Thượng nghị sĩ Anh chất vấn chính phủ: Trung Quốc ở đâu trong danh sách trừng phạt mới?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ngày 8/7, các Nghị sĩ tại Thượng Nghị Viện đã chất vấn chính phủ Anh về việc thiếu tên các quan chức Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) trong danh sách trừng phạt mới của nước này, trong bối cảnh tình hình “cấp bách" tại Hong Kong.

Trong một phiên họp về việc trừng phạt các vi phạm nhân quyền xảy ra trên toàn cầu, Nam tước Collins xứ Highbury là thành viên đảng Lao động, đã phát biểu rằng “danh sách hiện tại không đầy đủ”, không có “bất kỳ trừng phạt nào với những người đang bóc lột hoặc ngược đãi người thiểu số Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương, cũng như những người tham gia vào việc đàn áp các nhà hoạt động dân chủ tại Hong Kong".

Nam tước Collins đã đặt câu hỏi với Nam tước Ahmad xứ Wimbledon đồng thời là Ngoại trưởng khối thịnh vượng chung: "Trong bối cảnh tình hình trở nên khẩn cấp tại Hong Kong hiện nay, khi nào Ngoại trưởng sẽ có các chỉ định tiếp theo?"

Thành viên đảng Dân chủ Tự do, bà Baroness Northover cho biết bà khen ngợi chính phủ về việc liệt kê các công dân Nga và Saudi có liên quan đến vụ giết nhà luật sư Sergei Magnitsky và Jamal Khashoggi, tuy nhiên, bà cũng nhận định rằng có một số thiếu sót.

"Trung Quốc ở đâu [trong danh sách]? Những người đang đàn áp người Duy Ngô Nhĩ có được đưa vào danh sách này không? Liệu đã cân nhắc kỹ lưỡng kết luận của Toà án Trung Quốc về hoạt động mổ cướp nội tạng, và xử phạt như thế nào?”

"Còn những người đang hành động tại Hong Kong, trong đó [trưởng đặc khu Hong Kong] Lâm Trịnh Nguyệt Nga, người đã cho phép sự xói mòn nhân quyền tại đó thông qua việc cho phép không tuân theo [nguyên tắc] ‘một quốc gia, hai chế độ’ thì sẽ như thế nào?"

Nam tước Alton xứ Liverpool đồng thời là Phó Chủ tịch Hiệp hội các nhóm Nghị sĩ toàn đảng chịu trách nhiệm về các vấn đề Hong Kong và người Duy Ngô Nhĩ, đã nhắc lại đề xuất của các Nghị sĩ như sau:

"Ngài Ngoại trưởng có thể cho biết liệu có nên tích cực cân nhắc việc đưa tên [trưởng đặc khu Hong Kong] Lâm Trịnh Nguyệt Nga vào danh sách [trừng phạt theo luật] Magnitsky, cùng với tên của Bí thư ĐCSTQ tại Tân Cương Chen Quanguo, ngoài những người khác đã được nêu tên trong lá thư gửi Ngoại trưởng ngày 24/1, những người đã phạm tội ác ghê tởm với người Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi, với những học viên Pháp Luân Công, và với các nhóm thiểu số khác tại Trung Quốc hay không?”

Một số Nghị sĩ khác đề cập đến vấn đề tham nhũng.

Nam tước Mackenzie xứ Framwellgate đã chất vấn Ngoại trưởng Anh rằng liệu “Ngoại trưởng có đảm bảo với Thượng Nghị Viện một lần nữa rằng những người thuộc ĐCSTQ sẽ được bổ sung vào danh sách người bị xử phạt trong thời gian tới hay không? Ngoại trưởng có cam kết sắp xếp đủ nguồn lực để truy tìm và theo dõi những tài sản sai trái liên quan đến những trường hợp này hay không?"

Với những câu hỏi trên, Nam tước Ahmad xứ Wimbledon đã nhắc lại rằng ông “không thể suy đoán ai có thể sẽ trong danh sách trừng phạt trong tương lai”.

Tuy nhiên, ông nói: “Chúng tôi luôn quan tâm sâu sắc về vi phạm nhân quyền tại cả Tân Cương và Hong Kong”.

Nam tước không cho rằng việc những người thuộc ĐCSTQ không có tên trong danh sách trừng phạt là “thiếu” vì danh sách hiện tại mới chỉ là phiên bản đầu tiên.

Ông nói: "Mọi thứ phải được dựa trên bằng chứng" .

Ngày 6/7 khi Ngoại trưởng Dominic Raab thông tin về việc trừng phạt nhân quyền toàn cầu tại Hạ viện, 9 nghị sĩ đã kêu gọi chính phủ xử phạt những người vi phạm nhân quyền tại Trung Quốc.

Trong quốc hội năm nay, việc xây dựng một dự luật trừng phạt đã được đưa ra chủ yếu trong các cuộc thảo luận về các vấn đề liên quan đến ĐCSTQ, như cuộc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ, buôn bán nội tạng và vấn đề Hong Kong.

Nguyễn Minh
Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Thượng nghị sĩ Anh chất vấn chính phủ: Trung Quốc ở đâu trong danh sách trừng phạt mới?