Bằng chứng về tội ác của ĐCSTQ ẩn sau các sản phẩm tóc bị tịch thu từ Tân Cương

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong một động thái có thể giúp đưa ra cái nhìn sâu sắc về vi phạm nhân quyền ở Trung Quốc, Hải quan Hoa Kỳ (CBP) đã thu giữ 13 tấn sản phẩm làm từ tóc người xuất xứ từ tỉnh Tân Cương phía tây Trung Quốc trong tuần đầu tiên của tháng Bảy. Vào ngày 20/7, Bộ Thương mại đã xử phạt một công ty phụ kiện tóc Trung Quốc.

Những người sống sót từ cuộc đàn áp, các nhà điều tra và các nhóm hoạt động ủng hộ người Duy Ngô Nhĩ đã nói rằng, những phần tóc thu giữ được đến từ những người phụ nữ ở trong các trại tập trung và lao động khác nhau ở Tân Cương. Đây là lần đầu tiên chính quyền Hoa Kỳ có một bằng chứng mạnh mẽ để điều tra thêm về cuộc đàn áp các nhóm thiểu số Hồi giáo ở Trung Quốc.

Trong một email gửi tới The Epoch Times gần đây, nhà báo điều tra Ethan Gutmann cho biết: “Theo suy đoán nhanh trong đầu tôi thì lô hàng này đại diện cho tóc của khoảng 90.000 phụ nữ bị giam giữ trong các ‘trại cải tạo giáo dục’. Mặc dù kiểu tóc đặc trưng - tóc dài màu nâu hạt dẻ ánh đỏ - thường được xác định trong các danh mục tiếng Trung là của người 'Mông Cổ', nhưng phần tóc này được cạo từ đầu của những phụ nữ Duy Ngô Nhĩ, Kazakhstan, Slovak và Hui”. Nhà báo Gutmann là người đã đến Thổ Nhĩ Kỳ và Kazakhstan thăm nhiều người sống sót và trốn thoát khỏi các trại cải tạo.

Chính phủ Hoa Kỳ đã thực hiện một loạt các hành động để đáp trả sự đàn áp của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) ở Tân Cương.

Gần đây nhất, vào ngày 20/7, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã bổ sung 11 công ty Trung Quốc liên quan đến các vụ ngược đãi ở Tân Cương vào danh sách các thực thể bị cấm vận tại Mỹ, bao gồm Công ty TNHH Phụ kiện tóc Hetian Haolin. Danh sách này là một công cụ để hạn chế các thủ tục xuất khẩu, tái xuất khẩu và chuyển giao các sản phẩm tùy thuộc vào các quy định xuất khẩu, đối với những người hoặc công ty liên quan đến các hoạt động có thể đe dọa đến an ninh quốc gia hoặc lợi ích chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ.

Vào ngày 31/7, Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài (OFAC) của Bộ Tài chính Hoa Kỳ đã xử phạt một thực thể chính phủ Trung Quốc và 2 quan chức chính phủ tại nhiệm hoặc tiền nhiệm vì hành vi vi phạm nhân quyền, bao gồm việc bắt giữ hàng loạt vô căn cứ và ngược đãi thể xác nghiêm trọng.

Bên trong trại tập trung

Gulbakhar Jalilova là một công dân của Kazakhstan và là người sống sót sau khi thoát khỏi trại tập trung Tân Cương. Cô từng là một thương nhân và thường xuyên đi tới Urumqi, thủ phủ của Khu tự trị Tân Cương, để mua quần áo. Cô đã bị bắt vào năm 2017 tại khách sạn của mình vì "tiếp tay cho các hoạt động khủng bố" - lý do mà chính quyền Trung Quốc đã ghi lại trong tài liệu xét xử của cô.

