100 năm ĐCSTQ: Một thế kỷ giết chóc và lừa dối

Giúp NTDVN sửa lỗi

Được thành lập vào tháng 7/1921, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã gieo rắc cái chết và sự hủy diệt cho người dân Trung Quốc trong suốt một thế kỷ.

Ghi chú của Ban Biên Tập: Một số nội dung trong bài viết này chứa các chi tiết phản cảm và đáng lo ngại về tra tấn và các hình thức đối xử ngược đãi khác. Mong quý độc giả cân nhắc trước khi đọc.

Lấy tư tưởng “đấu tranh” của chủ nghĩa Marx làm tôn chỉ hoạt động, ĐCSTQ đã phát động nhiều phong trào nhắm vào một danh sách dài các nhóm đối lập: gián điệp, địa chủ, trí thức, quan chức bất trung, sinh viên ủng hộ dân chủ, tín đồ tôn giáo và dân tộc thiểu số.

Với mỗi chiến dịch, mục tiêu của ĐCSTQ là tạo ra một “thiên đường cộng sản trên trái đất”. Nhưng hết lần này đến lần khác, kết quả vẫn giống nhau: chỉ có đau khổ và chết chóc hàng loạt. Trong khi đó, một số quan chức ưu tú của ĐCSTQ và gia đình của họ đã tích lũy được quyền lực và sự giàu có đáng kinh ngạc.

Hơn 70 năm cầm quyền của ĐCSTQ đã dẫn đến việc giết hại hàng chục triệu người Trung Quốc và phá hủy nền văn minh 5.000 năm tuổi.

Trong khi Trung Quốc đã tiến bộ về kinh tế trong những thập kỷ gần đây, ĐCSTQ vẫn giữ nguyên bản chất của nó là một chế độ theo chủ nghĩa Marx-Lenin, cố gắng củng cố sự kìm kẹp của mình đối với đất nước Trung Quốc và thế giới. Cho đến hôm nay, hàng triệu tín đồ tôn giáo, dân tộc thiểu số, và những người bất đồng chính kiến ​​vẫn đang bị đàn áp dữ dội.

Dưới đây là phần tóm tắt một số hành động tàn bạo chính mà ĐCSTQ đã gây ra trong lịch sử 100 năm của nó.

Sự kiện Liên đoàn chống Bolshevik của ĐCSTQ

Chưa đầy một thập kỷ sau khi thành lập ĐCSTQ, Mao Trạch Đông - khi đó còn là người đứng đầu một lãnh thổ do ĐCSTQ kiểm soát ở tỉnh Giang Tây thuộc phía đông nam Trung Quốc - đã phát động một cuộc thanh trừng chính trị các đối thủ của ông ta, được gọi là Sự kiện Liên đoàn Chống Bolshevik (Anti-Bolshevik League Incident). Mao cáo buộc các đối thủ của mình làm việc cho Liên đoàn Chống Bolshevik, cơ quan tình báo của Quốc dân đảng, đảng cầm quyền của Trung Quốc vào thời điểm đó.

Kết quả là hàng ngàn quân nhân và Đảng viên của Hồng quân đã bị giết trong cuộc thanh trừng.

Chiến dịch kéo dài một năm bắt đầu vào mùa hè năm 1930, đánh dấu sự kiện đầu tiên trong một loạt các phong trào do nhà lãnh đạo hoang tưởng chỉ huy, chỉ ngày càng trở nên đẫm máu và bành trướng hơn theo thời gian. Cuộc tàn sát hàng loạt kéo dài cho đến khi Mao qua đời vào năm 1976.

Mặc dù không có hồ sơ nào cho thấy chính xác có bao nhiêu đảng viên ĐCSTQ đã bị giết trong chiến dịch, nhà sử học Trung Quốc Guo Hua đã viết trong một bài báo năm 1999 rằng trong vòng một tháng, 4.400 trong số 40.000 thành viên Hồng quân đã bị giết, bao gồm hàng chục lãnh đạo quân đội. Trong vòng vài tháng, ủy ban ĐCSTQ ở tây nam Giang Tây đã giết hơn 1.000 thành viên không thuộc quân đội của mình.

