Bị bỏ tù vì đức tin, người phụ nữ dũng cảm trốn thoát khỏi Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Gần 20 năm trước, một người phụ nữ đã được chồng sắp cưới giải cứu an toàn đến Úc sau khi cô bị tra tấn không ngừng nghỉ trong trại lao động cưỡng bức của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong suốt hai năm.

Cặp vợ chồng, hiện đã ngoài 50 tuổi, kể lại với The Epoch Times hành trình gian khổ đi qua những ngày tháng đen tối nhất của cuộc đời họ, phơi bày những bất công xảy ra đằng sau những bức tường khủng bố đỏ kín mít của các nhà tù và trại lao động Trung Quốc. Câu chuyện của họ là một khúc ca về tình yêu đích thực, niềm tin vững chắc và lòng dũng cảm không thể lay chuyển.

Gần hai thập kỷ trước, Ying Li (hiện 51 tuổi) đã bị bắt ở Trung Quốc vì đức tin vào môn tu luyện Pháp Luân Công. Vào tháng 7 năm 1999, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã phát động một chiến dịch đàn áp tàn bạo chống lại môn tu luyện ôn hòa này, vì lo ngại rằng việc giảng dạy những nguyên lý phổ quát Chân, Thiện và Nhẫn của Pháp Luân Công sẽ trở thành mối đe dọa đối với hệ tư tưởng bắt nguồn từ chủ nghĩa vô thần và chủ nghĩa Mác của nó.

Cô Ying, hiện đang sống ở Sydney cùng chồng và ba người con, đã bị ngược đãi và tra tấn vì không chịu từ bỏ đức tin của mình.

Cô Ying nói: “Chính tình yêu của chồng đã giúp đỡ tôi vượt qua những ngày tháng đen tối nhất trong cuộc đời”.

Epoch Times Photo
Ying Li và chồng, Grant Lee. (Được sự cho phép của Ying Li và Grant Lee)

Bị tra tấn vì đức tin

Sau khi Ying bị cảnh sát bắt cóc vào tháng 1 năm 2001, cô bị đưa đến một trung tâm tẩy não. Để phản đối việc bắt giữ trái pháp luật, Ying đã tuyệt thực trong một tháng. Các lính canh đã dùng đến những phương pháp tra tấn phi đạo đức để bức thực cô, khiến sức khỏe của cô ngày càng xấu đi. Cô đã bị giam giữ trong bốn tháng trước khi được đơn vị công tác bảo lãnh ra ngoài.

Nhớ lại những hành vi ngược đãi mà cô phải chịu, Ying nói rằng một nhân viên của trung tâm tẩy não đã nói với cô mà không chút sợ hãi: “Chúng tôi chính là muốn đưa cô vào tù hoặc quản thúc cô tại nhà. Chúng tôi là tổ chức của chính phủ, cô nghĩ là cô có thể làm được gì?”.

Xã hội do ĐCSTQ cai trị không phải là một xã hội bình thường. Nó chống lại loài người. ĐCSTQ tẩy não mọi người để bạn phải suy nghĩ theo những gì nó nghĩ và làm theo những gì nó bảo bạn phải làm. Nó không cho phép bạn có niềm tin khác để nó có thể kiểm soát tâm trí của bạn.

- Ying Li, gốc Trung Quốc, hiện định cư ở Úc

Mười tháng sau, vào ngày 16/10/2001, Ying đang đi công tác đến Hàng Châu, thủ phủ của tỉnh Chiết Giang, thì bất ngờ bị bắt lần thứ hai và đưa đến Trại lao động cưỡng bức nữ Qingsong Thượng Hải. Vào thời điểm đó, cô đang làm việc cho một công ty tư vấn quản lý.

“Tôi đã bị giam trong 2 năm. Lý do được ghi là 'Lý do khác', bởi vì việc bắt giữ tôi không dựa trên bất kỳ luật hiện hành nào", cô nói.

