Xâm lược nước ngoài là bước tiếp theo của Trung Quốc?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tình hình kinh tế giảm sút và sự bất ổn gia tăng có thể đẩy các nhà lãnh đạo Trung Quốc tìm lối thoát cho sự khủng hoảng về tính hợp pháp của mình ở nước ngoài.

Lời bình

Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang trong khủng hoảng. Điều này có vẻ như phóng đại, nhưng lại là sự thực. Lãnh đạo ĐCSTQ đang phải đối mặt với những thách thức lớn nhất từ sau sự kiện ở Quảng trường Thiên An Môn năm 1989. Trên thực tế, sự nguy hiểm đối với tính hợp pháp của ĐCSTQ hiện nay thậm chí còn ở mức độ cao hơn bởi vì ĐCSTQ có thể dựa vào mức tăng trưởng xuất khẩu sang phương Tây và đầu tư trực tiếp từ đó. Hiện tại, những cơ hội này đã không còn nữa.

Cuộc chiến thương mại đang tiết lộ và làm gia tăng những bất hòa nghiêm trọng giữa người dân Trung Quốc và đảng cầm quyền. Những rạn nứt của sự bất mãn đã tồn tại rất lâu từ trước khi ông Trump đắc cử tổng thống Hoa Kỳ. nhưng khi những rạn nứt này trở nên rõ rệt hơn, sẽ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng cho ĐCSTQ

Sự bất mãn làm tổn thương lòng trung thành đối với ĐCSTQ

Những rạn nứt chắc chắn không chỉ biểu hiện ở Hồng Kông và Đài Loan mặc dù hai nơi này là yếu tố xác định. Cụ thể hơn, chính là mối bất hòa sâu sắc giữa phần lớn dân chúng và ĐCSTQ - mối đe dọa rõ ràng và hiện hữu đối với sự ổn định trong nước. Đây cũng không còn là điều bí mật tại Trung Quốc, tất cả mọi người đều đã biết.

ĐCSTQ chắc chắn hiểu rõ nhất về vị thế của mình trong lòng dân chúng. Trong bài phát biểu trước Quốc hội vào tháng 3 năm nay, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã thẳng thắn thừa nhận điều này một cách khác thường. Ông nói rằng: “Bất ổn định trong nước gia tăng rõ rệt và theo đó, những nguy hiểm từ bên ngoài cũng đang gia tăng.” Ông cũng nói rằng những vấn đề Trung Quốc đang phải đối mặt là “hiếm khi xảy ra”.

Như vậy, ĐSCTQ đang phải đối mặt với sự bất mãn ngày càng tăng trên nhiều phương diện, không chỉ riêng kinh tế, mặc dù kinh tế là lĩnh vực then chốt, bởi tăng trưởng kinh tế là yếu tố cốt lõi đem lại tính hợp pháp chính trị cho ĐCSTQ. Những bất mãn khác bao gồm tham nhũng nhà nước tràn lan, trộm cắp tài sản quốc gia, gian lận thương mại cấp nhà nước, tình trạng ô nhiễm không được kiểm soát, các dịch vụ xã hội như trợ cấp y tế và thất nghiệp kém chất lượng, và còn có nhiều phàn nàn khác nữa.

ĐCSTQ có nguy cơ sụp đổ
Sau 30 năm, những mâu thuẫn và rạn nứt bên trong nội bộ Trung Quốc đang có nguy cơ vỡ ra và lan rộng. Chưa bao giờ ĐCSTQ lại đứng trước một nguy cơ sụp đổ to lớn đến thế. (Ảnh: Getty).

Tuy nhiên những xử lý của ĐCSTQ đối với các vấn đề nan giải của xã hội có thể cũng sẽ tệ như thế, nếu không nói là xấu tệ hơn.

