Bắc Kinh lớn tiếng 'chê bai' các nhà ngoại giao của ông Biden tại cuộc gặp ở Alaska

Giúp NTDVN sửa lỗi

Truyền thông nhà nước Trung Quốc đã ca ngợi màn trình diễn của các nhà ngoại giao cấp cao Dương Khiết Trì và Vương Nghị vào hôm thứ Năm ngày 18/3, đồng thời, họ chỉ trích những người đồng cấp Mỹ, Ngoại trưởng Antony Blinken và Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan, về những cáo buộc vi phạm nhân quyền của Mỹ.

Theo tin tức từ Breibrat News, Thời báo Hoàn cầuTrung Hoa Nhật báo, hai trong số những cơ quan ngôn luận tiếng Anh “to mồm” nhất của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) hoan nghênh hai quan chức Trung Quốc đã “kiên quyết”, "chân thành” và đưa ra những “phản bác mạnh mẽ” đối với việc người Mỹ lên án Trung Quốc về vấn đề loại bỏ các biện pháp bảo vệ nhân quyền ở Hong Kong, về nạn diệt chủng người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, và các hành động ngược đãi nhân quyền khác.

Bốn nhà ngoại giao đã bắt đầu cuộc gặp vào thứ Năm ngày 18/3 tại Anchorage, Alaska, nằm ở vị trí giữa Washington và Bắc Kinh. Các cơ quan truyền thông của Bắc kinh và Bộ Ngoại giao Trung Quốc ca thán về sự không hiếu khách, về “lời lẽ cay độc” và thái độ không thoải mái của nước chủ nhà.

Cá nhân ông Dương và ông Vương đã cáo buộc Hoa Kỳ ngược đãi họ với tư cách là khách mời tại cuộc họp và làm trái nghi thức ngoại giao.

Thời báo Hoàn cầu hoan nghênh Trưởng ban Đối ngoại trung ương ĐCSTQ, Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc và Ủy viên Bộ Chính trị cấp cao Dương Khiết Trì và Ngoại trưởng Vương Nghị vì đã đưa ra “những lời phản bác mạnh mẽ đối với các đại diện của Hoa Kỳ”. Tờ báo chỉ trích nhà ngoại giao của Tổng thống Joe Biden về lời lẽ gay gắt và đánh giá rằng các phát biểu mở đầu của cuộc họp, hiện đang được tiếp tục, là quá nghiêm trọng và cay độc "vượt xa mức tưởng tượng của các nhà quan sát", Breibart News đưa tin.

Tờ Thời báo Hoàn cầu đánh giá: “Cho đến nay, sự hiếu chiến và coi thường các nghi thức ngoại giao của Hoa Kỳ cùng với các cuộc phản công nhanh chóng và sắc bén của phái đoàn Trung Quốc đã khiến cả thế giới chú ý. Họ phàn nàn rằng việc Washington chọn Anchorage làm thành phố đăng cai sự kiện ngoại giao là không phù hợp, vì đây là “một trong những nơi lạnh nhất trên đất Mỹ với nhiệt độ đóng băng là âm 19 độ C [-2,2ºF]”.

Một trong những chuyên gia của tờ Thời báo Hoàn cầu, cựu quan chức ngoại giao Dương Hy Vũ (Yang Xiyu) phản đối rằng phía Washington bước vào cuộc đàm phán với triết lý “đặt nhân quyền lên trên chủ quyền”. Người Trung Quốc không thể chấp nhận điều này bởi họ đang cố gắng để “chung sống hòa bình và không can thiệp vào các vấn đề nội bộ của nước khác trên thế giới”.

Ngày 19/3, Thời báo Hoàn cầu đã nhấn mạnh về chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ bằng cách đăng trên trang nhất một phim hoạt hình chính trị có tượng Nữ thần Tự do vỡ nát đang ôm đầu và bị năm bàn tay có vẽ cờ của một số quốc gia bất hảo chĩa vào. Đây dường như là một bài bình luận về các chế độ độc tài tại Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc đang lên án nạn phân biệt chủng tộc ở Mỹ.

Trưởng đại diện châu Âu Chen Weihua của tờ Trung Hoa Nhật báo (China Daily), một kênh tuyên truyền khác của Bắc kinh, đã chia sẻ một bức ảnh GIF động về đại bàng và thỏ, có lẽ là đại diện cho người Trung Quốc, đang ném nhau. Ông Chen tuyên bố: “Sau bốn năm nhiệm kỳ của chế độ bất trị Trump, không ai có thể nghĩ đến việc ép buộc và tống tiền Trung Quốc nữa.

Ông Chen Weihua đã nổi tiếng với các bài đăng tục tĩu và phân biệt giới tính trên Twitter, bao gồm việc liên tục gọi Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Marsha Blackburn là "con chó cái" vì bà đã đưa ra các vấn đề vi phạm nhân quyền và hành vi tội phạm quốc tế của Trung Quốc. Mặc dù đã gắn nhãn tài khoản của Chen là tài khoản liên kết với ĐCSTQ, Twitter vẫn chưa hề kiểm duyệt những nhận xét tục tĩu của ông Chen.

Việc công dân Trung Quốc ở Trung Quốc không liên kết với Đảng Cộng sản sử dụng Twitter vẫn là bất hợp pháp ở Trung Quốc.

Tờ Trung Hoa Nhật báo mô tả những lời phát biểu khai mạc cuộc họp của Ngoại trưởng Blinken và Cố vấn an ninh Sullivan là "không hợp lý" và hoan nghênh các nhà ngoại giao Trung Quốc với các câu trả lời của họ, trích dẫn lời một quan chức giấu tên đã đến Anchorage cùng với phái đoàn Trung Quốc.