Gulbakhar Jalilova trước khi cô bị bắt vào trại tập trung ở Tân Cương. (The Epoch Times)
Gulbakhar Jalilova trước khi cô bị bắt vào trại tập trung ở Tân Cương. (The Epoch Times)

Dù là mẹ của 4 đứa trẻ, Jalilova vẫn bị bắt nhốt trong một không gian rộng 6 mét vuông trong 465 ngày với nhiều phụ nữ khác; họ bị ép uống một loại thuốc không xác định hàng ngày. Một trong những điều đầu tiên mà những nhà điều hành trại đã làm khi những người phụ nữ này đến trại là cắt tóc họ. Việc này được thực hiện thường xuyên đối với những ai sẽ bị giam trong trại trong thời gian dài.

Cô Jelilova gần đây đã nói chuyện với The Epoch Times qua điện thoại. Cô đã gặp nhà báo điều tra Gutmann ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 10/2019. Trong cuộc gặp gỡ với nhà báo Gutmann, cô Jelilova đã diễn tả lại cách thức các tù nhân bị đưa đến một cái lỗ trên tường, tay họ bị còng ở phía trước trong khi một người giấu mặt sẽ cắt tóc từ phía bên kia bức tường.

Ông Gutmann đã mô tả lại những gì mà ông nghe được từ những người sống sót kể về những việc xảy ra khi họ bị giam trong các trại cải tạo.

“Đây là thực tế ở mọi nơi. Một khi vào trại, những người phụ nữ bị buộc phải xếp hàng trước một cái lỗ trên tường. Khi đến lượt của bạn, bạn buộc phải ló đầu qua lỗ trong khi một bàn tay khuất danh sẽ xén sạch tóc trên đầu bạn bằng một cái kéo xén tóc; một người phụ nữ nói, [cảm giác bản thân lúc đó] giống như một con vật”, nhà báo Gutmann cho biết.

Tóc dài được coi là vấn đề danh tiết của người phụ nữ trong văn hóa gốc của người Duy Ngô Nhĩ.

Mihrigul Tursun, 30 tuổi, một người sống sót trong trại tập trung khác đã làm chứng trước Quốc hội Hoa Kỳ vào tháng 11/2018. Cô đã bị giam giữ 3 lần, một lần trong tù và hai lần trong trại tập trung, thời gian kéo dài tổng cộng 11 tháng trong 2 năm, từ năm 2015 đến năm 2017. Qua cuộc phỏng vấn trên điện thoại với The Epoch Times, cô kể lại 3 ngày sau khi cô vào tù lần đầu tiên, tóc của tất cả 50 tù nhân trong phòng giam của cô đã bị cắt, hầu như mọi người đều có mái tóc dài.

Nhà phân tích Trung Quốc Ethan Gutmann phát biểu tại phiên điều trần của Ủy ban điều hành Quốc hội về Trung Quốc với tựa đề "Thúc giục Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dừng các hành vi vi phạm nhân quyền do nhà nước tài trợ" trên Tòa nhà Quốc hội ở Washington, DC, vào ngày 18/9/2015 trước ngày Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến thăm Mỹ (Ảnh của NICHOLAS KAMM / AFP qua Getty Images)
Nhà phân tích Trung Quốc Ethan Gutmann phát biểu tại phiên điều trần của Ủy ban điều hành Quốc hội về Trung Quốc với tựa đề "Thúc giục Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dừng các hành vi vi phạm nhân quyền do nhà nước tài trợ" trên Tòa nhà Quốc hội ở Washington, DC, vào ngày 18/9/2015 trước ngày Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến thăm Mỹ (Ảnh của NICHOLAS KAMM / AFP qua Getty Images)

“Tất cả mọi người đều chán nản, và kinh ngạc tột độ. Họ cảm thấy bất lực và vô vọng. Họ cảm thấy bị xúc phạm. Ngay cả khi điều đó không làm tổn thương họ về mặt thể xác, nó cũng làm tổn thương tinh thần, cảm xúc và tâm linh của họ”, cô Tursun nói. Cô cho biết thêm rằng mái tóc của cô dài đến ngang eo trước khi vào tù.

