Bắc Kinh ám thị có đảo chính, ông Tập ắt phải đánh một trận?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Đầu tuần này, báo quân đội Trung Quốc bất ngờ đăng bài viết nhắc lại cuộc binh biến từ thời nhà Minh. Trước đó không lâu, hai quan chức cấp cao ở trung tâm vòng xoáy quyền lực của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) lại vừa ngã ngựa. Các nhà quan sát cho rằng, đứng sau họ là một danh sách dài các quan chức cấp cao, và chính quyền ông Tập Cận Bình đang ám chỉ rằng các quan chức đã liên kết lại để tiến hành một cuộc đảo chính, mà một số trong đó nghe lệnh từ một người đã không còn bất kỳ chức vị chính thức nào.

NTDTV đưa tin, hôm 11/10, "Báo Giải phóng quân" thuộc trang Mạng Quân sự Trung Quốc (China Military) - cơ quan ngôn luận của quân đội Trung Quốc - đã đăng một bài viết về cuộc “Binh biến Đoạt môn” năm 1457 xảy ra vào thời nhà Minh. Bài báo có tên "Giữ gìn thanh danh và tiết tháo", chủ yếu nhắc đến vị đại quan Vu Khiêm của triều đại nhà Minh, qua đó đàm luận về tính trọng yếu của việc “giữ gìn và duy trì danh tiết”.

Ông Vu Khiêm nổi tiếng vì tinh thần cương quyết tử thủ bảo vệ đất nước, có công lãnh đạo quân dân thành Bắc Kinh phòng thủ chống lại cuộc xâm chiếm của Mông Cổ vào năm 1449. Ông là 1 trong 41 vị công thần được thờ tại Đế vương miếu. Ngôi miếu được nhà Minh, nhà Thanh xây dựng, và thờ những vị quan văn, võ tướng được đánh giá là tài năng và tận trung nhất qua các triều đại.

Sau đó bài báo tiếp tục mô tả về cuộc “Binh biến Đoạt môn” năm 1457 và nói rằng, khi đó ông Vu Khiêm là người nắm lực lượng quân đội hùng hậu trong tay nhưng đứng trước cuộc chính biến, ông lại “đứng im bất động”, để mọi chuyện tùy ý phát triển.

“Binh biến Đoạt môn” là cuộc chiến giành lại ngôi vị của vua Minh Anh Tông Chu Kỳ Trấn từ trong tay của em trai là Minh Đại Tông Chu Kỳ Ngọc - đương kim hoàng đế nhà Minh lúc đó, người được vọng tôn làm Thái Thượng hoàng. Kết quả là Minh Anh Tông đã đoạt lại ngôi vua, Minh Đại Tông bị giáng xuống làm Thành Vương và qua đời chỉ mấy ngày sau đó.

Cuộc chiến phe phái giữa ông Tập Cận Bình và Giang Trạch Dân ngày càng khốc liệt, liên tục xuất hiện các tin đồn về chính biến. Trong bối cảnh này, cơ quan ngôn luận của quân đội Trung Quốc lại xuất bản một bài báo về "đảo chính Thái Thượng hoàng". Động thái này khiến ngoại giới nghi ngờ rằng đấu đá quyền lực trong nội bộ ĐCSTQ đã đến hồi căng thẳng nhất.

Hai quan to đồng thời ngã ngựa, trong thông báo ám chỉ có đảo chính

Trước đó vào ngày 30/9, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương ĐCSTQ thông báo lập án điều tra cựu Thứ trưởng Bộ Công an Tôn Lực Quân; hai ngày sau, Ủy ban này tiếp tục thông báo sẽ giám sát và điều ra ông Phó Chính Hoa, cựu Bộ trưởng Bộ Tư pháp, cựu Thứ trưởng Bộ Công an và hiện là Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội và Pháp luật của Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc.

Thông báo về vụ án nói rằng, ông Tôn Lực Quân có "tham vọng chính trị bành trướng, ra sức hình thành các băng nhóm trong đảng, vun đắp thế lực cá nhân, thành lập các nhóm lợi ích và lôi bè kết cánh để kiểm soát các bộ phận chủ chốt".

Hơn nữa, rất hiếm khi chính phủ Trung Quốc đồng thời thông báo về hai quan chức cấp cao trong hệ thống cảnh sát: một người thì ngã ngựa, một người thì bị tăng mức độ điều tra. Điều này đã thu hút sự chú ý lớn từ ngoại giới và suy đoán có một mối quan hệ nào đó giữa hai trường hợp.

Trên The Epoch Times, nhà bình luận về các vấn đề thời sự, Tiến sĩ Chương Thiên Lượng (Zhang Tianliang) cho rằng, vụ án của Phó Chính Hoa và Tôn Lực Quân là hai vụ án nối tiếp nhau.

Các từ ngữ như "tham vọng chính trị bành trướng" "ra sức hình thành các băng nhóm" cũng từng được sử dụng để mô tả băng nhóm Chu Vĩnh Khang, Bạc Hy Lai và Mạnh Hoành Vĩ.

