Bắc Kinh thúc đẩy ý tưởng chiến tranh với Mỹ, tăng cường tuyên truyền chống Mỹ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Các nhà chức trách ở Bắc Kinh gần đây đã đăng các áp phích “không kích” trên đường phố, trong khi một kênh truyền thông nhà nước hiếu chiến kêu gọi chính quyền Trung Quốc phát triển thêm tên lửa hạt nhân để nhắm vào Hoa Kỳ.

Bầu không khí căng thẳng của chiến tranh diễn ra trong bối cảnh căng thẳng leo thang giữa hai quốc gia hùng mạnh nhất thế giới, với sự “đụng độ” của hai bên đối với các vấn đề, từ sự che đậy đại dịch viêm phổi Vũ Hán của Bắc Kinh, cho đến vấn đề Biển Đông, các cuộc biểu tình ở Hong Kong.

Gieo rắc nỗi sợ hãi về các cuộc không kích

Lần cuối cùng áp phích không kích xuất hiện ở Trung Quốc là gần nửa thế kỷ trước, vào cuối những năm 1960, khi tinh thần chống Mỹ dâng cao trong bối cảnh tuyên truyền chính trị của cuộc Cách mạng Văn hóa.

Vào ngày 25/7, một video đã quay được cảnh các công nhân đặt các áp phích mới ở quận Hải Điến, Bắc Kinh. Thủ đô Bắc Kinh có khoảng 21,54 triệu cư dân. Các áp phích chứa thông tin về cách tự bảo vệ mình trong các cuộc không kích, bao gồm cả cách tìm và vào nơi trú ẩn.

“Chính phủ đã đưa những thông tin này và chúng tôi rất lo lắng”, ông Wu, cư dân Bắc Kinh, nói với Đài Châu Á Tự do vào ngày 27/7.

Ngày 10/7, Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đã thông báo trên trang web của mình rằng một cơ quan chính phủ trung ương sẽ cử nhân viên đến thăm gia đình của những người lính đang bảo vệ các khu vực biên cương.

Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) thường không can dự vào cuộc sống riêng tư của binh lính. Hành động bất thường này khiến một số nhà quan sát Trung Quốc suy đoán rằng chính quyền này có kế hoạch huy động binh lính cho một nhiệm vụ nguy hiểm.

Ngôn từ hiếu chiến

Sau quyết định của Hoa Kỳ và Trung Quốc về việc đóng cửa lãnh sự quán của hai nước, ông Hu Xijin, Tổng biên tập Thời báo toàn cầu, đã đăng trên Weibo rằng ông ủng hộ cuộc chiến giữa hai nước.

Ông Hu tuyên bố rằng do mối quan hệ Mỹ-Trung đang xấu đi, vậy nên chính quyền Bắc Kinh cần nhanh chóng sản xuất tên lửa hạt nhân, đủ để đe dọa Hoa Kỳ. “Chúng ta nên làm việc cả ngày lẫn đêm”, ông này đã viết trong một bài đăng ngày 26/7.

Du Wenlong, một nhà bình luận quân sự thuộc chiến dịch tuyên truyền toàn cầu của chính quyền Trung Quốc, và Song Zhongping, nhà bình luận quân sự của Đài Truyền hình CCTV, đều đưa ra những bình luận gần đây rằng rất có thể Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ xảy ra xung đột ở Biển Đông.

Vào ngày 13/7, Hoa Kỳ đã chính thức bác bỏ các yêu sách lãnh thổ của Bắc Kinh tại Biển Đông, nơi chính quyền này đưa ra yêu sách đối với gần như toàn bộ đường thủy.

Các quốc gia khác như Philippines, Việt Nam, Malaysia, Brunei và Đài Loan có các yêu sách cạnh tranh tại khu vực này. Trong những năm gần đây, Bắc Kinh đã tìm cách củng cố các yêu sách của mình trên tuyến đường thủy chiến lược bằng cách xây dựng các tiền đồn quân sự trên các đảo và rạn san hô nhân tạo.

