Bản chất của Huawei Canada: “Văn hóa chó sói” và lời cáo buộc phân biệt đối xử

Giúp NTDVN sửa lỗi

Khi Mạnh Vãn Châu, nữ giám đốc tài chính của tập đoàn Huawei, người đang ở vị trí trung tâm của bất đồng ngoại giao giữa Trung Quốc và Canada, đến thăm văn phòng của Huawei (hãng viễn thông khổng lồ của Trung Quốc) ở Toronto năm 2016, các giám đốc tại văn phòng Toronto đưa tin bà Mạnh không thích nhìn thấy nhiều “khuôn mặt Trung Quốc” tại công ty.

Bà Mạnh bị bắt tại Vancouver, Canada tháng 12 năm 2018. Điều này khiến mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Ottawa đi xuống. Bà Mạnh là một trong những giám đốc sáng lập của Huawei tại Canada, và có sứ mệnh thiết lập chỗ đứng của Huawei tại Canada. Huawei là một công ty tai tiếng do cha bà, ông Nhậm Chính Phi, một cựu sĩ quan của Quân đội giải phóng nhân dân Trung Hoa (PLA) sáng lập.

Kể từ khi bà Mạnh bị bắt, Trung Quốc đã bắt giữ hai công dân Canada là Michael Kovrig và Michael Spavor, kết án tử hình hai công dân Canada khác là Robert Schellenberg và Fan Wei vì tội buôn ma túy trái phép. Trung Quốc cũng đồng thời ngừng nhập khẩu nông sản của Canada.

Phóng viên của tờ The Epoch Times đã gặp gỡ các nhân viên cũ của Huawei tại Canada. Họ đã lên tiếng công kích Huawei phân biệt đối xử, sa thải nhân viên từ 35 tuổi trở lên, bắt buộc nhân viên tham gia học chính trị về Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và phản đối nền “văn hóa chó sói” của công ty.

Thời gian trưởng thành

Các tài liệu từ nguồn chính phủ liên bang mà The Epoch Times có được cho biết bà Mạnh Vãn Châu là một trong những giám đốc sáng lập của Huawei Technologies Canada vào năm 2008. Năm 2013, tuy đã không còn làm giám đốc, bà vẫn tiếp tục tới công ty công tác tại Canada.

Bà Mạnh Vãn Châu (Photo by Jeff Vinnick/Getty Images)

Vào thời điểm đó, tại Thẩm Quyến, công ty Huawei đang mở rộng thị trường ra ngoài Trung Quốc, chiếm thị phần bằng cách bỏ giá thầu thấp hơn các đối thủ cạnh tranh, nhận trợ cấp từ chính phủ Trung Quốc và các “món quà hợp đồng” từ quân đội Trung Quốc. Tất cả những hậu thuẫn này góp phần giảm áp lực lợi nhuận cho Huawei khi đặt chân vào thị trường mới. Đến năm 2010, Huawei đã lọt vào danh sách Global Fortune 500. Năm ngoái, doanh thu của tập đoàn vượt quá 100 tỷ đô la.

“Huawei đã ồ ạt chiếm lĩnh thị trường thiết bị viễn thông quốc tế với giá bỏ thầu trung bình thấp hơn khoảng 40% so với giá thị trường. Họ làm được như vậy là do họ có quan hệ liên đới với ĐCSTQ,” ông Mark Anderson, Giám đốc điều hành của Strategic News Service, cho biết trong một cuộc phỏng vấn trước đây.

Cũng trong khoảng thời gian Huawei thiết lập các hoạt động tại Canada, công ty công nghệ của Canada là Nortel đang bị thất thế và phải nộp đơn xin phá sản vào năm 2009 sau khi giá cổ phiếu của Nortel giảm xuống dưới 1 đô la. Brian Shields, cựu cố vấn an ninh cấp cao của Nortel đã chỉ trích tin tặc Trung Quốc trộm cắp IP của Nortel và cho đó là nguyên nhân phá sản của công ty. Theo ông, tin tặc Trung Quốc đã truy cập các tập tin bí mật của công ty từ năm 2004 đến năm 2009. Kẻ gây ra sự sụp đổ của Nortel, Shields nói, chính là Huawei.

