Báo cáo Nhân quyền Mỹ năm 2019: Nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng vẫn đang diễn ra tại Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hôm 26/10, trên trang web của Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Trung Quốc đã công bố "Báo cáo nhân quyền Trung Quốc năm 2019". Báo cáo chỉ ra các vấn đề vi phạm nhân quyền nghiêm trọng xảy ra tại Trung Quốc, bao gồm rất nhiều phương diện như: Bắt hoặc giam giữ tuỳ tiện; tra tấn và cưỡng bức thu hoạch nội tạng; xâm phạm quyền tự do ngôn luận; kiểm soát xuất cảnh ra nước ngoài; hạn chế quyền tự do đi lại của công dân v.v.

Bắt hoặc giam giữ tuỳ tiện

Báo cáo chỉ ra, vấn đề bắt hoặc giam giữ tuỳ tiện vẫn xảy ra rất nghiêm trọng tại Trung Quốc. Luật pháp của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) cấp cho công an quyền giam giữ hành chính trên diện rộng và giam giữ dài hạn ngay cả khi không có lệnh bắt giữ chính thức hoặc lệnh truy tố hình sự. Những nhóm người như luật sư, nhà hoạt động nhân quyền, phóng viên, người đứng đầu tôn giáo và những người ủng hộ họ, cựu tù nhân chính trị và người nhà của họ v.v. tiếp tục trở thành các đối tượng bị bắt giữ hoặc giam giữ tuỳ tiện.

Phía cảnh sát còn tiến hành "giám sát nơi cư trú tại các địa điểm được chỉ định" đối với những nghi phạm trong vòng tối đa 6 tháng. Nhiều tổ chức nhân quyền và những người từng bị giam giữ nói rằng, cách làm này khiến người bị giam giữ phải đối mặt với nguy cơ bị tra tấn cao, bởi vì việc giam giữ tại các ‘trại giam không chính thức’ sẽ làm giảm đãi ngộ và cơ chế kháng án của người bị bắt giữ.

Các tổ chức nhân quyền ước tính rằng, có hàng trăm nghìn tội phạm chính trị vẫn đang bị giam giữ trong các nhà tù hoặc cơ sở giam giữ hành chính tại Trung Quốc. Tỷ lệ được trả tự do trước thời hạn của những người này thấp hơn nhiều so với những tù nhân khác. Ngoài ra, cũng có hàng trăm nghìn người vẫn đang thụ án vì các tội danh chính trị và tôn giáo như "gây nguy hại an ninh quốc gia" và "tham gia vào các hoạt động tà giáo".

Tra tấn và mổ cướp nội tạng vẫn đang diễn ra

Báo cáo cho biết, có vô số cựu tù nhân hoặc người từng bị giam giữ cho biết, họ đã bị ngược đãi bằng nhiều hình thức như đánh đập, hãm hiếp, sốc điện, cưỡng ép nhiều giờ trên một chiếc ghế nhỏ, buộc cổ tay treo lên, cấm ngủ, bức thực, cưỡng ép uống các loại thuốc không rõ nguồn gốc v.v. Mặc dù chính quyền trại giam cũng ngược đãi những tù nhân thông thường, nhưng những người bất đồng chính kiến và tôn giáo sẽ bị họ đối xử đặc biệt tàn nhẫn.

Báo cáo còn chỉ ra rằng, ĐCSTQ vẫn tiếp tục bức hại các học viên Pháp Luân Công bằng nhiều thủ đoạn như: hạn chế tái nhập cảnh, giam giữ phi pháp và mổ cướp nội tạng v.v. Mặc dù ĐCSTQ phủ nhận việc thu hoạch nội tạng cưỡng bức đối với các học viên Pháp Công, nhưng theo một nghiên cứu do Đại học Quốc gia Úc tiến hành thống kê đối với các quan chức của Trung tâm hiến tạng Trung Quốc (China Organ Donation Administrative Center (CODAC), các bằng chứng thống kê có độ chính xác tuyệt đối cho thấy các số liệu trên trang web này của ĐCSTQ đều là 'giả mạo'. Báo cáo này cũng cho biết, chương trình cấy ghép nội tạng của ĐCSTQ liên quan đến nguồn nội tạng "quyên góp của những người hiến tạng phi tự nguyện, những người này đã bị ĐCSTQ dán nhãn là 'những công dân tự nguyện hiến tạng’”.

