Không chỉ bị quốc hữu hóa và đàn áp, nhân viên nữ của Alibaba và Didi còn bị quản lý và quan chức tấn công tình dục

Giúp NTDVN sửa lỗi

Đáng chú ý là trong vụ việc của Didi, bị cáo đều là lãnh đạo các sở, ban, ngành của chính quyền địa phương, những người này đã tham gia tiệc chiêu đãi của công ty. Cuối cùng, cảnh sát đã không lập án điều tra.

Cuối tuần qua, Tập đoàn Alibaba của Jack Ma và dịch vụ gọi xe công nghệ Didi liên tiếp dính bê bối tấn công tình dục nữ nhân viên. Phải đến khi nạn nhân công khai tố cáo trên mạng xã hội, sự việc mới được dư luận quan tâm.

Sự kiện diễn ra trong bối cảnh ĐCSTQ đang thẳng tay đàn áp các doanh nghiệp công nghệ lớn. Công cuộc đàn áp này khiến Alibaba và Didi mất hàng chục tỷ USD vốn hóa trên thị trường tài chính, các tập đoàn buộc phải xé lẻ, quốc hữu hóa một phần và chịu quá trình thanh tra liên tục của quan chức chính phủ.

Bởi vậy, khi các sự kiện đáng xấu hổ này bị phanh phui, không khỏi khiến chúng ta đặt câu hỏi liệu các nữ nhân viên của Alibaba và Didi có trở thành 'con tốt thí' trong cuộc chiến này hay không?

Bê bối ở Alibaba

Vào tối ngày 7/8, một tài khoản trên mạng tự xưng là nhân viên của Alibaba đăng tải thông tin cô bị cấp trên xâm hại trong một chuyến công tác. Sau đó, người này đã được xác nhận là nhân viên công ty.

Nạn nhân cho biết, quản lý cấp cao đã yêu cầu cô đi tiếp khách ở quán karaoke, sau khi bị chuốc rượu, cô bị khách hàng sàm sỡ và bị lãnh đạo xâm phạm tình dục 4 lần.

Thời báo Chứng khoán (Securities Times) của Trung Quốc đưa tin vào ngày 8/8 rằng, theo các báo cáo, người quản lý cấp cao của Alibaba đã xâm hại nữ nhân viên tên là Vương Thành Văn (Wang Chengwen), biệt hiệu là Khúc Nhất (Qu Yi).

Sau khi nạn nhân báo án, Alibaba cho biết cảnh sát Tế Nam đã can thiệp và nhân viên liên quan đã bị đình chỉ. Alibaba tuyên bố rằng tấn công tình dục là tội rất nghiêm trọng và Alibaba sẽ không bao giờ dung thứ cho việc này.

Tờ BK Economy thuộc The Beijing News đưa tin, ông Trương Dũng (Zhang Yong), Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc điều hành (CEO) của Alibaba, đã đăng một bài trên mạng nội bộ Alibaba vào sáng sớm ngày 8/8, bày tỏ sự kinh ngạc, tức giận và xấu hổ về việc nữ nhân viên bị xâm phạm. Ông cũng cho biết phải điều tra rõ ràng và đưa ra lời giải thích cho các nhân viên trong công ty và toàn xã hội.

Bên trong Alibaba, một nhóm điều tra độc lập được thành lập để tiến hành một cuộc điều tra toàn diện về vụ việc và thông báo kết quả điều tra cho tất cả người lao động. Đứng đầu nhóm này là bà Tưởng Phương (Jiang Fang), một trong 18 người sáng lập của Alibaba, hiện là trợ lý đặc biệt về kinh doanh quốc tế của CEO Trương Dũng, và là Phó giám đốc nhân sự của Tập đoàn Alibaba.

Theo Sina, đến sáng ngày 9/8, CEO Trương Dũng thông báo kết quả điều tra nội bộ và quyết định xử lý vụ việc như sau: Vương Thành Văn thừa nhận đã có hành động thân mật quá mức với đồng nghiệp XX trong tình trạng say xỉn, vi phạm nghiêm trọng quy định của công ty, công ty quyết định sa thải vĩnh viễn. Về việc Vương có hành vi vi phạm pháp luật như cưỡng hiếp hay không thì đợi kết luận điều tra của cảnh sát.

