WHO không làm tốt trong đại dịch toàn cầu vì bị ĐCS Trung Quốc thao túng

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đang phải đối mặt với sự chỉ trích gay gắt về cách ứng phó với đại dịch viêm phổi Vũ Hán toàn cầu, và phần lớn vấn đề này là do WHO ngày càng chịu ảnh hưởng của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

Các ý kiến chỉ trích bao gồm:

  • WHO quá chậm trễ trong việc đưa ra khuyến cáo hạn chế đi lại và một số biện pháp phòng ngừa khác mặc dù tình hình đã ở mức báo động.
  • WHO tiếp nhận và xử lý thông tin từ Trung Quốc một cách hời hợt và mù quáng.

Trong khi các chuyên gia Trung Quốc “rung chuông” cảnh báo về việc ĐCSTQ che đậy sự bùng phát của virus, WHO vẫn tiếp tục ca ngợi phản ứng của Trung Quốc và không hề cảnh báo thế giới rằng dữ liệu ĐCSTQ cung cấp là đáng nghi ngờ.

WHO, một cơ quan của Liên Hợp Quốc, từ lâu đã chịu ảnh hưởng bởi các ưu đãi chính trị của Bắc Kinh. Người đứng đầu WHO là tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus, là cựu thành viên của một nhóm hoạt động chính trị theo tư tưởng cộng sản Mao Trạch Đông ở Ethiopia.

Trước đây, The Epoch Times đã từng báo cáo rằng trong nhiều năm qua, Trung Quốc đã và đang tăng cường quyền lực đối với các tổ chức của Liên Hợp Quốc. Giờ đây, Bắc Kinh đã tiến xa hơn, làm suy yếu chức năng cơ bản của WHO là cung cấp thông tin kịp thời và chính xác về tình hình sức khỏe của cộng đồng thế giới.

Mốc thời gian

The Epoch Times tuyên bố trong một bài xã luận ngày 18/3 rằng virus này cần được gọi là virus ĐCSTQ, bởi vì tên gọi này sẽ “buộc ĐCSTQ phải chịu trách nhiệm vì đã coi thường mạng sống nhân loại và từ đó gây ra đại dịch toàn cầu”.

Một cảnh trên không cho thấy phòng thí nghiệm P4 tại Viện Virus học Vũ Hán ở thành phố Vũ Hán, thủ phủ tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc vào ngày 17/4/2020. (Ảnh của HECTOR RETAMAL / AFP qua Getty Images)
Một cảnh trên không cho thấy phòng thí nghiệm P4 tại Viện Virus học Vũ Hán ở thành phố Vũ Hán, thủ phủ tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc vào ngày 17/4/2020. (Ảnh của HECTOR RETAMAL / AFP qua Getty Images)

Virus Corona Vũ Hán đã khởi phát ở thành phố Vũ Hán thuộc miền Trung của Trung Quốc vào tháng 11/2019, sau đó lan rộng trong và ngoài Trung Quốc, tạo thành đại dịch toàn cầu.

Tính đến ngày 20/4/2020, toàn thế giới xác nhận có hơn 2,4 triệu ca nhiễm virus và hơn 165 ngàn ca tử vong vì virus này.

WHO cho biết, ngày 31/12/2019, họ nhận được thông báo về sự bùng phát của virus Corona Vũ Hán từ các nhà chức trách Trung Quốc. Mặc dù đây có thể là một cơ hội vàng để giảm thiểu đáng kể sự lây lan của virus trên toàn cầu, WHO đã không hề thông báo lại cho thế giới vào ngày hôm đó.

Vào thời điểm đó, chỉ có một quốc gia “biết lưu tâm và cẩn trọng” để hành động ứng phó theo đúng nghĩa - đó chính là quốc đảo Đài Loan.

Đến ngày 31/12/2019, quốc đảo ngoài khơi Trung Quốc này đã bắt đầu theo dõi khách du lịch nhập cảnh từ Vũ Hán. Trước đó, chính quyền Đài Loan cũng thông báo với WHO rằng, các bác sĩ Đài Loan nhận được thông tin từ các đồng nghiệp ở Đại lục rằng có một số nhân viên y tế ở Vũ Hán bị nhiễm virus corona mới bí ẩn này.

