Washington Đêm ấy: Tưởng nhớ người đã khuất, giữ mãi một đức tin

Giúp NTDVN sửa lỗi

Vào ngày 17/7 vừa qua, các học viên Pháp Luân Công đã tập trung ngay bên ngoài Đại sứ quán Trung Quốc ở Mỹ để tưởng nhớ những người đã chết trong cuộc đàn áp tại Trung Quốc, và để kỷ niệm chặng đường giữ vững đức tin trước những nỗ lực tàn bạo của chính quyền ĐCSTQ. Sự kiện này đánh dấu kỷ niệm ngày 20/7/1999 - ngày bắt đầu cuộc đàn áp Pháp Luân Công tại Trung Quốc.

Trong một bãi đậu xe ngay bên ngoài lối vào Đại sứ quán, các học viên lắng nghe các chia sẻ từ các cá nhân đã bị bức hại ở Trung Quốc. Sau đó, khi ánh nắng mùa hè nhạt dần, họ tổ chức một buổi cầu nguyện dưới ánh nến. Ngồi thành hàng dài, mỗi người cầm trên tay 2 cây nến, trước ngực là tấm hình của một người học viên quá cố. Trên sân khấu tràn ngập ánh sáng, mọi người cùng diễn tấu những bản nhạc trang trọng do các học viên sáng tác.

Một trong những người phát biểu là bà Wang Chunying. Bà nhớ lại, khi ấy nhiệt độ ngoài trời của thành phố Thẩm Dương ở phía bắc Trung Quốc chỉ cao hơn -17,8 độ C một chút; còn phòng giam của bà cũng chẳng ấm hơn bao nhiêu, vậy mà cả thân người bà lại ướt đẫm mồ hôi.

Học viên Pháp Luân Đại Pháp (Pháp Luân Công) Wang Chunying tham gia buổi cầu nguyện dưới ánh nến bên ngoài Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington vào ngày 17/7/2020. (Lisa Fan / The Epoch Times)
Học viên Pháp Luân Đại Pháp (Pháp Luân Công) Wang Chunying tham gia buổi cầu nguyện dưới ánh nến bên ngoài Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington vào ngày 17/7/2020. (Lisa Fan / The Epoch Times)

Phòng giam của bà có 2 chiếc giường sắt. Một tay bà bị còng vào thanh trên của một chiếc giường, và tay kia bị còng vào thành dưới của chiếc giường còn lại. Sau khi còng tay bà xong, lính canh sẽ đá vào 2 chiếc giường để tách chúng càng xa nhau càng tốt.

Thân thể bị kéo căng đến giới hạn, bà cảm tưởng “cơ thể mình như bị xé toạc”. Bà không thể đứng hay quỳ xuống để bớt mỏi. Chiếc còng sắt liên tục cứa vào cổ tay khiến tay bà sưng lên. Thỉnh thoảng một người giám ngục sẽ cố ý lắc cái còng tay để khiến cơn đau càng hành hạ bà nhiều hơn.

Sau 16 giờ, lính canh thả bà ra. Có lần bà bị còng tay như vậy trong 5 ngày 5 đêm liền.

Các lính canh muốn “cải tạo” bà Chunying, để buộc bà ký vào một lá thư hứa sẽ không tập Pháp Luân Công (Pháp Luân Đại Pháp).

Mỗi tháng họ sẽ đến yêu cầu bà ký vào bức thư; mỗi tháng họ sẽ hành hạ bà; và mỗi tháng bà đều từ chối.

Vụ ngược đãi này diễn ra tại Trại cải tạo Mã Tam Gia (Masanjia). Danh tiếng của trại cải tạo này đều được các học viên Pháp Luân Công biết đến vì sự tàn ác ở đó. Bà Chungying bị giam ở đó tổng cộng 5 năm 3 tháng.

