Bắc Kinh xây dựng quét cơ sở dữ liệu ADN - một việc làm vi phạm nhân quyền

Giúp NTDVN sửa lỗi

Chính quyền Trung Quốc đang thu thập các mẫu gen từ hàng triệu công dân của họ, bao gồm cả học sinh mẫu giáo và tiểu học mà không có sự đồng ý. Điều này làm dấy lên quan ngại về việc chính phủ Trung Quốc vi phạm quyền dân sự và nhân quyền.

Ngày 17/6, Viện Chính sách chiến lược Úc (ASPI), một cơ quan nghiên cứu và cố vấn tại Canberra, đã công bố một báo cáo có tiêu đề “Giám sát Gen”. Báo cáo này xem xét kỹ lưỡng về những nỗ lực của chính quyền Trung Quốc trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu ADN của công dân nam ở Trung Quốc.

Báo cáo cho biết: “Một cơ sở dữ liệu quốc gia chứa thông tin gen của hàng chục triệu công dân Trung Quốc rõ ràng là một sự mở rộng quyền lực vô hạn của Chính phủ và Bộ Công an Trung Quốc”.

Bộ sưu tập dữ liệu sinh trắc học bắt buộc của Trung Quốc đang “tăng cường sự kiểm soát của Chính phủ Trung Quốc đối với xã hội, nhưng đồng thời cũng là sự vi phạm quyền tự do dân sự và quyền con người của hàng triệu công dân đất nước này”.

Báo cáo đã xem xét hơn 700 tài liệu công khai, bao gồm hồ sơ chào thầu của chính phủ, đơn hàng [mua sắm thiết bị], các bài viết của sở cảnh sát Trung Quốc đăng trên mạng xã hội, các tài liệu từ khối doanh nghiệp và tin tức thời sự của Trung Quốc.

Chương trình thu thập ADN của Trung Quốc bắt đầu vào năm 2003 và giới hạn ở Tây Tạng và Tân Cương. Nhưng bắt đầu từ năm 2017, việc thu thập dữ liệu ADN đã được nhân rộng trên khắp Trung Quốc, sau khi Bộ Công an tuyên bố rằng những nỗ lực này là để tăng cường hiệu quả công tác phòng chống tội phạm và nâng cao chất lượng quản lý và kiểm soát xã hội.

Ý đồ đằng sau việc thu thập cơ sở dữ liệu ADN

Năm 2017, khác với nỗ lực thu thập mẫu sinh trắc học của toàn bộ người dân ở Tân Cương và Tây Tạng, chính quyền Trung Quốc áp dụng phương pháp thu thập chọn lọc mẫu ADN từ công dân nam, báo cáo cho biết.

[ads2\

Việc thu thập dữ liệu sinh trắc học chọn lọc như vậy dựa trên ý tưởng rằng đàn bà có hai nhiễm sắc thể X trong khi đàn ông có một nhiễm sắc thể X và một nhiễm sắc thể Y. Nhiễm sắc thể là một phân tử ADN có chứa thông tin di truyền [gen] của một người.

Bằng cách thu thập các mẫu ADN từ nam giới, chính quyền Trung Quốc đã xây dựng cơ sở dữ liệu ADN về Y-STR, là sự lặp lại của chuỗi nucleotide ngắn trên nhiễm sắc thể Y. Y-STR được truyền từ cha sang con trai, và hầu như không thay đổi qua các thế hệ. Theo đó, dữ liệu Y-STR của một người có thể cho phép dễ dàng truy tìm huyết thống của người đó.

Báo cáo của ASPI giải thích: “Nếu một cơ sở dữ liệu Y-STR chứa mẫu đại diện lớn của hồ sơ ADN và hồ sơ huyết thống tương ứng, thì thậm chí có thể tìm được gia đình hoặc thân nhân cho một người đàn ông nào đó [không xác định được thân thế], miễn là các nhà điều tra có hồ sơ dữ liệu Y-STR của cha, chú, hoặc thậm chí là anh em họ [chi thứ ba] của người đó”.

Dữ liệu Y-STR thường được sử dụng trong xét nghiệm ADN pháp y và xét nghiệm huyết thống dòng tộc.

Nói tóm lại, chính quyền Trung Quốc có thể xác định được phạm vi di truyền trong dòng tộc thông qua các mẫu ADN từ nam giới.

Ví dụ, ASPI báo cáo rằng giới chức ở trung tâm tỉnh Hà Nam Trung Quốc đã xác định được 98,71% họ hàng huyết thống từ mẫu ADN của 5,3 triệu đàn ông, [chiếm khoảng 10% số đàn ông trong tỉnh], theo hai nghiên cứu khoa học tại địa phương xuất bản năm 2017.

Tháng 11/2017, Bộ Công an Trung Quốc đã công khai kêu gọi thành lập cơ sở dữ liệu Y-STR trên toàn quốc. ASPI đã ghi nhận rằng, tính đến tháng 4/2020, cảnh sát đã tổ chức hàng trăm đợt thu thập mẫu Y-STR tại 22 khu vực hành chính của Trung Quốc.

Tháng 6/2019, chính quyền huyện Xia Bai Shi, tỉnh Phúc Kiến thuộc miền Nam Trung Quốc, đã báo cáo trên tài khoản của họ trên WeChat rằng họ đã thu thập được hơn 1.500 mẫu máu từ học sinh tại một số trường tiểu học và mẫu giáo địa phương, để xây dựng “hệ thống kiểm soát huyết thống của nam giới” - cách gọi khác của “cơ sở dữ liệu Y-STR”.