Đây là thông tin hết sức quan trọng vì nó chỉ ra rằng loại virus này có khả năng lây truyền từ người sang người. Tuy nhiên, các quan chức Đài Loan cho biết, WHO đã phớt lờ, không lưu tâm.

Bộ trưởng Bộ Y tế và Phúc lợi Đài Loan Chen Shih-chung trong một cuộc họp báo tại trụ sở của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) tại Đài Bắc vào ngày 11/3/2020. (Sam Yeh / AFP qua Getty Images)

Cũng không bất ngờ khi WHO bỏ mặc lời cảnh báo của Đài Loan. ĐCSTQ xem Đài Loan là một tỉnh cần hợp nhất của Trung Quốc và gây áp lực lên Liên Hợp Quốc để không công nhận chủ quyền của quốc đảo này.

Đài Loan đã bị WHO từ chối quyền trở thành thành viên. WHO còn cấm nhân viên sử dụng tài liệu hoặc thậm chí là thông tin từ các nguồn chính thức của Đài Loan mà không có sự cho phép đặc biệt trước đó, theo Bản ghi nhớ năm 2010 của WHO bị rò rỉ.

Bản ghi nhớ nêu: Sự cho phép như vậy sẽ liên quan đến “sự phối hợp của Phái đoàn [LHQ] Thường trực của Trung Quốc tại Geneva”.

Khi Đài Loan bắt đầu hành động ứng phó với virus Corona Vũ Hán thì tình hình ở Vũ Hán lúc đó đang leo thang.

Ngày 2/1/2020, The Epoch Times đã báo cáo về những nỗ lực của ĐCSTQ trong việc ngăn chặn thông tin về sự bùng phát của dịch bệnh và về mức độ lo lắng cao độ của dân chúng trên khắp thành phố Vũ Hán.

Ủy ban Y tế Vũ Hán ra chỉ thị cấm các cơ sở y tế trong thành phố “không được công khai thông tin y tế khi không được phép”. Các đàm luận trực tuyến về dịch bệnh nhanh chóng bị kiểm duyệt. Ngày 1/1/2020, cảnh sát Vũ Hán cho biết họ đã bắt giữ 8 người dân địa phương vì đã lan truyền “tin đồn” về sự bùng phát của dịch bệnh.

Trên thực tế, trong số những người “thổi còi” cảnh báo về dịch bệnh và bị chính quyền đàn áp này có hai bác sĩ đã cố gắng thông tin cho các đồng nghiệp về loại virus mới này.

Người dân địa phương đã hoảng loạn và mua sạch khẩu trang phẫu thuật và thuốc phòng ngừa Trung y từ các nhà thuốc ở Vũ Hán. Ông Tang Jingyuan, một chuyên gia về Trung Quốc và là bác sĩ đã cảnh báo rằng sự che đậy của chính phủ có thể khiến sự lây lan của virus trở nên trầm trọng hơn.

Trong thời gian này, WHO vẫn “im hơi lặng tiếng”.

Ngày 3/1/2020, WHO nhận được thông báo từ chính quyền Trung Quốc về 44 ca nhiễm, trong đó có 11 ca bệnh nặng. Đó có lẽ chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”.

Ngày 5/1/2020, The Epoch Times đưa tin, trích dẫn từ nhiều nguồn chuyên gia, rằng ĐCSTQ có thể đã và đang che đậy thông tin về virus, gây bất lợi cho việc kiểm soát ổ dịch.

Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus (ở giữa) phát biểu trong cuộc họp báo về tình hình virus Corona Vũ Hán ngày 30/1/2020 tại Geneva (Ảnh: FABRICE COFFRINI/AFP via Getty Images)
Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus (ở giữa) phát biểu trong cuộc họp báo về tình hình virus Corona Vũ Hán ngày 30/1/2020 tại Geneva (Ảnh: FABRICE COFFRINI/AFP via Getty Images)

Đó là ngày đầu tiên WHO đưa ra lời bình luận về sự bùng phát của dịch bệnh virus Corona Vũ Hán, tuyên bố rằng WHO đã biết về sự bùng phát của “bệnh viêm phổi không rõ nguyên nhân” ở Vũ Hán 5 ngày trước đây; và “khuyến cáo mọi người nên thận trọng”. Tuy nhiên, WHO không hề đưa ra khuyến nghị cụ thể nào đối với khách du lịch.

