Tài liệu tiết lộ: Bắc Kinh ‘vũ khí hóa’ Facebook để thúc đẩy chương trình nghị sự về vấn đề Đài Loan

Giúp NTDVN sửa lỗi

Theo các tài liệu được tiết lộ từ The Epoch Times, chính quyền Trung Quốc đã bắt đầu sử dụng Facebook để khuếch đại tuyên truyền rằng Đài Loan thuộc về Trung Quốc.

Bắc Kinh tuyên bố hòn đảo tự trị này là một phần lãnh thổ của mình, mặc dù Đài Loan có chính phủ được bầu cử dân chủ, quân đội và hệ thống tiền tệ riêng.

Các nhà nghiên cứu và chính quyền Đài Loan trước đây đã nhấn mạnh về các nỗ lực gián tiếp của Bắc Kinh nhằm lôi kéo cử tri Đài Loan bầu cho các ứng cử viên chính trị thân Bắc Kinh vào chính quyền này, bao gồm cả việc truyền bá thông tin sai lệch trên Facebook. Những nỗ lực tương thích có mục tiêu của Bắc Kinh là nhằm thuyết phục người dân Đài Loan chấp nhận “hợp nhất” với Trung Quốc đại lục.

Nhưng rất khó để truy tìm dấu vết sự “nhúng tay” vào của chính quyền Trung Quốc trong các nỗ lực này.

Hiện tại, các tài liệu từ chính quyền thành phố Bắc Kinh, xuất hiện vào đầu tháng 6/2020 và được trình bày dưới dạng báo cáo cho những người cấp cao hơn để khoe khoang về “thành tích” của họ, cung cấp bằng chứng cho thấy chính quyền Trung Quốc đang sử dụng máy chủ proxy những trang Facebook khác nhau để thúc đẩy tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh và ý tưởng về một cuộc xâm lược quân sự Đài Loan.

Trước tiên, các tài liệu này xác nhận là Bắc Kinh trực tiếp nhúng tay vào việc tạo ra và khuếch đại những tuyên truyền kiểu như vậy trên Facebook, thổi bùng những ý kiến ủng hộ “việc hợp nhất”.

Theo tài liệu này, từ ngày 25/5 đến ngày 8/6, ít nhất 74 bài đã được đăng trên bốn trang, nhằm “xóa tan thái độ xấc xược của các nhóm ủng hộ Đài Loan độc lập và vạch ra một sự tương phản trong việc xử lý bùng phát dịch bệnh giữa Trung Quốc, Hoa Kỳ và Đài Loan, để chứng minh những điểm mạnh của chính quyền chúng ta”. Thuật ngữ “ủng hộ độc lập” đã được sử dụng như một lời cáo buộc mang tính quy ước của Bắc Kinh để nhắm đến các cá nhân và hành động thể hiện niềm tự hào hoặc sự liên kết đối với bản sắc Đài Loan, như là việc vẫy cờ Đài Loan.

Cũng theo tài liệu, các trang này có tên tối nghĩa, với số lượng người theo dõi khiêm tốn thay đổi từ lượng ít đến vài trăm, hoặc đến hơn 8.000 người theo dõi. Nhưng nỗ lực này đã được đền đáp xứng đáng, 5 trong số các video có hiệu suất tốt nhất từ ​​một trang đã nhận được hơn 30.000 lượt thích, chia sẻ, bình luận và nhấp chuột trong khoảng thời gian hai tuần.

Khiêu khích quân sự

Video “top đầu” thể hiện một cuộc tấn công quân sự giả định vào Đài Loan, đã thu hút hơn 137.000 phản hồi của người dùng trong khoảng thời gian 13 ngày và có đến 1,02 triệu lượt xem trong khoảng thời gian đó. Đoạn video khẳng định binh lính Trung Quốc là bất khả chiến bại và Đài Loan “phải hợp nhất” với đại lục. Tiêu đề video là “Nếu chiến tranh nổ ra vào ngày mai, thì đây là câu trả lời từ Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA)”.

Video hiện có khoảng 800 bình luận và gần 2.000 lượt thích. Theo tài liệu, nó tiêu tốn khoảng 400 USD để đẩy mạnh quảng bá bài đăng.