Vào cuối phong trào, ủy ban của ĐCSTQ ở Giang Tây báo cáo rằng, 80% đến 90% quan chức ĐCSTQ trong khu vực đã bị buộc tội là gián điệp và bị xử tử.

Các thành viên gia đình của các quan chức cấp cao cũng bị khủng bố và giết hại, báo cáo cho biết. Theo sử gia Guo, các phương pháp tra tấn đối với các thành viên ĐCSTQ bao gồm đốt da, cắt ngực phụ nữ và dùng tăm tre đâm vào dưới móng tay.

Mao Trạch Đông thuộc Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tham dự một hội nghị liên quan đến nghệ thuật và văn học ở Diên An năm 1942. (Wikipedia)
Mao Trạch Đông thuộc Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tham dự một hội nghị liên quan đến nghệ thuật và văn học ở Diên An năm 1942. (Wikipedia)

ĐCSTQ phát động phong trào chỉnh đốn Diên An

Sau khi trở thành lãnh đạo ĐCSTQ, Mao đã khởi động Phong trào Chỉnh đốn Diên An — phong trào đánh vào tư tưởng quần chúng đầu tiên của ĐCSTQ — vào năm 1942. Từ căn cứ của ĐCSTQ ở vùng núi hẻo lánh Diên An thuộc tỉnh Thiểm Tây, Tây Bắc, Mao và những người trung thành với ông ta đã áp dụng chiến thuật quen thuộc là buộc tội các đối thủ của mình là gián điệp để thanh trừng các quan chức cấp cao và các thành viên ĐCSTQ khác.

Tất cả đều khẳng định, khoảng 10.000 thành viên ĐCSTQ đã bị giết trong phong trào này.

Trong quá trình vận động, người dân bị tra tấn và ép buộc phải thú nhận là gián điệp, cây bút Wei Junyi viết trong một cuốn sách vào năm 1998.

Cụ thể, cây viết Wei cho biết: “Mọi người đều trở thành gián điệp ở Diên An, từ học sinh trung học cơ sở đến học sinh tiểu học. Những đứa trẻ 12 tuổi, 11 tuổi, 10 tuổi, thậm chí là một điệp viên 6 tuổi đã bị phát hiện!". Khi viết ra những dòng này, tác giả Wei đang là biên tập viên của hãng thông tấn nhà nước Tân Hoa Xã trực thuộc ĐCSTQ.

Số phận bi thảm của gia đình Shi Bofu, một họa sĩ địa phương, đã được kể lại trong cuốn sách của tác giả Wei. Năm 1942, các quan chức ĐCSTQ bất ngờ cáo buộc họa sĩ Shi là gián điệp và bắt giam ông. Đêm đó, vợ của Shi, không thể đối mặt với bản án tử hình có thể xảy ra với chồng mình, đã tự kết liễu mạng sống của chính mình và 2 đứa con nhỏ. Vài giờ sau, các quan chức tìm thấy thi thể của cô và những đứa trẻ, và công khai tuyên bố rằng vợ của Shi có "lòng căm thù sâu sắc" đối với ĐCSTQ và nhân dân, vì vậy đáng chết.

Một địa chủ Trung Quốc bị một chiến sĩ Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) hành quyết ở Fukang, Trung Quốc. (Phạm vi công cộng)
Một địa chủ Trung Quốc bị một chiến sĩ Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) hành quyết ở Fukang, Trung Quốc. (Phạm vi công cộng)

Chiến dịch cải cách ruộng đất của ĐCSTQ

Vào tháng 10/1949, ĐCSTQ nắm quyền kiểm soát Trung Quốc và Mao trở thành nhà lãnh đạo đầu tiên của chế độ độc tài này. Nhiều tháng sau, trong phong trào đầu tiên của chế độ ĐCSTQ có tên là Cải cách Ruộng đất, Mao đã vận động những nông dân nghèo nhất của quốc gia cưỡng đoạt đất đai và các tài sản khác của những người bị coi là địa chủ — nhiều người trong số họ chỉ là những nông dân khá giả. Hàng triệu người đã chết trong phong trào này.

Vào năm 1949, Mao bị buộc tội là một nhà độc tài và đã thừa nhận điều đó.

