Bão và lũ lụt nhấn chìm Trung Quốc, mưa lớn đe dọa đập Tam Hiệp

Giúp NTDVN sửa lỗi

Những trận mưa như trút nước ở tỉnh Tứ Xuyên phía tây nam Trung Quốc, siêu đô thị Trùng Khánh và tỉnh Cam Túc gần đó đã khiến nhiều khu vực chìm trong nước lũ khi sông Trường Giang (Dương Tử) và một số phụ lưu của nó tràn qua.

Mức độ trầm trọng của hậu quả từ các trận mưa bão đã khiến Bộ Thủy lợi Trung Quốc đưa ra cảnh báo nghiêm trọng vào cuối ngày 18/8 về mực nước tại hồ chứa đập Tam Hiệp, nằm trên thượng nguồn sông Trường Giang.

Theo thông tin của cơ quan truyền thông nhà nước Trung Quốc Tân Hoa Xã, lưu lượng nước tràn vào đập Tam Hiệp dự kiến ​​đạt hơn 74.000m3/s vào sáng ngày 20/8, mức cao nhất kể từ khi con đập Tam Hiệp đi vào vận hành hồi năm 2003.

Tổ chức tư vấn Quỹ Di sản có trụ sở tại Hoa Kỳ đã cảnh báo vào đầu tháng Tám rằng, lũ lụt quá mức sẽ càng làm gia tăng áp lực cho các con đập nằm ở thượng nguồn sông Trường Giang.

Nếu đập Tam Hiệp vỡ?

Nếu đập Tam Hiệp vỡ, nhóm nghiên cứu cho biết, dòng nước khổng lồ sẽ ảnh hưởng đến hàng triệu người sống ở hạ lưu, làm ngập lụt các thành phố bao gồm Vũ Hán và xóa sổ các khu đất trồng trọt rộng lớn, trong khi đó Trung Quốc hiện đang đối mặt với nguy cơ thiếu lương thực.

Tại tỉnh Tứ Xuyên, chính quyền địa phương đã nâng mức cảnh báo phản ứng kiểm soát mưa lũ lên mức cao nhất (cấp một) trong hệ thống 4 cấp của Trung Quốc vào ngày 18/8, một ngày sau khi đã nâng từ mức cấp ba lên cấp hai, theo Tân Hoa Xã. Mưa lũ liên tục đã buộc chính quyền địa phương phải sơ tán hơn 100.000 người vào ngày 18/8, một số người trong số họ là cư dân thành phố Nhã An. Trước đó vào ngày 17/8, những cư dân này đã phải chạy trốn sau khi xảy ra vỡ đê ở Nhã An.

Cũng tại tỉnh Tứ Xuyên, tượng Phật khổng lồ Lạc Sơn - bức tượng cao 71 mét được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới - đã bị nước lũ phủ kín các ngón chân, theo báo chí nhà nước Trung Quốc.

Thành phố Trùng Khánh đã nâng mức kiểm soát lũ lụt lên cấp độ một kể từ chiều ngày 18/8, vì nước lũ cục bộ và lở đất đã ảnh hưởng đến hơn 100.000 người ở 31 quận và huyện, theo giới chức địa phương.

Tại tỉnh Cam Túc ở phía đông bắc của tỉnh Tứ Xuyên, thành phố Long Nam đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi lũ lụt. Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc, hơn 300 ngôi nhà của khoảng 1.300 cư dân ở huyện Wen, nằm ở phía nam Long Nam, đã bị vùi lấp từ một trận lở đất do lũ lụt gây ra.

Trung Quốc đã phải vật lộn với những trận mưa lớn kể từ tháng Sáu. Lũ lụt gây ảnh hưởng đến ít nhất 54,8 triệu người ở 27 tỉnh và khu vực, theo dữ liệu mới nhất từ ​​Bộ Quản lý Khẩn cấp của Trung Quốc. Nhưng một số cư dân mạng Trung Quốc bày tỏ nghi ngờ về dữ liệu của giới chức và tin rằng con số thương vong thực sự sẽ cao hơn nhiều.

