WHO cảnh báo dịch corona sẽ bùng phát mạnh vào cuối năm nay

Giúp NTDVN sửa lỗi

WHO nói dịch bệnh thường diễn biến thành từng đợt lây nhiễm khác nhau và dịch corona có thể bùng phát mạnh trở lại vào cuối năm nay.

Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 25/5, Giám đốc điều hành chương trình khẩn cấp của WHO Mike Ryan cho biết thế giới vẫn đang ở làn sóng lây nhiễm thứ nhất của dịch corona. Trong khi số ca mắc bệnh tại nhiều quốc gia đã giảm thì số ca lại bắt đầu tăng nhanh ở Nam Mỹ, Nam Á, châu Phi.

Ông Ryan nhấn mạnh, dịch bệnh thường diễn biến thành từng đợt lây nhiễm khác nhau, điều đó có nghĩa là Covid-19 có thể bùng phát mạnh trở lại vào cuối năm nay. Số ca mắc bệnh có thể tăng nhanh hơn nếu các nước dỡ bỏ quá sớm các biện pháp ngăn dịch, theo Reuters.

"Dịch có thể tái bùng phát bất cứ lúc nào. Chúng ta không nên nghĩ rằng dịch bệnh đang trên đà giảm thì sẽ tiếp tục giảm... Chúng ta có thể phải đối mặt với đỉnh dịch thứ hai ngay của làn sóng lây nhiễm đầu tiên", ông Ryan nói.

Giám đốc điều hành chương trình khẩn cấp của WHO Michael Ryan nói trong cuộc họp báo hôm 11/3/2020. (Ảnh: FABRICE COFFRINI/AFP via Getty Images)
Giám đốc điều hành chương trình khẩn cấp của WHO Michael Ryan nói trong cuộc họp báo hôm 11/3/2020. (Ảnh: FABRICE COFFRINI/AFP via Getty Images)

Giới chức WHO cũng bày tỏ quan ngại về tình hình tại châu Phi.

"Điều tôi lo ngại nhất ở châu Phi là tình trạng thiếu năng lực xét nghiệm và dịch âm thầm bùng phát. Vì vậy chúng tôi tiếp tục hối thúc các lãnh đạo khu vực này ưu tiên nâng cao năng lực xét nghiệm", Đặc phái viên WHO Samba Sow cho biết.

Dịch Covid-19 khởi phát từ Vũ Hán, Trung Quốc cuối năm ngoái và hiện lan ra hầu khắp thế giới. Đại dịch này đến nay đã khiến hơn 5,5 triệu người mắc bệnh, gần 350.000 người tử vong.

Tình hình dịch corona trên thế giới

Nam Mỹ

Trong 24 giờ qua, Brazil ghi nhận thêm 11.280 ca nhiễm và 757 ca tử vong, nâng ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 374.898 và 23.473. Brazil tiếp tục là vùng dịch thứ hai thế giới, sau Mỹ.

Peru là vùng dịch lớn thứ hai tại Mỹ Latinh, sau Brazil, với 123.979 ca nhiễm và 3.629 ca tử vong, tăng lần lượt 4.020 và 173 trường hợp. Hệ thống y tế của Peru trên bờ vực sụp đổ với các bệnh viện công phải đối mặt tình trạng thiếu thiết bị nghiêm trọng.

Chile và Mexico là hai vùng dịch lớn tiếp theo ở Nam Mỹ. Chile ghi nhận 73.997 ca nhiễm và 761 ca tử vong, trong khi Mexico ghi nhận 68.620 ca nhiễm và 7.394 ca tử vong.

Nạn nhân dịch Covid-19 tại nghĩa trang Parque Taruma ngày 19/5/2020 ở Manaus, Brazil. (Ảnh: Andre Coelho/Getty Images)
Nạn nhân dịch Covid-19 tại nghĩa trang Parque Taruma ngày 19/5/2020 ở Manaus, Brazil. (Ảnh: Andre Coelho/Getty Images)

Châu Âu

Trong khi đó, ca nhiễm và tử vong do virus corona tại Nga là 353.427 và 3.633, tăng lần lượt 8.946 và 92 trong 24 giờ qua.

Tình hình dịch bệnh tại châu Âu có nhiều cải thiện khi phần lớn các nước đã qua đỉnh dịch. Tây Ban Nha điều chỉnh lại số liệu, cho biết 26.834 người đã chết do Covid-19, thấp hơn gần 2.000 so với một ngày trước đó. Số ca nhiễm cũng được điều chỉnh còn 235.400, thấp hơn gần 400 ca so với ngày 24/5.

Anh ghi nhận 261.184 ca nhiễm và 36.914 ca tử vong, tăng lần lượt 1.625 và 121. Giới chức Anh thông báo kể từ 8/6 sẽ cách ly những người nhập cảnh vào nước này trong hai tuần.

Italy ghi nhận thêm 300 ca nhiễm và 92 ca tử vong, nâng ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 230.158 và 32.877. Chính phủ Italy dự kiến cho phép tự do đi lại từ ngày 3/6, mở cửa trở lại toàn bộ sân bay, biên giới với các nước láng giềng và gỡ quy định cách ly bắt buộc đối với người nhập cảnh.

Ca nhiễm và tử vong do virus corona tại Pháp hiện là 182.942 và 28.432, tăng lần lượt 358 và 65, cao gấp đôi so với một ngày trước đó.

Đức ghi nhận thêm 461 ca nhiễm và 57 ca tử vong vì nCoV, nâng số người nhiễm và chết do đại dịch ở quốc gia này lên 180.789 và 8.428. 16 bang của Đức từng bước dỡ lệnh hạn chế ở các mức độ khác nhau từ 20/4. Đức nới lỏng kiểm soát biên giới với một số nước láng giềng hôm 16/5 và đặt mục tiêu khôi phục tự do đi lại ở châu Âu từ giữa tháng 6.

Đông Nam Á

Singapore vẫn là vùng dịch lớn nhất khu vực với 31.960 ca nhiễm, tăng 334, trong đó 23 người chết. Ca nhiễm ở Singapore chủ yếu là lao động nhập cư sống trong các ký túc xá. Singapore sẽ cho phép hành khách quá cảnh ở sân bay Changi kể từ 2/6.

Indonesia xếp thứ hai với 22.750 ca nhiễm và 1.391 người chết, tăng lần lượt 479 và 19.

Việt Nam, Lào, Campuchia và Đông Timor là các nước trong khu vực chưa ghi nhận ca tử vong do virus corona.

Thống kê chi tiết có tại đây: https://www.ntdvn.net/corona/thong-ke

Xem thêm:



BÀI CHỌN LỌC

WHO cảnh báo dịch corona sẽ bùng phát mạnh vào cuối năm nay