“Thưa ngài, ngài nói đúng, đó chính là bản chất của chúng tôi”, ông viết, theo China File, một tạp chí được xuất bản bởi Trung tâm Quan hệ Hoa Kỳ - Trung Quốc tại Asia Society. Theo Mao, những kẻ cầm quyền trong chế độ ĐCSTQ phải trở nên độc tài để chống lại “những con chó chạy theo chủ nghĩa đế quốc”, “giai cấp địa chủ và giai cấp tư sản quan liêu”, và “những kẻ phản động và đồng bọn của chúng”, những người có liên hệ với phe đối lập là Quốc dân đảng.

Tất nhiên, những quan chức của ĐCSTQ đã quyết định ai sẽ đủ tiêu chuẩn là “chó chạy”, “phản động”, hay thậm chí là “địa chủ”.

Là người đã ghi chép tỉ mỉ về sự tàn bạo của Mao, nhà sử học Frank Dikötter nhận định: “Nhiều nạn nhân bị đánh đến chết và một số bị bắn, nhưng trong nhiều trường hợp, lý do đầu tiên mà họ bị tra tấn là để làm cho họ tiết lộ tài sản của mình — dù nó có thực hay chỉ là tưởng tượng".

Cuốn sách năm 2019 "Vùng đất đỏ đẫm máu" (The Bloody Red Land) ghi lại câu chuyện của Li Man, một địa chủ còn sống sót từ Trùng Khánh, tây nam Trung Quốc. Sau khi ĐCSTQ lên nắm quyền, các quan chức tuyên bố rằng gia đình ông Li đã cất giữ 1,5 tấn vàng. Nhưng điều này không đúng, vì gia đình đã bị phá sản nhiều năm trước đó do cha của ông Li nghiện ma túy.

Không có vàng để trao cho ĐCSTQ, ông Li đã bị tra tấn đến bờ vực của cái chết.

Ông Li thuật lại: “Họ cởi quần áo của tôi, trói tay chân tôi vào cột điện. Sau đó, họ buộc một sợi dây quanh bộ phận sinh dục của tôi và buộc một hòn đá vào chân tôi". Ông cho biết, sau đó họ treo sợi dây lên một cái cây. Ngay lập tức, “máu trào ra từ rốn của tôi”, ông Li nói.

Cuối cùng ông Li đã được cứu bởi một quan chức ĐCSTQ, người đã gửi ông đến nhà của một bác sĩ y học Trung Quốc. Ngay cả khi bị thương nặng ở các cơ quan nội tạng và bộ phận sinh dục, ông Li vẫn tự cho mình là người may mắn. 10 người khác bị tra tấn cùng lúc với ông Li đều đã chết. Trong vài tháng tiếp theo, những người thân và đại gia đình của ông Li đều lần lượt bị tra tấn đến chết.

Kết quả của sự tra tấn, ông Li - lúc đó 22 tuổi - đã mất đi khả năng làm cha. Trong các cuộc vận động tiếp theo của ĐCSTQ, ông Li còn tiếp tục bị tra tấn nhiều lần nữa, khiến ông phải trả giá tiếp bằng thị lực của mình.

Một gia đình chết đói, ngày không xác định trong thời gian diễn ra chiến dịch Đại nhảy vọt của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). (Phạm vi công cộng)
Một gia đình chết đói, ngày không xác định trong thời gian diễn ra chiến dịch Đại nhảy vọt của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). (Phạm vi công cộng)

ĐCSTQ và Bước Đại nhảy vọt

Mao phát động phong trào Đại nhảy vọt vào năm 1958, một chiến dịch kéo dài 4 năm nhằm thúc đẩy đất nước Trung Quốc tăng sản lượng thép theo cấp số nhân trong khi tập thể hóa nông nghiệp. Mục tiêu, như khẩu hiệu của Mao, là "vượt qua Anh và bắt kịp Mỹ".

Nông dân Trung Quốc được lệnh xây các lò luyện thép ở sân sau, khiến đất canh tác bị bỏ bê nghiêm trọng. Hơn nữa, các quan chức địa phương quá hăng hái sợ bị coi là “kẻ đi sau” đã đặt ra hạn ngạch thu hoạch cao một cách phi thực tế. Kết quả là, nông dân không còn gì để ăn sau khi chuyển phần lớn cây trồng của họ làm thuế.