Ảnh chụp màn hình ngày 2/6/2020, video do các quan chức Bắc Kinh tạo ra nhằm khoe khoang về sự chuẩn bị của quân đội Trung Quốc chống lại Đài Loan. (Ảnh chụp màn hình qua Facebook)
Ảnh chụp màn hình ngày 2/6/2020, video do các quan chức Bắc Kinh tạo ra nhằm khoe khoang về sự chuẩn bị của quân đội Trung Quốc chống lại Đài Loan. (Ảnh chụp màn hình qua Facebook)

Một video khác, được đăng vào ngày 1/6, tuyên bố rằng ngư lôi tiên tiến mà Hoa Kỳ bán cho Đài Loan vào tháng Năm là “rác rưởi” và không thể so được với quân đội Trung Quốc.

Một tin khác, Hu Guangqu, một biên tập viên và phóng viên của trang tin tức Huaxia Jingwei (tập trung về vấn đề Đài Loan, trực thuộc nhà nước Trung Quốc cho đến cuối năm 2019) đã trình bày một bản tóm tắt về “công việc quảng bá đặc biệt trên Facebook” trong một tài liệu ngày 7/6. Ông nói rằng các video này đã tạo ra “một tác động đáng kể”, và đã “thu hút sự chú ý rộng rãi từ cư dân mạng ở nước ngoài và khơi dậy các cuộc thảo luận sôi nổi”.

Tuy nhiên, ông Hu thừa nhận rằng “hầu hết những người trong số họ [cư dân mạng ở nước ngoài] nghĩ rằng PLA không dám sử dụng lực lượng quân sự” đối với Đài Loan. Ông viết trong tài liệu rằng ông cũng nhận thấy trong các bình luận trên Facebook, nhiều người Đài Loan nói rằng Hoa Kỳ cũng sẽ đến viện trợ Đài Loan trong trường hợp xảy ra một cuộc xâm lược quân sự.

Ông kết luận rằng quan điểm này đại diện cho phần lớn thanh niên Đài Loan, “những người có ý thức cực kỳ thấp về sự hợp nhất với quê nhà”, mô tả những thanh niên Đài Loan như những thế lực “cực đoan”.

Ông Hu nói: “Chỉ có một số ít người dùng internet Đài Loan có nhận thức chín chắn về vấn đề này”.

Facebook đã không lập tức phản hồi yêu cầu của The Epoch Times cho việc bình luận về các trang facebook gây ảnh hưởng trên.

Ảnh chụp màn hình ngày 2/6/2020, video do các quan chức Bắc Kinh tạo ra nhằm khoe khoang về sự chuẩn bị của quân đội Trung Quốc chống lại Đài Loan. (Ảnh chụp màn hình qua Facebook)
Ảnh chụp màn hình ngày 2/6/2020, video do các quan chức Bắc Kinh tạo ra nhằm khoe khoang về sự chuẩn bị của quân đội Trung Quốc chống lại Đài Loan. (Ảnh chụp màn hình qua Facebook)

Mối quan hệ với chính quyền

Huaxia Jingwei, một trang web được thành lập tại Bắc Kinh, đã đóng một vai trò “tích cực” trong việc lên kế hoạch những bản tin tuyên truyền về Đài Loan theo định hướng của chính quyền.

Trang này mô tả rằng họ đã nhận được “một sự quan tâm nhiệt tình và sự hỗ trợ mạnh mẽ” từ Văn phòng Quan hệ Đài Loan và Văn phòng Thông tin Hội đồng Nhà nước, cả hai cơ quan này đều làm việc cho chính quyền trung ương Trung Quốc.

Trang web tin tức này cũng tự hào khi được liệt kê là một dự án trọng điểm của chính phủ Trung Quốc trong năm 2006, như là một phần của kế hoạch 5 năm của chính quyền Trung Quốc. Wang Daohan, cựu Chủ tịch của Hiệp hội Quan hệ xuyên eo biển Đài Loan của nhà nước Trung Quốc, đã tự mình đặt tên cho trang web này.