Giành giật quyền lực bằng mọi giá là ưu tiên hàng đầu của ĐCSTQ

Có thể vẫn có một số người tin rằng tăng trưởng kinh tế là ưu tiên hàng đầu của ĐCSTQ, nhưng trên thực tế lại không phải như vậy. Duy trì quyền lực mới là ưu tiên hàng đầu của ĐCSTQ, và ngăn chặn bất ổn định trong nước là then chốt. Trong nhiều thập kỷ, tăng trưởng kinh tế không ngừng đã từng là nỗ lực trọng yếu để duy trì quyền lực. Nhưng ĐCSTQ đã đặt dấu chấm hết cho nỗ lực này.

Nền kinh tế Trung Quốc, ít nhất là trong thời gian tới, vẫn tiếp tục suy giảm. Thực tế này chỉ làm trầm trọng thêm các vấn đề của Trung Quốc và làm suy giảm uy tín của ĐCSTQ. Điều này biện giải cho việc tăng cường kiểm soát của nhà nước thông qua “hệ thống tín nhiệm xã hội”, bao gồm tăng cường giám sát và quyền xử phạt.

Đó cũng có thể là lý do tại sao, sau 40 năm cai trị bằng sự thống nhất của tập thể, ĐCSTQ đã cho phép Tập Cận Bình đảm nhận vị trí lãnh đạo tối cao, vị trí mà trước đây được ông Mao Trạch Đông nắm giữ. Họ có thể đã nhìn thấy rằng một người có cá tính mạnh mẽ và có uy tín sẽ lôi cuốn được nhiều người trung thành hơn là một tập thể những người lãnh đạm, lớn tuổi, và hời hợt.

Nhưng động thái này cũng đi kèm với rủi ro nghiêm trọng. Hợp nhất quyền lực trong tay một người đương nhiên là một yếu tố gây bất ổn. Các kênh thông tin và các quá trình ra quyết định bị thu hẹp, sự hoang tưởng chính trị che mờ quan điểm và bản năng tự bảo tồn có thể khiến đám đông phải trả giá. Bài học lịch sử về sự nguy hiểm của chế độ cai trị độc quyền có không ít trong thời gian gần đây.

Hơn nữa, việc sử dụng những cách thức cũ để tạo ra “tăng trưởng kinh tế” bằng phát triển dư thừa càng không phải là biện pháp hiệu quả. Nó tiếp tục bóp méo giá cả và kích hoạt bong bóng mà không mang lại lợi ích cho nền kinh tế hiện tại. Việc xây dựng thêm nhiều con đường quá tốn kém và những thành phố ma sẽ không giúp phục hồi nền kinh tế của Trung Quốc.

Đàn áp sẽ làm giảm GDP và gia tăng bất ổn định

ĐCSTQ tuyên bố chỉ có Đảng mới có thể đem lại cho đất nước một tương lai tươi sáng, trong khi lại thừa nhận các vấn đề đang xấu đi là điều khó chấp nhận. Không còn nghi ngờ gì nữa, đó là nỗ lực để trấn an công chúng và duy trì sự ủng hộ của họ đối với ĐCSTQ. Nhưng, việc ra lệnh tăng cường kiểm soát đối với nền kinh tế và tăng cường đàn áp các biểu hiện chính trị và tôn giáo trước tình thế xấu đi sẽ không phải là biện pháp để tăng trưởng GDP.

ĐCSTQ bắt giữ các nhân sỹ dân chủ
Việc bắt giữ các tù nhân chính trị chỉ làm gia tăng thêm sự bất ổn. (Ảnh: Getty).

Thực tế là khi ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại với Hoa Kỳ trở nên sâu rộng đối với nền kinh tế, thì tình thế sẽ tiếp tục xấu đi. Sự độc tài của ĐCSTQ sẽ chỉ làm tăng bất ổn và gây bạo loạn. ĐCSTQ đang lâm vào tình trạng tuột dốc.

Ván bài ngoại xâm

Như đã lưu ý trong các bài viết trước đó, sáng kiến “Một vành đai, một con đường” (OBOR) là một phần trong nỗ lực mở rộng dấu ấn kinh tế, chính trị và văn hóa của Trung Quốc. Nhưng nó vẫn chưa cung cấp các nguồn lực và tăng trưởng kinh tế ở mức độ cần thiết để bù đắp cho những thách thức kinh tế hiện tại. Việc thao túng dữ liệu GDP cho tiêu dùng công cộng về căn bản cũng sẽ không đủ để làm thay đổi thực tế.