Điều xảy ra sau đó là thảm họa nhân tạo tồi tệ nhất trong lịch sử: Nạn đói lớn, trong đó hàng chục triệu người chết vì đói ở Trung Quốc, từ năm 1959 đến năm 1961.

Xem thêm: Trung Quốc: Nền nhân chính cổ đại và bạo chính hiện nay (từ ĐCSTQ)

Những người nông dân chết đói đã chuyển sang săn tìm động vật hoang dã, cỏ, vỏ cây, và thậm chí cả kaolinit, một khoáng chất đất sét, để làm thực phẩm. Nạn đói cùng cực cũng khiến nhiều người bị bức đến phải ăn thịt đồng loại.

Có những trường hợp được ghi nhận về những người ăn xác chết của người lạ, bạn bè và thành viên gia đình, và cha mẹ giết con cái của họ để làm thức ăn — và ngược lại.

Ông Jasper Becker, người đã viết về chủ đề Đại nhảy vọt “Những con ma đói”, khẳng định, người Trung Quốc buộc phải tham gia - vì tuyệt vọng thuần túy - trong việc bán thịt người ở chợ, và đánh tráo trẻ em để họ không phải ăn thịt chính con của mình.

Trên khắp 13 tỉnh thành, đã có tổng số từ 3.000 đến 5.000 trường hợp ăn thịt đồng loại được ghi nhận.

Cây bút Becker lưu ý rằng, tục ăn thịt người ở Trung Quốc vào cuối những năm 1950 và đầu những năm 60 có thể đã xảy ra “trên quy mô chưa từng có trong lịch sử thế kỷ 20”.

Nhà sử học Trung Quốc Yu Xiguang vào những năm 1980 đã tìm thấy một bức ảnh lưu trữ từ quê hương của ông ở tỉnh Hồ Nam. Bức ảnh này cho thấy một người đàn ông tên Liu Jiayuan đang đứng bên cạnh đầu và xương của cậu con trai 1 tuổi của mình. Cuối cùng ông Liu bị xử tử vì tội giết người.

Sau đó, sử gia Yu đã phỏng vấn các thành viên gia đình còn sống của ông Liu vào những năm 2000 để xác minh câu chuyện. Ông viết trong một báo cáo: “Liu Jiayuan đã bị bỏ đói rất lâu. Ông đã giết con trai mình và nấu [thịt thành] một bữa ăn thịnh soạn. Trước khi ăn xong, người nhà đã phát hiện ra tội ác của ông ấy và trình báo công an. Sau đó ông ta bị bắt và bị xử tử”.

Theo nhà sử học Dikötter, tác giả cuốn “Nạn đói lớn của Mao”, có tới 45 triệu người đã chết trong thời kỳ Đại nhảy vọt. tại Trung Quốc

Các cán bộ Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) treo một tấm biểu ngữ trên cổ một người đàn ông Trung Quốc trong cuộc Cách mạng Văn hóa năm 1966. Dòng chữ trên tấm biển ghi tên người đàn ông đó và cáo buộc ông là thành viên của “giai cấp da đen”. (Phạm vi công cộng)
Các cán bộ Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) treo một tấm biểu ngữ trên cổ một người đàn ông Trung Quốc trong cuộc Cách mạng Văn hóa năm 1966. Dòng chữ trên tấm biển ghi tên người đàn ông đó và cáo buộc ông là thành viên của “giai cấp da đen”. (Phạm vi công cộng)

ĐCSTQ tiến hành Đại Cách mạng Văn hóa

Sau thất bại thảm hại của Đại nhảy vọt, Mao cảm thấy rằng mình đang mất dần quyền lực, nên đã phát động Cách mạng Văn hóa vào năm 1966 với nỗ lực sử dụng quần chúng Trung Quốc để khẳng định lại quyền kiểm soát đối với ĐCSTQ và đất nước. Tạo ra một nhân cách đáng sùng bái, Mao có mục đích "đè bẹp những người cầm quyền đang đi theo con đường tư bản" và củng cố hệ tư tưởng của chính mình, theo một chỉ thị ban đầu.

Hơn 10 năm cưỡng ép hỗn loạn, hàng triệu người đã bị giết hoặc tự sát trong nền bạo lực do nhà nước ĐCSTQ phê chuẩn, trong khi những người trẻ tuổi nhiệt huyết tham gia vào đội Hồng vệ binh khét tiếng đã đi vòng quanh đất nước Trung Quốc để phá hủy và bôi nhọ truyền thống và di sản của đất nước này.

