Canada phê duyệt Dự luật chống buôn bán nội tạng quốc tế

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ủy ban Thượng viện về Nhân quyền Canada đã nhất trí tán thành dự luật chống buôn bán nội tạng người quốc tế, theo đó cấm người Canada ra nước ngoài ghép tạng từ nguồn cho hiến không tự nguyện, và trừng phạt những người liên quan đến nguồn nội tạng cưỡng bức. Đầu tháng Ba, Thương viện Mỹ cũng đưa ra dự luật tương tự. Trên thế giới hiện đã có hơn 10 quốc gia có luật chống buôn bán nội tạng người và du lịch ghép tạng.

Dự luật S-204 của Thượng viện Canada, được bảo trợ bởi Thượng nghị sĩ Salma Ataullahjan, quy định: người Canada ghép tạng ở nước ngoài mà không có sự đồng ý của người hiến tạng sẽ được coi là bất hợp pháp và những người liên quan đến việc cưỡng bức thu hoạch nội tạng sẽ không được phép vào Canada.

Thượng nghị sĩ Ataullahjan đã đưa ra một dự luật tương tự trong phiên họp cuối cùng của Quốc hội, dự luật này đã được cả Thượng viện và Hạ viện nhất trí. Tuy nhiên, nó không trở thành luật vì Quốc hội đã bị giải thể cho cuộc bầu cử năm 2019 trước khi Thượng viện có thể thông qua vòng sửa đổi mới nhất do các nghị sĩ đưa ra.

Ông Ataullahjan nói với ủy ban vào ngày 19/4, những năm gần đây, người Canada tiếp tục đi du lịch ghép tạng ở thị trường ghép tạng thương mại nước ngoài.

“Các bác sĩ tại Bệnh viện St. Michael ở Toronto đã báo cáo rằng hàng năm, bệnh viện trung bình có khoảng ba đến năm người đi du lịch ghép tạng ở nước ngoài. Đây là con số khiêm tốn tại một bệnh viện ở Canada. Với 1.200 bệnh viện ở Canada thì con số bệnh nhân đi du lịch ghép tạng ở nước ngoài có thể lên tới 3.600 ca hàng năm”.

Thượng nghị sĩ Ataullahjan cho biết hiện tượng buôn bán nội tạng người đang diễn ra ở nhiều nơi khác nhau trên thế giới, bao gồm Đông Âu, Châu Á, Châu Mỹ Latinh, Bắc Phi và nhiều khu vực khác.

Cựu Nghị sĩ David Kilgour đã dành nhiều năm điều tra sâu rộng hoạt động mổ cướp nội tạng của học viên Pháp Luân Công, người thiểu số Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ và những nạn nhân khác, một hoạt động tội ác được nhà nước Trung Quốc bảo trợ. Ông nói với Ủy ban rằng, Trung Quốc là quốc gia duy nhất trên thế giới mà chính phủ tham gia vào hoạt động thu hoạch nội tạng cưỡng bức quy mô đáng kể từ các nhóm người bị bức hại, chứ không phải nguồn nội tạng do tội phạm hoạt động trên thị trường chợ đen cung cấp.

“Họ không chỉ lấy một quả thận mà họ lấy cả tim, gan, phổi — mọi thứ mà họ có thể lấy. Và tất nhiên, nạn nhân sẽ chết trong quá trình này”, ông Kilgour nói.

Ông Kilgour cho biết, một cách khiến Canada bị ảnh hưởng bởi tội ác mổ cướp tạng là các công ty môi giới đến tiếp thị tại các bệnh viện ở Canada và các quốc gia khác, tìm kiếm bệnh nhân cần nội tạng, sau đó sắp xếp đưa bệnh nhân đến Trung Quốc cấy ghép với một khoản chi phí đáng kể.

Khi đến Trung Quốc, các bệnh nhân “được xét nghiệm máu, xét nghiệm mô trên người. Sau đó, bác sĩ phẫu thuật truy cập cơ sở dữ liệu máy tính để tìm người phù hợp với bệnh nhân, và theo nghĩa đen, ... những nạn nhân là đàn ông hoặc phụ nữ vô tội phù hợp với công thức máu và mô được đưa ra khỏi nơi giam giữ và bị giết để mổ lấy nội tạng”, ông Kilgour làm chứng tại Thượng viện.

Cựu Ngoại trưởng Canada phụ trách Khu vực châu Á - Thái Bình Dương David Kilgour trình bày một báo cáo sửa đổi về cưỡng bức mổ cướp nội tạng từ các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc, trong khi đồng tác giả báo cáo và luật sư nhân quyền quốc tế David Matas xem xét trong một bức ảnh. (Matt Hildebrand / The Epoch Times)

Năm 2006, ông Kilgour và luật sư nhân quyền David Matas ở Winnipeg là những người đầu tiên trên thế giới bắt đầu điều tra một cách có hệ thống việc Đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) mổ cướp nội tạng từ các học viên Pháp Luân Công, một môn tu luyện của Phật gia theo nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn kết hợp với 5 bài tập thiền định chậm rãi và an hòa. Các nhà điều tra cho biết, tội ác mổ cướp nội tạng đã vươn móng vuốt tới nhóm thiểu số Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ.