Một phần tóm tắt tài liệu nội bộ của Bộ ngoại giao, thương mại và phát triển Canada ngày 14 tháng 12 năm 2018, mà The Epoch Times có được trên cơ sở yêu cầu truy cập thông tin theo Đạo luật Truy cập Thông tin của chính phủ Canada, cho biết với sự sụp đổ của Nortel, Huawei chỉ còn hai đối thủ cạnh tranh là hai công ty phương Tây: Cisco và Ericsson.

Tài liệu cho biết thêm, văn phòng Huawei Canada có hơn 850 nhân viên, chủ yếu ở Ontario, và là nhà đầu tư cho lĩnh vực nghiên cứu và phát triển lớn thứ 25 tại nước này. Huawei có quan hệ đối tác với gần một chục trường đại học Canada cũng như với sáu tập đoàn viễn thông của Canada và trong khu vực.

Tài liệu thừa nhận rằng “chính quyền và các thượng nghị sĩ Hoa Kỳ đã công khai kêu gọi Canada ngừng sử dụng thiết bị 5G của Huawei.”.

Hoạt động tại Canada

Khi Huawei đặt chân vào thị trường Canada năm 2008, trọng tâm hoạt động của công ty là phải bằng mọi giá giành được hợp đồng với các tập đoàn viễn thông lớn ở nước này. Bà Mạnh Vãn Châu là người giám sát các cuộc đàm phán với Wind Mobile (nay là Freedom Mobile) về hợp đồng cung cấp thiết bị hỗ trợ tài chính. Huawei đảm nhận rủi ro kết nối để nhà mạng vay vốn của một ngân hàng Trung Quốc. Bà Mạnh đã tận dụng các mối quan hệ cấp cao của mình mời một giám đốc ngân hàng đến Toronto đàm phán và ký thỏa thuận hỗ trợ tài chính với tập đoàn Wind Mobile.

Ông Louis Huang thuộc phong trào Tự do và Dân chủ cho Trung Quốc đang cầm bức ảnh của hai người Canada hiện bị chính quyền Trung Quốc bắt giữ, Michael Spavor và Michael Kovrig ở ngoài Tòa án Tối cao British Columbia ở Vancouver, (Photo by Jason Redmond / AFP) (Photo credit should read JASON REDMOND/AFP via Getty Images)

Theo tài liệu có trong tay The Epoch Times, năm 2012, Huawei đã đệ trình lên Corporations Canada, cơ quan phát triển sáng kiến, khoa học, và kinh tế của Canada, một bản cập nhật danh sách các hoạt động hỗ trợ tài chính của công ty bao gồm thanh toán chậm và cho vay vốn.

Nhận thấy có sự thân thiện hơn của chính quyền Ontario, Huawei bắt đầu chuyển nhân viên nghiên cứu và phát triển của họ từ Hoa Kỳ về đây. Ontario đang ngày càng bị kiểm soát vì có quan hệ chặt chẽ với Bắc Kinh. Huawei đã tiết lộ kế hoạch chuyển toàn bộ trung tâm nghiên cứu của mình từ Hoa Kỳ sang Canada, bởi vì họ đang phải chịu lệnh trừng phạt ở Hoa Kỳ.

Huawei thực hiện chiến dịch tuyển dụng rất dữ dội để thu hút nhân tài kỹ thuật của Canada, thu hút nhân viên của Cisco, Alcatel-Lucent (một công ty khác đã sụp đổ khi Huawei phát triển) và Nortel (đã phá sản). Trong vòng 5 năm, từ 2015 đến 2020, Huawei lập chỉ tiêu tuyển dụng hơn 2.000 nhân viên nghiên cứu và phát triển kỹ thuật. Hoạt động nghiên cứu và phát triển của công ty tại Ottawa được mở rộng tới Toronto để tận dụng cơ hội tuyển dụng các tài năng trẻ tốt nghiệp các trường đại học ở Toronto.