Đó là một nỗ lực của toàn xã hội, với việc ĐCSTQ khuyến khích người dân thuộc mọi tầng lớp xã hội tố cáo đồng nghiệp, hàng xóm, bạn bè và thậm chí cả những người thân trong gia đình là “phản cách mạng” - bất kỳ người nào có suy nghĩ hoặc hành vi không đúng về chính trị so với quy chuẩn của ĐCSTQ.

Xem thêm: Những chuyện hoang đường trong thời đại Cách mạng Văn hóa của ĐCSTQ

Các nạn nhân, bao gồm trí thức, nghệ sĩ, quan chức ĐCSTQ và những người khác bị coi là “kẻ thù giai cấp”, đã phải chịu đựng những nghi lễ sỉ nhục, thông qua “các phiên đấu tố” — các cuộc họp chỉ trích công khai, nơi nạn nhân sẽ bị buộc phải thừa nhận tội ác của họ và chịu đựng sự ngược đãi bằng lời nói và vũ lực từ đám đông, trước khi họ bị giam giữ, tra tấn, và bị đưa về nông thôn để lao động cưỡng bức.

Truyền thống và văn hóa truyền thống của Trung Quốc là mục tiêu trực tiếp trong chiến dịch của Mao nhằm tiêu diệt “Tứ cổ” — các phong tục cũ, văn hóa cũ, thói quen cũ và lý niệm cũ. Kết quả là, vô số di tích văn hóa, đền thờ, công trình lịch sử, tượng và sách đã bị phá hủy.

Trương Chí Tân, một đảng viên ưu tú của ĐCSTQ từng làm việc trong chính quyền tỉnh Liêu Ninh, là một trong những nạn nhân của chiến dịch Đại Cách mạng Văn hóa này. Theo một tin tức mà truyền thông Trung Quốc đưa tin sau Cách mạng Văn hóa, một đồng nghiệp đã báo cáo cô Trương vào năm 1968, sau khi cô ấy nhận xét với đồng nghiệp đó rằng cô ấy không thể hiểu được một số hành động của ĐCSTQ. Người phụ nữ 38 tuổi này sau đó bị giam giữ tại một trung tâm đào tạo cán bộ ĐCSTQ ở địa phương, nơi giam giữ hơn 30.000 nhân viên của chính quyền tỉnh.

Trong thời gian bị giam giữ, cô không chịu thừa nhận đã làm bất cứ điều gì sai trái và tự bảo hộ cho quan điểm chính trị của mình. Cô ấy kiên quyết trung thành với ĐCSTQ nhưng không đồng ý với một số chính sách của Mao. Cô ấy đã bị đưa vào tù.

Tại đây, cô Trương đã phải chịu đựng một cách khủng khiếp khi các quan chức cố gắng buộc cô từ bỏ quan điểm của mình. Các cai ngục sẽ dùng dây sắt để giữ miệng cô ấy há ra và sau đó đẩy một tấm giẻ lau nhà bẩn thỉu vào miệng cô. Họ còng tay cô ra sau lưng và treo một khối sắt nặng 40 cân Anh (khoảng 18kg) lên dây xích. Các quan chức cấp tỉnh của ĐCSTQ thậm chí còn bứt hết tóc của cô ấy, và các cai ngục thường sắp xếp để các tù nhân nam hãm hiếp tập thể cô gái này.

Trương đã cố gắng tự tử nhưng không thành công, điều này khiến các quan chức nhà tù tăng cường kiểm soát. Chồng cô cũng buộc phải ly hôn với cô. Đến đầu năm 1975, Trương rơi vào trạng thái điên loạn. Tháng Tư năm đó, cô bị xử bắn. Trước khi bị bắn, cai ngục đã cắt khí quản để bịt miệng cô. Cô qua đời ở tuổi 45.

Trong thời gian Trương bị giam giữ, chồng và 2 con nhỏ của cô buộc phải từ bỏ mối quan hệ với cô. Khi biết tin cô qua đời, họ thậm chí không dám khóc - vì sợ hàng xóm nghe thấy, những người có thể chỉ điểm họ vì mang nặng lòng oán hận với ĐCSTQ.

