Cạnh tranh với GPS, Bắc Đẩu của ĐCSTQ đã được xuất khẩu sang hơn 120 quốc gia và khu vực

Giúp NTDVN sửa lỗi

Theo báo cáo chính thức của Trung Quốc, khối lượng tiêu thụ chip bán dẫn 'Made in China' - Bắc Đẩu đã vượt qua con số 100 triệu chiếc, và các sản phẩm liên quan đã được xuất khẩu sang hơn 120 quốc gia và khu vực. Báo cáo đề cập rằng vai trò của Bắc Đẩu trong việc cạnh tranh với đối thủ là Hệ thống định vị toàn cầu GPS của Hoa Kỳ, cũng như tầm quan trọng của nó trong chiến lược phòng thủ quốc gia của Trung Quốc, là “không thể tả được”.

Theo trang Sina Finance của Trung Quốc, hệ thống định vị vệ tinh Bắc Đẩu 1 của Trung Quốc được khởi động từ năm 1994, từ đó đã hình thành nên một chuỗi phát triển công nghiệp. Các sản phẩm liên quan đến Bắc Đẩu hiện đang cung cấp dịch vụ cho hàng trăm triệu người dùng.

Số liệu thống kê trong báo cáo cho thấy có đến hơn 7 triệu phương tiện đường bộ, 36.300 phương tiện bưu chính và chuyển phát nhanh, 1.400 tàu vận chuyển công cộng và 350 phương tiện hàng không đa dụng tại Trung Quốc đại lục đã ứng dụng hệ thống định vị Bắc Đẩu.

Theo sách trắng do Hiệp hội GNSS (hệ thống định vị toàn cầu) và LBS (dịch vụ hướng vị trí) Trung Quốc (GLAC) phát hành vào cuối năm 2020, khối lượng tiêu thụ vi mạch bán dẫn và mô-đun tương thích với Bắc Đẩu đã vượt quá 150 triệu chiếc. Và tổng số sản phẩm đầu cuối có chức năng định vị Bắc Đẩu, bao gồm cả điện thoại thông minh, đã vượt quá 1 tỷ sản phẩm.

Các mẫu điện thoại thông minh như Huawei, ViVO, OPPO, Xiaomi và các thương hiệu Trung Quốc khác đều hỗ trợ hệ thống Bắc Đẩu.

Sách trắng cũng nói rằng “Các giải pháp dựa trên Bắc Đẩu nhằm áp dụng vào việc xác nhận quyền sở hữu đất, nông nghiệp chính xác, xây dựng kỹ thuật số, giám sát phương tiện đi lại và tàu bè, các cảng thông minh đã được áp dụng thành công ở ASEAN, Nam Á, Đông Âu, Tây Á và Châu Phi”.

Mục tiêu chiến lược của Hệ thống định vị Bắc Đẩu

Hiện nay, trên thế giới có bốn Hệ thống Vệ tinh Định vị Toàn cầu (GNSS) chính, bao gồm Hệ thống Định vị Toàn cầu GPS của Hoa Kỳ, Hệ thống Vệ tinh Định hướng Quỹ đạo Toàn cầu (GLONASS) của Nga, Hệ thống Vệ tinh Định vị Galileo của Liên minh Châu Âu và Hệ thống vệ tinh dẫn đường Bắc Đẩu.

Vào tháng 6 năm ngoái, tài khoản mạng xã hội chính thức của Học viện Khoa học Trung Quốc đã đăng một bài báo với nhan đề “10 câu hỏi về Bắc Đẩu” và hé lộ các mục tiêu chiến lược của hệ thống Bắc Đẩu.

Đầu tiên, bài báo đưa ra nhiều bình luận về các thuộc tính quân sự của GPS, nói rằng GPS về cơ bản là một hệ thống định vị vệ tinh quân sự cho Không quân Hoa Kỳ, và hiện đang được ứng dụng trong hầu hết mọi loại vũ khí yêu cầu định vị trong quân đội Hoa Kỳ.

Bài báo nhấn mạnh rằng sự xuất hiện của hệ thống GPS đã góp phần tạo nên lịch sử chiến tranh của loài người với một số thuật ngữ mới như; "các cuộc tấn công chính xác", "giết người có chủ đích" và "các hoạt động xử trảm".

“Trên thực tế, các kỹ sư vệ tinh không chỉ có khả năng gây nhiễu loạn và đánh lừa tín hiệu, mà còn có thể vô hiệu hóa dịch vụ tại một khu vực nhất định, đồng thời cả quyền thẩm định và quyền truy cập của chip bán dẫn cũng nằm trong tay họ,” bài báo cho biết thêm.

