Bắc Kinh ‘diễn tiếp vở kịch chống Pháp Luân Công’ trong cuộc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Yan Yuhua là một trong số hàng triệu người đã mòn mỏi trong các nhà tù Trung Quốc vì đức tin của họ. Lần đầu tiên cô bị bắt, năm 2006, các quản giáo đã cho cô vào phòng biệt giam để cố gắng buộc cô phải từ bỏ niềm tin vào Pháp Luân Công, một môn tu luyện bị chính quyền Trung Quốc "cấm". Ngủ, tắm, ăn, và thậm chí được nằm là những thứ xa xỉ. Họ đổ nước lạnh lên người cô và buộc cô phải đứng trong thời gian dài. Họ cũng cấm gia đình - cha mẹ đang ở độ tuổi 70 và con trai đang ở tuổi vị thành niên của cô - đến thăm cô.

Sau đó, cô bị giam tại một trung tâm tẩy não trong 2 năm rưỡi. Các quản giáo đã bắt cô đeo tai nghe và rót vào đó tuyên truyền chống lại Pháp Luân Công. “Người giám sát” sẽ thay phiên nhau đánh đập và lăng mạ cô.

Những câu chuyện phản ánh những trải nghiệm của Yan và các học viên Pháp Luân Công khác, những người đã phải chịu đàn áp như vậy kể từ khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bắt đầu chiến dịch đàn áp Pháp Luân Công năm 1999, giờ đây cũng đang xảy ra ở khu vực phía Tây bắc Tân Cương của Trung Quốc.

Nguồn gốc của mô hình Tân Cương

Tân Cương là nơi sinh sống của khoảng 11 triệu người Duy Ngô Nhĩ và các thành viên của các nhóm thiểu số Hồi giáo khác.

Dưới vỏ bọc “diệt trừ chủ nghĩa cực đoan,” chính quyền Trung Quốc đã bắt đầu một chiến dịch vào năm 2014 để theo dõi, đàn áp và hãm hại các nhóm thiểu số Hồi giáo, bao gồm thiết lập một mạng lưới giám sát tổng thể. Chính phủ đã thu thập dữ liệu sinh trắc học của cư dân, đặt camera và cài ứng dụng điện thoại để theo dõi các hoạt động của họ.

Theo ước tính của Liên Hợp Quốc, hiện có hơn một triệu cư dân Hồi giáo đang bị giam giữ trong các trại giam, bị tra tấn, cải tạo, và bị buộc phải thề trung thành với ĐCSTQ và bị ép buộc từ bỏ đức tin của mình.

Tân Cương là nơi sinh sống của khoảng 11 triệu người Duy Ngô Nhĩ và các thành viên của các nhóm thiểu số Hồi giáo khác.
Tân Cương là nơi sinh sống của khoảng 11 triệu người Duy Ngô Nhĩ và các thành viên của các nhóm thiểu số Hồi giáo khác. Năm 2014, chính quyền Trung Quốc đã bắt đầu tiến hành theo dõi, đàn áp và hãm hại các nhóm thiểu số Hồi giáo. (Ảnh: Wikipedia/CC BY-SA 3.0)

Theo các chuyên gia, các chiến thuật được sử dụng trong cuộc đàn áp hiện nay không phải gần đây mới được nghĩ ra, mà chúng đã được ĐCSTQ đúc kết kinh nghiệm trong hai thập kỷ đàn áp Pháp Luân Công.

Môn tu luyện trong đó kết hợp các bài tập thiền định và các bài giảng về đạo đức dựa trên các nguyên tắc Chân, Thiện và Nhẫn, đã thu hút khoảng 70 triệu đến 100 triệu học viên trước khi ĐCSTQ phát động chiến dịch diệt trừ Pháp Luân Công trên toàn quốc để xóa bỏ môn tu luyện vào năm 1999.

Chuyển hóa thông qua giáo dục

Theo một báo cáo tháng 2 năm 2019 của bà Sarah Cook, nhà phân tích cao cấp về Trung Quốc tại tổ chức theo dõi Ngôi nhà Tự do (Freedom House), khái niệm “chuyển hóa thông qua giáo dục” được gắn với chiến dịch đàn áp Pháp Luân Công.