Phong trào thảm khốc kết thúc vào tháng 10/1976, chưa đầy một tháng sau cái chết của Mao.

Theo ông Dikötter, di sản của Cách mạng Văn hóa vượt xa những sinh mệnh bị phá hủy.

Ông nói với NPR vào năm 2016 rằng: “Nét đặc trưng của Cách mạng Văn hóa không phải là sự chết chóc, mà là chấn thương".

Ông nêu rõ: “Đó là cách mà mọi người đọ sức với nhau, buộc phải tố cáo những người thân trong gia đình, đồng nghiệp, bạn bè. Đó là về sự mất mát, mất niềm tin, mất tình bạn, mất niềm tin vào những người khác, mất khả năng dự đoán trong các mối quan hệ xã hội. Và đó thực sự là dấu ấn mà Cách mạng Văn hóa đã để lại”.

Một bé gái mồ côi Trung Quốc ngồi trong nôi tại một trung tâm chăm sóc nuôi dưỡng vào ngày 2/4/2014 ở Bắc Kinh, Trung Quốc. (Ảnh của Kevin Frayer / Getty Images)
Một bé gái mồ côi Trung Quốc ngồi trong nôi tại một trung tâm chăm sóc nuôi dưỡng vào ngày 2/4/2014 ở Bắc Kinh, Trung Quốc. (Ảnh của Kevin Frayer / Getty Images)

ĐCSTQ áp đặt chính sách một con

Năm 1979, chế độ ĐCSTQ đưa ra “chính sách một con”, cho phép các cặp vợ chồng chỉ có một con, trong một chiến dịch mà bề ngoài nhằm nâng cao mức sống bằng cách kiềm chế sự gia tăng dân số. Chính sách này đã gây ra tình trạng phá thai cưỡng bức, triệt sản cưỡng bức và giết người trên diện rộng. Theo số liệu của Bộ Y tế Trung Quốc được truyền thông nhà nước Trung Quốc trích dẫn, 336 triệu thai nhi đã bị phá bỏ từ năm 1971 đến năm 2013.

Xia Runying, một người dân ở tỉnh Giang Tây, người từng bị cưỡng bức triệt sản, đã viết trong một bức thư công khai vào năm 2013 rằng, gia đình cô yêu cầu hoãn cuộc phẫu thuật vì sức khỏe của cô không tốt. Tuy nhiên, quan chức ĐCSTQ địa phương tuyên bố, họ sẽ tiến hành phẫu thuật ngay cả khi phải trói cô ấy bằng dây thừng.

Cô bắt đầu đi tiểu ra máu, đau đầu và đau bụng sau ca phẫu thuật. Sau đó, cô buộc phải ngừng vận động.

Chế độ này đã ngừng chính sách một con vào năm 2013, cho phép sinh 2 con. Vào ngày 31/5 vừa qua, ĐCSTQ thông báo rằng từ giờ các gia đình Trung Quốc có thể sinh 3 con.

Một phụ nữ Trung Quốc, khiếp sợ trước tiếng súng, gục xuống đất trốn sau quầy hàng tại một khu chợ ở Bắc Kinh ngày 17/6/1989 khi một đoàn xe quân đội hơn một trăm chiếc của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) di chuyển về phía đông từ Quảng trường Thiên An Môn. (AFP qua Getty Images)
Một phụ nữ Trung Quốc, khiếp sợ trước tiếng súng, gục xuống đất trốn sau quầy hàng tại một khu chợ ở Bắc Kinh ngày 17/6/1989 khi một đoàn xe quân đội hơn một trăm chiếc của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) di chuyển về phía đông từ Quảng trường Thiên An Môn. (AFP qua Getty Images)

ĐCSTQ và vụ thảm sát Quảng trường Thiên An Môn

Một sự kiện vốn bắt đầu như một cuộc biểu tình của sinh viên để thương tiếc cái chết của cựu lãnh đạo Trung Quốc Hồ Diệu Bang có tư tưởng cải cách vào tháng 4/1989, đã biến thành cuộc biểu tình lớn nhất mà chế độ ĐCSTQ từng thấy. Các sinh viên đại học tập trung tại Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh yêu cầu ĐCSTQ kiểm soát lạm phát trầm trọng, kiềm chế tham nhũng của các quan chức, chịu trách nhiệm về những sai lầm trong quá khứ, đồng thời ủng hộ tự do báo chí và các ý tưởng dân chủ.