“Đáp lại lời mời của Hoa Kỳ, phía Trung Quốc đã chân thành đến Anchorage để tiến hành cuộc đối thoại chiến lược với Hoa Kỳ, chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc đối thoại theo đúng thủ tục và thỏa thuận mà hai bên đã thống nhất từ trước”, theo tờ Trung Hoa Nhật báo.

Vị quan chức này phản đối, “đây không phải là cách đối xử với khách, cũng không phù hợp với nghi thức và các quy định ngoại giao, và phía Trung Quốc đã phản hồi nghiêm khắc về việc này”.

Trong một bài bình luận, Trung Hoa Nhật báo cáo buộc người Mỹ đã “phun ra những lời công kích cay độc vào Trung Quốc, thể hiện bức xúc về các chính sách đối nội và đối ngoại của Bắc Kinh và áp đặt lên Bắc Kinh những gì họ nên và không nên làm”.

“Ở thế chủ động, các chính trị gia Hoa Kỳ đã chà đạp lên các nghi thức và vi phạm các quy tắc ngoại giao, sử dụng cuộc họp cấp cao này để can thiệp một cách trắng trợn vào công việc nội bộ của Trung Quốc, chứ không nhằm mục đích đưa hai nước xích lại gần nhau và đưa quan hệ Mỹ-Trung trở lại đúng hướng, tờ Trung Hoa Nhật báo viết.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã lặp lại lời lẽ chê bai của các phương tiện truyền thông của Bắc kinh, trong cuộc họp báo thường kỳ hôm thứ Sáu (19/3).

Người phát ngôn Triệu Lập Kiên cho biết: “Phái đoàn Trung Quốc đã đến Anchorage với sự chân thành, được chuẩn bị đầy đủ để tham gia đối thoại chiến lược với Mỹ theo các nghi thức và thỏa thuận đã được thống nhất từ ​​trước. Tuy nhiên, khi phía Hoa Kỳ phát biểu khai mạc cuộc họp, họ đã vượt quá thời hạn quy định một cách nghiêm trọng và cố ý tấn công và chỉ trích các chính sách đối nội và đối ngoại của Trung Quốc. Điều này đã khoét sâu vào sự bất đồng, và không thể là cách cư xử tốt của chủ nhà, cũng không phải là nghi thức ngoại giao phù hợp. Phía Trung Quốc đã có phản ứng nghiêm khắc với vấn đề này”.

Ông Triệu cũng phàn nàn về thời tiết của Alaska rất lạnh.

“Alaska là tiểu bang cực Bắc của Hoa Kỳ. Khi phái đoàn Trung Quốc đến Anchorage, trái tim của họ đã ‘tái tê’ vì không khí lạnh thấu xương và sự tiếp đón lạnh lẽo của chủ nhà”, ông Triệu cho biết.

ĐCSTQ bày tỏ sự bất bình tột độ với bài phát biểu khai mạc cuộc họp, hiện vẫn đang được tiếp tục.

Ngoại trưởng Blinken thề sẽ “thảo luận về những mối quan ngại sâu sắc của chúng ta trước các hành động của Trung Quốc, bao gồm sự ngược đãi và vi phạm nhân quyền ở Tân Cương, Hong Kong, Đài Loan, các cuộc tấn công mạng vào Hoa Kỳ và sự ép buộc kinh tế đối với các đồng minh của chúng ta” mà không đi sâu vào từng chi tiết.

“Tất cả những hành động này đều đe dọa các trật tự dựa trên luật lệ duy trì sự ổn định toàn cầu. Đó là lý do tại sao chúng không chỉ là vấn đề nội bộ và tại sao chúng tôi cảm thấy có nghĩa vụ phải nêu ra những vấn đề này ở đây ngày hôm nay”, Ngoại trưởng Blinken nói.

Nhân cơ hội này, ông Dương đã thúc giục Mỹ ngừng thúc đẩy vấn đề nhân quyền và dân chủ trên trường quốc tế cũng như ngừng lên án Bắc kinh về những vi phạm nhân quyền.Ông nói: “Hoa Kỳ có kiểu của Hoa Kỳ - nền dân chủ Mỹ - và Trung Quốc có nền dân chủ kiểu Trung Quốc. Đây không phải chỉ riêng người Mỹ, mà còn cả người dân trên toàn thế giới đánh giá cách người Mỹ đã làm trong việc thúc đẩy nền dân chủ của mình. Vì vậy, chúng tôi tin rằng, điều quan trọng là Hoa Kỳ phải thay đổi hình ảnh của chính mình và ngừng thúc đẩy nền dân chủ của chính mình ở phần còn lại của thế giới”, theo Breibart News đưa tin.

“Nhiều người ở Hoa Kỳ thực sự không mấy tin tưởng vào nền dân chủ của Hoa Kỳ, và họ có nhiều quan điểm khác nhau về Chính phủ Hoa Kỳ", ông Dương tiếp tục. “Những thách thức Hoa Kỳ phải đối mặt trong vấn đề nhân quyền rất sâu sắc. Đây không phải là vấn đề nổi lên trong bốn năm qua, chẳng hạn như Black Lives Matter. Vấn đề này đã xuất hiện không chỉ gần đây", theo tin từ Breibart News.

Nguyên Hương

Theo Breibart



BÀI CHỌN LỌC

Bắc Kinh lớn tiếng 'chê bai' các nhà ngoại giao của ông Biden tại cuộc gặp ở Alaska