Tháng Sáu vừa qua, tổ chức phi chính phủ "Tòa án độc lập về điều tra nạn thu hoạch nội tạng cưỡng bức từ các tù nhân lương tâm ở Trung Quốc" đã đưa ra một báo cáo cho biết, "có rất nhiều bằng chứng trực tiếp và gián tiếp về nạn thu hoạch nội tạng cưỡng bức" của ĐCSTQ, điển hình với các lý do "thời gian chờ đợi ghép tạng vô cùng ngắn" và việc "xây dựng cơ sở y tế và tổ chức đào tạo các bác sĩ ghép tạng trên quy mô lớn".

Ngoài ra, người Duy Ngô Nhĩ báo cáo rằng, giới chức và các nhân viên trong hệ thống thực thi pháp luật, và các trại cải tạo đã sử dụng một cách có hệ thống nhiều thủ đoạn cực hình và nhục mạ nhân cách đối các tù nhân. Những người may mắn sống sót kể lại rằng, chính quyền đã sử dụng nhiều hình phạt khác nhau đối với những người bị giam giữ như: sốc điện, ngâm nước lạnh, đánh đập, cưỡng hiếp, tra tấn thân thể ở nhiều tư thế khác nhau, tiêm các chất kích thích không rõ nguồn gốc, đột ngột hạ thấp nhiệt độ trong phòng v.v.

Các hành vi thể hiện bản sắc, ngôn ngữ và thân phận tôn giáo của các dân tộc thiểu số khác cũng bị hạn chế nghiêm ngặt ngay cả ngoài khu vực trại cải tạo. ĐCSTQ còn gây áp lực lên chính quyền các nước khi yêu cầu họ trục xuất hoặc từ chối cấp thị thực cho người Duy Ngô Nhĩ đã rời khỏi Trung Quốc, những người này nếu bị dẫn độ về nước sẽ phải đối mặt với nguy cơ bị giam cầm hoặc ngược đãi thậm tệ.

Xâm phạm quyền tự do ngôn luận, kiểm soát xuất cảnh

Báo cáo này cũng cho biết, ĐCSTQ luôn xâm phạm quyền tự do ngôn luận của công dân, tiếp tục kiểm soát tất cả các nền tảng, kênh truyền thông, báo chí, ứng dụng điện tử và các trang mạng xã hội ngày càng chặt chẽ. Có vô số công dân đã bị bắt giam chỉ vì cái gọi là "lan truyền tin tức sai sự thật", "lan truyền các thông tin bất hợp pháp" hoặc "tung tin đồn nhảm trên mạng Internet".

ĐCSTQ không chỉ mở rộng việc kiểm soát đối với các tin tức phổ biến trên toàn cầu, mà nó còn 'xuất khẩu' các thủ đoạn kiểm soát thông tin điện tử của mình cho chính phủ các nước khác. Ví dụ, năm 2019, số lượng báo cáo về việc phóng viên nước ngoài và người Hoa Kiều bị sách nhiễu vì chỉ trích các chính sách của ĐCSTQ đã tăng lên. Phạm vi kiểm duyệt của ĐCSTQ bao gồm các trang web bị chặn ở Trung Quốc đại lục như Twitter và Instagram.

Theo một báo cáo năm 2019, một số phóng viên cho biết, phạm vi kiểm duyệt của ĐCSTQ đã mở rộng đến nỗi "hầu hết các chủ đề đều bị cho là nhạy cảm".

ĐCSTQ còn sách nhiễu và giam giữ thân nhân của các nhà báo nước ngoài tại Trung Quốc. Đối với báo giới nước ngoài tại Trung Quốc, ĐCSTQ tiến hành các thủ đoạn như giám sát, giam giữ ngắn hạn, sách nhiễu, đe doạ không gia hạn visa v.v.