Chính quyền Trung Quốc giam giữ các học viên Pháp Luân Công trong các nhà tù và “các trung tâm giáo dục hợp pháp” (thường được gọi là trung tâm tẩy não), trước đó họ bị giam giữ tại các trại lao động và các trại này đã được xóa bỏ năm 2013. Trong các nhà tù và các trung tâm, những người bị giam giữ buộc phải xem các video tuyên truyền, hát những bài hát ủng hộ ĐCSTQ và “ăn năn hối lỗi” vì bị ĐCSTQ cho là phạm tội có đức tin. Những người chống đối sẽ bị tra tấn.

Cụm từ “chuyển hóa” là cách ĐCSTQ “viện dẫn một hình ảnh tích cực”, và định nghĩa quá trình như “một cách đối xử nhân đạo”, bà Cook nói.

“Đó là một thuật ngữ chỉ Pháp Luân Công. Nó xuất hiện rồi sau đó biến mất. Giờ thì bạn thấy chính xác thuật ngữ này xuất hiện ở Tân Cương, bà Cook nói trong một cuộc phỏng vấn với The Epoch Times.

hiện có hơn một triệu cư dân Hồi giáo đang bị giam giữ trong các trại giam, bị tra tấn, cải tạo, và bị buộc phải thề trung thành với ĐCSTQ và bị ép buộc từ bỏ đức tin của mình.
Hiện có hơn một triệu cư dân Hồi giáo đang bị giam giữ trong các trại giam, bị tra tấn, cải tạo, và bị buộc phải thề trung thành với ĐCSTQ và bị ép buộc từ bỏ đức tin của mình. (Ảnh: Getty)

Bà nhớ lại một hội thảo năm 2018 về Tân Cương, được tổ chức tại Học viện Hudson ở Washington. Khi đó bà rất ngạc nhiên nghe một nhà phân tích về Trung Quốc liên tưởng thuật ngữ “chuyển hóa” với Tân Cương. “Những học giả này không hiểu ngôn từ đặc biệt của ĐCSTQ để chỉ Pháp Luân Công, và tôi thực sự kinh ngạc khi tôi nghe họ nói như vậy.”

Theo một cuộc khảo sát chưa đầy đủ từ Minghui.org, một trang chuyên thu thập các tài liệu về đàn áp Pháp Luân Công, hiện có 449 trung tâm tẩy não ở 173 thành phố và 329 quận, huyện trên khắp Trung Quốc.

Các cơ sở như vậy đã sinh sôi nảy nở sau khi ĐCSTQ bãi bỏ hệ thống trại cải tạo lao động vào năm 2013, bà Cook lưu ý. Cuộc đàn áp Pháp Luân Công vẫn tiếp tục và không suy giảm.

Quan chức

Một liên kết đáng nói nhất giữa hai chiến dịch đàn áp, theo bà Cook, là các quan chức chủ chốt hiện đang có ảnh hưởng đến chính sách Tân Cương là những người đã xây dựng sự nghiệp chính trị của mình thông qua chiến dịch diệt trừ Pháp Luân Công.

Fu Zhenghua hiện là Bộ trưởng Tư pháp Trung Quốc phụ trách tài trợ cho các chương trình truyền bá chính trị Tân Cương. Từ năm 2015 đến năm 2016, ông đã lãnh đạo Phòng 610, một cơ quan hoạt động ngoài vòng pháp luật được thành lập chuyên biệt để giám sát việc đàn áp Pháp Luân Công.

Ông này cũng từng giữ một chức vụ hàng đầu tại Cục cảnh sát thành phố Bắc Kinh từ năm 2010 đến 2015. Trong thời gian đó những học viên Pháp Luân Công nào từ chối từ bỏ đức tin của mình đều được báo cáo đã bị chuyển trực tiếp đến một số 'trung tâm tẩy não” sau khi hệ thống các trại lao động chính thức bị bãi bỏ, theo báo cáo năm 2013 của Tổ chức ân xá quốc tế.

Ông Sun Jinlong, Bí thư Đảng ủy của Tập đoàn sản xuất và xây dựng tỉnh Tân Cương, một tập đoàn quân đội và kinh doanh thuộc sở hữu nhà nước, có bề dày kinh nghiệm đàn áp. Trong một hội nghị quốc gia năm 2001, ông Sun đã có một bài phát biểu công khai tố cáo Pháp Luân Công và khuyến khích các quan chức đấu tranh không mệt mỏi chống lại môn tu luyện này, theo Nhân Dân Nhật báo - tờ ngôn luận của ĐCSTQ.

