22 năm bị ngược đãi và trừng phạt: Tưởng nhớ các học viên đã chết trong cuộc bức hại

Giúp NTDVN sửa lỗi

Cách đây 22 năm, trước sự phát triển mạnh mẽ của Pháp Luân Công, một môn tu luyện thiền định cổ xưa của Trung Quốc theo Chân, Thiện, Nhẫn ở Trung Quốc, Giang Trạch Dân, lãnh đạo ĐCSTQ thời bấy giờ đã trở nên ghen tức và lo sợ cho quyền lực của mình. Giang đã phát động chiến dịch đàn áp Pháp Luân Công trên toàn Trung Quốc nhắm "xóa sổ" pháp môn tu luyện này. Cuộc bức hại các học viên Pháp Luân Công đã sử dụng những cách thức tàn bạo và ma quỷ nhất nhắm vào các học viên, khiến hàng trăm ngàn người trong số họ bị tra tấn và bức hại, "tan cửa nát nhà", "tha phương cầu thực", bị thiệt mạng và bị mổ cướp nội tạng - một tội ác tàn bạo nhất trong mọi tội ác. Cuộc bức hại Pháp Luân Công được các nhà nghiên cứu, phê bình, các chính trị gia gọi là "cuộc diệt chủng lạnh" và là một tội ác chống lại loài người. Để đánh dấu mốc 22 năm cuộc bức hại tàn bạo, ông John Mac Ghlionn, một nhà nghiên cứu và bình luận, đã viết bài viết dưới đây để tưởng nhớ các nạn nhân và vạch trần tội ác của ĐCSTQ.

Các vụ lạm dụng diễn ra tại Khu tự trị của người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, Trung Quốc đã được ghi chép rõ ràng. Với lao động cưỡng bức và những câu chuyện khủng khiếp về lạm dụng tình dục, câu chuyện của người Duy ngô Nhĩ là rất quan trọng và cần được kể lại.

Có một câu chuyện quan trọng khác cần được kể liên quan đến cuộc bức hại các học viên Pháp Luân Công. 22 năm trước, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã tìm cách loại bỏ môn tu luyện Phật gia Pháp Luân Công ở Trung Quốc. Trong một nỗ lực nhằm xóa môn tu luyện hòa bình, chính quyền Trung Quốc đã phát động một chiến dịch đàn áp tôn giáo tàn bạo, một chiến dịch vẫn còn tiếp diễn cho đến ngày nay.

Trong hơn hai thập kỷ qua, các học viên Pháp Luân Công đã trải qua những hành vi ngược đãi nhân quyền không thể kể xiết và không thể dung thứ, với một số lượng lớn học viên bị giam giữ tùy tiện, tra tấn, cưỡng bức lao động và dọa giết. Hàng ngàn người đã chết dưới sự đàn áp của ĐCSTQ. Bài viết ngắn ngủi này tưởng nhớ những người đàn ông và phụ nữ dũng cảm đã bị trừng phạt và đánh đập, bắt bớ và truy tố. Nó cũng bày tỏ sự tôn trọng đối với những người tiếp tục truyền bá phúc âm của hòa bình, lòng trắc ẩn và sự gắn kết.

Không thể bị lãng quên

Nhưng trước tiên, chúng ta phải đặt câu hỏi: Tại sao ĐCSTQ lại sợ Pháp Luân Công, một môn tu luyện của Phật gia bao gồm các bài tập thiền định chậm rãi an hòa và rất chú trọng đến tầm quan trọng của quy phạm đạo đức của con người? Ở Trung Quốc, nơi chế độ chuyên chế và dối trá nắm quyền lực tối cao, có rất ít chỗ cho sự trung thực, cảm thông và khoan dung, nếu không muốn nói là không có. Nói cách khác, không có chỗ đứng cho Pháp Luân Công.

Kể từ ngày 20/7/1999, ĐCSTQ đã phát động vô số chiến dịch bôi nhọ các học viên Pháp Luân Công. Trong “Cỏ hoang: Chân dung của ba thay đổi ở Trung Quốc thời hiện đại”, Ian Johnson đã viết rằng những tuyên bố của ĐCSTQ chống lại Pháp Luân Công không mang bất kỳ sự thật nào. Trái ngược với tuyên truyền của ĐCSTQ, ông Johnson đã thẳng thắn nói ra sự thật. Các học viên Pháp Luân Công “kết hôn với người không tu luyện Pháp Luân Công, giao tiếp và kết bạn với người không phải là học viên Pháp Luân Công, có công ăn việc làm bình thường, không sống tách biệt với xã hội, không tin rằng ngày tận thế sắp xảy ra và không quyên góp số tiền khổng lồ cho tổ chức”, ông viết.

Tuy nhiên, điều này đã không ngăn được ĐCSTQ truyền bá những lời nói dối ác ý về Pháp Luân Công. Như nhà văn James Griffiths đã nhấn mạnh, từ năm 1999, ĐCSTQ đã phát động một “chiến dịch tuyên truyền phối hợp” để miêu tả môn tu luyện hòa bình là một “tà giáo”. Trong vòng một tháng sau lệnh cấm, “gần 400 bài báo công kích Pháp Luân Công đã được đăng trên các phương tiện truyền thông nhà nước”. Tất nhiên, phản ứng đã vượt xa những bài xã luận nặng lời.