Đến tháng 5/1989, sinh viên từ khắp Trung Quốc và cư dân Bắc Kinh từ mọi tầng lớp xã hội đã tham gia cuộc biểu tình. Các cuộc biểu tình tương tự đã xảy ra trên khắp đất nước.

Các nhà lãnh đạo ĐCSTQ đã không đồng ý với yêu cầu của sinh viên.

Thay vào đó, chế độ độc tài này ra lệnh cho quân đội dập tắt cuộc biểu tình. Vào tối ngày 3/6, xe tăng lăn bánh vào thành phố và bao vây quảng trường Thiên An Môn. Nhiều người biểu tình không có vũ khí đã bị giết hoặc bị thương, sau khi bị xe tăng đè bẹp hoặc bị bắn bởi những người lính bắn bừa bãi vào đám đông. Hàng ngàn người ước tính đã thiệt mạng.

Lily Zhang, y tá trưởng tại một bệnh viện Bắc Kinh, cách quảng trường 15 phút đi bộ, kể lại với The Epoch Times về sự đổ máu tại quảng trường Thiên An Môn đêm đó. Cô tỉnh dậy sau tiếng súng và vội vã đến bệnh viện vào sáng ngày 4/6 sau khi nghe tin về vụ thảm sát.

Cô đã rất kinh hoàng khi đến bệnh viện và thấy một cảnh tượng giống như "khu vực chiến trường". Một y tá khác khóc nức nở nói với cô ấy rằng, vũng máu từ những người biểu tình bị thương đang “tạo thành một dòng sông tại bệnh viện”.

Tại bệnh viện của y tá Zhang, ít nhất 18 người đã chết vào thời điểm họ được đưa vào cơ sở.

Quân đội ĐCSTQ đã sử dụng đạn "dum-dum", loại đạn sẽ nở ra bên trong cơ thể nạn nhân và gây thêm sát thương, cô Zhang nói. Nhiều vết thương nghiêm trọng kéo dài và chảy rất nhiều máu đến mức "không thể hồi phục được".

Tại cổng bệnh viện, một phóng viên bị thương nặng của tờ China Sports Daily trực thuộc ĐCSTQ nói với 2 nhân viên y tế đã bế anh ấy rằng, anh “không hề tưởng tượng rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ thực sự nổ súng”.

Nhớ về những lời cuối cùng của người phóng viên, y tá Zhang thuật lại: "Bắn hạ những sinh viên và thường dân không có vũ khí - đây là loại đảng cầm quyền nào?".

Một câu nói từ lãnh đạo Trung Quốc lúc bấy giờ là Đặng Tiểu Bình, người đã ra lệnh thực hiện cuộc đàn áp đẫm máu, được trích dẫn trong một bức điện tín của chính phủ Anh rằng: “Hai trăm người chết có thể mang lại 20 năm hòa bình cho Trung Quốc”, một tháng trước khi xảy ra vụ thảm sát vào tháng 5/1989.

Cho đến ngày nay, chế độ ĐCSTQ vẫn từ chối tiết lộ số người thiệt mạng trong vụ thảm sát hoặc tên của họ, đồng thời đàn áp mạnh mẽ thông tin về vụ việc.

Một học viên Pháp Luân Công đã bị cảnh sát mặc thường phục của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) hành hung tại Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh, vào ngày 31/12/2000 (Minghui.org)
Một học viên Pháp Luân Công đã bị cảnh sát mặc thường phục của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) hành hung tại Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh, vào ngày 31/12/2000 (Minghui.org)

ĐCSTQ đàn áp Pháp Luân Công

Một thập kỷ sau, chế độ ĐCSTQ quyết định thực hiện một cuộc đàn áp đẫm máu khác.

Vào ngày 20/7/1999, các nhà chức trách ĐCSTQ bắt đầu một chiến dịch rộng rãi nhắm vào khoảng 70 triệu đến 100 triệu học viên Pháp Luân Công, một pháp môn tu luyện tinh thần bao gồm các bài tập thiền và các bài giảng đạo đức xoay quanh các giá trị của Chân - Thiện - Nhẫn.