Huawei thu phục được tất cả năm chuyên gia 5G hàng đầu từ Nortel và họ tiếp tục phát triển thế hệ tiếp theo trong công nghệ không dây cho Huawei. Chính phủ liên bang cho đến nay vẫn chưa đưa ra quyết định về việc có cho phép Huawei tham gia mạng 5G của Canada hay là cấm theo khuyến cáo của đồng minh Hoa Kỳ.

Năm 2010, Huawei đã nhận khoản tài trợ 6,5 triệu đô la từ chính phủ tỉnh bang của Đảng Tự do Ontario của Dalton McGuinty vì đã đầu tư vào trung tâm nghiên cứu và phát triển của mình ở Ottawa và tạo việc làm cho người địa phương, và năm 2016 cũng nhận một khoản trợ cấp khác của chính phủ tiểu bang của bà Kathleen Wynne là 16 triệu đô la để hỗ trợ khoản đầu tư vào tỉnh của công ty. Năm 2011, quỹ nghiên cứu Ontario cũng đã phê duyệt khoảng 740.000 đô la cho một dự án hợp tác giữa Huawei, Đại học Carleton, Telus và Bell Mobility.

Hãng tin CBC của Canada cho biết Huawei đã tài trợ 56 triệu đô la cho hoạt động nghiên cứu ở Canada, điều này đi ngược với khuyến cáo của các chuyên gia an ninh, và tuần báo The Globe and Mail cho biết trong nhiều trường hợp, nghiên cứu được nhận tài trợ một phần từ Canada nhưng lại là tài sản trí tuệ của Huawei sở hữu.

Hoạt động của công ty tại Canada (tương tự các quốc gia khác) được chia thành ba đơn vị kinh doanh: Đơn vị kinh doanh mạng lưới viễn thông chuyên bán sản phẩm và giải pháp cho các nhà mạng. Ở Canada, đơn vị này phần lớn tập trung vào giải pháp không dây; đơn vị kinh doanh dịch vụ doanh nghiệp cung cấp dịch vụ lưu trữ và phân tích dữ liệu; và đơn vị kinh doanh tiêu dùng tập trung vào bán hàng điện thoại và thiết bị cá nhân.

Mary Liu, một nhân viên cấp cao của Huawei tại Toronto cho biết: “So với các quốc gia khác, hoạt động của Huawei tại Canada đem lại cho công ty lợi nhuận rất cao.”

Cô Liu cũng cho biết để giảm đóng thuế cho Canada, chi phí cho hoạt động nghiên cứu và phát triển và chi phí chuyển nhượng tối thiểu với các đơn vị kinh doanh khác được lấy từ lợi nhuận của Huawei. Theo cô Liu, Huawei đã đàm phán thành công với chính phủ Canada một kế hoạch thuế có lợi cho họ dựa trên tỷ lệ lợi nhuận cố định hàng năm khoảng 3%, được sử dụng làm cơ sở để nộp thuế kinh doanh tại Canada.

Giá thành thực sự của các sản phẩm là một bí mật được giấu kín, chỉ có một số ít nhân viên tin cậy tại văn phòng Canada được chia sẻ thông tin này, hầu hết họ đều là nhân viên của Huawei điều động từ Trung Quốc.

Huawei duy trì mô hình hoạt động được chỉ đạo từ trên xuống. Các quyết định tài chính quan trọng cho các văn phòng ở nước ngoài đều nhận lệnh từ Thẩm Quyến. Tất cả các giải pháp quan trọng và giá chào cho nhà mạng phải gửi về trụ sở, nơi có đội ngũ tài chính 10.000 người có kinh nghiệm để phục vụ các hoạt động toàn cầu.