Hàng trăm nghìn học viên Pháp Luân Công đã bị đưa đến các trại “cải tạo giáo dục”. Mọi người tự hỏi liệu địa ngục có thật không. Nó có thật, và nó tồn tại ở đây, trên Trái đất này. Địa ngục xuất hiện dưới hình thức một cơ sở “cải tạo giáo dục” của Trung Quốc. Như báo cáo của Tổ chức Ân xá Quốc tế, “Cái gọi là 'trại cải tạo giáo dục' là nơi tẩy não, tra tấn và trừng phạt quay trở lại những giờ phút đen tối nhất của thời Mao Trạch Đông, khi bất cứ ai bị nghi ngờ là không đủ trung thành với nhà nước hoặc ĐCSTQ đều có thể kết thúc trong các trại lao động khét tiếng của Trung Quốc”.

Trong những cơ sở này, hầu như không có gì thực sự đặt trọng tâm vào giáo dục. Thay vào đó, những người “chống lại hoặc không thể hiện đủ tiến bộ sẽ phải đối mặt với các hình phạt khác nhau, từ chửi bới đến tước khẩu phần ăn, biệt giam, đánh đập và sử dụng các biện pháp bắt đứng ở tư thế căng thẳng [như chỉ đứng không được ngồi trong nhiều ngày]”. Sự tồi tệ các học viên phải trải qua trong những trại cải tạo này là không có giới hạn. Có nhiều người vì "không thể chịu đựng được sự ngược đãi" đã tự kết liễu mạng sống của mình.

Bức tranh “Bi kịch ở Trung Quốc” vẽ một người vợ đau buồn trước người chồng đã khuất của mình. Cô ấy khoanh tay để thể hiện sức mạnh và sự kiên cường. Người chồng bị tra tấn của cô đã giữ vững niềm tin của mình cho đến cuối cùng. Trong tay, anh cầm những tờ giấy mà chính quyền Trung Quốc sử dụng để tẩy não và kêu gọi các học viên Pháp Luân Công từ bỏ đức tin. (Tranh trưng bày trong Triển lãm Nghệ thuật Chân Thiện Nhẫn)

Đối với một học viên Pháp Luân Công bị giam giữ, cơ hội trốn thoát là rất ít. Trong 22 năm qua, hàng nghìn học viên đã bị tra tấn đến chết trong chiến dịch khủng bố này. Khi tôi gõ đoạn này trong bản thảo, nạn diệt chủng đang xảy ra ở Tân Cương. Nhưng với các học viên Pháp Luân Công, nạn diệt chủng đã xảy ra trong hơn hai thập kỷ. Vào năm 2009, chúng ta không thể quên rằng, Tây Ban Nha và Argentina đã truy tố 5 quan chức cấp cao của ĐCSTQ vì đã có hành vi diệt chủng và tra tấn các học viên Pháp Luân Công. Kinh khủng hơn nữa, hàng chục ngàn học viên vô tội đã bị ĐCSTQ sát hại. Nhiều người trong số này đã bị mổ cướp nội tạng.

Vào năm 2013, làm chứng về các hành động tội ác đang được thực hiện chống lại các thành viên Pháp Luân Công, ông Ethan Gutmann, một nhà văn, nhà nghiên cứu, tác giả người Mỹ và là nhà nghiên cứu cấp cao về Trung Quốc tại Tổ chức Tưởng niệm Nạn nhân Cộng sản, nói rằng mặc dù “không thể có cách nào hợp pháp” để hành quyết các học viên Pháp Luân Công, ông đã so sánh cuộc bức hại các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc với “Tòa án dị giáo”, nơi, ông cảnh báo, những người vô tội "biến mất một cách bí hiểm".

Kể từ khi ông Gutmann đưa ra lời chứng thực lạnh lùng này, những vụ mất tích vẫn chưa dừng lại. Trái lại, năm 2018, một hội đồng gồm các luật sư và chuyên gia, trong đó có nhiều người nghiên cứu các hành động tàn bạo ở Trung Quốc trong nhiều năm cho biết, họ có “bằng chứng rõ ràng về việc cưỡng bức thu hoạch nội tạng” vẫn đang xảy ra, và các thành viên Pháp Luân Công bị bỏ tù dường như là “nguồn nội tạng chính” trong số “nội tạng bị cưỡng bức thu hoạch”.

Tại sao các học viên Pháp Luân Công lại bị mổ cướp nội tạng tàn bạo như vậy? Tại sao các thành viên Pháp Luân Công, cho đến tận ngày nay, lại trở thành đối tượng của những hình phạt vô nhân đạo nhất có thể tưởng tượng được trên hành tinh? Vì họ đã dám nói sự thật; họ đã dám thúc đẩy những ý tưởng về hòa bình và thống nhất; và họ dám đặt câu hỏi về động cơ tàn bạo của ĐCSTQ.

Hôm nay, chúng ta hãy tưởng nhớ những người đàn ông và phụ nữ dũng cảm đã phải thiệt mạng và những linh hồn dũng cảm của họ đang tiếp tục chiến đấu cho chính nghĩa. Tuy rằng họ đã rời khỏi thế giới này, nhưng họ không thể bị lãng quên.

John Mac Ghlionn là một nhà nghiên cứu và nhà viết luận. Tác phẩm của ông đã được xuất bản bởi những tờ báo như The New York Post, Sydney Morning Herald, The American Conservative, National Review, The Public Discourse, và những tờ báo đáng kính khác. Anh ấy cũng là một nhà báo chuyên mục tại Cointelegraph.

Quan điểm được trình bày trong bài viết này là ý kiến ​​của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTD VIỆT NAM.

Nguyên Hương

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

22 năm bị ngược đãi và trừng phạt: Tưởng nhớ các học viên đã chết trong cuộc bức hại