Theo Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp (Falun Dafa Information Center), một trang web chuyên cung cấp thông tin liên quan đến Pháp Luân Công, hàng triệu học viên đã bị đuổi việc, đuổi học, tống tù, tra tấn hoặc bị giết chỉ vì họ không chịu từ bỏ đức tin của mình.

Xem thêm: Vì sao ĐCSTQ muốn che giấu cuộc đàn áp Pháp Luân Công (P1): Pháp Luân Công là gì?

Vào năm 2019, một tòa án nhân dân độc lập ở London xác nhận rằng, chế độ ĐCSTQ đã tiến hành cưỡng bức thu hoạch nội tạng “trên một quy mô đáng kể”, và các học viên Pháp Luân Công bị bỏ tù “có thể là nguồn cung chính” cho kế hoạch đẫm máu này.

Học viên Pháp Luân Công He Lifang 45 tuổi đến từ Thanh Đảo, một thành phố thuộc tỉnh Sơn Đông, đã chết sau khi bị giam 2 tháng. Người thân của ông cho biết trên cơ thể ông có những vết rạch trên ngực và lưng. Khuôn mặt của ông ấy trông như thể ông đang đau đớn, và có những vết thương trên khắp cơ thể, theo Minghui.org, một trang web phục vụ như một kho thông tin về cuộc bức hại Pháp Luân Công.

Một cơ sở được cho là trại cải tạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), nơi giam giữ hầu hết người dân tộc thiểu số Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ bị giam giữ, ở Artux, phía bắc Kashgar, Tân Cương, Trung Quốc, vào ngày 2/6/2019. (Nguồn ảnh: Greg Baker / AFP / Getty Images)
Một cơ sở được cho là trại cải tạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), nơi giam giữ hầu hết người dân tộc thiểu số Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ bị giam giữ, ở Artux, phía bắc Kashgar, Tân Cương, Trung Quốc, vào ngày 2/6/2019. (Nguồn ảnh: Greg Baker / AFP / Getty Images)

ĐCSTQ đàn áp các nhóm tôn giáo và dân tộc thiểu số

Để duy trì sự cai trị của mình, chế độ ĐCSTQ đã chuyển một số lượng lớn người dân tộc Hán đến Tây Tạng, Tân Cương và Nội Mông, nơi các dân tộc sống với nền văn hóa và ngôn ngữ riêng của họ. Chế độ này buộc các trường học địa phương sử dụng tiếng phổ thông Trung Quốc làm ngôn ngữ chính thức.

Năm 2008, người dân Tây Tạng đã biểu tình để bày tỏ sự tức giận của họ trước sự kiểm soát của chế độ ĐCSTQ. Để đáp lại, chế độ độc tài này đã triển khai cảnh sát. Hàng trăm người Tây Tạng đã bị giết hại.

Kể từ năm 2009, hơn 150 người Tây Tạng đã tự thiêu, hy vọng cái chết của họ có thể ngăn chặn sự kiểm soát chặt chẽ của ĐCSTQ ở Tây Tạng.

Xem thêm: Diệt chủng Lạnh: Sự tàn bạo, dã man nhất mà con người từng biết đến do ĐCSTQ gây ra

Tại Tân Cương, chính quyền chế độ ĐCSTQ đã bị cáo buộc phạm tội diệt chủng đối với người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số khác, bao gồm cả việc giam giữ một triệu người trong các trại “cải tạo chính trị” bí mật.

Năm ngoái, chính quyền ở Bắc Kinh đã đặt ra một chính sách mới bắt buộc chỉ dạy tiếng phổ thông ở một số trường học ở Nội Mông. Khi phụ huynh và học sinh phản đối, họ bị đe dọa bắt giữ, giam giữ và mất việc làm.

Chế độ ĐCSTQ cũng sử dụng một hệ thống giám sát để giám sát các nhóm dân tộc thiểu số. Các camera giám sát được thiết lập trong các tu viện Tây Tạng và dữ liệu sinh trắc học được thu thập ở Tân Cương.

Theo Epoch Times tiếng Anh



BÀI CHỌN LỌC

100 năm ĐCSTQ: Một thế kỷ giết chóc và lừa dối