Cũng trong ngày 18/8, lần đầu tiên kể từ đầu mùa lũ năm nay, nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã đến thăm những người dân bị ảnh hưởng lũ lụt ở tỉnh An Huy thuộc miền đông Trung Quốc. Ông Tập cũng đã đi thăm các vùng gần lưu vực sông Hoài của tỉnh này. Khu vực này nằm giữa sông Trường Giang ở phía nam và sông Hoàng Hà ở phía bắc Trung Quốc.

Trong khi lũ lụt tiếp tục tàn phá phần lớn Trung Quốc, bão Higos đã đổ bộ vào tỉnh Quảng Đông, miền nam Trung Quốc vào khoảng 6 giờ sáng theo giờ địa phương vào ngày 19 tháng 8, theo Tân Hoa xã. Các tỉnh lân cận như Hải Nam và Quảng Tây cũng được dự báo sẽ có mưa lớn.

Văn phòng giáo dục ở thành phố Chu Hải, Quảng Đông vào ngày 19/8 đã ra lệnh cho các trường nghỉ học , trong khi nhiều chuyến bay đến và đi từ sân bay quốc tế Bạch Viên Quảng Châu đã bị hủy.

Người dân Trung Quốc bị ảnh hưởng vì lũ lụt

Cư dân ở những khu vực bị lũ lụt này đã chia sẻ câu chuyện của họ với The Epoch Times tiếng Trung.

Nước lũ dâng tới chân Lạc Sơn Đại Phật ở Tứ Xuyên, Trung Quốc. Ảnh: Taiwan News.
Nước lũ dâng tới chân Lạc Sơn Đại Phật ở Tứ Xuyên, Trung Quốc. (Ảnh: Taiwan News)

Ông Li, một cư dân ở huyện Kim Đường (Jintang) thuộc tỉnh Tứ Xuyên cho biết, lũ lụt ở khu vực của ông không phải do mưa lớn mà do nước xả từ thượng nguồn tràn ra từ sông Đà Giang gần đó. Đây vốn là một nhánh của sông Trường Giang.

Ông cũng nói thêm rằng, khu vực của ông ấy bắt đầu bị lụt vào ngày 15/8 và nước không hề rút bớt cho đến 2 ngày sau đó.

Anh Xu, một người dân ở thành phố Thành Đô - thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên - cho biết, nước mưa ở đây dâng cao khoảng 1,2m đã nhấn chìm ngôi nhà một tầng của anh. Anh ấy cho biết nhiều đồ nội thất cũng như tủ lạnh, máy giặt và điều hòa đã bị hư hỏng do bị ngập nước. Ngoài ra, một số gà, vịt và thỏ mà anh nuôi cũng bị chết đuối.

Anh Xu ước tính tổng thiệt hại tài chính của mình có thể vào khoảng từ 20.000 đến 30.000 nhân dân tệ (khoảng 66,97 triệu VNĐ đến 100,46 triệu VNĐ).

Anh nói, nhà anh bị mất điện vào chiều ngày 16/8 khi mực nước bắt đầu dâng cao. Nguồn điện đã được khôi phục vào ngày 17/8, nhưng nước đã bị mất vào khoảng 6 giờ chiều, theo giờ địa phương.

Người này cũng nói thêm rằng 3 ngôi làng gần nơi anh sống cũng đang bị ngập lụt.

Cư dân ở quận Ôn (Wen) của tỉnh Cam Túc cho biết họ không thể trở về nhà do lũ lụt. Một người dân nói rằng, thị trấn Bích Khẩu quê nhà của anh đã bị ngập hoàn toàn trong nước dâng cao lên đến khoảng 2 tầng lầu vào khoảng 6 giờ chiều (giờ địa phương) trong ngày 18/8. Anh ấy không chắc khi nào mình có thể về nhà.

Cũng sống ở trấn Bích Khẩu, một chủ trang trại cho biết, đường cao tốc địa phương đã bị đóng cửa do lở đất, đồng thời các phương tiện giao thông công cộng địa phương cũng không hoạt động.

Du Miên

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Bão và lũ lụt nhấn chìm Trung Quốc, mưa lớn đe dọa đập Tam Hiệp