Ông Kilgour nói, ông và ông Matas đã đi đến nhiều quốc gia để trình bày kết quả điều tra của mình và nói rằng, thật "xấu hổ" khi đất nước Canada chưa có luật để giải quyết vấn đề này, trong khi 10 quốc gia khác đã có.

“Đó là vấn đề mang tính giáo dục rất cao mà chúng ta cần phải làm và tôi nghĩ rằng nó sẽ rất, rất hữu ích cho các quốc gia khác”, ông nói.

Các đạo luật tương tự đã được các nhà lập pháp khác đưa ra trong các nghị viện trước đó của cả hai đảng Bảo thủ và Tự do, nhưng không có luật nào trở thành luật trước khi đó.

Thượng nghị sĩ Ataullahjan nói: “Đây là luật mà đáng lẽ chúng ta phải có cách đây 10 năm, thật sự bây giờ chúng ta đã muộn. Nếu không có luật cấm người Canada tham gia vào nạn mổ cướp nội tạng, hoạt động du lịch ghép tạng sẽ còn tiếp tục phát triển”.

Sau khi các thượng nghị sĩ trong ủy ban đều tán thành dự luật, Chủ tịch ủy ban Wanda Thomas Bernard cho biết, đây là quy trình phê duyệt từng điều khoản nhanh nhất mà bà được biết.

“Tất cả chúng tôi đều đồng ý với điều này. Tôi nghĩ không có ai phản đối gì cả”, Thượng Nghị sĩ Ngô Thanh Hải cho biết thêm.

Dự luật tiếp theo sẽ được trình bày tại Thượng viện để chuyển sang lần đọc thứ ba.

Đầu tháng Ba, các nhà lập pháp Hoa Kỳ tại Thượng viện và Hạ viện đã ban hành lại đạo luật để ngăn chặn hoạt động cưỡng bức thu hoạch nội tạng từ các tù nhân lương tâm, một tội ác được nhà nước Trung Quốc bảo trợ. Luật này đã được đưa ra trong kỳ họp trước của Quốc hội vào tháng 12/2020.

Theo dự luật, hàng năm, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ phải làm báo cáo về nạn buôn bán nội tạng người ở nước ngoài. Báo cáo sẽ giới thiệu một hệ thống xếp hạng theo cấp bậc để xác định các quốc gia có mức độ cướp và buôn bán nội tạng thấp nhất (bậc một), trung cấp (bậc hai) và cao nhất (bậc ba). Hệ thống báo cáo này sẽ vạch trần các chính phủ có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến tội ác này.

“Thu hoạch nội tạng cưỡng bức là một hành động dã man và vô nhân đạo nghiêm trọng. Tội ác này không có chỗ đứng trong thế giới của chúng ta”, Hạ nghị sĩ Chris Smith, nhà tài trợ chính của dự luật Hạ viện (H.R.1592) cho biết trong một tuyên bố vào ngày 10/3.

Đạo luật này có tên là Đạo luật Ngừng Cưỡng bức Thu hoạch Nội tạng, cho phép chính phủ Hoa Kỳ từ chối hoặc thu hồi hộ chiếu đối với những người tham gia mua nội tạng bất hợp pháp.

Mục 301 của Đạo luật Cấy ghép Nội tạng Quốc gia của Mỹ nghiêm cấm việc thương mại hóa và buôn bán nội tạng người theo ngạch tư nhân.

Trung Quốc từ lâu đã luôn là một trong những điểm đến hàng đầu cho việc du lịch cấy ghép nội tạng. Bắc Kinh thường xuyên quảng bá tuyên truyền của mình trên các tờ báo Hoa Kỳ rằng, nguồn nội tạng cấy ghép tại nước này là nguồn tạng hiến tặng tự nguyện.

Báo cáo của Tòa án Nhân dân Độc lập tại London công bố hồi tháng 6/2019 đã bác bỏ tuyên bố này của Bắc Kinh. Sau một cuộc điều tra kéo dài một năm, Tòa án kết luận rằng, hoạt động cưỡng bức mổ cướp nội tạng được chính phủ ĐCSTQ hậu thuẫn đã diễn ra ở “quy mô đáng kể” tại Trung Quốc, với các học viên Pháp Luân Công là nguồn cung cấp nội tạng chính.

Nguyên Hương

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Canada phê duyệt Dự luật chống buôn bán nội tạng quốc tế