Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã gặp Tổng tư lệnh quân đội Myanmar trước thềm cuộc đảo chính

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một cuộc đảo chính quân sự đã diễn ra tại Myanmar (Miến Điện) vào ngày 1/2. Các nước phương Tây do Hoa Kỳ dẫn đầu đã lên án quân đội Myanmar và yêu cầu quân đội phải thả người ngay lập tức, điều này khác hẳn so với thái độ của chính quyền Trung Quốc.

Tổng thống Mỹ Biden tuyên bố đây là cuộc tấn công trực diện vào "sự chuyển đổi sang dân chủ và pháp quyền của Myanmar" và kêu gọi cộng đồng quốc tế "cùng chung tiếng nói" buộc quân đội Myanmar khôi phục dân chủ và thả người ngay lập tức.

Trước đó, Nhà Trắng cũng ra tuyên bố nêu rõ, nếu quân đội Myanmar không đảo ngược tình thế, Mỹ sẽ có hành động nhắm vào các cá nhân liên quan.

Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Charles Michel viết trên Twitter: "Tôi cực lực lên án 'cuộc đảo chính' ở Myanmar và kêu gọi quân đội (Myanmar) thả tất cả những người bị giam giữ bất hợp pháp trên khắp đất nước".

Người phát ngôn Liên Hợp Quốc Stephane Dujarric cũng cho biết trong tuyên bố: "Chuỗi diễn biến này là một đòn giáng nặng nề vào những cải cách dân chủ của Myanmar".

Tuy nhiên, ngoại giới nhận thấy rằng, thái độ của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đối với cuộc đảo chính ở Myanmar lại rất khác so với phản ứng của các nước phương Tây. Chính quyền Bắc Kinh không những không lên án quân đội Myanmar mà ngược lại giữ thái độ cực kỳ ôn hòa.

Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao ĐCSTQ Uông Văn Bân cho biết trong một cuộc họp báo vào ngày 1/2: “Chúng tôi có thấy những gì đã xảy ra ở Myanmar và đang tìm hiểu thêm về tình hình [của họ]. Trung Quốc là một nước láng giềng hữu hảo của Myanmar, chúng tôi hy vọng các bên ở Myanmar sẽ xử lý thỏa đáng sự bất đồng trong khuôn khổ pháp luật và Hiến pháp, để duy trì ổn định chính trị và xã hội".

Điều đáng nói là trước thềm cuộc đảo chính ở Myanmar , Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã đến thăm Myanmar vào ngày 12/1 và không những gặp gỡ Tổng thống Myanmar - ông Win Myint, Cố vấn Nhà nước - bà Aung San Suu Kyi, mà còn tổ chức một cuộc họp với ông Min Aung Hlaing - lãnh đạo quân đội Myanmar thân Bắc Kinh.

Cố vấn Nhà nước Myanmar - bà Aung San Suu Kyi (trái) và ông Min Aung Hlaing - Tổng tư lệnh quân đội Myanmar (phải). (LILLIAN SUWANRUMPHA,YE AUNG THU/AFP / Getty Images)
Cố vấn Nhà nước Myanmar - bà Aung San Suu Kyi (trái) và ông Min Aung Hlaing - Tổng tư lệnh quân đội Myanmar (phải). (LILLIAN SUWANRUMPHA,YE AUNG THU/AFP / Getty Images)

Ông Vương Nghị nói với ông Min Aung Hlaing rằng ĐCSTQ là "người anh em" của Myanmar và bày tỏ những lời chúc tốt đẹp đến ông Min Aung Hlaing. Ông Vương cũng cho biết chuyến đi này nhằm trao đổi quan điểm về bước phát triển tiếp theo trong quan hệ Trung Quốc - Myanmar.

Ông Min Aung Hlaing đã trực tiếp nói với ông Vương Nghị vào thời điểm đó rằng, có gian lận trong cuộc tổng tuyển cử diễn ra vào tháng 11 năm ngoái và quân đội sẽ hành động. Nhưng không rõ khi đó ông Vương Nghị có phản ứng như thế nào.

Vào tháng 1/2020, khi Tổng bí thư ĐCSTQ Tập Cận Bình đến thăm Myanmar, ông Tập cũng đã có cuộc gặp với bà Aung San Suu Kyi và ông Min Aung Hlaing cùng lúc.

Ông Murray Hiebert, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), một tổ chức tư vấn của Washington, nói với VOA rằng thái độ của ĐCSTQ về vấn đề Myanmar được xác định bởi lợi ích to lớn của ĐCSTQ ở Myanmar. Hành lang kinh tế Trung Quốc - Myanmar là một phần quan trọng trong dự án “Một vành đai, một con đường” của ĐCSTQ ở Đông Nam Á.

Ông Hibbert nói rằng, việc ĐCSTQ không lên án quân đội Myanmar là để bảo vệ lợi ích của chính họ.

Ông cũng bày tỏ rằng, ĐCSTQ làm như vậy cũng là vì muốn làm thất bại những nỗ lực của Hoa Kỳ trong việc thúc đẩy tiến trình dân chủ ở Myanmar. ĐCSTQ đương nhiên không muốn thấy một chính phủ dân chủ thân Mỹ xuất hiện ở biên giới của mình.

Ông dự đoán rằng, do mối quan hệ giữa Myanmar và Âu - Mỹ đã xấu đi vì nạn diệt chủng người Rohingya ở nước này, nay lại thêm cuộc đảo chính, các tướng lĩnh của Myanmar có lẽ sẽ càng sẵn sàng kết giao với ĐCSTQ hơn.

Ông Avinash Paliwal, một giảng viên cao cấp Khoa Chính trị và Quan hệ Quốc tế tại Trường Nghiên cứu Châu Á và Châu Phi, Đại học London, cho rằng việc ĐCSTQ ngầm đồng ý với các hành động của quân đội Myanmar cũng có thể là nhân tố thúc đẩy dẫn đến cuộc đảo chính.

Ông Paliwal cho rằng, tiến trình hòa bình ở Myanmar có lẽ sẽ đặt dấu chấm hết tại đây, và thỏa thuận hòa bình mà các bên đạt được trong những năm đầu về cuộc nội chiến cũng có thể sẽ bị phá vỡ.

Đông Phương

Theo Epoch Times tiếng Trung



BÀI CHỌN LỌC

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã gặp Tổng tư lệnh quân đội Myanmar trước thềm cuộc đảo chính