo lừa đảo của ĐCSTQ. Bà nói: “Là người Trung Quốc thì ai cũng biết rõ điều đó. 'Thoát nghèo' thực sự được hoàn thành như một nhiệm vụ chính trị. Lịch sử của ĐCSTQ luôn là như vậy. Về cơ bản, các cuộc vận động chính trị của nó đều hoàn thành nhờ vào làm giả và chỉ vì cái lợi trước mắt".

Một cư dân mạng bình luận rằng: "Điều tra ngay trong đêm sao? Giờ đó người ta ngủ hết rồi lấy ai mà đối chứng điều tra? Ngày 26/4 đã công bố kết quả điều tra thực địa, đường đến các huyện nghèo lại đều là đường núi, làm sao mà điều tra nhanh vậy được? Dựa trên mức độ chân thực của các báo cáo điều tra trước đây của chính quyền Thiểm Tây, tôi thật không dám tin bản báo cáo lần này”.

Ai đã chỉ đạo CCTV vạch trần vụ thoát nghèo giả này?

Vào ngày 25/2 năm nay, ông Tập Cận Bình tuyên bố rằng cuộc chiến thoát nghèo đã đạt được “thắng lợi toàn diện”. Người nghèo ở nông thôn và tất cả 832 huyện nghèo đều đã thoát nghèo. Ông Tập cũng nhấn mạnh rằng dưới sự lãnh đạo của ông, lại xuất hiện một "kỳ tích nhân gian" nữa.

Nhà bình luận thời sự người Hoa, ông Cổ Phong (Gu Feng) đã viết một bài phân tích nói rằng, kể từ khi lên nắm quyền, ông Tập Cận Bình đã thực hiện sáu dự án trọng điểm trong thành tựu chính trị của mình. Điều duy nhất mà ông Tập có thể khoe khoang là "Dự án thoát nghèo". Nhưng lần này, việc CCTV vạch trần bê bối thoát nghèo giả ở tỉnh Thiểm Tây rõ ràng là một cái tát vào ông Tập.

Bài báo viết, theo yêu cầu "bốn ý thức" và "hai bảo vệ" của ĐCSTQ, các kênh truyền thông tuyệt đối không được phép đưa tin tiêu cực về những thành tựu then chốt của ông Tập, nếu không sẽ không đồng điệu với ông ấy. Việc CCTV phơi bày sự việc ở Thiểm Tây, chỉ có hai khả năng: một là hành vi cá nhân của phóng viên, hai là sự xúi giục của các lực lượng chống ông Tập. Tuy nhiên, CCTV luôn có trình tự thẩm tra và lựa chọn chủ đề đưa tin, nếu đó là hành vi cá nhân của một phóng viên, nội dung của nó sẽ bị kiểm duyệt và CCTV không thể thông qua. Vậy thì khả năng duy nhất là CCTV đã nghe theo chỉ đạo của thế lực chống đối ông Tập, cố ý để ông ta mất mặt.

Bà Hình Thiên Hành thì lại cho rằng có một khả năng khác, đó là việc thoát nghèo giả không thể che đậy được, những thành tựu chính trị mà nhà cầm quyền khoe khoang chỉ là trò cười trong mắt người dân. Vì vậy, truyền thông đảng làm một chút tiểu thuật để chuyển hướng người dân, không truy cứu trách nhiệm của lãnh đạo cấp cao ĐCSTQ, mà đổ lỗi cho các quan chức địa phương.

Bà Hình nói: "Cách làm của CCTV, mục đích là khiến người dân càng tin tưởng hơn vào ĐCSTQ, rằng những vấn đề này không phải do đảng gây ra, mà là do các cá nhân gây ra. Vẫn có rất nhiều người [Trung Quốc] tin rằng chính sách của trung ương rất tốt nhưng bị cán bộ bên dưới bóp méo. Vậy nên chúng ta thấy có khá nhiều người đi thỉnh nguyện, kiến ​​nghị, kêu oan, nhưng khi họ thực sự đi thỉnh nguyện thì mới phát hiện ra rằng làm vậy cũng không giải quyết được vấn đề gì”.

Đông Phương

Theo Epoch Times tiếng Trung



BÀI CHỌN LỌC

CCTV và ông Tập không đồng điệu về vấn đề 'thoát nghèo'