“Họ đã còng hai tay tôi sau lưng và treo vào một cánh cửa sắt trong vòng ba ngày. Họ cũng nhốt tôi trong xà lim biệt giam hơn sáu tháng. Họ sợ rằng quyết tâm của tôi sẽ cản trở cái gọi là 'cải tạo' các học viên Pháp Luân Công khác của họ".

Kể lại các phương pháp tra tấn mà các quan chức cộng sản đã sử dụng để "cải tạo" các tù nhân lương tâm, Ying cho biết ĐCSTQ đã nghĩ ra "nhiều cách khác nhau để bức hại". Các phương pháp bức hại bao gồm ép các học viên ngồi trên những chiếc ghế đẩu rất nhỏ trong nhiều giờ liền, khiến mông của họ bị mưng mủ, cũng như bắt họ đứng trong thời gian dài dẫn đến cẳng chân và bàn chân bị sưng tấy, khiến họ không thể đi lại được.

Ying nói: “Một số học viên bị đánh bằng roi điện nhiều đến nỗi khó có thể tìm thấy mảnh da lành lặn nào trên cơ thể họ. Ở một số khu vực, các nhân viên nhà tù thích tra tấn thể xác. Ở một số nơi khác, họ lại thích tra tấn tinh thần hơn”.

Epoch Times Photo
Tái hiện cảnh ngồi trên một chiếc ghế đẩu nhỏ, một phương pháp thường được sử dụng trong các nhà tù Trung Quốc để tra tấn các học viên Pháp Luân Công không chịu từ bỏ đức tin của họ. (Minghui.org)

Ying cho biết cô và các học viên khác thường bị phồng rộp ở lòng bàn tay sau nhiều giờ lao động cưỡng bức, kéo dài từ 7 giờ sáng đến gần nửa đêm mỗi ngày.

Sau khi Ying trốn sang Úc, cô tiết lộ rằng Trại lao động cưỡng bức nữ Thượng Hải đã tham gia vào việc sản xuất búp bê vận chuyển trực tiếp cho một thương hiệu nổi tiếng ở Ý.

Ying cũng bị buộc phải “sản xuất các sản phẩm cho nhãn hiệu đồ lót Three-Gun”, theo một báo cáo vào năm 2004 của Tổ chức Thế giới Điều tra Cuộc đàn áp Pháp Luân Công (WOIPFG) chi nhánh Úc.

Epoch Times Photo
Ying Li và Grant Lee tham dự một cuộc biểu tình trước Capital Hill ở Canberra, Úc, để ủng hộ phong trào “Giải cứu người thân của công dân Úc” vào ngày 1 tháng 12 năm 2003. (Minghui.org)

Một cuộc giải cứu táo bạo

Trong suốt thời gian Ying phải đối mặt với sự đàn áp ở Trung Quốc, chồng sắp cưới của cô khi đó ở Úc, Grant Lee, đã nỗ lực hết sức mình để chính phủ Úc chú ý đến trường hợp của cô. Những nỗ lực không mệt mỏi của Grant đã có tác động ở một mức độ nhất định và làm giảm mức độ nghiêm trọng của sự tra tấn mà Ying trải qua trong trại lao động tà ác.

Grant sau đó đã cố gắng gửi cho Ying một chiếc nhẫn đính hôn như một món quà Giáng sinh trong khi cô vẫn còn bị giam giữ. Chiếc nhẫn không chỉ an ủi Ying trong những ngày tháng khó khăn nhất của cuộc đời mà còn trấn an cô rằng tình yêu đích thực và niềm tin sẽ không bao giờ thất bại; cô biết Grant sẽ không bao giờ từ bỏ việc giải cứu cô. Ying đã được thả khỏi trại lao động vào ngày 15/10/2003.

Tuy nhiên, hành trình giải cứu Ying ra khỏi Trung Quốc không phải là một công việc dễ dàng đối với Grant.