Cắm neo trong xã hội Canada

Khi Huawei bắt đầu lớn mạnh, tại Canada và Hoa Kỳ, những quan ngại về mối quan hệ với Bắc Kinh cũng theo đó tăng lên. Năm 2012, ủy ban quốc hội Hoa Kỳ cho biết Huawei là mối đe dọa đối với an ninh của Hoa Kỳ; cùng năm đó, chính phủ của Thủ tướng Stephen Harper, đã cấm Huawei đấu thầu xây dựng mạng lưới viễn thông của chính phủ.

Sức ép mới đối với Huawei là thâm nhập sâu hơn vào xã hội Canada, đặc biệt là khi họ đã hoàn thiện các thỏa thuận với các nhà mạng lớn trong năm 2014, bao gồm Rogers, Bell và Telus. Đó là lý do tại sao bà Mạnh muốn thấy nhiều gương mặt khác không phải người Trung Quốc trong các văn phòng của công ty, đặc biệt là đối với những nhân viên có trách nhiệm tương tác với khách hàng bên ngoài. (Giữa những tranh cãi xung quanh 5G, Rogers đã hạn chế sử dụng Huawei để ủng hộ Ericsson.)

Một chiến dịch quảng cáo rầm rộ cho thấy ​​Huawei quảng bá tên tuổi mình tại các sự kiện giải trí lớn và trở thành nhà tài trợ cho Đêm khúc côn cầu ở Canada, hiển thị logo Huawei cho hàng triệu khán giả truyền hình mỗi tuần.

Năm 2011, Huawei đã mời ông Scott Bradley, cựu giám đốc có nhiều mối quan hệ của công ty viễn thông Bell và là ứng cử viên của Đảng Tự do, vào hàng ghế lãnh đạo. Ông Bradley rời vị trí phó chủ tịch cấp cao về đối ngoại vào tháng 1 năm 2019, trong bối cảnh căng thẳng của quan hệ Canada - Trung Quốc xảy ra sau vụ việc bắt giữ bà Mạnh. Một trong những đóng góp của ông là cùng với CEO của Huawei Canada đệ trình và được chính phủ Canada phê duyệt danh sách các sản phẩm cho phép Huawei bán tại Canada.

Huawei đã thuê các chính trị gia khác, bao gồm Alykhan Velshi, cựu trợ lý của nguyên thủ tướng Harper và Jake Enwright, cựu phát ngôn viên của Lãnh đạo đảng Bảo thủ Andrew Scheer. Enwright rời Huawei vào tháng Tư, 2019. Trong danh sách của công ty còn có nhiều nhân viên vận động hành lang khác, đã từng làm việc cho chính phủ Đảng Tự do hoặc Đảng Bảo thủ, hoặc các doanh nghiệp lớn của Canada.

Lời cáo buộc phân biệt đối xử

Một nhân viên cũ của Huawei Canada đã nói chuyện với The Epoch Times và cáo buộc công ty phân biệt đối xử theo chủng tộc và tuổi tác. Phân biệt đối xử về tuổi tác chính là điều kế thừa văn hóa của Huawei ở Trung Quốc.

Cô Liu nói rằng cô đã được cấp trên nói thẳng rằng các nhân viên Trung Quốc, ngay cả những người Canada gốc Trung Quốc cần được hưởng mức lương thấp hơn.

Logo của hãng Huawei (Photo by EMMANUEL DUNAND / AFP) (Photo credit should read EMMANUEL DUNAND/AFP via Getty Images)

Cô nhớ lại trong một cuộc họp, một giám đốc điều hành cấp cao đã hoảng hốt với chi phí nhân viên cao và đã nói cần phải giảm mức lương của nhân viên người Trung Quốc.

