Bắc Kinh tìm cách gây ảnh hưởng đến người tài trở về từ nước ngoài

Giúp NTDVN sửa lỗi

Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) có một cơ quan đặc biệt phụ trách việc lưu giữ thông tin chi tiết và lợi dụng các nhà nghiên cứu và học giả Trung Quốc sau khi du học trở về nước. Cơ quan này mang tên Hiệp hội học giả trở về từ phương Tây (WRSA), còn được gọi là Hiệp hội học giả được đào tạo ở nước ngoài của Trung Quốc.

Một loạt tài liệu mà The Epoch Times thu thập được sẽ giúp người đọc nắm được sơ bộ phương thức mà Hiệp hội này theo dõi những người trở về nước với hy vọng tuyển dụng họ để hỗ trợ việc triển khai các mục tiêu về kinh tế mà Bắc Kinh đang theo đuổi.

Theo trang web riêng của WRSA, cơ quan này được thành lập vào năm 1913, là một Hiệp hội quốc gia của những người Trung Quốc trở về từ nước ngoài. Hiệp hội này do Ban Bí thư của Ủy ban Trung ương ĐCSTQ giám sát và hoạt động dưới sự hướng dẫn của Ban Công tác Mặt trận Thống nhất, một cơ quan có nhiệm vụ “gây ảnh hưởng” đến các công dân trong và ngoài nước để ủng hộ Chương trình Nghị sự của ĐCSTQ.

Trang web cũng tuyên bố rằng WRSA là “cầu nối giữa Đảng với các sinh viên và học giả ở nước ngoài, là cơ quan trợ giúp cho Đảng và chính phủ, và là một ngôi nhà ấm áp [cho những người trở về].”

Phát triển Đảng viên

WRSA có chi nhánh trực thuộc ở cấp tỉnh, thành phố và quận, tại các địa bàn khác nhau dành cho các cựu sinh viên của các trường đại học phương Tây hiện đang làm việc hoặc cư trú tại đó.

Theo trang web của WRSA, hiệp hội này có 42 tổ chức ở địa phương và 15 chi hội cấp quốc gia, với hơn 220.000 thành viên cá nhân. Tổ chức này cũng giữ "liên hệ chặt chẽ" với hơn 100 hiệp hội dành cho học giả Trung Quốc ở nước ngoài tại các quốc gia điểm đến hàng đầu của sinh viên Trung Quốc.

Gần đây, The Epoch Times thu thập được bài phát biểu khai mạc cuộc họp ngày 27/10/2019 của WRSA tại thành phố Nanyang, tỉnh Hà Nam do bà Lưu Tuyết Hoa, Giám đốc Sở Công tác Mặt trận thống nhất Nam Dương trình bày.

Bà Lưu yêu cầu chi nhánh của WRSA tại Nanyang tích cực tham gia vào việc phát triển Đảng viên và “kết nối với các sinh viên nước ngoài, các chuyên gia, học giả, doanh nhân và mọi người từ mọi tầng lớp xã hội, và thu hút những người trở về kinh doanh và phát triển ở Nanyang”.

Lịch sử lâu đời của WRSA

WRSA được thành lập vào năm 1913, trước khi ĐCSTQ tiếp quản Trung Quốc. Sau khi ĐCSTQ giành chiến thắng trong cuộc nội chiến năm 1949, Cục Công tác Mặt trận Thống nhất được thành lập như một bộ phận trung tâm báo cáo trực tiếp cho Ủy ban Trung ương, bao gồm các quan chức cấp cao của Đảng dưới sự quản lý của Sở, các phòng và chi nhánh địa phương được thành lập ở các tỉnh và các ngành kinh doanh khác nhau.

Trong cuộc Cách mạng Văn hóa những năm 1960 và 1970, khi giới trí thức bị quy chụp là “phản cách mạng”, nhiều học giả nổi tiếng của Trung Quốc đã chết vì bị đàn áp hoặc tự sát. Thời gian này WRSA có rất ít hoạt động.

