Bắc Kinh hy vọng có cuộc gặp Biden - Tập nếu cuộc hội đàm đầu tiên giữa hai nước thành công

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hôm thứ Năm (18/3), Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken và Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan đã có cuộc gặp tại Alaska với quan chức ngoại giao tối cao của Trung Quốc - Dương Khiết Trì và Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị. Ông Blinken và ông Dương đã đối đầu công khai và không chịu nhượng bộ nhau. Trước đó có thông tin rằng nếu cuộc gặp ở Alaska thành công, Bắc Kinh hy vọng ​​Tổng thống Biden sẽ gặp ông Tập Cận Bình vào tháng Tư.

Hôm 17/3, Bloomberg dẫn lời nguồn thạo tin cho biết nếu cuộc đối thoại cấp cao đầu tiên giữa Trung, Mỹ "có nhiều thành quả", Bắc Kinh hy vọng tiếp theo sẽ là một "cuộc gặp gỡ Biden - Tập".

Theo lời nguồn tin này, theo tầm nhìn của Trung Quốc, "Cuộc gặp gỡ Biden - Tập" sẽ được tổ chức vào trước hoặc sau Ngày Trái đất 22/4 để chứng minh rằng cả hai nhà lãnh đạo đều "cam kết giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu". Trước đó, The Wall Street Journal đưa tin rằng, ông Biden đã sẵn sàng thực hiện một lời kêu gọi toàn cầu vào ngày đó để thúc đẩy cải cách khí hậu.

Phái đoàn hai nước đã cực lực lên án chính sách của nhau trong cuộc hội đàm đầu tiên hôm 18/3. Trước cuộc hội đàm, các quan chức Mỹ nói rằng nếu Trung Quốc muốn thiết lập lại quan hệ thì phải thay đổi hành vi của mình, nhưng Bắc Kinh đáp lại rằng nếu Mỹ cho rằng Trung Quốc sẽ thỏa hiệp thì đó là ảo tưởng.

Mỹ, Trung ‘ăn miếng trả miếng’ trong phát biểu khai mạc

Reuters đưa tin hôm thứ 18/3, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Blinken và Cố vấn An ninh Quốc gia Sullivan đã xuất hiện trước ống kính, và ông Blinken đã thẳng thắn nói trước truyền thông: "Chúng tôi sẽ... thảo luận về hành vi khiến mọi người quan ngại sâu sắc của Trung Quốc, bao gồm Tân Cương, Hong Kong, Đài Loan, các cuộc tấn công mạng vào Hoa Kỳ và uy hiếp kinh tế đối với các đồng minh".

Ông Blinken nói: "Mỗi hành động này đều đe dọa đến việc duy trì sự ổn định toàn cầu, trật tự dựa trên quy tắc".

Ông cũng nói rằng hành động của Trung Quốc đe dọa đến nhân quyền.

Trong khi phía Mỹ đang chờ thông dịch viên, ông Dương Khiết Trì đã có bài phát biểu dài 15 phút bằng tiếng Trung Quốc, công kích nền dân chủ đang phải khổ sở đấu tranh ở Hoa Kỳ và hành vi xấu xa nhắm vào nhóm người thiểu số.

Ông Dương nói: "Hoa Kỳ lợi dụng sức mạnh quân sự và quyền bá chủ tài chính của mình để thực hiện các quyền ngoài phạm vi quyền hạn và đàn áp các nước khác".

Ông Dương nói thêm: Hoa Kỳ đã lạm dụng cái gọi là khái niệm an ninh quốc gia để cản trở trao đổi thương mại bình thường và xúi giục một số nước tấn công Trung Quốc. Ông Dương cũng cho rằng các nước phương Tây không đại diện cho dư luận toàn cầu, và Mỹ là "nhà vô địch" về các cuộc tấn công mạng.

Ông Dương Khiết Trì nói: "Hoa Kỳ không đủ tư cách để nói rằng họ sẽ tham gia đối thoại với Trung Quốc về phương diện thực lực".

"... Mỹ không đủ tư cách để nói điều như vậy, kể cả 20 hay 30 năm trước (cũng không có tư cách), bởi vì đây không phải là cách quan hệ với người Trung Quốc...", ông nói.

Cố vấn An ninh Quốc gia Sullivan nói rằng Hoa Kỳ không tìm kiếm xung đột với Trung Quốc, nhưng sẽ tuân thủ các nguyên tắc của mình và bảo vệ các đồng minh của mình. Ông Sullivan cũng ca ngợi cuộc hạ cánh thành công gần đây của tàu thăm dò Sao Hỏa của Hoa Kỳ và nói rằng thành công của Hoa Kỳ nằm ở khả năng liên tục định hình lại bản thân.

"Một quốc gia tràn đầy tự tin có thể nhìn nhận những thiếu sót của mình một cách nghiêm túc và liên tục tìm cách cải thiện. Đây là vũ khí bí mật của Hoa Kỳ", ông Sullivan nói.

Trung Quốc vi phạm thỏa thuận, quan chức Mỹ phản công

Sau đó, một quan chức cấp cao của chính phủ Hoa Kỳ nói rằng Trung Quốc ngay lập tức "vi phạm" thỏa thuận vì trưởng phái đoàn của cả hai bên chỉ có hai phút phát biểu khai mạc. Quan chức này đang ám chỉ việc ông Dương Khiết Trì vi phạm thỏa thuận vì đã nói trong 15 phút.

Vị quan chức này nói với các phóng viên ở Alaska: "Phái đoàn Trung Quốc... tập trung vào việc biểu diễn vở kịch công khai và mang tính cường điệu".

Quan chức này nói rằng, Hoa Kỳ sẽ tiếp tục tổ chức cuộc họp theo kế hoạch, và nói thêm: “Bài phát biểu ngoại giao cường điệu (của quan chức Trung Quốc) thường nhắm vào đối tượng khán giả trong nước (Trung Quốc)”.

Trước cuộc hội đàm, Trung Quốc khẳng định đây là "đối thoại chiến lược" và là bước khởi động để quay trở lại cơ chế song phương của vài năm qua. Tuy nhiên, Mỹ đã rõ ràng bác bỏ tuyên bố này, gọi đây là cuộc gặp một lần.

Đông Phương

Theo Epoch Times tiếng Trung



BÀI CHỌN LỌC

Bắc Kinh hy vọng có cuộc gặp Biden - Tập nếu cuộc hội đàm đầu tiên giữa hai nước thành công