Về việc giới hạn quyền tự do truy cập Internet, báo cáo chỉ ra rằng, ĐCSTQ tiếp tục thuê hàng trăm nghìn người kiểm soát các thông tin điện tử và các nội dung trên mạng Internet trên phạm vi toàn quốc. Các chủ đề về Đài Loan, Đạt-lai Lạt-ma, Tây Tạng, Tân Cương, Pháp Luân Công, thảm sát Thiên An Môn năm 1989 vẫn tiếp tục bị chặn, các thông tin liên quan đến phong trào 'phản dẫn độ' tại Hong Kong cũng bị kiểm duyệt có tính chọn lọc một cách nghiêm ngặt: ĐCSTQ khuyến khích các bài tin lên án người biểu tình và chặn các thông tin chính diện hoặc trung lập nói về người biểu tình.

ĐCSTQ còn tiến hành kiểm duyệt nội dung đối với người nước ngoài sử dụng các nền tảng xã hội của các công ty truyền thông Trung Quốc. Ví dụ, vào tháng Mười Một, một chủ tài khoản người nước ngoài đã bị khoá tài khoản ngay lập tức sau khi người này đăng tải một đoạn video về việc vi phạm nhân quyền nghiêm trọng ở Tân Cương trên TikTok (Douyin).

Báo cáo tuyên bố, ĐCSTQ đang dần mở rộng phạm vi ảnh hưởng ra ngoài lãnh thổ biên giới Trung Quốc, điển hình là việc điều phối hành động của sinh viên nước ngoài như hướng dẫn họ giám sát, phản đối các bài phát biểu hoặc những hoạt động được cho là chỉ trích ĐCSTQ trong khuôn viên nhà trường. Những chuyện tương tự như vậy đều đã xuất hiện ở Canada, Anh, Úc...

Hạn chế quyền tự do đi lại của công dân

Báo cáo cho thấy, ĐCSTQ ngăn cấm các nhà hoạt động lên tiếng bằng cách không cấp giấy phép thông hành quốc tế và nội địa cho họ, hoặc thực hiện các hình hành vi quản thúc phi chính thức.

Đối với trong nước, quyền tự do đi lại của người Tây Tạng ở khu vực tự trị Tây Tạng và các khu vực Tây Tạng khác vẫn bị hạn chế nghiêm trọng. Người Duy Ngô Nhĩ sống tại Tân Cương và các khu vực khác ở Tân Cương cũng phải đối mặt với việc hạn chế đi lại hà khắc. ‘Những người nhạy cảm’ cũng bị hạn chế đi lại vào những 'ngày nhạy cảm'.

Đối với vấn đề xuất cảnh, các sân bay và các cửa khẩu biên giới khác đã mở rộng kiểm soát xuất cảnh đối với những hành khách ra khỏi biên giới, trong đó bao gồm việc cấm những người bất đồng chính kiến và những quan chức chính phủ ra nước ngoài. Các cán bộ cửa khẩu và cảnh sát còn lấy cớ ‘đe doạ an ninh quốc gia’ để không cho phép những người này xuất cảnh. Những nhóm người thuộc lãnh đạo tôn giáo, người bất đồng chính kiến, người kiến nghị hoặc thỉnh nguyện lên chính phủ, và người dân tộc thiểu số thường bị từ chối cấp hộ chiếu hoặc cấm xuất cảnh.

Ngoài ra, rất nhiều vấn đề xâm phạm phi pháp của ĐCSTQ như: xâm phạm quyền riêng tư, gia đình, nơi cư trú hoặc thông tin khi thiết lập hàng chục triệu camera trên khắp cả nước để giám sát người dân; hạn chế tự do học thuật, văn hoá, tự do hội họp và lập hội ôn hoà; cưỡng ép kế hoạch hoá gia đình, hay việc chính phủ tham nhũng, thiếu minh bạch v.v. cũng đều được ngoại giới đặc biệt quan tâm.

Ngọc Trân

Theo Epoch Times tiếng Trung



BÀI CHỌN LỌC

Báo cáo Nhân quyền Mỹ năm 2019: Nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng vẫn đang diễn ra tại Trung Quốc