Bà Wang Chungying là một trong số 3 người chị em cùng tập luyện Pháp Luân Công và đều phải chịu đựng sự đàn áp của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

Học viên Pháp Luân Đại Pháp (Pháp Luân Công) Wang Chunrong tham gia buổi thắp nến cầu nguyện bên ngoài Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington vào ngày 17/7/2020. (Lisa Fan / The Epoch Times)
Học viên Pháp Luân Đại Pháp (Pháp Luân Công) Wang Chunrong tham gia buổi thắp nến cầu nguyện bên ngoài Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington vào ngày 17/7/2020. (Lisa Fan / The Epoch Times)

Mỗi người trong 3 chị em bà đều thành đạt. Bà Chunying là một y tá trưởng tại Bệnh viện Trung ương Đại Liên. Bà Wang Chunrong là chủ tịch công ty Kế Toán công Xincheng Đại Liên và là kế toán viên cấp cao với 40 năm kinh nghiệm. Bà Wang Chunyan điều hành một doanh nghiệp xuất nhập khẩu thịnh vượng ở Đại Liên. Cả 3 chị em đã ngồi tù hơn 16 năm vì đức tin vào Pháp Luân Đại Pháp.

Bà Chunrong là nhân vật chủ chốt trong một công ty kế toán có tiếng tăm. Vì đức tin vào nguyên lý Chân - Thiện - Nhẫn của Pháp Luân Công, bà luôn duy trì việc kinh doanh của công ty một cách trung thực.

Sau khi bà bị bắt, công việc kinh doanh của công ty trở nên nhốn nháo và 70 người mất việc.

Chồng bà Chunyan đã bị cảnh sát bức hại vì tập luyện Pháp Luân Công và đã qua đời vào ngày 3/1/2002, sau khi được tìm thấy ở nhà trong tình trạng bất tỉnh do van khí gas mở. Cả gia đình đều nghi ngờ về nguyên nhân thật sự khiến ông tử vong, bởi khi được tìm thấy ông có một vết thương trên đầu.

Mười ngày sau đó, bà Chunyan bị bắt. Một luật sư cho biết bà có thể được thả ra nếu bà từ bỏ việc tập luyện Pháp Luân Công, nhưng bà đã từ chối nên đã bị bắt giam và tịch thu các thiết bị kinh doanh. Sau hai lần bị bắt giữ và phải ngồi tù tổng cộng 7 năm, công ty của bà buộc phải đóng cửa.

Học viên Pháp Luân Đại Pháp (Pháp Luân Công) Wang Chunyan tham gia buổi cầu nguyện dưới ánh nến bên ngoài Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington vào ngày 17 tháng 7 năm 2020. (Lisa Fan / The Epoch Times)
Học viên Pháp Luân Đại Pháp (Pháp Luân Công) Wang Chunyan tham gia buổi cầu nguyện dưới ánh nến bên ngoài Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington vào ngày 17 tháng 7 năm 2020. (Lisa Fan / The Epoch Times)

21 năm học viên Pháp Luân Công bị bức hại

Số phận của 3 chị em nhà Wang chỉ là một trong rất nhiều ví dụ về thảm họa quốc gia mà ĐCSTQ mang đến cho người dân Trung Quốc.

Pháp Luân Công (còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp) là môn tu luyện Phật gia thượng thừa, do ông Lý Hồng Chí, Sư phụ của pháp môn sáng lập. Pháp môn này được ông Lý Hồng Chí truyền ra công chúng vào tháng 5/1992 tại thành phố Trường Xuân, thuộc miền bắc Trung Quốc

Pháp Luân Công bao gồm 5 bài tập công pháp thuần tịnh, bốn động và một tĩnh, với yêu cầu về tu luyện tâm tính dựa trên các nguyên lý Chân - Thiện - Nhẫn.

Môn tu luyện này nhanh chóng hồng truyền và phổ biến đến tất cả các vùng miền của Trung Quốc thông qua lời truyền miệng, tất cả các tầng lớp và ngành nghề đều có thể tập luyện. Những người luyện tập Pháp Luân Công đều có những trải nghiệm cải thiện cả về sức khỏe và đạo đức, các mối quan hệ với gia đình và đồng nghiệp trở nên tốt đẹp, ít căng thẳng hơn. Theo báo cáo của nhà nước Trung Quốc năm 1999, có khoảng 100 triệu người ở Trung Quốc tập luyện Pháp Luân Công, tức là trong 13 người sẽ có 1 người là học viên của Pháp Luân Đại Pháp.