ASPI cảnh báo về ý đồ đằng sau việc xây dựng cơ sở dữ liệu này: “Đây là điều rất đáng lo ngại. Trong hệ thống một đảng toàn trị, độc đoán của Trung Quốc, không có sự phân chia giữa tội phạm chính trị và đàn áp bất đồng chính kiến.

ASPI nói thêm rằng cơ sở dữ liệu của cảnh sát về dòng tộc của các công dân “sẽ có thể giúp tăng cường sự đàn áp của nhà nước đối với các thành viên gia đình của những người bất đồng chính kiến cũng như làm suy yếu quyền dân sự và nhân quyền của các nhà bất đồng chính kiến ​​và các cộng đồng thiểu số”.

Báo cáo nhấn mạnh rằng họ không tìm được thông tin về việc trước khi thu thập các mẫu Y-STR, chính quyền Trung Quốc có hỏi xin ý kiến của người dân và được họ đồng ý hay không. Hơn nữa, giới chức thường không giải thích lý do tại sao họ thu thập mẫu máu của dân.

Chẳng hạn, một người cha giấu tên đã hỏi trên Zihu [cơ sở hỏi đáp thông tin của Trung Quốc], tương đương với Quora của Hoa Kỳ, liệu việc các quan chức y tế địa phương yêu cầu lấy mẫu ADN con ông có phải là xâm phạm quyền riêng tư cá nhân hay không. Ông ta nói thêm rằng khi ông gọi điện cho cảnh sát địa phương để bày tỏ quan ngại của mình, thì bị một nữ cảnh sát đe dọa thu hồi giấy phép cư trú nếu ông từ chối cho phép lấy mẫu máu của con trai.

Báo cáo của ASPI kết luận: “Chương trình giám sát gen của chính phủ Trung Quốc không phù hợp với Luật nhân quyền quốc tế và nằm ngoài các thông lệ tốt nhất đối với việc xử lý vật liệu di truyền của con người.

Các công ty hậu thuẫn việc làm vi phạm nhân quyền của Trung Quốc

Theo báo cáo, các công ty Trung Quốc và nước ngoài, bao gồm công ty y sinh Thermo Fisher tại Hoa Kỳ, đã “cung cấp cho cảnh sát Trung Quốc những thiết bị và tài sản trí tuệ cần thiết cho việc thu thập, lưu trữ và phân tích các mẫu Y-STR”.

Tại một cuộc họp báo, Thermo Fisher đã từ chối trả lời yêu cầu bình luận.

Báo cáo nhấn mạnh rằng, công ty AGCU Scientech, một công ty con của Tập đoàn Anhui Anke Bioengineering, là nhà sản xuất chính của bộ dụng cụ phân tích Y-STR.

Anhui Anke, một công ty giao dịch công khai niêm yết tại Sở giao dịch chứng khoán Thượng Hải, đã tham gia chương trình nghị sự của chính quyền Trung Quốc, bao gồm Chương trình 863, mà theo chính quyền Hoa Kỳ, đã chỉ đạo những nỗ lực “bí mật mua lại công nghệ của Hoa Kỳ và các thông tin kinh tế nhạy cảm’.

Chủ tịch, và là người sáng lập, của AGCU Scientech là Zhen Weiguo. Ông Zhen cũng đồng thời là phó chủ tịch của An Huy Anke.

Trước khi trở về Trung Quốc, ông Zhen đã tốt nghiệp Tiến sĩ ngành hóa học hữu cơ tại Đại học Brandeis và làm việc tại một số công ty của Hoa Kỳ. Từ năm 1997 đến 2004, ông Zhen từng là nhân viên khoa học tại Hệ thống sinh học Ứng dụng, một chi nhánh của Thermo Fisher.

Theo ASPI, năm 2006, ông Zhen trở về Trung Quốc và thành lập AGCU theo Chương trình tuyển dụng Ngàn nhân tài của nhà nước Trung Quốc.

Bắc Kinh triển khai Kế hoạch Ngàn nhân tài vào năm 2008 để săn lùng các nhà nghiên cứu khoa học và công nghệ đầy triển vọng từ nước ngoài về làm việc tại Trung Quốc

Nhiều giáo sư ở Hoa Kỳ đã bị truy tố vì bí mật tham gia vào Chương trình Ngàn tài năng, bao gồm một số giáo sư của Đại học Emory, Đại học Kansas và Đại học Harvard. Một số người tham gia chương trình này đã bị buộc tội trộm cắp tài sản trí tuệ.

Một công ty khác của Trung Quốc, Bắc Kinh Hisign Technology, do một sĩ quan Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa thành lập, đã cung cấp các giải pháp cơ sở dữ liệu Y-STR cho một số văn phòng cảnh sát khu vực, báo cáo của ASPI cho biết.

ASPI khuyến cáo rằng, “Các công ty công nghệ sinh học phải đảm bảo các sản phẩm và dịch vụ của họ tuân thủ các thông lệ quốc tế tốt nhất, không được góp phần vi phạm nhân quyền ở Trung Quốc và phải tạm dừng các thương vụ, dịch vụ và hợp tác nghiên cứu với các cơ quan nhà nước Trung Quốc nếu [và khi] xác định có sự vi phạm”.

Nguyên Hương
Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Bắc Kinh xây dựng quét cơ sở dữ liệu ADN - một việc làm vi phạm nhân quyền