Năm 1982, WRSA tiếp tục hoạt động và trở thành một phần của Mặt trận Thống nhất Bắc Kinh, ngay khi chính quyền Trung Quốc bắt đầu thực hiện các cải cách kinh tế.

Dữ liệu nội bộ về người Trung Quốc trở về từ hải ngoại

Trong bài phát biểu tại cuộc họp năm 2019, bà Lưu cho biết "Việc thực hiện các quyết định của các Đảng ủy trung ương, tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương về những người đã học ở nước ngoài là trọng tâm mới của công tác mặt trận thống nhất”.

Trọng tâm mới này đã được xác nhận trong một tài liệu khác vào tháng 10/2019 có tiêu đề, “Dữ liệu về những người học ở nước ngoài đã về nước và hiện đang sinh sống ở thành phố Nanyang”. Tổng cộng có 343 người về nước đã được liệt kê trong tài liệu với cùng với mô tả chi tiết về nghề nghiệp của họ.

Tài liệu bao gồm thông tin chi tiết của từng cá nhân: Họ tên; ngày sinh; đơn vị làm việc; chức danh công việc; ngày tháng làm việc; "quan điểm chính trị"; giáo dục - quốc gia du học, thời gian du học, chuyên ngành / bằng cấp; ngày về nước; địa chỉ nơi ở; và thông tin liên hệ.

Vào ngày 12/5/2016, Văn phòng Trung ương của ĐCSTQ đã ban hành một Chỉ thị có tên là “Ý kiến ​​về việc tăng cường xây dựng WRSA”.

Chỉ thị đưa ra các vai trò chính của WRSA: Thiết lập cơ sở dữ liệu về những người trở về và “tận dụng” tình hình của những sinh viên này một cách kịp thời; tạo ra một kiểu nhóm chuyên gia hàng đầu mới phản ánh đặc điểm của các học giả ở nước ngoài; và sử dụng những người này để thực hiện nhiệm vụ “ngoại giao dân sự” và phục vụ Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường. Được triển khai vào năm 2013, Vành đai và Con đường là dự án tài trợ cơ sở hạ tầng của chính quyền Trung Quốc nhằm xây dựng một mạng lưới thương mại lấy Bắc Kinh làm trung tâm trải dài khắp Đông Nam Á, châu Phi và châu Âu.

Các quan chức và chuyên gia đã chỉ trích Vành đai và Con đường khiến các nước đang phát triển mắc kẹt dưới tình trạng nợ nần chồng chất - điều này có thể gây áp lực buộc họ phải ủng hộ các chính sách của Bắc Kinh.

Thành viên Hội đồng quản trị của Twitter có ràng buộc với WRSA

Thành viên Hội đồng quản trị Twitter kiêm cựu Giám đốc Trí tuệ nhân tạo (AI) của Google, bà Li Fei-Fei có quan hệ với ĐCSTQ và WRSA.

Tranh cãi bùng lên khi Twitter bổ nhiệm bà Li vào Ban Giám đốc của công ty. Vào ngày 20/5/2020, một bản kiến ​​nghị đã được lập trên trang web của Nhà Trắng để “Kêu gọi một cuộc điều tra kỹ lưỡng về việc vi phạm quyền tự do ngôn luận của Twitter”.

Năm 2017, bà Li đã được ĐCSTQ trao giải thưởng Top 10 Nữ nhân vật nổi tiếng. Giải thưởng cũng được trao cho Trưởng đặc khu khét tiếng của Hong Kong Lâm Trịnh Nguyệt Nga năm đó.

Vào đầu năm 2017, bà Li gia nhập Google Cloud với tư cách là nhà khoa học chính. Và tại Hội nghị các nhà phát triển của Google ở ​​Thượng Hải vào tháng 12 cùng năm, bà đã thông báo rằng Google sẽ trở lại Bắc Kinh để thành lập phòng nghiên cứu AI. Một thông báo sau đó nói rằng Google sẽ thiết lập mối quan hệ hợp tác với Viện Trí tuệ nhân tạo (Tsinghua AI) của Đại học Thanh Hoa, do quân đội Trung Quốc tài trợ.

