Cái chết của bác sĩ Lý Văn Lượng, người bị khiển trách vì cảnh báo về Coronavirus, đã để lộ tình cảnh hoảng loạn trong giới chức Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Vào ngày 07/02, bác sĩ Lý Văn Lượng, người bị khiển trách vì cảnh báo về Coronavirus, đã chết do nhiễm loại virus này. Cái chết của vị bác sĩ trẻ đã làm “dấy lên” những lời khen ngợi dành cho anh, và cả sự giận dữ của người dân về việc Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đặt chính trị lên trên an toàn của cả cộng đồng...

Phản ứng của dư luận Trung Quốc trước cái chết của bác sĩ Lý Văn Lượng đã trở thành “biểu tượng” cho sự phẫn nộ của người dân Trung Quốc, đối với sự kiểm soát của ĐCSTQ về thông tin, việc nói dối hoặc che giấu về sự bùng phát dịch bệnh của các quan chức chính phủ, sự cố tràn hóa chất, các sản phẩm tiêu dùng nguy hiểm hoặc vấn đề gian lận tài chính.

Bác sĩ nhãn khoa 34 tuổi này đã chết trong đêm tại Bệnh viện Trung ương Vũ Hán nơi anh làm việc và có khả năng anh bị nhiễm virus trong khi điều trị cho bệnh nhân vào những ngày đầu xảy ra dịch bệnh.

Chuyên gia đầu ngành Zeng Guang, thuộc Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Trung Quốc, đã viết trên tiểu blog của Sina Weibo: ‘Một vị anh hùng đã tiết lộ thông tin về dịch viêm phổi Vũ Hán ở giai đoạn đầu, bác sĩ Lý Văn Lượng là người bất tử”.

Vào tháng 12/2019, cảnh sát Trung Quốc đã khiển trách 8 vị bác sĩ, trong đó có bác sĩ Lý vì đã cảnh báo cho mọi người trên mạng xã hội về mối đe dọa khẩn cấp của một loại coronavirus mới. Tòa án tối cao Trung Quốc sau đó đã chỉ trích cảnh sát, nhưng ĐCSTQ cũng đã siết chặt thông tin về vụ bùng phát dịch.

Người dùng Weibo đã để lại hàng trăm ngàn tin nhắn bên dưới bài đăng cuối cùng của bác sỹ Lý.

Một bài đăng của y tá Li Mengping, một y tá tại phòng cấp cứu, cũng là một trong những đồng nghiệp của bác sĩ Lý, cho biết rằng thời tiết băng giá ở Vũ Hán cũng “ảm đạm như tâm trạng của tôi”.

Cô viết: “Đối với các bạn, chúng tôi là những thiên thần và rất mạnh mẽ. Nhưng một trái tim mạnh mẽ đến nhường nào mới có thể nhìn những người xung quanh ngã xuống từng người một mà không bị sốc?”

Trong khi đó, những người khác chỉ trích rằng chính các quan chức Trung Quốc chứ không phải virus Corona, đã gây ra cái chết của bác sĩ Lý, và nói rằng những người gây rắc rối cho bác sĩ Lý sẽ phải đối mặt với hậu quả. Tuy nhiên, những bình luận trực tuyến sắc bén nhất đã nhanh chóng bị đội quân kiểm duyệt của ĐCSTQ xóa đi.

ĐCSTQ cũng đã phải đối mặt với những cáo buộc tương tự về hành vi gây rối hoặc phá hoại trong những thảm họa trước đó, bao gồm: sự bùng phát của Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS) năm 2003, sự cố tràn hóa chất năm 2005 làm gián đoạn nguồn cung cấp nước cho hàng triệu người ở đông bắc Trung Quốc, việc bán sữa nhiễm độc làm hàng ngàn trẻ em bị bệnh, và còn cả cáo buộc về sự thất bại của các công ty tài chính tư nhân sau cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

Với mỗi sự vụ trên, các quan chức ĐCSTQ - những người bị buộc tội cố gắng che giấu hoặc trì hoãn tiết lộ thông tin, đều nói rằng họ cần phải tự bảo vệ mình.

Mỗi khi có vấn đề xảy ra ĐCSTQ thường “phản ứng” lại người dân bằng cách cho phép công chúng tạm thời trút giận, sau đó sử dụng quyền kiểm soát truyền thông và internet để ngăn chặn những lời chỉ trích. Các nhà phê bình “kiên trì” có thể bị cho vào tù với cáo buộc mơ hồ về việc lan truyền tin đồn hoặc gây rắc rối cho chính phủ.

Trên các con phố của thủ đô Bắc Kinh, người dân đã bày tỏ nỗi buồn của họ đối với cái chết của vị bác sĩ anh hùng, và nói rằng Trung Quốc nên học hỏi từ bác sĩ Lý.

