Bất chấp đại dịch, Bắc Kinh vẫn tiếp tục bức hại các học viên Pháp Luân Công

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ngay cả khi đang cố gắng kiềm chế đại dịch tại Trung Quốc, chế độ Đảng cộng sản Trung Quốc vẫn tiếp tục bức hại các học viên của nhóm tu luyện tâm linh Pháp Luân Công, theo một tài liệu nội bộ bị rò rỉ từ năm 2020.

Theo tài liệu chính thức từ một huyện ở miền đông Trung Quốc, trong đó liệt kê chiến dịch đàn áp các học viên Pháp Luân Công nằm trong danh sách các thành tựu quan trọng trong năm 2020, cùng với các nhiệm vụ khác như kiểm soát đại dịch và “duy trì ổn định xã hội”.

Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một môn tu luyện Phật gia có nguồn gốc từ đông bắc Trung Quốc từ năm 1992, gồm 5 bài công pháp và các bài giảng dựa trên nguyên lý Chân Thiện Nhẫn

Dữ liệu chính thức báo cáo rằng có khoảng từ 70-100 triệu học viên Pháp Luân Công tại Trung Quốc vào năm 1999. Tuy nhiên, sau khi chế độ Trung Quốc cảm thấy bị đe dọa bởi sự phổ biến và tính độc lập của môn tu luyện này, nó bắt đầu bức hại Pháp Luân Công vào tháng 7/1999. Hàng triệu học viên đã bị giam giữ trong các trại giam, các trại lao động, và các cơ sở khác, theo Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp.

The Epoch Times gần đây đã có được một tài liệu nội bộ bị rò rỉ. Tài liệu này mang tên “Tóm tắt công tác năm 2020 và Kế hoạch công tác năm 2021 của Ủy ban Chính trị và Pháp Luật cấp quận”, do Ủy ban Chính trị và Pháp luật huyện Ngô Trung (PLAC) của Đảng Cộng sản Trung Quốc ban hành vào tháng 11/2020.

Ngô Trung là một quận thuộc thành phố Tô Châu của tỉnh Giang Tô, một tỉnh duyên hải miền đông-trung Trung Quốc.

PLAC, một cơ quan của Đảng cộng sản Trung Quốc, có nhiệm vụ giám sát cơ quan cảnh sát, tòa án và các trại giam trên toàn quốc, nó có các chi nhánh ở mỗi tỉnh, thành phố và thị trấn.

Trong bản tóm tắt công tác cho năm 2020, PLAC quận nói rằng họ đã phát động một chiến dịch kéo dài 100 ngày để đàn áp Pháp Luân Công và các học viên của môn tu luyện này trên diện rộng nhằm thực hiện cái gọi là “ chuyển hóa giáo dục”.

"Chuyển hóa” là một tên gọi do ĐCSTQ đặt ra. Nó hàm ý buộc các học viên Pháp Luân Công từ bỏ đức tin của mình bằng cách quấy rối, tẩy não và tra tấn họ. Hàng ngàn học viên Pháp Luân Công được xác nhận là đã bị bức hại tàn bạo cho đến chết.

Xem thêm: Vì sao ĐCS Trung Quốc muốn che giấu cuộc đàn áp Pháp Luân Công (P1): Pháp Luân Công là gì?

17 học viên Pháp Luân Công tử vong tại quận Ngô Trung

The Epoch Times đã thu được một báo cáo dữ liệu khác vào năm 2017 từ Lực lượng An ninh quốc gia tại quận Ngô Trung. Tài liệu này cho thấy rằng ít nhất có 17 học viên Pháp Luân Công tại quận này đã bị bức hại đến chết chỉ vì giữ vững đức tin của họ.

Theo tài liệu này, đến ngày 24/7/2017, 153 học viên Pháp Luân Công tại địa phương này đã bị chính quyền Ngô Trung theo dõi, với 76 người bị theo dõi một cách nghiêm ngặt.

Theo báo cáo cho biết, tổng số học viên bị bức hại đến chết tại quận này là 17 người.

Kể từ tháng 7/1999, hơn 4.600 học viên Pháp Luân Công đã thiệt mạng trong cuộc đàn áp tại Trung Quốc. Tên các nạn nhân, dữ liệu thống kê và tóm tắt ngắn gọn về các trường hợp tử vong đã được xác nhận có trên trang Minghui.org.

Số người tử vong thực tế được cho là cao hơn nhiều vì hàng nghìn trường hợp vẫn chưa được xác nhận.

