Các nghiên cứu cho thấy mối liên hệ giữa mức độ ô nhiễm cao ở Trung Quốc và virus Corona

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nhiều nghiên cứu khác nhau cho thấy Trung Quốc là quốc gia bị ô nhiễm nặng thứ năm trên thế giới và Vũ Hán là thành phố ô nhiễm đứng thứ tư ở trong nước. Vì mức độ ô nhiễm không khí làm tăng tỷ lệ nhiễm trùng đường hô hấp cho nên người dân Vũ Hán dường như dễ bị nhiễm virus Corona mới (có tên chính thức là COVID-19) hơn.

Các trường hợp nhiễm COVID-19 đầu tiên được báo cáo và hầu hết các trường hợp tử vong đều tập trung ở Vũ Hán, thành phố đông dân nhất ở miền trung Trung Quốc với dân số 11 triệu người. Là một cảng nội địa và thành phố công nghiệp khổng lồ nằm ở nơi hội tụ của sông Dương Tử và sông Hàn, Vũ Hán là thành phố ô nhiễm tồi tệ, có mức độ ô nhiễm đứng thứ 30 trên thế giới. Còn ở trong nước, thành phố này chỉ bị ô nhiễm nhẹ hơn các thành phố như Thiên Tân, Bắc Kinh và Thẩm Dương, theo một báo cáo về “chỉ số ô nhiễm thế giới” năm 2019 của STC, một công ty nghiên cứu và dữ liệu. Công ty này đã xem xét 182 thành phố trên thế giới.

Một báo cáo đăng trên Tạp chí của Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ vào ngày 7/2 đã phân tích về đặc điểm của 138 bệnh nhân nhập viện ở Vũ Hán do các triệu chứng viêm phổi hô hấp cấp tính liên quan đến COVID-19. Nghiên cứu cho thấy độ tuổi trung bình của các bệnh nhân được đưa vào là 56; độ tuổi trung bình của 26% bệnh nhân cần chăm sóc tích cực là 66; và gần 2/3 trong số 4,3% bệnh nhân tử vong có mắc các “bệnh đi kèm” liên quan đến tim hoặc phổi.

Dữ liệu có độ tin cậy cao củng cố các nhận định chung cho rằng COVID-19 có xu hướng đánh vào những người già yếu đang mắc bệnh tim và phổi mãn tính. Các bệnh đi kèm này có thể liên quan đến việc những người này đã sống ở các thành phố Trung Quốc với mức độ ô nhiễm không khí cao.

Các nhà khoa học vẫn chưa hiểu rõ tại sao trẻ em dường như vượt qua được các triệu chứng tồi tệ nhất của virus Corona COVID-19. Điều này cũng từng xảy ra tương tự cho nhiều bệnh truyền nhiễm khác, chẳng hạn như dịch sởi, thủy đậu, hội chứng hô hấp cấp tính (SARS) và hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS).

Tiến sĩ Andrew Pavia, trưởng khoa Truyền nhiễm Nhi khoa tại Đại học Utah nói với Tạp chí Live Science: “Một giả thuyết [để giải thích cho hiện tượng trên] là phản ứng miễn dịch bẩm sinh, đó là phản ứng sớm nhắm rộng rãi vào các nhóm mầm bệnh, [phản ứng này] có xu hướng tích cực hơn” ở trẻ em.

Một nghiên cứu năm 2018 được công bố trên Tạp chí Y học Chăm sóc Hô hấp và Chăm sóc Nguy kịch Hoa Kỳ đã báo cáo rằng, việc tiếp xúc với mỗi 10 phần triệu gram bụi mịn tăng thêm trên một mét khối ô nhiễm không khí (10PM2,5 μg /m3 ) trong khoảng thời gian 1 đến 4 tuần có thể “liên quan đến tỷ lệ 15%-32% cao hơn” của các ca nhiễm trùng đường hô hấp dưới cấp tính.

Báo cáo STC giải thích: “PM10 là các hạt bụi có đường kính 10 micromet trở xuống, trong khi PM2.5 là hạt bụi có đường kính 2,5 micromet trở xuống. Bụi là dạng ô nhiễm không khí có hại nhất vì chúng có thể xâm nhập sâu vào phổi và các mạch máu mà không được lọc. Điều này có thể gây ra đau tim, bệnh hô hấp và thậm chí là đột biến DNA vĩnh viễn. Mật độ của các hạt này càng cao thì nguy cơ [mắc bệnh] càng cao”.

Tháng 12 là tháng cao điểm ô nhiễm không khí theo mùa ở Vũ Hán với các thành phần PM2.5, PM10, NO2 , SO2 và CO có nhiều trong không khí. Điều này là do “khí thải địa phương tăng và điều kiện thời tiết khắc nghiệt”. Tháng 7 là tháng có bầu không khí sạch nhất do có nhiều ngày mưa.

Chúng ta có thể thấy có sự tương đồng theo mùa ô nhiễm không khí với các trường hợp nhiễm virus Corona COVID-19 được báo cáo đầu tiên vào đầu tháng 12 năm 2019 tại Vũ Hán và các ca nhiễm SARS vào giữa tháng 11 năm 2002 ở vùng nông thôn tỉnh Quảng Đông.

Tổ chức Y tế Thế giới đã báo cáo rằng số ca mắc dịch SARS đã tăng nhanh trong vài tháng đầu. “Tài liệu đồng thuận về dịch tễ học bệnh SARS” của WHO cho thấy sự gia tăng của các trường hợp nhiễm SARS đạt đến đỉnh điểm vào tháng 3 năm 2003, sau đó giảm xuống trong tháng 4 và dừng vào tháng 5. Trong khi mức độ ô nhiễm theo mùa của Trung Quốc lên đến đỉnh điểm vào mùa khô cuối năm và giảm vào mùa mưa.

Không có số liệu thống kê đáng tin cậy từ chính quyền Trung Quốc về số ca nhiễm và tử vong do COVID-19, nhưng các báo cáo trực tuyến suy đoán có tới 60 thành phố và 400 triệu người Trung Quốc đang phải chịu một hình thức cách ly để ngăn chặn dịch.

Việc đóng cửa gần như tất cả các hoạt động kinh tế tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc để làm chậm sự lây lan của COVID-19 có thể dẫn đến việc giảm mức độ ô nhiễm không khí đối với các thành phần PM2.5 , PM10 , NO2 , SO2 và CO. Do đó, việc này có thể giúp hạn chế sự gia tăng của các ca nhiễm mới.

Văn Thiện

Theo The Epoch Times

Trung Quốc Góc nhìn


BÀI CHỌN LỌC

Các nghiên cứu cho thấy mối liên hệ giữa mức độ ô nhiễm cao ở Trung Quốc và virus Corona