Thay vào đó, WHO đã khuyến cáo điều ngược lại khi nói rằng:

“Trên cơ sở các thông tin hiện có về dịch bệnh, WHO khuyến cáo không áp dụng bất kì hạn chế đi lại hoặc hạn chế thương mại nào đối với Trung Quốc”.

Sau đó 5 ngày, WHO lại lên tiếng về dịch bệnh.

“Từ các thông tin hiện có, sự điều tra sơ bộ cho thấy rằng không có sự lây truyền đáng kể từ người sang người, không xảy ra sự lây nhiễm giữa các nhân viên y tế”, tuyên bố của WHO trái ngược với thông tin được Đài Loan cung cấp.

WHO nói: “WHO không khuyến nghị bất kỳ biện pháp y tế cụ thể nào đối với khách du lịch”. WHO chỉ đưa ra một số thông tin chung về cách đối phó với việc nhiễm virus.

Ngày 12/1/2020, WHO điều chỉnh lại ngôn ngữ và cho biết “không có bằng chứng rõ ràng về việc lây truyền từ người sang người”.

Sau đó 2 ngày, WHO công bố: “Các cuộc điều tra sơ bộ do chính quyền Trung Quốc thực hiện đã không tìm thấy bằng chứng rõ ràng về sự lây truyền từ người sang người”. WHO đã không thể hiện một chút nghi ngờ đối với các tuyên bố chính thức của ĐCSTQ.

Vào thời điểm này, Đài Loan cử một nhóm chuyên gia đến Vũ Hán để tìm hiểu tình hình thực tế.

“Họ [ĐCSTQ] đã không cho chúng tôi thấy những gì họ không muốn, nhưng các chuyên gia của chúng tôi cảm thấy tình hình không mấy lạc quan”, phát ngôn viên của chính phủ Đài Loan Kolas Yotaka cho NBC News biết.

Ngay sau khi đoàn chuyên gia trở về, Đài Loan bắt đầu yêu cầu các bệnh viện tiến hành xét nghiệm và báo cáo kết quả.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn gần đây với phóng viên Jan Jekielek của The Epoch Times, Tiến sĩ William Stanton, phó chủ tịch Đại học Quốc gia Yang-Ming Đài Loan và là cựu đại sứ Hoa Kỳ tại Trung Quốc nói: “Trong trường hợp cụ thể này, họ [Đài Loan] không lắng nghe WHO mà tự tìm biện pháp để lo cho người dân của họ. Tôi thấy điều này thực sự có ý nghĩa”.

Điều mà WHO làm chỉ là cử đoàn chuyên gia đến Vũ Hán để “nghiên cứu thực địa” vào ngày 20/1/2020.

Ngày 17/1/2020, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) đã tiến hành sàng lọc khách du lịch nhập cảnh từ Vũ Hán tại 3 sân bay lớn của Hoa Kỳ là JFK, Los Angeles International và San Francisco International, những nơi có lưu lượng khách du lịch cao nhất đến từ ​​tâm dịch. Những tuần tiếp theo, nhiều sân bay khác của Hoa Kỳ cũng bắt đầu làm như vậy.

Ngày 20/1/2020, Trung Quốc xác nhận virus có thể lây truyền từ người sang người.

Ngày 23/1/2020, ĐCSTQ đóng cửa Vũ Hán. Cũng vào ngày này, WHO tuyên bố “tình trạng khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu” mặc dù WHO nói rằng trong nội bộ chưa hoàn toàn thống nhất với tuyên bố này.

Sau lệnh phong tỏa, thành phố Vũ Hán - tâm chấn của đại dịch Corona trở thành một thành phố ma đúng theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Thành phố vắng lặng không một bóng người bởi lệnh phong tỏa cũng như nỗi ám ảnh về số người chết ngày càng gia tăng.
Sau lệnh phong tỏa, thành phố Vũ Hán - tâm chấn của đại dịch Corona trở thành một thành phố ma đúng theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Thành phố vắng lặng không một bóng người bởi lệnh phong tỏa cũng như nỗi ám ảnh về số người chết ngày càng gia tăng. (Ảnh: Getty Images)

Đến lúc này, số ca nhiễm đã bắt đầu bùng phát khắp nơi trên thế giới, bao gồm cả Hoa Kỳ.