Một công dân tên là Ning Yanqing đã nói: “Anh ấy là một người tốt, nhưng cuối cùng vẫn không vượt qua được. Những người còn lại lại không dám nói ra. Than ôi, tôi không biết phải nói gì.”

Nhiều bình luận trực tuyến hôm ngày 07/02 đã ám chỉ sự bất mãn mạnh mẽ hơn nữa của công chúng đối với ĐCSTQ và nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình, người đã thắt chặt kiểm soát xã hội kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2012.

Là nhà lãnh đạo quyền lực nhất của Trung Quốc, ít nhất là kể từ những năm 1980, ông Tập đã “tự cho” mình quyền trở thành “Chủ tịch vô thời hạn” của Trung Quốc bằng cách thay đổi hiến pháp Trung Quốc vào năm 2018, nhằm xóa bỏ giới hạn hai nhiệm kỳ đối với cương vị lãnh đạo này.

Một thông điệp đang được lưu hành trên mạng xã hội gần đây, đề cập đến “Giấc mơ Trung Hoa” - một trong những sáng kiến tuyên truyền của chính quyền Tập Cận Bình, và nói rằng: “Giấc mơ Trung Hoa của tôi đã tan vỡ!”.

Tại Vũ Hán, các nhà lãnh đạo địa phương đã bị buộc tội khi vào tháng 12/2019, họ đã yêu cầu các bác sĩ không được công khai việc virus lây lan để tránh tạo ảnh hưởng xấu cho cuộc họp thường niên của một cơ quan lập pháp địa phương.

Đến khi dịch virus lây lan, các bác sĩ đã được lệnh phải xóa các bài đăng trên mạng xã hội nhằm kêu gọi quyên góp vật tư y tế, vì các cơ quan giải quyết khiếu nại lo lắng rằng hình ảnh của họ bị xấu đi, hơn là lo cho mối an nguy của cộng đồng.

Tương tự, bác sĩ Lý đã bị cảnh sát giam giữ sau khi cảnh báo cho các bạn học cũ của mình về virus Corona trên một trang mạng xã hội.

Ngoài ra, việc công khai vấn đề ông Lý là một bác sĩ, thuộc về nhóm những người được coi là những “anh hùng” bảo vệ Trung Quốc chống lại dịch bệnh mới vô cùng đáng sợ này, nhưng lại phải làm việc quá sức và bị trả lương thấp. Đây cũng là phần gây khó xử một cách bất thường cho ĐCSTQ.

Trở lại vụ việc trên, một người dân Bắc Kinh tên là Cai Lin nói: “Anh ấy đã tỏ thái độ có trách nhiệm đối với xã hội. Anh ấy rất trung thực và chân thành. Vì vậy, tôi nghĩ rằng toàn xã hội nên suy nghĩ về điều này.”

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khen ngợi phản ứng của Trung Quốc đối với dịch bệnh, và chia sẻ rằng: “Chúng tôi rất đau buồn trước sự ra đi của bác sĩ Lý Văn Lượng. Tất cả chúng ta cũng nên tưởng niệm những việc mà anh ấy đã làm trong đại dịch virus này”.

Vào ngày 07/02, bộ máy tuyên truyền của chính phủ Trung Quốc đã cố gắng xoa dịu công chúng.

Truyền hình nhà nước đăng trên trang web của họ rằng: “Những việc mà bác sĩ Lý Văn Lượng phải trải qua đã phản ánh những thiếu sót trong công tác phòng chống dịch bệnh của chúng ta”.

Đại sứ Trung Quốc tại Washington, ông Thôi Thiên Khải (Cui Tiankai) đã viết trên Twitter - một ứng dụng mà ĐCSTQ áp dụng kiểm duyệt internet, bày tỏ rằng: “Tôi thực sự rất đau buồn trước cái chết của bác sĩ Lý Văn Lượng. Anh là một bác sĩ rất tận tâm. Chúng tôi rất biết ơn vì những gì anh đã làm trong những nỗ lực chung của chúng ta để cùng chống lại 2019nCoV”.

Chính phủ Trung Quốc vừa tuyên bố rằng một nhóm người từ Bắc Kinh sẽ được gửi đến Vũ Hán để điều tra “các vấn đề được quần chúng báo cáo liên quan đến bác sĩ Lý Văn Lượng”.

Thiên Hoa (biên dịch)
-Theo The Epoch Times.



BÀI CHỌN LỌC

Cái chết của bác sĩ Lý Văn Lượng, người bị khiển trách vì cảnh báo về Coronavirus, đã để lộ tình cảnh hoảng loạn trong giới chức Trung Quốc