Giang Trạch Dân - người đứng đầu ĐCSTQ thời bấy giờ, chính là người đặt nền móng cho cuộc đàn áp bắt đầu vài tháng sau đó, với một lá thư gửi cho Bộ Chính trị - tổ chức cao nhất của ĐCSTQ vào tối ngày 25/4/1999.

Buổi diễu hành của các học viên Pháp Luân Đại Pháp ở Flushing, New York, vào ngày 25/4/2015. (Benjamin Chasteen / The Epoch Times)
Buổi diễu hành của các học viên Pháp Luân Đại Pháp ở Flushing, New York, vào ngày 25/4/2015. (Benjamin Chasteen / The Epoch Times)

Ông Giang mang mối lo ngại rằng Pháp Luân Công là “một loại hình tổ chức quốc gia, với nhiều học viên vốn là Đảng viên, gồm các quan chức, học giả, quân nhân, cũng như công nhân và nông dân”.

Nỗi lo sợ của ông ta bắt nguồn từ việc coi các giáo lý đạo đức truyền thống của Pháp Luân Công là mối đe dọa đối với tính hợp pháp của hệ tư tưởng của ĐCSTQ, vốn dựa trên chủ nghĩa vô thần, chủ nghĩa duy vật và triết học đấu tranh.

Ông Giang đã viết: “Không lẽ nào chủ nghĩa Mác, chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa vô thần mà các đảng viên Đảng Cộng sản [Trung Quốc] chúng ta duy trì không thể chiến thắng trong trận chiến với những gì Pháp Luân Công khuyến khích?”

Bức thư tiếp tục: “Đây là điều hoàn toàn vô lý!”

Vào ngày 20/7, Giang Trạch Dân đã trút toàn bộ sức nặng của quyền lực Nhà nước lên đầu của các học viên Pháp Luân Công. Có nguồn tin cho biết ông ta đã ra lệnh "bôi nhọ thanh danh, vắt kiệt tài chính và hủy hoại thân thể [của các học viên Pháp Luân Công]”.

Có người nói, họ Giang thật sự tin rằng ông ta có thể xóa sổ pháp môn tu luyện Pháp Luân Công trong vỏn vẹn 3 tháng, và dựa trên kinh nghiệm mà ĐCSTQ đã có trong việc đàn áp các nhóm khác, kỳ vọng này không phải là không thực tế.

ĐCSTQ đã làm mọi điều tồi tệ nhất có thể. Kênh thông tin chính thống về Pháp Luân Công là trang web en.Minghui.org, đóng vai trò là cơ quan thu thập và công khai thông tin về cuộc bức hại, xác nhận đã có 4.363 học viên bị tra tấn, ngược đãi và đã qua đời. Do khó khăn trong việc đưa thông tin ra khỏi Trung Quốc, con số thực tế về cuộc đàn áp này chắc chắn cao hơn gấp nhiều lần.

Ngoài ra, còn có một số lượng những học viên đã bị bức tử vì là nạn nhân của chiến dịch cưỡng bức mổ cướp nội tạng sống. Một số nhà nghiên cứu đã phân loại hành động này là một cuộc “diệt chủng máu lạnh”. Cho đến nay vẫn chưa thể xác định chính xác số nạn nhân bị bức hại theo hình thức này.

Tuy nhiên, 21 năm sau khi cuộc đàn áp bắt đầu, tổ chức Freedom House ước tính có tới 20 triệu người vẫn đang tập luyện Pháp Luân Công tại Trung Quốc, và trang web chính thức của Pháp Luân Công là Falundafa.org cho thấy pháp môn tu luyện này đã lan rộng đến 91 quốc gia.

