Bắc Kinh cấm sử dụng “tài liệu giảng dạy của nước ngoài” trong hệ thống giáo dục phổ thông

Giúp NTDVN sửa lỗi

Bắc Kinh đã chính thức cấm sử dụng tài liệu giảng dạy của nước ngoài trong các trường tiểu học và trung học cơ sở tại Trung Quốc. Đây là động thái mà theo các nhà phê bình, là nỗ lực mới nhất của chính quyền [Trung Quốc] để kiểm soát tư tưởng và tâm tư của người dân.

Trong một tài liệu hướng dẫn được công bố vào ngày 7 tháng 1, Bộ giáo dục Trung Quốc cho biết hệ thống giáo dục bắt buộc 9 năm, bao gồm tiểu học và trung học cơ sở, không được phép sử dụng các tài liệu giảng dạy của nước ngoài làm sách giáo khoa.

Lệnh cấm cũng được áp dụng tương tự cho các trường trung học phổ thông (lớp 10 - 12), ngoại trừ những trường liên kết với nước ngoài hoặc các chương trình trao đổi đã được phê duyệt.

Quy định mới là một phần của những nỗ lực của chính phủ Trung Quốc để tăng cường thắt chặt kiểm soát,kiểm duyệt giáo dục và xã hội dân sự, bao gồm các biện pháp giáo dục tinh thần yêu nước từ nhỏ của công dân.

Theo tài liệu hướng dẫn, chính quyền sẽ chuẩn hóa sách giáo khoa về các chủ đề cụ thể như giáo dục tư tưởng và chính trị, văn học, lịch sử và những vấn đề liên quan đến chủ quyền quốc gia, dân tộc và tôn giáo. Các trường học không được phép sử dụng các phiên bản không được phê duyệt, cũng như không được vô ý thay đổi nội dung giảng dạy.

Các trường trung học có chương trình trao đổi, trường cao đẳng dạy nghề và đại học có thể sử dụng có chọn lọc tài liệu giảng dạy của nước ngoài với điều kiện các tài liệu trong nước thực sự không thể đáp ứng nhu cầu đào tạo, một phát ngôn viên của Văn phòng Ủy ban Sách giáo khoa Quốc gia thuộc Bộ giáo dục Trung Quốc cho biết trong một cuộc họp báo.

Trong trường hợp này, các trường học được khuyến khích sử dụng bản dịch và do các nhà xuất bản Trung Quốc phân phối.

Người phát ngôn viên cho biết, chính sách này phù hợp với định hướng chính trị và giá trị của Đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

Sách giáo khoa “phải phản ánh nguyện vọng của Đảng và Tổ quốc”, tài liệu hướng dẫn nêu rõ

Báo cáo ngày 8 tháng 1 của đài truyền hình nhà nước CCTV cho biết: “tầm quan trọng của sách giáo khoa tiểu học và trung học cơ sở là để gieo hạt giống đỏ vào tư tưởng của học sinh”, với ngụ ý là màu biểu tượng của ĐCSTQ.

“Nô lệ của ĐCS Trung Quốc”

Martin Whyte, một giáo sư Đại học Harvard đã nghỉ hưu và là nhà nghiên cứu về Trung Quốc thỉnh giảng tại Đại học Victoria, Wellington trao đổi với The Epoch Times trong một email rằng, vụ việc này là một ví dụ khác cho thấy sự đàn áp ngày càng nghiêm ngặt đối với các tư tưởng lệch với đường lối của ĐCSTQ.

Ông nhấn mạnh đến “sự kiểm soát hệ tư tưởng ngày càng thắt chặt” đối với các trường đại học, chẳng hạn như cho nghỉ việc đối với những giáo sư đại học bày tỏ suy nghĩ không phù hợp với đường lối của Đảng.

Theo ông Yang Shaozheng, một học giả ở Trung Quốc và là cựu giáo sư Đại học Quý Châu, mục đích của quy định này là để tăng cường hơn nữa sự kiểm soát của ĐCSTQ đối với giáo dục.

Trong khi vai trò truyền thống của giáo dục là phát triển tài năng trong tất cả các ngành nghề, hệ thống giáo dục Trung Quốc ngày nay chỉ là “nô lệ của ĐCS Trung Quốc”, ông Yang nói với phóng viên ấn bản tiếng Trung của The Epoch Times.

Sau giáo dục, sự kiểm soát của Đảng lan rộng tới các cơ quan công sở.

“Hiện tại trong các ngành thương nghiệp khác nhau trong xã hội, tổ chức nào cũng có một bí thư Đảng đại diện của ĐCSTQ đảm nhận vai trò lãnh đạo trong mọi việc”, ông Yang cho biết.