Tursun có những kỷ niệm hạnh phúc khi mẹ thường xuyên tết tóc dài cho cô cho đến khi 15 tuổi. Cô đặc biệt nhớ lại nhiều cuộc thi tóc dài trong trường của mình và cho biết có 12-15 loại bím tóc khác nhau cùng nhiều phụ kiện tóc mà người phụ nữ Duy Ngô Nhĩ thường sử dụng.

Thư ký Hiệp hội Uyghur tại Hoa Kỳ Elfidar Hanim nói với The Epoch Times qua điện thoại rằng, tầm quan trọng của việc nuôi tóc dài này đã mang lại lợi ích cho chính quyền Trung Quốc, những người đang sử dụng tóc từ các tù nhân trong các trại lao động và trại tập trung để kiếm lợi nhuận.

Lô hàng nặng 13 tấn được sản xuất bởi Công ty TNHH Sản phẩm tóc Lop County Meixin mà hải quan Hoa Kỳ thu giữ vào ngày 1/7, trị giá 800.000 USD (khoảng 18,54 tỷ VNĐ). Bà Hanim cho biết việc kinh doanh này đã diễn ra trong nhiều năm nay.

“Trung Quốc đã thực hiện loại hình kinh doanh này được một thời gian nhưng những sản phẩm tóc này chưa bao giờ bị bắt. Sự việc xảy ra lần này là vì đã có thêm nhiều nhận thức về vấn đề ấy và cũng bởi vì Đài Á Châu Tự Do (RFA) gần đây đã đưa tin về chủ đề này”, bà nói.

Vào ngày 28/5, RFA đã xuất bản một bài báo có tựa đề “Ngành công nghiệp sản phẩm tóc có liên kết với các trại Lao động cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ bùng nổ ở quận Lop của Tân Cương” (Hair Product Industry Linked to Uyghur Forced Labor Booming in Xinjiang’s Lop County), tác giả là phóng viên Gulchehra Hoja. RFA đã xác nhận với The Epoch Times bằng email rằng thông tin tức thời của họ đóng vai trò chính trong việc giúp CBP bắt giữ lô hàng vào ngày 1/7.

Bề nổi của tảng băng chìm

Ông Gutmann và bà Hanim cho biết các sản phẩm từ tóc người chỉ là bằng chứng của một khía cạnh trong một loạt các vi phạm nhân quyền nghiêm trọng khác của ĐCSTQ tại Tân Cương.

“Đây mới chỉ đơn giản là phần nổi của tảng băng chìm. Đào sâu hơn và bạn sẽ tìm thấy bằng chứng của lao động cưỡng bức, nô lệ tình dục và triệt sản bắt buộc. Số lượng lớn nhất những sinh mệnh ấy - tôi ước tính phải trên 10.000 phụ nữ mỗi năm, ở mức tối thiểu - đã bị mất vì nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng sống. Khi phụ nữ phương Tây sử dụng các sản phẩm làm đẹp của Trung Quốc có chứa collagen, họ đã vô tình bôi trét một phần sót lại của [những nạn nhân ấy] lên khuôn mặt mình”, nhà báo Gutmann viết.

Bà Hanim cho biết, người Duy Ngô Nhĩ bị giam giữ bên trong các trại tập trung này bị thu hoạch nội tạng cưỡng bức bất hợp pháp, triệt sản bắt buộc và được sử dụng như “chuột bạch” để thử nghiệm y tế. “Không chỉ có vậy, giờ đây họ đang sử dụng từng bộ phận của người Duy Ngô Nhĩ để kiếm tiền, tiếp thị bất cứ thứ gì họ có thể lấy được”, bà nhận định. Bà Hanim đã so sánh những số phận này với những nạn nhân tại các trại tập trung của Đức Quốc xã.

Các cựu tù nhân Tursun và Jelilova cũng kể về việc các tù nhân phải thực hiện các xét nghiệm máu và thử thai. Phụ nữ mang thai bị buộc phải phá thai. Họ cũng kể lại việc phải uống một số loại thuốc không rõ tên mỗi ngày. Những loại thuốc này đã khiến các cô gái trẻ mất kinh nguyệt. Cô Jelilova cho biết, một số loại thuốc được cấp để các tù nhân giữ im lặng. Họ không còn cảm thấy đau hay đói sau khi uống thuốc.