Thỉnh nguyện ôn hòa phản đối cuộc bức hại Pháp Luân Công

Bà Mindy Ge là một chuyên viên bảo hiểm, đã tham gia hỗ trợ tổ chức sự kiện này. Trong bài phát biểu khai mạc, bà giải thích lý do tại sao cuộc đàn áp của Giang Trạch Dân đã thất bại trong việc loại bỏ Pháp Luân Công: “Trong 21 năm qua, các học viên Pháp Luân Đại Pháp ở Trung Quốc và trên thế giới đã phát động một phong trào ôn hòa chống lại cuộc đàn áp. Với các hành động hợp lý, trí tuệ và hòa ái, họ muốn làm rõ sự thật với thế giới, phơi bày cuộc bức hại và hồng truyền nguyên lý Chân - Thiện - Nhẫn [của Pháp Luân Công]".

Học viên Pháp Luân Đại Pháp (Pháp Luân Công) Mindy Ge phát biểu bên ngoài Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington vào ngày 17/7/2020. (Lynn Lin / Epoch Times)
Học viên Pháp Luân Đại Pháp (Pháp Luân Công) Mindy Ge phát biểu bên ngoài Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington vào ngày 17/7/2020. (Lynn Lin / Epoch Times)

Bà Ge giải thích rằng, trên thực tế, các học viên đã thay đổi tình hình ở Trung Quốc. Nhờ nỗ lực của các học viên, “những người có lòng trắc ẩn đã ngày càng nhận thức rõ hơn về bản chất xấu xa của ĐCSTQ và đã thoát ra khỏi gông xiềng [của chính quyền này]”. Hơn 360 triệu người đã thoái xuất khỏi mối liên hệ với ĐCSTQ hoặc các tổ chức đoàn đội liên đới.

Theo ý kiến ​​các học viên tập trung bên ngoài Đại sứ quán thường chia sẻ, bà Ge tin rằng ĐCSTQ và cuộc đàn áp Pháp Luân Công sẽ sớm chấm dứt.

Sau buổi thắp nến cầu nguyện, ông Erik Meltzer, một chuyên gia về công nghệ thông tin (IT), đã phát biểu về tầm quan trọng của ngày 20/7: “Ngày 20/7 là ngày thay đổi Trung Quốc mãi mãi. Kể từ khi ĐCSTQ cai trị Trung Quốc vào năm 1949, đã có rất nhiều chiến dịch tàn bạo và rất nhiều sinh mạng vô tội bị mất, nhưng chưa bao giờ chúng ta thấy một cuộc đàn áp tàn bạo như vậy, không chỉ là những sinh mệnh bị tước đoạt, mà như thể là linh hồn của Trung Quốc đang bị nghiền nát”.

Học viên Pháp Luân Đại Pháp (Pháp Luân Công) Erik Meltzer tham gia buổi cầu nguyện dưới ánh nến bên ngoài Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington vào ngày 17/7/2020. (Lynn Lin / Epoch Times)
Học viên Pháp Luân Đại Pháp (Pháp Luân Công) Erik Meltzer tham gia buổi cầu nguyện dưới ánh nến bên ngoài Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington vào ngày 17/7/2020. (Lynn Lin / Epoch Times)

Tuy nhiên, ông Meltzer nhìn nhận phản ứng của các học viên Pháp Luân Công đang mang lại hy vọng cho đất nước Trung Quốc. “Tôi hy vọng ngày [20/7] sẽ là ngày mà người dân ở Trung Quốc có thể nói rằng ‘tôi sẽ không tin vào những lời dối trá mà ĐCSTQ đã nói với tôi’... và ‘[Tôi sẽ] đứng về phía chính nghĩa để [tôi] không phải hối tiếc khi mọi thứ thay đổi ở Trung Quốc’”.

Học viên Pháp Luân Đại Pháp (Pháp Luân Công) Bjorn Neumann bên ngoài Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington vào ngày 17/7/2020. (Lynn Lin / Epoch Times)
Học viên Pháp Luân Đại Pháp (Pháp Luân Công) Bjorn Neumann bên ngoài Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington vào ngày 17/7/2020. (Lynn Lin / Epoch Times)

Treo biểu ngữ của Pháp Luân Công

Khi được hỏi về ý nghĩa của ngày 20/7, bà Chunying đã mỉm cười và chọn kể một câu chuyện về cách bà treo một tấm biểu ngữ trong nhà tù Mã Tam Gia.