Ba ngày sau (26/1/2020), Đài Loan ban hành lệnh cấm các chuyến bay từ Vũ Hán và đưa chuyên cơ tới Vũ Hán để đón người Đài Loan về nước.

Ngày 28/1/2020, Tổng giám đốc WHO Tedros công du đến Trung Quốc và kêu gọi các quốc gia trên thế giới “giữ bình tĩnh, không phản ứng thái quá.” Ông ta còn bày tỏ sự tin tưởng vào khả năng kiểm soát dịch bệnh của ĐCSTQ, theo truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin.

Ngày 3/2/2020, ba ngày sau khi Tổng thống Trump ban hành lệnh cấm nhập cảnh vào Hoa Kỳ đối với người nước ngoài mà gần đây du lịch đến Trung Quốc, ông Tedros đã lên tiếng phản đối các lệnh cấm du lịch, với lý do biện pháp này “có thể can thiệp vào việc đi lại và buôn bán một cách không cần thiết”.

Trong một tweet ngày 20/3/2020, Tedros lặp đi lặp lại tuyên truyền của ĐCSTQ, rằng “lần đầu tiên Trung Quốc báo cáo không có trường hợp nhiễm COVID-19 nào trong nước của ngày hôm trước”. Trong khi đó, tất cả các tin tức từ các chuyên gia Trung Quốc đều khẳng định rằng số liệu ĐCSTQ báo cáo là giả mạo, Tedros lại gọi đó là “một thành tích đáng kinh ngạc, điều đó khiến chúng tôi yên tâm rằng #coronavirus có thể bị đánh bại”.

Theo các mô hình thống kê, tài khoản nhân chứng và tài liệu cung cấp cho The Epoch Times, chính quyền Trung Quốc đã che giấu quy mô thực sự của dịch bệnh ở Vũ Hán và các khu vực khác của Trung Quốc.

Vậy mà, Tedros lại liên tục ca ngợi Trung Quốc về “sự minh bạch” trong quá trình ứng phó dịch bệnh - điều mà các chuyên gia và quan chức chính phủ trên thế giới đã nhấn mạnh là Trung Quốc hoàn toàn thiếu mất.

Quỹ tưởng niệm nạn nhân của chủ nghĩa cộng sản, một tổ chức phi lợi nhuận được thành lập vào những năm 1990 bởi chính phủ Hoa Kỳ, đã xuất bản vào ngày 10/4/2020 một dòng thời gian chi tiết về sự che giấu của ĐCSTQ về sự bùng phát của virus Corona Vũ Hán, và sự thiếu trách nhiệm của WHO. Tổ chức này cũng tuyên bố sẽ bổ sung các trường hợp tử vong do virus ĐCSTQ trên toàn cầu vào số người chết bởi ĐCSTQ trong lịch sử.

Marion Smith, giám đốc của tổ chức này nói trong một tuyên bố báo chí rằng “WHO đã bỏ mặc trách nhiệm của mình đối với toàn bộ thế giới để làm tay sai cho ĐCSTQ”.

Cá nhân người lãnh đạo WHO chịu ảnh hưởng của ĐCSTQ

Kể từ đầu tháng 12/2019, WHO và lãnh đạo tổ chức này đã có thái độ quá nhu nhược đối với Trung Quốc.
Kể từ đầu tháng 12/2019, WHO và lãnh đạo tổ chức này đã có thái độ quá nhu nhược đối với Trung Quốc. (Ảnh: Getty Images)

Trong khi một phần ảnh hưởng của ĐCSTQ đối với WHO đến từ Liên Hợp Quốc, phần kia đến từ chính Tedros.

Tedros là cựu thành viên Bộ Chính trị của Mặt trận Giải phóng Nhân dân Tigray, một nhóm theo tư tưởng Mao Trạch Đông, đã tiến hành một cuộc chiến tranh du kích trong những năm 1980 chống lại chế độ Mengistu do Liên Xô hậu thuẫn ở Ethiopia.

“Nước gần nhất có thể đề xuất [hệ tư tưởng Tigray] có lẽ là Bắc Triều Tiên ngày nay”, theo Trevor Loudon, một chuyên gia về các phong trào cộng sản và các nhóm mặt trận.