“Đối với hàng ngũ nhân viên phi kỹ thuật và chăm sóc khách hàng, họ tuyển chọn nhân viên không phải là người Trung Quốc,” cô nói. Lý do là để công ty dường như được hội nhập tốt vào xã hội Canada.

Cô cũng cho biết Huawei “luôn muốn duy trì lực lượng lao động trẻ,” chính sách này được du nhập từ Huawei Trung Quốc vào năm 2016. Chính sách này, cùng với chính sách sử dụng người địa phương khác gốc Trung Quốc, được bà Mạnh củng cố, cô Liu nói.

Theo chính sách này, nhân viên từ 35 tuổi trở lên mà chưa lên chức quản lý sẽ được đưa vào danh sách chờ việc do trụ sở tại Trung Quốc quản lý. Nếu không có bộ phận nào muốn nhận, họ sẽ bị sa thải, cô Liu cho biết.

Tập quán sa thải nhân viên 35 tuổi trở lên ở Huawei tại Trung Quốc đã được báo cáo rộng rãi trên truyền thông Trung Quốc. Các nhân viên đều bày tỏ lo ngại về an toàn công việc khi họ vượt qua tuổi 34. Chính sách này đã khiến người Trung Quốc thảo luận rất nhiều trên mạng xã hội. Tuy nhiên các giám đốc điều hành công ty tại Trung Quốc đã phủ nhận thực tiễn này.

Công ty hiện cũng đang phải đối mặt với phản ứng dữ dội của công chúng ở Trung Quốc về việc đối xử với một nhân viên là Li Hongyuan. Năm 2018, vị nhân viên kỳ cựu đã làm việc cho Huawei 13 năm này bị cảnh sát bắt giam 251 ngày khi anh ta yêu cầu thanh toán trợ cấp thôi việc, theo hãng tin Reuters. Vụ việc của anh đã trở thành một chủ đề nóng trên mạng. Hu Xijin, tổng biên tập tờ báo lá cải của nhà nước Trung Quốc Global Times, nói rằng vụ việc này khiến Huawei mất đi niềm tin của mọi người.

Cô Olivia Bai, một cựu nhân viên lâu năm khác ở Canada, nói rằng nhân công trẻ hơn sẽ rẻ hơn và cũng có khả năng làm việc nhiều giờ hơn cho công ty.

Cô Bai cho biết: “Chúng tôi thường xuyên được nghe về điều này và về việc sa thải nhân viên cao tuổi. Tuy không được viết thành quy định, nhưng đâu đâu cũng nói về nó.”

Cô Anna Yee, một cựu nhân viên khác kể rằng cô được chẩn đoán mắc bệnh ung thư và xin nghỉ phép để chữa bệnh. Cô trở lại làm việc sau khi được chữa trị. Tuy nhiên, cô đã bị sa thải vì tuổi tác, sau khi sáng kiến trẻ hóa lực lượng lao động được công ty tiếp nhận.

Cô Liu nói đã được trực tiếp nghe cấp trên nói rằng công ty sa thải cô Yee vì nhiều tuổi. Lúc đó, cô Yee ngoài 50.

Cô Yee cho biết cho đến khi nghỉ việc, cô luôn được đánh giá tốt và ai cũng biết cô rất tận tụy với công việc.

“Tôi thích làm việc, và tôi luôn được đánh giá tốt về hiệu quả công việc,” cô Yee nói.

Sau khi nhận được thông báo thôi việc, cô Yee đã gửi email cho cấp trên rằng cô đã bị công ty đối xử phân biệt về tuổi tác. Cô nói rằng công ty đã phủ nhận sự phân biệt đối xử nhưng đã tăng gói trợ cấp thôi việc cho cô. Cô phản kháng một lần nữa, và công ty đã đề xuất tăng thêm trợ cấp thôi việc nhưng không phục hồi công việc. Cô hiện đang xem xét các lựa chọn pháp lý.

The Epoch Times đã liên lạc với Huawei nhưng không nhận được phản hồi.