Zhu Ming, một nhà bình luận về các vấn đề của Trung Quốc có trụ sở tại New York, đã gọi trang web này là “mặt trận tuyên truyền ủng hộ thống nhất” của Bắc Kinh, được vận hành thông qua nhiều máy chủ proxy.

Ông lưu ý rằng trang web sử dụng tiếng Trung truyền thống (phồn thể) thay vì chữ viết giản thể (các ký tự đã bị lược hóa ở đại lục) cho thấy đối tượng mục tiêu của nó là những độc giả “không phải người đại lục”. Cư dân Đài Loan và Hong Kong chủ yếu sử dụng các ký tự phồn thể.

Chiến lược tuyên truyền

Trong khi người dùng đại lục từ lâu đã bị chặn truy cập vào Facebook, Twitter và YouTube, thông qua kiểm duyệt Internet ngày càng chặt chẽ, thì chính quyền Trung Quốc lại đang ngày càng tiếp cận các nền tảng này để đưa quan điểm tuyên truyền của họ đến người dùng quốc tế.

Tất cả các cơ quan truyền thông lớn của nhà nước Trung Quốc đã mở tài khoản trên Twitter và Facebook. Một số, như Dịch vụ Tin tức Trung Quốc và Truyền hình Trung ương Trung Quốc, đã đầu tư hàng trăm ngàn USD để đẩy mạnh việc quảng bá sự hiện diện của họ trên phương tiện truyền thông xã hội ở nước ngoài.

Trong một tài liệu đấu thầu công khai trên trang web của chính phủ trung ương Trung Quốc ngày 16/8/2019 (hiện đã bị xóa), China News Service đã kiếm được 1,25 triệu nhân dân tệ (176.461 USD) từ chính phủ để tăng lượng người theo dõi trên Twitter của mình lên 580.000 người; và 1,2 triệu nhân dân tệ khác (169.403 USD) để tăng thêm 670.000 người theo dõi trên Facebook.

Một video trên Facebook từ truyền thông nhà nước Trung Quốc (China Daily) tuyên truyền về việc bảo vệ luật an ninh quốc gia Hong Kong, vào ngày 10/7/2020. (Ảnh chụp màn hình qua Facebook)
Một video trên Facebook từ truyền thông nhà nước Trung Quốc (China Daily) tuyên truyền về việc bảo vệ luật an ninh quốc gia Hong Kong, vào ngày 10/7/2020. (Ảnh chụp màn hình qua Facebook)

Freedom House, cơ quan giám sát nhân quyền có trụ sở tại Hoa Kỳ, nhận thấy rằng các tài khoản truyền thông nhà nước Trung Quốc chiếm 4 trong 5 trang truyền thông phát triển nhanh nhất trên Facebook từ giữa tháng 11/2019 đến giữa tháng 12/2019. Theo công ty quảng cáo truyền thông xã hội Socialbakers, với hàng chục triệu người theo dõi của mỗi tài khoản, các tài khoản này có sự hiện diện trực tuyến “đáng gờm”, chiếm 3 trong số 10 tài khoản truyền thông lớn nhất trên Facebook vào năm 2019.

Sức ảnh hưởng ngầm như vậy đã khiến Twitter, Facebook và YouTube đình chỉ hơn 1.000 tài khoản trong tháng 8/2019, trong nỗ lực nhằm triệt phá chiến dịch làm sai lệch thông tin do Bắc Kinh hậu thuẫn nhằm phỉ báng những người biểu tình ở Hong Kong. Một nghiên cứu hồi tháng 3 của trang tin tức điều tra ProPublica cũng đã truy tìm được hơn 10.000 tài khoản Twitter giả mạo hoặc bị tấn công (có được do gian lận qua việc lấy dữ liệu máy tính mà không được phép) có liên quan đến chính quyền Trung Quốc. Những tài khoản này thực hiện việc tuyên truyền phối hợp xoay quanh phản ứng chống dịch của Bắc Kinh đối với sự bùng phát dịch viêm phổi Vũ Hán.

Thanh Tâm
Theo The Epoch Times

Trung Quốc


BÀI CHỌN LỌC

Tài liệu tiết lộ: Bắc Kinh ‘vũ khí hóa’ Facebook để thúc đẩy chương trình nghị sự về vấn đề Đài Loan