Một hình ảnh gần đây của Gulbakhar Jalilova ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. (The Epoch Times)
Một hình ảnh gần đây của Gulbakhar Jalilova ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. (The Epoch Times)

Trong một báo cáo phát hành vào ngày 28/7, Dự án Nhân quyền Uyghur (UHRP) nói rằng ĐCSTQ đã thực hiện một “nỗ lực không ngừng nghỉ” để che đậy tội ác của mình đối với người Hồi giáo thiểu số ở Tân Cương. Sau khi bị Ủy ban Liên hợp quốc (LHQ) về xóa bỏ phân biệt chủng tộc truy vấn, chính quyền độc tài này đã cố gắng biện minh cho sự tồn tại của các trại tập trung như một nỗ lực để giáo dục những kẻ “cực đoan”, và là “trung tâm giáo dục nghề nghiệp”.

Trong một bản tuyên bố, UHRP cho biết: “Sau đó, chính phủ [ĐCSTQ] tuyên bố rằng những người bị giam giữ đã ‘tốt nghiệp, vì họ đã đưa ra một kế hoạch lớn về lao động cưỡng bức tại các xí nghiệp và [các nạn nhân] phải chịu án tù dài mà không cần xét xử”.

Xét nghiệm DNA

Nhà báo Gutmann và thư ký Hanim nói rằng việc bắt giữ lô hàng tóc người thật từ Tân Cương của Hải quan Hoa Kỳ đã tạo ra một cơ hội để chính quyền Washington điều tra vấn đề sâu hơn nữa, vì bây giờ họ đã có một bằng chứng cụ thể trong tay.

“Hải quan Hoa Kỳ dường như sẽ thực hiện xét nghiệm DNA, có lẽ để xác định rằng tóc có nguồn gốc từ người Duy Ngô Nhĩ hay người Kazakhstan, chứ không phải từ người Hán. Nhưng điều đó không đi đủ xa. Bắc Kinh đã vô tình đưa cho chúng tôi bằng chứng vật lý về một tội ác”, ông Gutmann nói.

Bà Hanim nói rằng đó là một bằng chứng khó xác định vì việc xét nghiệm DNA sẽ dễ dàng hơn nếu chân tóc còn nguyên vẹn, nhưng những sản phẩm tóc này không được như vậy. Tuy nhiên, bà khuyến nghị CBP không nên trả lại lô hàng này cho người Trung Quốc dù cho bằng chứng không được thiết lập.

Các cá nhân từ Atajurt, một tổ chức nhân quyền Kazak với nhà báo điều tra Ethan Gutmann ở Almaty, Kazakhstan, hồi tháng 1/2020. (Josephine De Haan-Montes)
Các cá nhân từ Atajurt, một tổ chức nhân quyền Kazak với nhà báo điều tra Ethan Gutmann ở Almaty, Kazakhstan, hồi tháng 1/2020. (Josephine De Haan-Montes)

“Ngoài ra, chúng tôi muốn họ tiêu hủy chỗ tóc đó hoặc giữ chúng thay vì trả lại cho Trung Quốc, vì họ sẽ bán lại cho các nước khác, họ sẽ bán lại cho các nước nghèo. Và Trung Quốc cũng sẽ tìm cách tiếp thị lại, trong tương lai, họ có thể đặt một tên khác và có thể chuyển cho các khu vực khác nhau hoặc thậm chí gắn nhãn đó là kiểu tóc Ấn Độ”, bà Hanim cho biết.

Bà nói rằng Hoa Kỳ nên thúc đẩy các nước phương Tây khác dừng mua các sản phẩm đến từ các trại lao động cưỡng bức hoặc từ các trại tập trung tại Tân Cương.

Du Miên

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Bằng chứng về tội ác của ĐCSTQ ẩn sau các sản phẩm tóc bị tịch thu từ Tân Cương