Hàng nghìn học viên Pháp Luân Công tham gia luyện công tập thể trước tòa Capitol ở Washington vào ngày 20/6/2018, nhằm kêu gọi chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc chấm dứt cuộc bức hại Pháp Luân Công ở Trung Quốc. (Edward Dye / The Epoch Times)
Hàng nghìn học viên Pháp Luân Công tham gia luyện công tập thể trước tòa Capitol ở Washington vào ngày 20/6/2018, nhằm kêu gọi chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc chấm dứt cuộc bức hại Pháp Luân Công ở Trung Quốc. (Edward Dye / The Epoch Times)

Chiến dịch 'gõ cửa'

Ngoài ra, báo cáo cho thấy vào đầu tháng 5/2017, quận Ngô Trung đã thực hiện tổng cộng 24 chuyến kiểm tra tại nhà các học viên Pháp Luân Công địa phương nhằm tuân thủ chỉ thị “gõ cửa” do Bộ Công an Trung Quốc ban hành.

Kể từ tháng 2/2017, chiến dịch này đã lan rộng đến 28 tỉnh, thành phố và các khu vực tại Trung Quốc đại lục để thu thập thông tin cá nhân, chụp ảnh, quay video hoặc thậm chí bắt giữ các học viên Pháp Luân Công, theo Minghui cho biết.

Do nỗ lực bức hại Pháp Luân Công, huyện Ngô Trung đã được Hội đồng Nhà nước của chính quyền Trung Quốc đánh giá là “huyện kiểu mẫu” vào năm 2015. “Kế hoạch công tác năm 2021” cũng đặt ra mục tiêu là kiểm soát tuyệt đối các học viên Pháp Luân Công.

Năm 1999, Pháp Luân Công bị Đảng Cộng sản Trung Quốc phỉ báng là “tà giáo” tại Trung Quốc đại lục. Thuật ngữ này thường bị hiểu sai trong tiếng Anh là "giáo phái".

Một báo cáo năm 2017 với tên gọi “Trận chiến vì tinh thần Trung Quốc”, được phát hành bởi tổ chức phi lợi nhuận Freedom House có trụ sở tại Hoa Kỳ, nói rằng Pháp Luân Công không bị xem là một giáo phái.

“Bộ máy tuyên truyền nhà nước [Trung Quốc] đã dùng một bản dịch tiếng Anh được chuyển ngữ sai một cách cố ý của thuật ngữ “tà giáo” trong tiếng Trung . Điều này cho thấy thuật ngữ này đã được áp dụng hồi tố nhằm biện minh cho một chiến dịch bạo lực làm dấy lên sự chỉ trích trong nước và quốc tế ”.

Pháp Luân Công hiện được tập luyện ở hơn 90 quốc gia trên toàn thế giới, trong khi cuốn sách chính của môn tu luyện này - “Chuyển Pháp Luân” đã được dịch sang 40 thứ tiếng.

Sự lo lắng của Bắc Kinh

Một báo cáo khác của PLAC thành phố Tô Châu có tên "Báo cáo hàng tuần về ý kiến ​​chính trị và pháp lý Tô Châu”, đã tiết lộ những lo ngại của Bắc Kinh đối với Pháp Luân Công. Tài liệu được gắn nhãn là "Thông tin nội bộ".

Trong phần “Những Rủi ro Gần đây và Đề xuất”, tài liệu trên đề xuất ngăn chặn Pháp Luân Công mở rộng “tuyên truyền” khi đề cập đến các biểu ngữ liên quan đã xuất hiện giữa các cộng đồng ở một thành phố Hiếu Cảm thuộc tỉnh Hồ Bắc.

Báo cáo được phát hành vào ngày 12/5/2017, một ngày trước “Ngày Pháp Luân Đại Pháp Thế giới”, cũng là ngày sinh của Đại sư Lý Hồng Chí, người sáng lập Pháp Luân Đại Pháp.

Kể từ năm 2000, hàng năm cứ vào ngày 13/5, các học viên Pháp Luân Đại Pháp trên toàn thế giới tổ chức kỷ niệm Ngày Pháp Luân Đại Pháp Thế giới để tỏ lòng biết ơn đối với người sáng lập pháp môn. Trong khi đó, các học viên Trung Quốc đại lục chọn dán tờ rơi và treo biểu ngữ ở những nơi công cộng trong thời gian này, dưới áp lực của chế độ Đảng cộng sản Trung Quốc.

Tài liệu nội bộ cuối cùng được ban hành bởi chính quyền thành phố Từ Châu, tỉnh Giang Tô, có liên quan đến “nền tảng phân loại từ khóa”.

Nó cho thấy “Pháp Luân Công” được liệt kê là từ khóa bị kiểm duyệt cho ​​công chúng, cùng với nhiều từ khóa ​​khác, chẳng hạn như các chủ đề liên quan đến tai nạn nghiêm trọng, biểu tình hàng loạt, người bất đồng chính kiến ​​và luật sư nhân quyền.

Khải Anh
Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Bất chấp đại dịch, Bắc Kinh vẫn tiếp tục bức hại các học viên Pháp Luân Công