Khi tình thế trở nên tồi tệ hơn, Đảng chắc chắn sẽ lôi kéo chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc chống lại Hoa Kỳ - được gắn mác là một quốc gia bất chính và hay can thiệp vào việc của quốc gia khác. Đó là những gì làm cho Hồng Kông và Đài Loan trở thành công cụ tuyên truyền khá thuận tiện và mạnh mẽ. Ví dụ, hãy xem, thu nhập bình quân đầu người của Đài Loan gần gấp hai-lần-rưỡi thu nhập bình quân đầu người của Trung Quốc, trong khi chỉ số này của Hồng Kông gần gấp bốn lần. Thực tế đơn giản này là bằng chứng không thể phủ nhận rằng ĐCSTQ không có chỗ đứng ở Trung Quốc để mang lại sự thịnh vượng cho đất nước và con người nơi đây.

Nhưng thay vì phải thay đổi hệ thống chính trị và kinh tế để giải quyết thực tại nêu trên (đồng nghĩa với việc xóa bỏ chính mình), ĐCSTQ lại lựa chọn thay đổi tình hình thực tế. Cả Đài Loan và Hồng Kông đều là đồng minh của phương Tây, đặc biệt là Hoa Kỳ. Việc người Hồng Kông vẫy cờ Mỹ và kêu gọi Mỹ bảo vệ họ trước bất kỳ cuộc đàn áp nào của ĐCSTQ đã đem đến một sự tương phản hoàn hảo: sự quay trở lại của nguy cơ can thiệp nước ngoài vào Trung Quốc.

Tình hình Đài Loan, với liên minh chặt chẽ với Hoa Kỳ, thậm chí có thể là chất xúc tác cho sự can thiệp quân sự của Trung Quốc hơn là Hồng Kông. Chủ tịch Tập Cận Bình đã tuyên bố rõ ràng rằng sự tái hợp với “tỉnh tự trị” là một điều không thể tránh khỏi. Các chính sách quyết đoán của ông Trump có thể đã thúc đẩy các kế hoạch đó.

Kể từ năm 2016, Bắc Kinh đã cô lập Đài Loan một cách có hệ thống với hầu hết các đồng minh trong khu vực. Đây không chỉ là một thông điệp. Đây là nỗ lực của Trung Quốc nhằm thiết lập bàn cờ chính trị khu vực trước khi sử dụng biện pháp hành động chính trị, hoặc quân sự chống lại Đài Loan. Các cáo buộc công khai của ĐCSTQ chống lại Hoa Kỳ rằng Hoa Kỳ “can thiệp vào các vấn đề nội bộ của Trung Quốc”, rằng việc Hoa Kỳ bán vũ khí cho Đài Bắc “làm tổn hại chủ quyền của Trung Quốc” đã nhấn mạnh câu chuyện này.

Đồng thời, khi mọi thứ ở Trung Quốc trở nên tồi tệ hơn, sẽ dẫn đến bất ổn gia tăng và làm suy giảm sự nhẫn nại của dân chúng với ĐCSTQ. Chiều hướng này không những khiến cuộc khủng hoảng trong nội bộ Đảng trầm trọng hơn, mà còn có xu hướng khiến Trung Quốc chuyển sang chủ nghĩa quân phiệt dân tộc để dân chúng không tập trung chú ý vào tình hình xấu đi của Trung Quốc và tìm hiểu nguyên nhân của nó.

Thu Hà (biên dịch)
Theo Epoch Times
Tác giả: James Gorrie

James Gorrie là nhà văn và diễn giả ở Nam California. Ông là tác giả của cuốn sách “Cuộc khủng hoảng Trung Quốc.”

Các quan điểm thể hiện trong bài viết này là ý kiến ​​riêng của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.



BÀI CHỌN LỌC

Xâm lược nước ngoài là bước tiếp theo của Trung Quốc?