Alibaba có tính toán gì khi đặt mốc thời gian 'quyên góp' 100 tỷ NDT là 'đến trước năm 2025'?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Mới đây, Tập đoàn Alibaba thông báo sẽ đầu tư 100 tỷ nhân dân tệ cho kế hoạch "Thịnh vượng chung" của chính quyền Trung Quốc. Tuy nhiên, theo góc nhìn của nhà bình luận Đường Tân Nguyên (Tang Xinyuan) trên Vision Times, thông báo của Alibaba có chút khôn ngoan hơn Tencent, đó có thể là chiêu trò nhỏ.

Vào ngày 2/9, trang web truyền thông chính thống "Chiết Giang Nhật Báo” của Trung Quốc đăng tin cho biết Tập đoàn Alibaba đã khởi động dự án "Mười hành động lớn của Alibaba để thúc đẩy thịnh vượng chung". Theo đó tới trước năm 2025, tập đoàn này sẽ đầu tư tổng cộng 100 tỷ nhân dân tệ (hơn 352 nghìn tỷ VNĐ) vào kế hoạch thịnh vượng chung của chính quyền; và sẽ thành lập một cơ quan chuyên biệt để thúc đẩy “10 hành động lớn” đi vào thực tế.

Theo bài báo, “10 hành động lớn” sẽ được triển khai theo 5 hướng chính, đó là đổi mới công nghệ, phát triển kinh tế, việc làm chất lượng cao, chăm sóc các nhóm yếu thế và quỹ phát triển thịnh vượng chung. Các hành động sẽ bao gồm:

  1. Tăng cường đầu tư cho khoa học công nghệ và hỗ trợ xây dựng kỹ thuật số ở các khu vực kém phát triển.
  2. Hỗ trợ tăng trưởng các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ.
  3. Đẩy mạnh xây dựng công nghiệp hóa nông nghiệp.
  4. Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển ra nước ngoài.
  5. Trợ giúp việc làm chất lượng cao.
  6. Giúp cải thiện phúc lợi của các nhóm công việc có tính linh hoạt cao.
  7. Thúc đẩy bình đẳng hóa cuộc sống kỹ thuật số ở thành thị và nông thôn.
  8. Thu hẹp khoảng cách kỹ thuật số, tăng cường các dịch vụ và bảo đảm cho những người yếu thế.
  9. Hỗ trợ nâng cao năng lực y tế tuyến cơ sở.
  10. Thành lập Quỹ phát triển Thịnh vượng chung 20 tỷ nhân dân tệ.

So sánh tuyên bố của Tencent và Alibaba

Ngày 18/8, Tencent thông báo rằng để thúc đẩy thịnh vượng chung trong phát triển chất lượng cao, sau khi đầu tư 50 tỷ nhân dân tệ để khởi động chiến lược "Đổi mới giá trị xã hội bền vững", sẽ tiếp tục rót thêm 50 tỷ nhân dân tệ để khởi động "Kế hoạch đặc biệt về Thịnh vượng chung". Các lĩnh vực dân sinh mà Tencent nhắm tới là phục hồi nông thôn, tăng thu nhập cho các nhóm thu nhập thấp, cải thiện hệ thống y tế tuyến cơ sở và phát triển cân bằng giáo dục.

Hôm 19/8, kênh truyền thông "Nhân dân" của chính quyền Trung Quốc dẫn tin từ Tencent và nhận xét rằng: "Trong vòng 4 tháng, Tencent đã liên tục lên kế hoạch đầu tư 100 tỷ nhân dân tệ, phát huy hết tính chủ quan năng động của công ty trong ‘ba lần phân phối", tiếp tục tìm tòi trong khi xúc tiến phúc lợi xã hội, trợ giúp thịnh vượng chung”.

Động thái của Tencent được cho là thể hiện lòng trung thành với ông Tập Cận Bình và bỏ tiền để mua sự bình yên. Trên thực tế, thông báo của Tencent chỉ đề cập đến “phúc lợi công cộng” một lần, nói rằng một phần tiền đó sẽ được sử dụng để “nghiên cứu khả năng phát triển trong tương lai của các lĩnh vực như công nghệ dưỡng lão và số hóa phúc lợi công cộng, v.v.”. Đây rõ ràng không phải là làm phúc lợi công cộng theo nghĩa thông thường, lại càng không phải là “quyên góp và từ thiện” trong ‘ba lần phân phối’ để thực hiện mục tiêu thịnh vượng chung của chính quyền.

Ba lần phân phối của Bắc Kinh chính là “kêu gọi” các công ty, đoàn thể và cá nhân giàu có “tự nguyện” đóng góp tài sản của họ. Nếu họ không muốn, sẽ động thủ để họ phải “sẵn lòng”. Trên thực tế, khoảng cách giàu nghèo ở Trung Quốc rất lớn, việc tái phân phối còn chưa làm tốt, bây giờ lại mơ mộng về “ba lần phân phối”.

Tencent thực sự đã chơi chữ trong thông báo, và Tập đoàn Alibaba cũng vậy. Khi mới nghe tin Tập đoàn Alibaba đầu tư 100 tỷ, mọi người thường nghĩ rằng tập đoàn này sẽ trực tiếp rút ra 100 tỷ tiền mặt hoặc cổ phiếu có giá trị tương đương của tập đoàn để đầu tư vào kế hoạch của chính phủ. Tuy nhiên đọc tiếp mới thấy 100 tỷ này sẽ được dùng vào 10 hạng mục được đề cập ở trên.