Công dân Trung Quốc cũng có nghĩa vụ phải cài đặt các ứng dụng chuyên “truyền bá hệ tư tưởng”, ông Whyte nói. Hàng chục triệu quan chức, công chức và phóng viên của Đảng năm ngoái đã chịu áp lực phải tải xuống một ứng dụng như vậy, được gọi là Xuexi Qiangguo, hoặc Học tập về Quốc gia Vĩ đại, để họ phải hàng ngày học các học thuyết chính trị mới nhất và trả lời các bộ câu hỏi. Nghiên cứu chỉ ra rằng các cửa hậu trong ứng dụng có thể cung cấp cho các cơ quan chức năng quyền truy cập “siêu người dùng” để theo dõi chủ các tài khoản.

Ông Whyte nói: “Rất nhiều, nếu không nói là hầu hết, các trí thức Trung Quốc, cũng như các nhà quan sát nước ngoài”, những người hy vọng sẽ thấy sự cải thiện về tự do trí tuệ, đều “rất thất vọng” về tiến triển của tình hình gần đây.

Ông Yang cho biết, ông tin rằng quan niệm “ĐCSTQ quyền lực vô biên” đang có khả năng trở thành chuẩn mực ở Trung Quốc.

“ĐCSTQ bắt đầu truyền bá tư tưởng từ trẻ em, do đó, hệ tư tưởng của Đảng sẽ ăn sâu vào giới trẻ, và cuối cùng giới trẻ sẽ hành động theo chỉ thị của Đảng. Như thế Đảng đã hoàn thành mục tiêu của mình”, ông nói.

Kiểm duyệt gia tăng

Chính quyền Trung Quốc trong vài năm qua đã tăng cường áp đặt quy định đối với ngành giáo dục.

Vào giữa tháng 12, Đại học Phục Đán tại Thượng Hải, một trong những tổ chức học thuật hàng đầu của Trung Quốc, đã loại bỏ cụm từ “tự do suy nghĩ”, trong điều lệ của trường, và được Bộ giáo dục Trung Quốc phê duyệt. Ngoài việc loại bỏ tất cả các cụm từ đề cập đến “độc lập” và “tự do”, điều lệ của trường còn có thêm một cam kết phục tùng sự lãnh đạo của Đảng.

“Các trường đại học không còn là không gian cho tự do và độc lập nữa, mà đã trở thành “trại tập trung” của ĐCSTQ để nhằm mục đích tẩy não sinh viên”, Xia Xiaoqiang, nhà bình luận chính trị người Trung Quốc đã viết trên The Epoch Times ấn bản tiếng Hoa.

Cũng trong tháng 12, một thư viện quốc gia miền tây Trung Quốc đã bị khắp nơi chỉ trích vì công khai đốt sách, một động thái áp dụng chính sách mới của chính phủ. Bộ giáo dục đã yêu cầu thư viện của tất cả các trường tiểu học và trung học cơ sở dọn dẹp loại bỏ bất kỳ cuốn sách nào “bất hợp pháp”, hoặc “không phù hợp”.

Theo một bản tin của chính quyền địa phương ca ngợi hành động này, các nhân viên thư viện đã đốt 65 “ấn phẩm bất hợp pháp”, đốt từng trang từng trang trước cửa ra vào của thư viện, trong đó có sách tôn giáo và tạp chí hoặc tài liệu truyền thông “có khuynh hướng”.

Tháng 7 năm 2019, Hội đồng Nhà nước của Trung Quốc đã đưa ra ý kiến ​​cấm các trường học “thay thế chương trình giảng dạy quốc gia bằng chương trình giảng dạy khu vực hoặc chương trình của trường tự thiết kế”, cũng như cấm sử dụng bất kỳ tài liệu nào không được phê duyệt.

Tháng 9 năm 2018, Bộ giáo dục đã yêu cầu các nhà quản lý giáo dục trên toàn quốc tiến hành thanh tra kỹ lưỡng sách giáo khoa sử dụng trong các trường tiểu học và trung học địa phương để “duy trì căn cứ và sự nghiêm túc của hệ thống sách giáo khoa”. Bộ giáo dục cũng yêu cầu nhà xuất bản báo cáo các trường hợp tài liệu bị thay đổi trái phép. Nếu không có báo cáo chính xác, họ sẽ phải chịu hậu quả nghiêm trọng.

Tháng 1 năm 2015, ông Viên Quý Nhân, Bộ trưởng bộ Giáo dục Trung Quốc thời đó nói rằng Trung Quốc “tuyệt đối không thể cho phép các tài liệu giảng dạy truyền bá các giá trị hoặc ý thức hệ phương Tây vào học đường của Trung Quốc”, cũng như không thể cho phép giáo viên “thổ lộ bất bình” với học sinh, theo Tân Hoa Xã, một cơ quan ngôn luận của chính phủ Trung Quốc.

Nguyên Hương

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Bắc Kinh cấm sử dụng “tài liệu giảng dạy của nước ngoài” trong hệ thống giáo dục phổ thông