Bà Li có mối liên hệ chặt chẽ với “Diễn đàn Tương lai”, một cơ quan có trụ sở tại Bắc Kinh tuyên bố sứ mệnh của họ là “Chuyển đổi tương lai thông qua khoa học”. Theo trang web chính thức của Diễn đàn Tương lai năm 2017, bà Li là thành viên của Ủy ban Khoa học.

Cũng trong danh sách các giảng viên và thành viên của Diễn đàn Tương lai còn có nhà vật lý lượng tử xuất sắc và giáo sư Đại học Stanford Zhang Shoucheng, người được liệt kê là thành viên hội đồng. Ông Zhang được cho là đã tự sát vào ngày 1/12/2018 khi công ty của ông, Digital Horizon Capital (DHVC), trước đây được gọi là Danhua Capital, bị xác định là một phần trong nỗ lực thâm nhập lớn của Trung Quốc vào Thung lũng Silicon. Thông tin trên được phản ánh trong báo cáo về Trung Quốc của Đại diện Thương mại Hoa Kỳ, ông Robert Lighthizer. Báo cáo này được công bố chỉ vài ngày trước khi ông Zhang qua đời.

Theo trang web của Diễn đàn Tương lai, diễn đàn này được thành lập vào năm 2015 dưới sự hướng dẫn của Hiệp hội Khoa học và Công nghệ Trung Quốc và được chính quyền quận Triều Dương của Bắc Kinh hỗ trợ. Các nhà tài trợ truyền thông nhà nước của diễn đàn này bao gồm tờ Nhân dân nhật báo, Tân Hoa xã, cũng như ba cổng thông tin điện tử lớn của Trung Quốc.

Thỏa thuận về trao đổi nhân tài ở nước ngoài năm 2017 và Thỏa thuận lần thứ 19 của các học giả về khoa học và công nghệ Trung Quốc ở nước ngoài do WRSA phối hợp với Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu hóa (CCG) và Văn phòng các vấn đề Hoa kiều của Quốc vụ viện (OCAO) ). Ông Zhang Shoucheng và bà Li đều có mặt trong danh sách 50 thành viên xuất sắc nhất được bầu chọn vào năm 2017.

Bà Li cũng là khách mời tại một sự kiện có tên là “Diễn đàn Doanh nhân và Đổi mới của Học giả trở về Trung Quốc để đánh giá 40 năm chính sách cải cách và mở cửa” được tổ chức vào ngày 19/8/2018 tại Bắc Kinh.

Phải ủng hộ Đảng

Theo một tài liệu có tiêu đề “Chuẩn bị cho việc thành lập chi nhánh của WRSA tại Nanyang” được ban hành vào ngày 25/10/2019, trong số hơn 340 sinh viên về nước hiện đang sống tại thành phố, có đến 129 là đảng viên ĐCSTQ.

Các tài liệu nội bộ này cũng cho thấy các ứng cử viên cho vị trí giám đốc WRSA phải chứng tỏ rằng họ tuân thủ đường lối của ĐCSTQ.

Ví dụ, ông Zhang Yin, Phó hiệu trưởng Đại học Kỹ thuật Hà Nam, là một ứng cử viên. Ông cũng là thành viên của Ủy ban thường vụ giám sát một cơ quan cố vấn của ĐCSTQ được gọi là Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc.

Từng là học giả thỉnh giảng tại Đại học Bang Louisiana, ông Zhang được mô tả trong tài liệu là có “lập trường chính trị vững vàng, thành tích công việc xuất sắc và khả năng tham gia và thảo luận chính trị mạnh mẽ”.

Thùy Minh
Theo The Epoch Times

Trung Quốc Góc nhìn


BÀI CHỌN LỌC

Bắc Kinh tìm cách gây ảnh hưởng đến người tài trở về từ nước ngoài