Đầu những năm 1990, khi Liên Xô sụp đổ, chế độ Mengistu mất đi nguồn tài trợ, liên minh của Tigray và các nhóm khác đã lật đổ chế độ này và cai trị đất nước Ethiopia cho đến năm 2019.

Ông Loudon nói, trong khi trên bề mặt, chính phủ chấp nhận cải cách thị trường và bầu cử dân chủ, về mặt hệ tư tưởng vẫn là xã hội chủ nghĩa, đặc biệt là trong chính sách đối ngoại.

“Họ vẫn giữ mối liên hệ với cộng sản nước ngoài”, ông nói trong một cuộc phỏng vấn điện thoại với The Epoch Times.

Tedros, một cựu Bộ trưởng Y tế và Bộ trưởng Ngoại giao của Ethiopia, đương nhiên là duy trì mối quan hệ chặt chẽ với ĐCSTQ, bám vào các dự án như Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường mà ĐCSTQ sử dụng để mở rộng ảnh hưởng địa chiến lược của mình.

Năm 2017, với sự vận động hành lang mạnh mẽ của ĐCSTQ, Tedros đã đắc cử vị trí cao nhất của WHO, vượt qua những cáo buộc rằng ông ta đã che đậy ba đợt dịch tả trong nhiệm kỳ làm Bộ trưởng y tế tại Ethiopia.

“Các nhà ngoại giao Trung Quốc đã vận động mạnh mẽ cho ứng cử viên người Ethiopia, sử dụng ngân sách tài chính và ngân sách viện trợ mờ ám của Bắc Kinh để xây dựng hành lang hỗ trợ cho ứng viên này trong các nước đang phát triển”, nhà chuyên mục Rebecca Myers đã viết vào thời điểm đó.

Tedros đã phủ nhận sự che đậy bệnh dịch tả, nói rằng đó chỉ là “bệnh tiêu chảy cấp tính”.

Ông ta đã thể hiện sự lão luyện để vượt qua các cáo buộc và lấy lòng phương Tây.

Khi một cố vấn của đối thủ tranh cử người Anh đề cập đến vấn đề che giấu dịch tả, Tedros ta đã nói ông ta có “tư duy thuộc địa cố hữu”.

Khi Đài Loan lên án Tedros vì đã bỏ qua thông tin của họ về virus Corona Vũ Hán, Tedros đã cáo buộc Đài Loan “kỳ thị chủng tộc”.

Tổng giám đốc WHO Tedros bất ngờ nhắc đến Đài Loan nhiều lần trong cuộc họp báo vào ngày 8/4. Hình ảnh Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn (đứng thứ 2 bên trái ), và Bộ trưởng Bộ Y tế và Phúc lợi Trần Thì Trung (đứng thứ 2 bên phải), và các đồng nghiệp. (Chen Baizhou / Epoch Times)
Tổng giám đốc WHO Tedros bất ngờ nhắc đến Đài Loan nhiều lần trong cuộc họp báo vào ngày 8/4. Hình ảnh Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn (đứng thứ 2 bên trái ), và Bộ trưởng Bộ Y tế và Phúc lợi Trần Thì Trung (đứng thứ 2 bên phải), và các đồng nghiệp. (Chen Baizhou / Epoch Times)

Lời cáo buộc đó của Tedros không có tác dụng làm chệch hướng sự chỉ trích khi một bản kiến ​​nghị kêu gọi ông ta từ chức đã thu được gần một triệu chữ ký.

Đồng thời, chính quyền Tổng thống Trump đang xem xét cắt nguồn tài trợ cho WHO. Hoa Kỳ cho đến nay là nhà tài trợ lớn nhất của WHO, với khoản tài trợ thường xuyên hàng năm lên đến hơn 110 triệu USD và hàng trăm triệu USD đóng góp tự nguyện.

Theo quan điểm của ông Stanton, WHO, theo kiểu vận hành hiện tại, không nên được tiếp tục trợ cấp.

Ông nói: “Tôi nghĩ rằng chúng ta phải có biện pháp xử lý cứng rắn hơn đối với WHO về vấn đề virus Corona Vũ Hán. Bởi vì, tôi thấy rằng WHO rõ ràng đã trở thành một cơ quan ngôn luận của chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa”.

Nguyên Hương

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

WHO không làm tốt trong đại dịch toàn cầu vì bị ĐCS Trung Quốc thao túng