Vào ngày 23/7, Nhật báo Kinh tế, một kênh truyền thông “thân” Bắc Kinh của Đài Loan, đưa tin rằng Quỹ Chính sách Quốc gia đã liên kết với phe Quốc dân đảng thân Bắc Kinh,, và phân tích rằng căng thẳng ở eo biển Đài Loan đã đạt mức cao nhất trong 25 năm qua. Mục tiêu của ĐCSTQ là Hoa Kỳ, theo báo cáo.

ĐCSTQ tuyên bố Đài Loan là một phần lãnh thổ của mình, mặc dù hòn đảo tự trị này có hệ thống chính trị, quân sự và tiền tệ riêng. Các quan chức Hoa Kỳ đã nhiều lần chỉ ra sự hung hăng hiếu chiến của Bắc Kinh và các lực lượng quân sự Hoa Kỳ đã theo dõi các cuộc diễn tập quân sự của Trung Quốc gần Đài Loan.

Các chương trình truyền hình với chủ đề chiến tranh

Vào ngày 17/7, chính quyền Trung ương Trung Quốc đã lệnh cho các Đài truyền hình của họ phát lại cuộc chiến tranh Triều Tiên, chiến tranh Trung-Nhật lần thứ hai cùng với các chương trình phim và chương trình truyền hình có chủ đề chiến tranh khác để khơi dậy tinh thần chống Mỹ của người dân Trung Quốc.

Cục Phát thanh và Truyền hình Quốc gia Trung Quốc, một cơ quan chính phủ cấp bộ quản lý các cơ quan báo chí, xuất bản, đài phát thanh, phim ảnh và truyền hình ở Trung Quốc, đã công bố các quy tắc phát sóng mới, giải thích rằng các đài truyền hình nên phát sóng các chương trình truyền hình với chủ đề về người Trung Quốc chiến đấu chống Nhật Bản trong thời gian Chiến tranh Trung-Nhật lần thứ hai; quân đội Trung Quốc chiến đấu sát cánh cùng lực lượng Bắc Triều Tiên để chống lại quân đội Hàn Quốc do Hoa Kỳ hỗ trợ trong Chiến tranh Triều Tiên; và những câu chuyện tích cực thể hiện các biện pháp ngăn chặn đại dịch hiệu quả của chính quyền Trung Quốc.

Để đạt được hiệu quả tốt hơn, chính quyền yêu cầu mỗi kênh truyền hình phát các chương trình ngắn, không liên quan đến chiến tranh khác, để thu hút người xem.

Vào ngày 23/7, chính quyền đã ban hành một nhiệm vụ khác, yêu cầu các đài truyền hình không được phát sóng các chương trình “Vi phạm luân thường đạo lý, tự ý giải thích hoặc đùa giỡn về lịch sử, hoặc là giải trí quá mức”.

Những năm gần đây, chính quyền Trung Quốc đã chỉ đạo sản xuất nhiều bộ phim và các chương trình truyền hình về đề tài chiến tranh, thường là những tác phẩm lịch sử bạo lực, giả tạo kịch tính. Trong đó có một số hình ảnh kỳ quặc, bạo lực như: một chiếc bánh bao hấp đột nhiên biến thành một quả bom; những người lính Trung Quốc dùng tay không xé xác của một người lính Nhật Bản; và binh lính Trung Quốc sử dụng lựu đạn để bắn hạ máy bay bay cao hơn họ 760 mét.

Lần cuối cùng Bắc Kinh khuyến khích các chương trình như vậy là vào tháng 5/2019, trong bối cảnh căng thẳng chiến tranh thương mại leo thang. Cục Tuyên truyền Trung ương đã ra lệnh cho tất cả các kênh phim truyền hình quốc gia và Đài truyền hình vệ tinh các tỉnh phát sóng mỗi ngày một bộ phim vào giờ vàng về cuộc chiến giữa Trung Quốc với Hoa Kỳ trong chiến tranh Triều Tiên.

Thùy Minh
Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Bắc Kinh thúc đẩy ý tưởng chiến tranh với Mỹ, tăng cường tuyên truyền chống Mỹ