Các chuyên gia WHO kết thúc 14 ngày cách ly và bắt đầu điều tra ở Vũ Hán

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hôm thứ Năm (28/1), các thành viên trong đoàn chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã kết thúc 14 ngày cách ly và chuẩn bị điều tra nguồn gốc của virus viêm phổi Vũ Hán.

Vào cuối năm 2019, thành phố Vũ Hán, Trung Quốc, lần đầu tiên phát hiện một trường hợp nhiễm Coronavirus mới (virus viêm phổi Vũ Hán). Sau đó virus đã hoành hành khắp thế giới, khiến hơn 100 triệu người bị nhiễm và hơn 2 triệu người thiệt mạng, đồng thời nó cũng gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế toàn cầu.

Nhóm chuyên gia của WHO đã bị Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) cản trở bằng mọi cách và sau rất nhiều cuộc trao đổi hai bên đã đạt được tiếng nói chung, nhóm chuyên gia WHO cuối cùng đã đến Vũ Hán vào ngày 14/1 vừa rồi, vào thời điểm một năm sau khi đại dịch bùng phát. Các chuyên gia đã kết thúc quãng thời gian cách ly hôm 28/1 và cuộc điều tra của họ đang nhận được sự chú ý của toàn thế giới.

Hoa Kỳ yêu cầu WHO điều tra kỹ lưỡng nguồn gốc của virus

Một ngày trước khi các chuyên gia của WHO bắt đầu cuộc điều tra thực địa, Phát ngôn viên Nhà Trắng Jen Psaki cho biết hôm 27/1: "Điều cấp thiết nhất là tiến hành một cuộc điều tra kỹ lưỡng về nguồn gốc của loại Coronavirus mới, xem nó có phải đến từ Trung Quốc hay không. Chúng tôi ủng hộ các cuộc điều tra quốc tế triệt để và rõ ràng".

Bà Psaki cũng nhấn mạnh rằng Hoa Kỳ đặc biệt lo ngại về việc một số nguồn tin của Trung Quốc phát tán "tin giả", Hoa Kỳ sẽ "sử dụng thông tin do giới tình báo thu thập và phân tích, đồng thời tiếp tục hợp tác với các đồng minh để đánh giá mức độ tin cậy của bất kỳ báo cáo bên ngoài nào". Bà cũng nói rằng chính quyền Tổng thống Biden có ý định cử thêm nhân viên Hoa Kỳ phụ trách vấn đề liên quan đến Trung Quốc.

Sau khi virus Vũ Hán bùng phát, chính quyền ĐCSTQ thường xuyên ngăn chặn các cuộc điều tra quốc tế và từ chối chia sẻ thông tin về virus. Cựu Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo chỉ ra rằng, virus có thể đến từ Phòng thí nghiệm Virus Vũ Hán. Cựu Phó Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ Matthew Pottinger cũng cho rằng, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy virus đã bị rò rỉ từ Phòng thí nghiệm Virus Vũ Hán.

Các chuyên gia WHO sẽ tham dự các 'buổi tọa đàm và phỏng vấn'

Khi được hỏi về lịch trình sắp tới của các chuyên gia WHO, hôm 28/1, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nói rằng, các chuyên gia “sẽ tiếp tục thực hiện trao đổi và hợp tác truy xuất nguồn gốc [virus] ở Trung Quốc, bao gồm các buổi tọa đàm, phỏng vấn và khảo sát, v.v., trong khi tuân thủ các quy định liên quan về phòng chống dịch bệnh của Trung Quốc”. Đáp lại lời kêu gọi của Hoa Kỳ về các cuộc điều tra quốc tế về nguồn gốc của dịch bệnh, ông Triệu nhấn mạnh rằng Hoa Kỳ không nên "đưa ra các suy đoán tiêu cực" và "diễn giải theo hướng chính trị hóa".

Tờ The Guardian của Anh đưa tin hôm 27/1 rằng, trên thực tế, khi các chuyên gia của WHO đến Vũ Hán, các hành vi trấn áp dịch bệnh của ĐCSTQ vẫn tiếp tục leo thang, buộc các nạn nhân địa phương phải im lặng.

Ông Trương Hải, người nhà nạn nhân của dịch bệnh ở Vũ Hán, đã yêu cầu các thành viên của nhóm chuyên gia WHO gặp gỡ gia đình nạn nhân sau khi kết thúc đợt cách ly, nhưng yêu cầu của ông không có kết quả và không được đáp ứng. Ông Trương nói: “Nếu WHO không dám gặp những người nhà [của nạn nhân], thì việc WHO đến Vũ Hán (để điều tra) chỉ để đánh lừa mọi người trên thế giới”.

Ông Trương hy vọng rằng các chuyên gia của WHO sẽ không bị ngoại giới can nhiễu, mà nên giữ nguyên ý định ban đầu của họ và tìm kiếm sự thật. “Đến nay, chính quyền thành phố Vũ Hán vẫn luôn không thừa nhận hành vi phạm tội của họ, đó là che giấu, không báo cáo thông tin và luôn tìm mọi cách để chối bỏ trách nhiệm”. Ông Trương cũng nhấn mạnh rằng “nếu các chuyên gia WHO cũng làm trái lương tâm và nói dối, thì đó là một sự xúc phạm rất lớn đối với người đã khuất".

The Guardian đưa tin, hàng chục thành viên trong gia đình các nạn nhân của đại dịch ở Vũ Hán đã thành lập một nhóm trao đổi trên WeChat để cùng thảo luận về việc yêu cầu các quan chức Vũ Hán phải chịu trách nhiệm. Họ cho biết đã bị phía chính quyền sách nhiễu, nhóm WeChat bị theo dõi và bị đe dọa. Hơn nữa có rất nhiều người thân của nạn nhân không tin con số tử vong chính thức do chính quyền công bố. Hiện tại, nhóm trò chuyện WeChat của họ đã bị đóng.

Vào ngày 26/1, BBC lần đầu tiên phát sóng một bộ phim tài liệu ghi lại 54 ngày trước đại dịch Vũ Hán. Nội dung tiết lộ thêm bằng chứng cho thấy trong giai đoạn đầu của đại dịch, ĐCSTQ đã cố gắng che giấu những bằng chứng về việc virus lây lan trên quy mô lớn và yêu cầu nhân viên y tế không được tiết lộ như thế nào.

Đông Phương

Theo Epoch Times tiếng Trung



BÀI CHỌN LỌC

Các chuyên gia WHO kết thúc 14 ngày cách ly và bắt đầu điều tra ở Vũ Hán