Học chính trị của ĐCSTQ và “Văn hóa chó sói”

Nhân viên cũ của Huawei cho biết, các chuyên viên điều động từ Trung Quốc sang Canada - chiếm khoảng 10% nhân sự tại trụ sở Toronto - đều phải tham gia học chính trị vào sáng thứ 7 hàng tuần. Cô Liu kể rằng cô thường nghe ca thán về những khóa học này.

Hơn nữa, toàn bộ nhân sự phải tuân thủ nền “Văn hóa chó sói” được ông Nhậm phát động và duy hộ dựa trên trải nghiệm của chính ông thời quân ngũ. Mục đích là để toàn thể nhân viên loại bỏ sự sợ hãi và có được bản tính khát máu của loài sói đói săn mồi khi họ tìm kiếm lợi nhuận cho công ty, cũng để họ trở nên dễ thích ứng trong điều kiện làm việc khắc nghiệt của nhóm.

Nhà sáng lập và CEO của Huawei ông Nhậm Chính Phi (Photo by HECTOR RETAMAL / AFP) (Photo credit should read HECTOR RETAMAL/AFP via Getty Images)

“Trên trang web nội bộ của Huawei có các hướng dẫn để mọi nhân viên cùng xem và làm theo. Thông điệp là: để thành công cần phải cạnh tranh, thậm chí ngay cả cạnh tranh với đồng nghiệp,” cô Liu nói. “Họ thậm chí còn cho chúng tôi đọc các bài báo về “văn hóa chó sói” và chia sẻ, sau đó chúng tôi viết báo cáo và nộp về trụ sở tại Trung Quốc.

Cô Bai nói rằng kết quả của việc thúc đẩy văn hóa chó sói là trong công ty luôn có bầu không khí cạnh tranh mệt mỏi, căng thẳng giữa nhân viên và người quản lý, giữa đồng nghiệp với nhau. Người làm việc nhiều giờ luôn bị áp lực phải cố gắng để không thua kém và mất lương.

Cô Bai nói: “Làm việc trung bình 10 giờ mỗi ngày được xem là bình thường, và làm ngoài giờ sau ăn tối không được trả phụ cấp ngoài giờ.” Cô cũng nói: “Chúng tôi được nghe nhiều về điều này. Có người phàn nàn phải làm việc quá giờ mà không có trợ cấp, và người này sau đó bị sa thải. Tất nhiên họ không chính thức nói rõ lý do, nhưng tất cả mọi người đều rõ.”

Cô kể rằng thông thường trong các công ty, nếu ai đó không đạt định mức, thì trước tiên sẽ được gọi lên để nhắc nhở và cho họ cơ hội sửa chữa. Nhưng ở Huawei, nếu cần sa thải ai, họ sẽ làm cho điều kiện làm việc của người đó trở nên khó khăn hơn, chẳng hạn như tăng khối lượng công việc, xếp hạng đánh giá kém. Những nhân viên này sẽ tự xin nghỉ viêc.

Theo cô Bai, Huawei thật sự không phải là nơi làm việc mang lại niềm vui.

Huawei hiện đang đăng tuyển việc trên mạng, chủ yếu cho các vị trí nghiên cứu và phát triển (R& D). Tuy nhiên, các nhân viên cũ kể rằng những công nhân vẫn đang làm việc ở công ty mà họ biết nói rằng công ty hiện đang thực hiện các đợt sa thải, đặc biệt là các vị trí không liên quan đến kỹ thuật và các vị trí bán hàng liên quan đến các nhà mạng lớn.

“Các đồng nghiệp [cũ] của tôi nói với tôi rằng họ chỉ đang chờ đợi để nhận thông báo sa thải,” cô Bai cho biết.

Nguyên Hương (biên dịch)

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Bản chất của Huawei Canada: “Văn hóa chó sói” và lời cáo buộc phân biệt đối xử