Khi đó, bản án của bà tại Mã Tam Gia sắp kết thúc, và trước khi rời khỏi nơi địa ngục đó, bà muốn nói với mọi người rằng Pháp Luân Công rất tốt. Bà đã nghĩ ra một kế hoạch.

Các tù nhân không được phép có bất kỳ hành vi viết lách nào, nhưng Chunying đã luôn nói về Pháp Luân Công là gì và vì sao cuộc bức hại pháp môn này là hoàn toàn sai lầm (các học viên thường gọi hành động này là “giảng thanh chân tướng”). Bà đã giảng chân tướng cho một tù nhân không phải là học viên, và tù nhân này có giữ một cây bút lông. Người phụ nữ này đồng ý đưa cho bà Chunying một cây bút lông và một ít mực đỏ.

Bà Chunying cũng đã giảng chân tướng cho một tù nhân (không phải học viên) chịu trách nhiệm theo dõi mọi hành động của bà. Người này đã hỗ trợ bà Chunying để làm ra các tấm biểu ngữ.

Bà Chunying sau đó lấy một tờ giấy màu vàng, xé nó thành một mảnh rộng khoảng 30,5cm và dài khoảng 182cm. Nếu bị phát hiện khi đang làm việc này, hoặc khi đang giữ bút lông hay mực, có nghĩa là bà sẽ phải kéo dài thời gian thụ án. Vì vậy, bà Chungying phải tìm mọi cách để che giấu mọi thứ, mặc dù ở đây bà chẳng bao giờ có được bất kỳ sự riêng tư nào.

Thậm chí bà còn phải chịu đựng thêm nhiều áp lực hơn nữa. Con gái bà đã mang thai 6 tháng. Cô đã trì hoãn việc tổ chức lễ cưới vì muốn bà Chunying cũng có thể tham gia, và cô ấy muốn mẹ sẽ giúp mình chăm sóc con sau khi nó ra đời.

Với sự giúp đỡ của bạn cùng phòng giam, trong hơn 16 ngày, bà Chunying đã viết từng Hán tự trên biểu ngữ của mình. Đến ngày 20/7, tấm biểu ngữ đã hoàn thành, nhưng hôm đó trời mưa rất to cả ngày.

Bà Chunying thức dậy sớm vào sáng ngày 21/7 và mưa đã tạnh. Mọi thứ đều yên lặng. Bà đi lên phòng vệ sinh ở tầng 4, buộc tấm biểu ngữ của mình vào cửa sổ, để nó tự rủ xuống.

Và sau đó, trong hơn 30 phút vinh quang, mọi người ở Mã Tam Gia đều có thể nhìn thấy dòng chữ bằng mực đỏ trên nền màu vàng: “Pháp Luân Đại Pháp Hảo / Trời diệt Trung Cộng / Tam Thoái bảo Bình an”.

Các lính canh tranh nhau xé nát tấm biểu ngữ, và sau đó ngấm ngầm thực hiện một cuộc điều tra dữ dội. Nhưng dù cố gắng hết mức, họ cũng không thể tìm ra ai chịu trách nhiệm cho tấm biểu ngữ này.

Bà Chunying đã được thả ra đúng thời hạn, có thể tham dự đám cưới của con gái, và có mặt để đón đứa cháu ngoại mới chào đời.

Một cuộc diễu hành của các học viên Pháp Luân Đại Pháp (Pháp Luân Công) tại thành phố New York vào ngày 16/5/2019. (Larry Dai / The Epoch Times)
Một cuộc diễu hành của các học viên Pháp Luân Đại Pháp (Pháp Luân Công) tại thành phố New York vào ngày 16/5/2019. (Larry Dai / The Epoch Times)

Du Miên

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Washington Đêm ấy: Tưởng nhớ người đã khuất, giữ mãi một đức tin