Chu Vĩnh Khang đã từng rất "tích cực" ra sức bức hại Pháp Luân Công tại Trung Quốc, nhờ đó ông đã nhanh chóng leo lên các vị trí cao trong hàng ngũ lãnh đạo dưới thời của ông Giang Trạch Dân. (Ảnh: Getty)
Chu Vĩnh Khang đã từng rất "tích cực" ra sức bức hại Pháp Luân Công tại Trung Quốc, nhờ đó ông đã nhanh chóng leo lên các vị trí cao trong hàng ngũ lãnh đạo dưới thời của ông Giang Trạch Dân. (Ảnh: Getty)

Năm 2010, khi ông Sun là Bí thư Thành ủy thành phố Hợp Phì, tỉnh An Huy, ông đã vạch ra “kế hoạch công tác trấn áp tổng thể” để theo dõi và quấy rối các học viên Pháp Luân Công tại địa phương, bao gồm thiết lập cơ sở dữ liệu của các học viên và các trung tâm tẩy não cho các học viên “ngoan cố”, và tiến hành trực tiếp thăm họ tận cửa. Kế hoạch công bố mục tiêu “chuyển hóa” tất cả các tín đồ mới được phát hiện trong vòng một năm. Theo hồ sơ của chính quyền địa phương, các quan chức cấp phường, xã sẽ nhận được các danh hiệu danh dự ghi nhận hiệu quả của họ trong những nỗ lực đó.

“Thành tích đàn áp dã man các tín đồ tôn giáo vô tội” được coi là hành trang cần thiết để họ được thăng quan tiến chức, bà Cook cho biết.

Tổ chức thế giới điều tra đàn áp Pháp Luân Công, một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Hoa Kỳ chuyên ghi chép lại việc đàn áp môn tu luyện, đã gọi cả hai quan chức là những người vi phạm nhân quyền.

Biểu đồ tiến bộ

Chính sách Tân Cương mang dấu ấn khác của chiến dịch chống Pháp Luân Công.

Về mặt thuật ngữ, các quan chức thực hiện việc đàn áp ở Tân Cương và Pháp Luân Công đã miêu tả các nỗ lực cải tạo như “tư vấn tâm lý” và đã giao chỉ tiêu cụ thể cho các nhân viên an ninh, bà Cook nói.

Thế giới dấy lên lo ngại chính quyền Trung Quốc đang sử dụng các phương pháp đàn áp tương tự như cuộc bức hại Pháp Luân Công nhằm ép người Duy Ngô Nhĩ từ bỏ niềm tin của mình. (Ảnh: Getty)
Thế giới dấy lên lo ngại chính quyền Trung Quốc sử dụng các phương pháp đàn áp người Duy Ngô Nhĩ tương tự như cuộc bức hại Pháp Luân Công nhằm ép họ từ bỏ niềm tin của mình. (Ảnh: Getty)

Ví dụ, các nhà chức trách sử dụng các thuật ngữ tương tự để đề cập đến hai nhóm: học viên Pháp Luân Công “ngoan cố” và các tù nhân “cứng đầu” ở Tân Cương.

Minghui.org đã báo cáo rộng rãi về việc cảnh sát đã nghe lén điện thoại của các học viên Pháp Luân Công từ đầu những năm 2000 để thu thập thông tin tình báo về họ. Một tìm kiếm nhanh trên trang web cho thấy hàng tá các trường hợp theo dõi điện thoại kéo dài, hầu hết sau đó là các vụ bắt bớ. Với 20 năm kinh nghiệm bức hại Pháp Luân Công, ĐCSTQ nhanh chóng tập hợp một bộ máy để đàn áp các nhóm thiểu số Hồi giáo ở Tân Cương.

“Điều này cũng giống như bất kỳ hình thức quản lý dự án nào. Một khi bạn đã thực hiện nó một lần, lần thứ hai sẽ diễn ra nhanh hơn rất nhiều”, bà Cook nói. “Họ biết đích xác những gì đang làm”.

Theo bà, những mô hình lặp lại cho thấy việc các quan chức Trung Quốc diễn tiếp vở kịch chống Pháp Luân Công ở Tân Cương. Đây là điều đáng báo động.

“Nó chỉ ra rằng họ đang tiếp tục một trò chơi dài, gần như không có ý định thay đổi chính sách và vẫn tiếp tục sử dụng các chiến thuật khắc nghiệt như tra tấn dã man hoặc bỏ tù dài hạn để đạt được mục đích của mình,” bà Cook nêu trong báo cáo tháng Hai.

Nguyên Hương

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Bắc Kinh ‘diễn tiếp vở kịch chống Pháp Luân Công’ trong cuộc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