Bê bối ở Didi

Sau vụ việc của Alibaba, vào ngày 8/8, một bà mẹ đơn thân 33 tuổi đến từ Giang Tô từng làm việc tại nền tảng gọi xe Didi cũng lên tiếng tố cáo, rằng khi tham gia buổi chiêu đãi khách hàng của công ty, cô đã bị hơn 10 khách hàng chuốc rượu cưỡng gian. Sau đó, cô đã báo cáo với công ty và báo cảnh sát nhưng đều vô ích, thậm chí còn bị đuổi việc.

Cô cho biết, ngay sau khi gia nhập công ty vào giữa tháng 7 năm ngoái, cô được cấp trên sắp xếp để dùng bữa riêng với các khách hàng cấp cao. Bữa ăn có hơn 10 người đàn ông, những người tham dự đều là lãnh đạo các sở, ban, ngành của chính quyền địa phương.

Trong bữa tiệc, người phụ nữ liên tục bị ép rượu, cuối cùng say tới mức bất tỉnh. Sau khi tỉnh dậy vào ngày hôm sau, cô thấy khuôn mặt của mình đầy vết thương. "Tôi không thể tưởng tượng được những gì mà cả chục người này đã làm khi tôi hôn mê", cô cho biết tới giờ vẫn còn sợ hãi khi nghĩ lại.

Một bà mẹ đơn thân từng làm việc trên nền tảng gọi xe Trung Quốc Didi Chuxing đã lên tiếng khiếu nại, cho rằng cô đã bị hơn 10 khách hàng cưỡng hiếp khi đang tham dự buổi chiêu đãi khách hàng tại công ty. (Nguồn ảnh: Weibo)

Sau khi vụ việc xảy ra, nữ nhân viên đã đến sở cảnh sát Nam Thương ở thành phố Hưng Hóa để trình báo cảnh sát, nhưng cảnh sát đã ngăn không cho cô xem lại camera giám sát, càng không cho cô quay phim chụp ảnh. Cảnh sát thẩm vấn cả người báo án và nhân sự bên phía Didi. Cuối cùng, họ đã không lập án điều tra.

Khi quay lại công ty làm việc, cô bị cấp trên sắp xếp cho đi công tác chung nhiều lần và yêu cầu cô vào phòng ăn cơm, làm việc cùng ông ta. Người phụ nữ đã từ chối những yêu cầu vô lý và báo cáo với công ty rằng mình bị quấy rối tình dục nhưng công ty không có động thái gì. Cuối cùng, cô còn bị đuổi việc với lý do không đạt tiêu chuẩn trong thời gian thử việc.

Tuy nhiên, bi kịch vẫn chưa kết thúc, người phụ nữ này liên tục gặp khó khăn trong các cuộc phỏng vấn xin việc khi cô trình bày nguyên nhân thực sự khiến bản thân bị đuổi khỏi Didi. Theo bà mẹ đơn thân, một số kênh truyền thông muốn giúp cô đưa tin về vụ việc, nhưng cuối cùng họ lại rút lui vì mối làm ăn với Didi.

Trong lúc tuyệt vọng, cô đã mở tài khoản “Người mẹ đơn thân bị đuổi việc vì khiếu nại cấp trên ở Didi” trên Weibo để phơi bày sự việc. Vì vụ bê bối tình dục ở Alibaba nên sự việc của cô cũng thu hút sự chú ý của cư dân mạng Trung Quốc.

Về vấn đề này, Viện kiểm sát Hưng Hóa thành phố Thái Châu, tỉnh Giang Tô cho rằng việc cảnh sát quyết định không lập án điều tra là không có gì sai, vì bằng chứng hiện có không thể chứng minh bị cáo đã bị xâm phạm. Tuyên bố của viện kiểm sát khiến cư dân mạng Trung Quốc khá bất bình.

Hiện tại, bên phía Didi vẫn chưa phản hồi về vấn đề này.

Đông Phương

Theo Vision Times



BÀI CHỌN LỌC

Không chỉ bị quốc hữu hóa và đàn áp, nhân viên nữ của Alibaba và Didi còn bị quản lý và quan chức tấn công tình dục