Cụ thể 100 tỷ nhân dân tệ này sẽ được dùng như thế nào, rất khó để dự đoán con số mà họ sẽ đầu tư vào mỗi hạng mục. Hơn nữa, hướng đầu tư của Alibaba có thể sẽ căn cứ vào các doanh nghiệp con của chính tập đoàn này. Ví dụ, về hạng mục "Hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển ra nước ngoài", một số doanh nghiệp thương mại điện tử xuyên quốc gia của Tập đoàn Alibaba cũng thuộc đối tượng trên.

Tuy nhiên, có thể thấy Tập đoàn Alibaba khôn ngoan hơn Tencent ở chỗ, mốc thời gian họ đặt ra là đến năm 2025.

Alibaba có tính toán gì?

Chúng ta đều biết rằng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) sẽ được tổ chức vào năm tới, và ông Tập Cận Bình đang cố gắng tái đắc cử.

Trong bài viết có tiêu đề "Đường quyền kinh tế hỗn loạn của Tập Cận Bình sẽ phá nát giấc mộng tái đắc nhiệm tại Đại hội ĐCSTQ lần thứ 20”, tác giả Đường Tân Nguyên từng phân tích như sau:

“Áp lực xã hội quốc tế, áp lực xã hội Trung Quốc và áp lực từ nội bộ ĐCSTQ đã thúc đẩy ông Tập áp dụng các biện pháp đối phó rất gay gắt. Tuy nhiên, tình hình chính trị và kinh tế Trung Quốc hiện nay không khác gì đang bế quan tỏa cảng đất nước. Ông Tập Cận Bình đang cố gắng phá vỡ các quy tắc bất thành văn của chính quyền, do đó sẽ phải sử dụng các phương thức bất thường và vì thế mà tạo cho ngoại giới cảm giác hỗn loạn.

Ông Tập Cận Bình xuất thân là “hồng nhị đại” (thế hệ thứ 2 trong ĐCSTQ, là con cháu của các nguyên lão trong đảng) nên sẽ biết rõ sự tàn khốc trong cuộc đấu đá nội bộ của ĐCSTQ. Điều này cũng khiến bản thân ông ta cảm thấy bất an và chỉ có thể củng cố quyền lực cá nhân trên phương diện thể chế và chế độ. Từ đó mà các cơ quan quản lý giảm sát, các tờ báo của đảng và truyền thông nhà nước liền gây áp lực dồn dập lên các doanh nghiệp tư nhân lớn. Các ngành nghề liên quan thì nơm nớp lo sợ, thị trường chứng khoán Trung Quốc và Hong Kong xơ xác tiêu điều, thị trường vốn cũng kinh hồn bạt vía. Nếu cách quản lý của ông Tập phá vỡ hệ thống tài chính, nó sẽ dẫn đến rủi ro tài chính, hoặc thậm chí nổ ra khủng hoảng tài chính. Vậy thì kế hoạch tái đắc nhiệm tại Đại hội 20 của ông ta sẽ tan vỡ.

Đặc biệt, kế hoạch tái tranh cử của ông Tập vẫn đang phải đương đầu với các đối thủ chính trị và các nhóm lợi ích trong đảng. Đặc điểm của ĐCSTQ là sau khi thành lập các phe phái và các nhóm lợi ích, họ đấu tranh với nhau không ngừng, có lúc thì thỏa hiệp với nhau, lúc tiến lúc lùi. Tuy nhiên, khi các phe phái và nhóm lợi ích cảm nhận được áp lực từ thế giới bên ngoài và áp lực nội bộ trong xã hội Trung Quốc, đồng thời cảm thấy lợi ích của họ bị đe dọa, thì họ sẽ lợi dụng vấn đề này để phá đám kiếm chuyện, phe đối lập cũng nhân đó mà yêu cầu người nắm quyền chịu trách nhiệm”.

Bài phân tích kết luận rằng: “Theo biểu hiện của ông Tập Cận Bình trong những năm gần đây, do ông ta liên tục tập trung quyền lực vào tay nên áp lực trong nội bộ đảng cũng dồn về phía ông ta. Bây giờ nền kinh tế lại trượt dốc, áp lực trong đảng sẽ càng tăng lên. Các nhân vật cấp cao của ĐCSTQ đã nhận thức được cuộc khủng hoảng đang tồn tại, họ cũng không có cách giải quyết nào tốt hơn, vậy nên sẽ tìm cách đổ hết lên đầu ông Tập”.

Vậy thì, điều đó có nghĩa là trong vòng một năm tới, tình hình kinh tế và chính trị của Trung Quốc sẽ có những thay đổi lớn, và thậm chí có thể diễn biến theo chiều hướng xấu hơn, việc ông Tập có tiếp tục tại vị hay không vẫn là một dấu hỏi lớn. Tập đoàn Alibaba đặt mốc thời gian là trước năm 2025, có lẽ họ đang theo dõi những thay đổi về tình hình chính trị và kinh tế trong nước. Suy cho cùng thì 100 tỷ nhân dân tệ cũng là tiền tươi thóc thật, lỡ như người khác lên nắm quyền và có chính sách mới thì sao? Cho nên, trước tiên họ bỏ ra một số tiền nhỏ để thử độ nông sâu, trên bề mặt coi như đã hoàn thành nhiệm vụ sau khi công bố dự án 10 kế hoạch lớn và thành lập cơ quan phụ trách chuyên biệt. Tiếp theo họ có đổ số vốn lớn vào đó hay không? Hãy cùng chờ xem...

Đông Phương

Theo Vision Times

Trung Quốc Góc nhìn


BÀI CHỌN LỌC

Alibaba có tính toán gì khi đặt mốc thời gian 'quyên góp' 100 tỷ NDT là 'đến trước năm 2025'?