Bài báo nhấn mạnh rằng việc hoàn thành hệ thống Bắc Đẩu nghĩa là Đảng Cộng sản Trung Quốc không chỉ có thể thực hiện tất cả những điều mà GPS có thể làm, “mà còn hoàn toàn không bị ràng buộc bởi các yếu tố bên ngoài. Tầm quan trọng của việc này đối với an ninh quốc phòng của Trung Quốc là không thể diễn tả được”.

Bài báo cũng chỉ ra rằng "thực sự không có hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này".

Ông Kim Xuân , một kỹ sư tại Viện Nghiên cứu Nam Kinh của Huawei nói với The Epoch Times rằng; mục đích chính mà ĐCSTQ phát triển hệ thống Bắc Đẩu là để sử dụng cho quân đội.

Ông nói rằng hệ thống định vị vệ tinh do ĐCSTQ sở hữu, là một phần quan trọng trong quá trình phát triển hệ thống tên lửa của nước này. Hệ thống định vị vệ tinh chủ yếu được sử dụng để dẫn đường cho hệ thống tên lửa của Trung Quốc và có thể quan sát được thông qua các hoạt động quân sự của ĐCSTQ ở Biển Đông.

Ông Lý Chính Tú, một nhà nghiên cứu tại Quỹ Chính sách Quốc gia của Đài Loan, cũng bày tỏ quan điểm tương tự với The Epoch Times.

“Trong trường hợp xảy ra xung đột quân sự giữa Mỹ và Trung Quốc, nếu hệ thống tên lửa của ĐCSTQ vẫn dựa vào định vị GPS của Mỹ, thì tên lửa được đặt ở đâu, bắn như thế nào và bắn theo hướng nào đều nằm trong tầm kiểm soát. của các vệ tinh của Mỹ, trận chiến chắc chắn phải thua rồi mới đánh. Đây là lý do chính cho những nỗ lực của ĐCSTQ trong việc phát triển một hệ thống định vị của riêng họ”, ông nói.

Nghi vấn xác nhận quyền sở hữu 'Made in China'

Ông Dương Trường Phong, nhà thiết kế chính của hệ thống định vị vệ tinh Bắc Đẩu, đã tuyên bố hồi tháng 10 năm ngoái rằng; các chip bán dẫn của Bắc Đẩu đều được sản xuất tại Trung Quốc và chất lượng không hề thua kém các chip bán dẫn của nước ngoài.

Tuy nhiên, ông Lý lại nhìn nhận nó theo cách khác.

Ông cho biết công nghệ vi mạch bán dẫn là không hề dễ dàng, nó vẫn chỉ thuộc sở hữu của một số quốc gia, nhưng Trung Quốc thì không. Ngay cả Công ty Sản xuất Chất bán dẫn Đài Loan (TSMC), công ty hàng đầu trên toàn cầu trong lĩnh vực này, vẫn phụ thuộc vào Hoa Kỳ về các công nghệ then chốt của mình.

Ông Lý cho biết; ĐCSTQ đã phát triển hệ thống Bắc Đẩu trong hơn hai thập kỷ và phụ thuộc vào Hoa Kỳ trong nhiều khía cạnh nghiên cứu và phát triển chip bán dẫn của mình.

Tuy nhiên, việc Tổng thống Donald Trump thắt chặt hạn chế xuất khẩu đối với các sản phẩm công nghệ cao, đã tạo ra những trở ngại cho Hệ thống định vị Bắc Đẩu tiếp thu công nghệ và cập nhật hệ thống.

Ông Lý cho biết, ông nghi ngờ việc ĐCSTQ có khả năng cạnh tranh lâu dài với Hoa Kỳ hay không.

“Cạnh tranh trong lĩnh vực công nghệ vũ trụ không phải là chạy nước rút 100 mét hay 200 mét, mà là một cuộc đua marathon 42km,” ông Lý cho biết. “Liệu Trung Quốc đại lục có đủ kinh phí, nhân lực và công nghệ để đối đầu với Hoa Kỳ về lâu về dài hay không, và liệu ĐCSTQ có thể hỗ trợ sự phát triển trong lĩnh vực vũ trụ hay không, đó là thắc mắc của nhiều quốc gia”.

Khải Anh
Theo The Epoch Times

Trung Quốc Góc nhìn


BÀI CHỌN LỌC

Cạnh tranh với GPS, Bắc Đẩu của ĐCSTQ đã được xuất khẩu sang hơn 120 quốc gia và khu vực