Cảnh sát Hong Kong bắt giữ 2 nhà lập pháp ủng hộ dân chủ từ cuộc biểu tình năm 2019

Giúp NTDVN sửa lỗi

Cảnh sát đang “đảo ngược đúng sai” và thay đổi các sự kiện, Chủ tịch Đảng Dân chủ Wu Chi-wa và chính trị gia Tommy Cheung cho biết.

Ngày 26/8, cảnh sát Hong Kong bắt giữ 2 nhà lập pháp vì họ đã tham gia vào cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ vào tháng 7/2019. Một người bị cáo buộc gây bạo loạn khi ông bị một đám đông tấn công.

Cảnh sát Hong Kong cho biết, 2 nhà lập pháp của Đảng Dân chủ là Lam Cheuk-ting và Ted Hui nằm trong số 16 người bị bắt.

Ông Lam bị bắt với cáo buộc gây bạo loạn vào ngày 21/7/2019, khi xảy ra vụ việc một người đứng đầu chỉ huy hơn 100 người khác cầm gậy tấn công những người biểu tình ủng hộ dân chủ, nhà báo và những người xung quanh tại một ga xe lửa ở huyện Yuen Long, gần biên giới với Trung Quốc đại lục.

Trong video phát trực tiếp về vụ tấn công trên trang Facebook cá nhân cho thấy, ông Lam đã bị thương ở mặt. Ông đã phải nhập viện sau đó.

“Điều đó không có nghĩa là bạn không phải chịu trách nhiệm khi bạn đang [quay video] phát trực tiếp [về vụ việc]” Giám đốc cấp cao Chan Tin-chu nói, nhưng không giải thích rõ hành động của ông Lam có thể gây ra bạo loạn như thế nào.

Quản trị viên tài khoản Twitter của ông Lam đã bác bỏ cáo buộc.

“Quản trị viên: Trước khi bị đám đông có vũ trang tấn công, ông Lam đã gọi cảnh sát để báo cáo về vụ tấn công. Tuy nhiên, cảnh sát không đến kịp thời, còn Lam đã bị những kẻ [có vũ trang] tấn công 20 phút sau đó và bị thương”, nội dung được ghi trên twitter.

Chủ tịch Đảng Dân chủ Wu Chi-wa cho biết cảnh sát đang “đảo ngược đúng sai”, còn ủy viên hội đồng quận Yuen Long, Tommy Cheung, một chính trị gia ủng hộ dân chủ, cáo buộc cảnh sát đã thay đổi các sự kiện.

Trước đó, cảnh sát bắt giữ 44 người được cho là đã tham gia vào vụ tấn công của đám đông có vũ trang, 8 người trong số họ đã bị buộc tội gây bạo loạn. Cảnh sát cho biết 13 người khác đã bị bắt ngày 26/8 vì tội gây bạo loạn, một số người trong số họ bị cáo buộc có liên hệ với các băng nhóm tội phạm được gọi là Hội Tam Hoàng.

Hội Tam Hoàng của Hong Kong — một hội kín lâu đời đã biến thành hoạt động của thế giới ngầm kiểu mafia — vẫn cố thủ ở một số quận và vùng nông thôn.

Các nhà hoạt động cáo buộc cảnh sát Hong Kong thông đồng với Hội Tam Hoàng và có phản ứng chậm vào ngày 21/7. Cảnh sát Hong Kong đã lên tiếng bác bỏ cáo buộc, cho biết phản ứng chậm chạp của họ một phần là do các cuộc biểu tình ở những nơi khác trong thành phố, nên phải triển khai lực lượng ở đó.

Ông Lam và ông Hui còn bị cáo buộc có liên quan đến một cuộc biểu tình vào ngày 6/7 ở quận Tuen Mun, nơi những người biểu tình chống Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã tuần hành phản đối "ô nhiễm tiếng ồn" do phụ nữ trung niên hát và nhảy theo nhạc pop các bài hát bằng tiếng Quan Thoại, ngôn ngữ được sử dụng ở Trung Quốc đại lục. Người Hong Kong chủ yếu nói tiếng Quảng Đông.

Cảnh sát nói rằng ông Hui đã cướp điện thoại của ai đó để quay phim những người biểu tình.

Vương Quốc Anh đã chuyển giao đặc khu hành chính Hong Kong cho Trung Quốc vào năm 1997 theo mô hình “một quốc gia, hai chế độ”, theo đó Bắc Kinh cam kết sẽ duy trì quyền tự chủ và quyền tự do trên phạm vi rộng ở Hong Kong - những quyền này không có ở đại lục do ĐCSTQ cai trị.

Các cuộc biểu tình diễn ra vào năm ngoái đã gia tăng vì lo ngại rằng ĐCSTQ đang thực hiện các bước để xóa bỏ các quyền tự do ở Hong Kong.

Người dân Hong Kong đã thực hiện các cuộc tuần hành ôn hòa để phản đối một dự luật đã được rút lại sau đó - dự luật dẫn độ sang Trung Quốc đại lục. Tuy nhiên các cuộc đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình đã xảy ra trở nên ngày càng bạo lực hơn trong những tháng sau đó.

Chính quyền Hong Kong đã bắt giữ và buộc tội nhiều nhà hoạt động ủng hộ dân chủ kể từ khi ĐCSTQ áp dụng Luật An ninh Quốc gia tại đặc khu hành chính. Luật này quy định, các hoạt động mà Trung Quốc coi là ly khai, lật đổ, khủng bố hoặc cấu kết với các lực lượng nước ngoài sẽ bị phạt tù chung thân.

Nguyễn Minh
Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Cảnh sát Hong Kong bắt giữ 2 nhà lập pháp ủng hộ dân chủ từ cuộc biểu tình năm 2019