Grant, hiện 58 tuổi, cho biết: “Lúc đầu, không ai muốn giúp cô ấy vì cô ấy là công dân Trung Quốc. Vì vậy, tôi đã đạp xe từ Sydney đến Canberra để nâng cao nhận thức của mọi người".

Sau khi năm hãng truyền thông địa phương của Úc đưa tin về câu chuyện của Ying, các nhân viên từ bộ ngoại giao Úc đã gặp Grant khi anh đến Canberra và đồng ý sẽ hỏi chính phủ Trung Quốc về trường hợp của Ying.

Grant nói rằng để bảo lãnh Ying đến Úc, anh cần nộp những bức ảnh chụp chung của hai người. Tuy nhiên, Grant mới quen biết Ying từ năm 2001 thông qua một người bạn chung, và cặp đôi chưa bao giờ có cơ hội chụp ảnh chung do cuộc bức hại. Vì vậy, Grant đã dũng cảm một mình đến Trung Quốc để chụp ảnh chung với Ying.

Tuy nhiên, lãnh sự quán Trung Quốc tại Úc đã từ chối cấp thị thực Trung Quốc cho Grant khi biết rằng anh cũng là một học viên Pháp Luân Công. Để vượt qua các hạn chế, Grant đã thay đổi tên và ngoại hình của mình và đến Hồng Kông để xin thị thực Trung Quốc. Sau đó, anh đi qua một số thành phố ở Trung Quốc trước khi đến Thượng Hải bằng xe buýt để tránh cho người khác biết rằng anh đến từ nước ngoài.

Grant cho biết một số thành viên của Nghị viện Úc đã liên hệ với Lãnh sự quán Úc tại Thượng Hải để hỗ trợ các thủ tục; và kết quả là Ying đã được cấp thị thực trong vòng một tuần.

Niềm hy vọng về một 'Thế giới hòa bình'

Với người chồng yêu quý của mình bên cạnh, Ying cuối cùng đã hạ cánh đến Úc vào ngày 29/11/2003. Chị gái và em trai của cô, những người cũng bị bức hại liên tục vì tu luyện Pháp Luân Công, sau đó đã được giải cứu khỏi Trung Quốc và được cho tị nạn ở Úc.

Trân trọng quyền được tự do thực hành đức tin của mình mà không sợ bị bắt, Ying cho biết cô cảm thấy bản thân rất "may mắn" khi so sánh với hàng triệu học viên Pháp Luân Công vẫn đang bị bức hại tại quê hương Trung Quốc yêu dấu của mình.

Ying nói: “Xã hội do ĐCSTQ cai trị không phải là một xã hội bình thường. Nó chống lại loài người. ĐCSTQ tẩy não mọi người để bạn phải suy nghĩ theo những gì nó nghĩ và làm theo những gì nó bảo bạn phải làm. Nó không cho phép bạn có niềm tin khác để nó có thể kiểm soát tâm trí của bạn”.

Epoch Times Photo
Ying Li và Grant Lee chụp ảnh với các học viên Pháp Luân Công khác sau khi đến sân bay quốc tế Sydney vào ngày 29 tháng 11 năm 2003. (Minghui.org)

Tự thân trải nghiệm “sự ác độc của ĐCSTQ”, Grant hy vọng rằng những người dân đang sống ở Trung Quốc đừng nên sợ hãi trước sự cai trị độc đoán của Đảng mà hãy kiên cường đứng lên chống lại nó. Anh cũng hy vọng rằng mọi người dân trên khắp thế giới đều hiểu được bản chất xấu xa của ĐCSTQ, phản đối nó, chống lại nó, “để chúng ta có được một thế giới hòa bình”.

Thanh Hương

Theo Epoch Times tiếng Anh



BÀI CHỌN LỌC

Bị bỏ tù vì đức tin, người phụ nữ dũng cảm trốn thoát khỏi Trung Quốc