Chu Vĩnh Khang (trái), Bí thư Ủy ban Chính trị và Lập pháp Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, năm 2007, và Bạc Hy Lai vào tháng 3 năm 2011. (Trái sang phải: Teh Eng Koon / AFP / Getty Images, Feng Li / Getty Images)
Hình ảnh ông Chu Vĩnh Khang (trái) năm 2007 và ông Bạc Hy Lai năm 2011. (Từ trái sang phải: Teh Eng Koon / AFP / Getty Images; Feng Li / Getty Images)

Chu Vĩnh Khang đã bị kết án tù, ông ta là cựu Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị kiêm Bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật ĐCSTQ, là người kiểm soát toàn bộ hệ thống cảnh sát và tư pháp. Ông Bạc Hy Lai là cựu Ủy viên Bộ Chính trị và Bí thư Thành ủy Trùng Khánh. Còn ông Mạnh Hoành Vĩ là Chủ tịch tiền nhiệm của Interpol.

Tiến sĩ Chương Thiên Lượng nói rằng, những người này đã tham gia vào kế hoạch đảo chính chống lại ông Tập Cận Bình.

Ông cho rằng, việc chính quyền Bắc Kinh sử dụng các từ ngữ này để mô tả vụ án Tôn Lực Quân chính là đang ám chỉ rằng, Tôn Lực Quân và Phó Chính Hoa cũng tham gia vào kế hoạch đảo chính. Ông Chương nói rằng, cựu Bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật của ĐCSTQ Mạnh Kiến Trụ, người đã nghỉ hưu, cũng có thể bị dính líu đến hàng loạt vụ án này, hơn nữa nếu truy cứu lên trên có thể sẽ lần ra cựu Phó chủ tịch nước Trung Quốc Tăng Khánh Hồng.

Báo đảng Trung Quốc nhắc lại cuộc đảo chính năm 1971

Vào trước ngày Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương đưa ra hai thông báo trên, tập san “Cầu Thị” (Qiushi) của ĐCSTQ đã đề cập trong một bài báo rằng, trong thời "Đại Cách mạng Văn hóa", "tập đoàn phản đảng Lâm Bưu" đã mưu đồ tiến hành đảo chính vũ trang nhưng cuối cùng không thành công. Sau đó, các kênh truyền thông lớn nhỏ của đảng đã chuyển tiếp rộng rãi bài báo này.

Nhà bình luận chính trị thời sự Trần Phá Không (Chen Pokong) nói rằng, việc chính quyền Bắc Kinh đề cập lại "cuộc đảo chính vũ trang Lâm Bưu" là đang ám chỉ rằng có một tình huống như vậy trong đảng. Đây là một dấu hiệu.

Một nhà bình luận ở Trung Quốc đại lục, với bút danh "Trùng Sinh", nói với The Epoch Times rằng, ông Tập Cận Bình đã thanh trừng rất nhiều kẻ thuộc phe Giang - phe phái đối đầu với ông Tập do cựu lãnh đạo ĐCSTQ Giang Trạch Dân và Tăng Khánh Hồng cầm đầu. Các lực lượng chống lại ông Tập luôn tồn tại. Đây là lý do của các biến động hiện tại ở Trung Quốc.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) cùng cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân dự lễ bế mạc Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19 tại Đại lễ đường Nhân dân vào ngày 24/10/2017 ở Bắc Kinh, Trung Quốc. (Nguồn ảnh của Lintao Zhang / Getty Images)
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) cùng cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân dự lễ bế mạc Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19 tại Đại lễ đường Nhân dân vào ngày 24/10/2017 ở Bắc Kinh, Trung Quốc. (Lintao Zhang / Getty Images)

Cuộc chiến chống tham nhũng của ông Tập thực chất là thanh lọc đảng và quân đội để chống lại chính biến?

Kể từ sau khi xảy ra "Sự cố Vương Lập Quân" vào thời điểm trước khi ông Tập lên nắm quyền năm 2012, từ các "lãnh đạo nhà nước" của ĐCSTQ ở cấp Thường ủy Bộ Chính trị, cho đến các quan chức chính trị và quân sự ở cấp cục, cấp sở, đã có hàng ngàn người bị kết án tù, hoặc bị trừng phạt và cách chức. Trong đó, chỉ riêng quan chức cấp phó tỉnh và cấp bộ ngã ngựa đã có gần 400 người.

Trong số đó có: Bạc Hy Lai; Chu Vĩnh Khang; hai Phó chủ tịch Quân ủy là Từ Tài Hậu và Quách Bá Hùng - hai quan chức này mới là người thực sự nắm quyền điều khiển quân đội Trung Quốc lúc bấy giờ. Cuối cùng, ngoại trừ Từ Tài Hậu đã chết trong quá trình điều tra, ba người còn lại bị kết án tù chung thân.

Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) từng đăng bài viết với tiêu đề "Vụ án Chu Vĩnh Khang có phải là cuộc đảo chính lớn nhất kể từ khi thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc?";

VOA dẫn lời một người làm truyền thông nói rằng: "Kể từ khi ĐCSTQ thiết lập quyền lực vào năm 1949, Chu Vĩnh Khang là ‘kẻ cầm đầu tập đoàn đảo chính’ đúng nghĩa nhất và có quy mô lớn nhất”. “Mà cuộc vận động chống tham nhũng của ông Tập Cận Bình thực chất là một hành động của ‘thanh lọc đảng’ và ‘thanh lọc quân đội’ nhằm chống lại cuộc đảo chính này”.

Nhưng Tiến sĩ Chương Thiên Lượng lại cho rằng, kẻ chủ mưu thực sự đằng sau cuộc đảo chính không phải là Chu Vĩnh Khang, mà là Tăng Khánh Hồng.

Ông Tăng Khánh Hồng. (Andrew Wong/Getty Images)
Ông Tăng Khánh Hồng. (Andrew Wong/Getty Images)

Tăng Khánh Hồng là người ủng hộ nhiệt thành của Giang Trạch Dân. Giang Trạch Dân từng là Bí thư Thành ủy Thượng Hải trước khi trở thành lãnh đạo tối cao của ĐCSTQ. Tăng Khánh Hồng khi đó là Phó bí thư Thành ủy Thượng Hải. Hai người này là cộng sự chính trị. Giang Trạch Dân vẫn mang theo Tăng Khánh Hồng khi ông ta đến Bắc Kinh vào năm 1989 để nhậm chức Tổng bí thư ĐCSTQ. Cuối cùng, Tăng được thăng chức làm Ủy viên thường vụ Bộ chính trị và Phó chủ tịch nước chỉ trong một thời gian ngắn.

Giang và Tăng là những kẻ sáng lập thế lực chính trị mang tên "phe Giang Trạch Dân", và Tăng Khánh Hồng được ví như "cha đỡ đầu" của phe phái này. Hai ông Tăng Khánh Hồng và Tập Cận Bình đều là “hồng nhị đại” (thế hệ đỏ thứ hai, có cha ông thuộc hàng ngũ thế hệ đầu của ĐCSTQ). Cha của ông Tăng Khánh Hồng là ông Tăng Sơn (Zeng Shan) - từng là Bộ trưởng Bộ Nội vụ của chính quyền "Cộng hòa Xô viết Trung Quốc". Mặc dù Tăng Khánh Hồng đã nghỉ hưu và không có chức vị chính thức nào trong chốn quan trường, nhưng ảnh hưởng của ông ta trong phe Giang Trạch Dân vẫn không hề phai nhạt.

Chức vị của các ông Tôn Lực Quân, Phó Chính Hoa, Mạnh Hoành Vĩ và Mạnh Kiến Trụ là cấp thứ trưởng hoặc cấp bộ trưởng, vậy nên ở trên họ sẽ còn có rất nhiều quan chức “cấp chính quốc gia” và “cấp phó quốc gia”.

“Cấp chính quốc gia” là thứ bậc cao nhất trong chính quyền Trung Quốc, tương đương với thứ bậc nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ. “Cấp phó quốc gia” có thứ bậc cao thứ hai ngay sau “Cấp chính quốc gia”. Hai cấp chức vị này được gọi chung là người lãnh đạo Đảng và Nhà nước Trung Quốc.

Nhà bình luận Chương Thiên Lượng cho rằng, không thể có chuyện những người tham gia đảo chính giành chính quyền chỉ có những quan chức kể trên, mà còn cần một nhân vật chủ chốt để lãnh đạo, và ít nhất cũng phải là đương kim hoặc cựu Ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị. Theo ông, để phù hợp với những điều kiện trên, thì “xem ra cũng chỉ có Tăng Khánh Hồng”.

Tính toán dựa trên niên hạn nghỉ hưu của các quan chức, hầu như những người được đề bạt thăng cấp khi Tăng Khánh Hồng còn tại vị sẽ rút lui khỏi nòng cốt quyền lực sau Đại hội Đảng 20 của ĐCSTQ vào năm tới. Theo phân tích của Tiến sĩ Chương, ông Tăng Khánh Hồng sẽ ngoan cố chống cự trước khi diễn ra Đại hội Đảng 20, còn ông Tập Cận Bình có thể sẽ gấp rút cắt bỏ vây cánh của Tăng Khánh Hồng cho đến khi Tăng bị bắt vào tù.

Ông Chương cho rằng, trong vòng một năm, trước khi tổ chức Đại hội Đảng 20 vào năm sau, một số quan chức cấp cao có thể sẽ lần lượt bị ngã ngựa, "Tập Cận Bình và Tăng Khánh Hồng ắt có một trận chiến".

Đông Phương (t/h)



BÀI CHỌN LỌC

Bắc Kinh ám thị có đảo chính, ông Tập ắt phải đánh một trận?